![]() |
Gần 15 năm gắn bó với công tác đội, cô giáo Lê Lan Anh (sinh năm 1985, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Tân Kim, Phú Bình) luôn tràn đầy nhiệt huyết, không ngừng sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần đưa phong trào đội của đơn vị phát triển. Năm 2024, cô được nhận Giải thưởng Cánh én hồng - phần thưởng cao quý của Hội đồng Đội Trung ương.
![]() |
Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, năm 2006, cô giáo Lê Lan Anh về công tác tại Trường THCS Tân Kim, phụ trách giảng dạy môn Âm nhạc và Mỹ thuật. Năm 2011, cô được Ban Giám hiệu Nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ Tổng phụ trách Đội.
Lúc đầu đảm đương nhiệm vụ, cô Lan Anh khá bỡ ngỡ, lo lắng vì bản thân chưa được đào tạo nghiệp vụ công tác đội bài bản. Chính vì vậy, thời gian đầu cô khá lúng túng khi xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động đội.
Không vì khó mà nản, cô đã tự tìm tòi, nghiên cứu phương pháp tổ chức công tác đội, mô hình hoạt động đội tiêu biểu tại các địa phương trên Internet; đồng thời học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp đã từng làm tổng phụ trách tại đơn vị và các liên đội khác trên địa bàn huyện.
![]() |
Nhờ tinh thần cầu thị, ham học hỏi và sự quan tâm, tạo điều kiện của Ban Giám hiệu, cô Lan Anh đã vượt qua những khó khăn ban đầu và ngày càng say mê, yêu thích công tác đội. Có những thời điểm, cô thường xuyên đến trường sớm và về muộn để cùng với học sinh xây dựng kế hoạch, chuẩn bị cho các chương trình.
![]() |
Cô Lan Anh bộc bạch: Có những lúc tôi cảm thấy áp lực, nản chí vì phải cân bằng giữa công việc và gia đình. Bởi lẽ, hoạt động đội mất khá nhiều thời gian. Tôi thường xuyên đi sớm, về muộn để đôn đốc, theo dõi các hoạt động và ý thức rèn luyện của đội viên. Mỗi khi có các hoạt động lớn của Nhà trường và Liên đội, tôi phải thức khuya để xây dựng kế hoạch tổ chức.
Mặc dù giờ đây đã bước vào tuổi U40, trải qua gần 15 năm “đeo khăn quàng đỏ”, nhưng cô giáo Lan Anh vẫn tràn đầy năng lượng, không ngừng tìm tòi đổi mới, sáng tạo để tạo ra các sân chơi bổ ích, giúp đội viên rèn luyện kỹ năng, phát triển toàn diện.
![]() |
![]() |
![]() |
Công tác đội và phong trào thanh thiếu niên đóng vai trò quan trọng trong giáo dục ý thức, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Xác định được điều này, cô Lê Lan Anh thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng phong trào, thu hút đội viên, thiếu niên tham gia.
Hàng tháng, khi triển khai chủ đề hoạt động của Hội đồng Đội, thay vì chỉ tổ chức các buổi tuyên truyền, cô Lan Anh triển khai nhiều hoạt động mới, vừa mang tính giáo dục, vừa mang tính giải trí. Cụ thể như: sân khấu hóa, liên hoan văn nghệ, liên hoan các đội tuyên truyền măng non, thi rung chuông vàng...
![]() |
Hay trong các tiết sinh hoạt dưới cờ, nếu như trước đây, học sinh không quá hứng thú thì nay tiết học này lại được các em mong chờ nhất. Bởi lẽ, sau phần nghi thức và phát biểu của Ban Giám hiệu, cô Lan Anh đều đề xuất tổ chức các mini gameshow theo chủ đề từng tuần.
