Ngành Kiểm sát Thái Nguyên:
Thi đua là động lực hoàn thành hiệu quả mọi nhiệm vụ

Phùng Đức Tiến, Viện trưởng Viện KSND tỉnh 11:50, 20/01/2023

Năm 2022, ngành Kiểm sát tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ chuyên môn, được suy tôn dẫn đầu Cụm thi đua số 4 (gồm các tỉnh: Thái Nguyên, Hoà Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Kạn) và vinh dự được nhận Cờ thi đua của Chính phủ. Đây là kết quả của việc triển khai đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả các phong trào thi đua, khen thưởng, tạo động lực phấn đấu của từng cá nhân, tập thể trong Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) 2 cấp của tỉnh.

Đồng chí Phùng Đức Tiến, Viện trưởng Viện KSND tỉnh, chủ trì giao ban định kỳ ngành Kiểm sát theo hình thức trực tuyến.

Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Viện KSND tỉnh Thái Nguyên luôn xác định công tác thi đua, khen thưởng là nhiệm vụ quan trọng. Do vậy, thời gian qua, việc quản lý, chỉ đạo, điều hành về thi đua, khen thưởng không ngừng được đổi mới; phong trào thi đua ngày càng cụ thể hóa; mục tiêu đi đúng hướng, trọng tâm và phù hợp với thực tế.

Hiện, ngành Kiểm sát Thái Nguyên có 18 đơn vị trực thuộc, được chia thành 3 cụm thi đua cấp huyện và 3 khối thi đua cấp phòng. Để tạo cơ sở cho việc xếp loại thi đua, bình xét khen thưởng khách quan, chính xác, Viện KSND tỉnh đã ban hành các văn bản quy định tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể theo bảng chấm điểm; tổ chức phát động và ký kết giao ước thi đua; kết hợp công tác thi đua với kiểm tra nhằm tạo sự công khai, minh bạch.

Thường trực Hội đồng thi đua, khen thưởng thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các phong trào thi đua để kịp thời tham mưu lãnh đạo Viện khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích, sáng tạo trong công việc. Việc khen thưởng không chờ tới kỳ sơ kết, tổng kết mới đưa ra bình xét mà tiến hành hằng ngày; trong cuộc họp giao ban tuần nội bộ Viện KSND tỉnh hay giao ban trực tuyến Viện KSND 2 cấp hằng tháng, trong các đợt kiểm tra, hướng dẫn của phòng nghiệp vụ với các đơn vị cấp huyện về công tác chuyên môn... Chính nhờ khen thưởng đúng lúc, kịp thời đã tạo hiệu ứng tích cực; góp phần tăng cường khối đoàn kết nội bộ, hỗ trợ nhau để hoàn thành nhiệm vụ.

Một điểm nhấn đáng chú ý khác là ngành Kiểm sát tỉnh Thái Nguyên thường xuyên chú trọng áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ khen thưởng đối với người lao động trực tiếp. Ngay từ đầu năm, Viện KSND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị động viên, khuyến khích cán bộ, kiểm sát viên, người lao động thực hiện đăng ký các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Quá trình tổ chức thực hiện, lãnh đạo các đơn vị thường xuyên kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn cán bộ, công chức là người lao động trực tiếp, nhằm nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ; chú trọng truyền đạt kinh nghiệm thực tiễn về nghiệp vụ, bồi dưỡng, xây dựng đối với những người lao động trực tiếp.

Các đồng chí được bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên tuyên thệ.

Khi bình xét khen thưởng đảm bảo nguyên tắc ưu tiên đối với cá nhân không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý. Số liệu đề nghị khen thưởng những năm gần đây cho thấy, tỷ lệ lãnh đạo quản lý của ngành Kiểm sát được khen thưởng mỗi đợt thi đua, tổng kết đều không quá 40%; trường hợp có sự cân nhắc, xem xét giữa các cá nhân có thành tích ngang nhau thì ưu tiên khen thưởng cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ.

Hằng năm, ngoài các phong trào thi đua do địa phương và Ngành phát động, Viện KSND tỉnh Thái Nguyên còn phát động những đợt thi đua ngắn hạn, nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi giữa các đơn vị, thúc đẩy tiến độ, nhịp độ hoàn thành chỉ tiêu công tác vào những giai đoạn “nước rút” trước khi sơ kết, tổng kết. Hoặc kịp thời nắm bắt những vấn đề nổi cộm, công tác trọng tâm, đột phá của năm để tổ chức phong trào thi đua với các tiêu chí riêng phù hợp với từng giai đoạn, phong trào.

Cụ thể: Năm 2021, phát động phong trào thi đua “chuyển đổi số”; “số hóa” hồ sơ vụ án hình sự; năm 2022, phát động phong trào thi đua phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu công tác, “về đích” trước Công văn 181 (công văn đôn đốc thực hiện công việc 6 tháng cuối năm 2022 của Viện KSND tỉnh).

Ngoài ra, ngành Kiểm sát tỉnh còn kết hợp giữa khen thưởng với tổng kết các cuộc thi về nghiệp vụ, nhằm tạo “sân chơi” bổ ích cho cán bộ và kiểm sát viên. Năm 2020, đơn vị tổ chức Cuộc thi viết “Xây dựng bài phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình”; năm 2021 tổ chức Cuộc thi “Xây dựng cáo trạng” và năm 2022 là Cuộc thi “Viết luận tội”... Thông qua các cuộc thi này đã lựa chọn được những cá nhân xuất sắc, tiêu biểu để khen thưởng. Từ đó tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, nhân tố mới.

Nhờ tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua, năm 2022, ngành Kiểm sát tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành đạt và vượt tất cả 6/6 chỉ tiêu, nhiệm vụ theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 96/2019/QH14 giao cho viện KSND cấp tỉnh.

Cụ thể: Kiểm sát 100% các trường hợp thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố; kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố; ban hành quyết định truy tố đúng thời hạn 100% số vụ án hình sự đã có kết luận điều tra đề nghị truy tố (vượt 10% chỉ tiêu); đảm bảo truy tố bị can đúng tội đạt 99,9% (vượt 4,9%); tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm được toà án chấp nhận đạt 100% (vượt 30%). Đồng thời, hoàn thành đạt và vượt 123/130 chỉ tiêu nghiệp vụ của Ngành; không phát sinh 7/130 chỉ tiêu.

Phát huy những kết quả đạt được, ngành Kiểm sát tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng. Trước hết là tập trung tổ chức quán triệt, học tập và thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương liên quan công tác thi đua, khen thưởng. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng bám sát nội dung đổi mới của hoạt động nghiệp vụ kiểm sát; đổi mới biện pháp tổ chức, nội dung và hình thức thi đua phong phú, đa dạng thu hút đông đảo cán bộ, công chức tham gia.

Đặc biệt, công tác thi đua, khen thưởng trong hai cấp sẽ tiếp tục gắn kết chặt chẽ với phong trào chung của tỉnh, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.