Trước khi tổ chức, thay vì cô tổng phụ trách tự xây dựng ý tưởng và chỉ đạo triển khai thì cô Lan Anh sẽ trao đổi với một số học sinh để lắng nghe mong muốn, ý tưởng về hình thức thực hiện. Từ đó xây dựng hoạt động phù hợp với sở thích theo lứa tuổi của các em. Đặc biệt, trong một số tuần, cô giao các chi hội chủ động xây dựng kịch bản chương trình, câu hỏi. Nhờ đó, học sinh có cơ hội được thể hiện sở trường, năng lực của bản thân, hứng thú tham gia hoạt động.
![]() |
Ngoài ý tưởng của bản thân, cô Lan Anh còn tích cực học hỏi mô hình, cách làm hay của các liên đội khác trong và ngoài huyện để áp dụng. Ví dụ như khi thực hiện phong trào kế hoạch nhỏ, trước đây, Liên đội chủ yếu yêu cầu đội viên thu gom giấy vụn để nộp. Sau khi học hỏi, cô Lan Anh đã chuyển sang hình thức đổi rác thải lấy cây xanh hay nuôi lợn nhựa tiết kiệm.
Hoặc khi tổ chức Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ cấp trường, thay vì yêu cầu tất cả học sinh cùng lên để trao quà thì cô Lan Anh gọi tên và vinh danh lần lượt từng em...
![]() |
Dưới sự dẫn dắt của cô, phong trào đội của Nhà trường ngày càng phát triển, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Liên đội Trường THCS Tân Kim luôn là liên đội vững mạnh. Cá nhân cô Lan Anh cũng được nhận nhiều Giấy khen, Bằng khen của Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn.
![]() |
![]() |
Ngoài công tác Đội, cô Lan Anh cũng là một tấm gương về sự tâm huyết, yêu nghề. Trong thời gian công tác, cô luôn chủ động nâng cao năng lực chuyên môn; học hỏi, nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy.
Với chuyên môn là giáo viên nghệ thuật, cô Lan Anh chú trọng kết hợp dạy học lý thuyết kèm với thực hành; tạo không khí vừa học, vừa chơi để học sinh được thỏa sức sáng tạo.
Đối với môn Âm nhạc, cô bố trí không gian lớp học mô phỏng 1 sân khấu trình diễn. Còn đối với môn Mỹ thuật, các em được thoải mái lựa chọn những hình tượng, chủ đề yêu thích để sáng tạo, thiết kế sản phẩm. Đồng thời khuyến khích, hướng dẫn học sinh trình bày tác phẩm bằng những vật liệu sẵn có theo mô hình 2D, 3D.
![]() |
Trong các buổi lên lớp, thay vì chỉ có cô giáo nói trên bục giảng, cô thường xuyên trao đổi với học sinh để vừa kiểm tra kiến thức, vừa khuyến khích học sinh chủ động nghiên cứu nội dung bài học. Ngoài ra, cô Lan Anh còn tích cực trau dồi kỹ năng công nghệ thông tin để xây dựng bài giảng hiện đại trình chiếu trên tivi. Từ đó giúp học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức, hứng thú với môn học.
![]() |
Ngoài nâng cao trình độ nghiệp vụ của bản thân, cô Lan Anh còn nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ những giáo viên trẻ. Cô tích cực dự giờ giảng của các đồng nghiệp trẻ, từ đó đánh giá những ưu điểm, hạn chế; chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp dạy học mới, hiệu quả. Nhờ vậy, cô được đồng nghiệp rất yêu quý và kính trọng.
![]() |
Với những nỗ lực, cố gắng không ngừng của bản thân, cô Lan Anh đã đạt được nhiều thành tích xứng đáng. Năm học 2018-2019 và 2021-2022, cô được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Thái Nguyên; đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh môn Mỹ thuật năm học 2023-2024. Từ năm học 2020-2021 đến 2023-2024, cô liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Có thể nói, tinh thần làm việc, nhiệt huyết “trồng người” của cô Lê Lan Anh là tấm gương sáng để các đồng nghiệp noi theo.
![]() |
![]() |