Hơn 1 năm kể từ ngày xóm Đèo Khê, xã Tân Kim (Phú Bình) có điện, cuộc sống của người dân đã thay đổi nhiều. 50ha đất trồng lúa vụ chiêm của xóm đã cơ bản được cấy hết diện tích thay vì chỉ cấy được 40% như trước kia, năng suất nhờ đó mà tăng từ 1,3-1,4 tạ/sào lên 1,6 tạ/sào. Xóm đã lắp được 2 cụm loa truyền thanh. Mỗi lần triển khai họp xóm, trưởng xóm không phải quấn sách để gọi từng hộ dân nữa...
Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến là nhà anh Đinh Huy Cường Bí thư Chi bộ. Đón chúng tôi với tình cảm thân tình như những người thân lâu ngày gặp lại, vừa bật chiếc quạt điện, anh Cường vừa nhắc: Lần trước các chị đến, vợ chồng tôi phải ì ạch mãi mới chạy được máy nổ. Lần này thì khác rồi. Chỉ cần bật nút là quạt chạy liền. Nhà nào trong xóm giờ cũng có 3-4 cái quạt. Tôi cũng mới sắm chiếc quạt trần này hồi đầu hè. Không nhà nào không có ti vi; 70% gia đình nấu cơm bằng nồi cơm điện; khoảng 98% gia đình dùng điện thoại cố định gần 30 hộ mua được tủ lạnh. Nhà dùng nhiều mỗi tháng hết hơn trăm số điện, nhà dùng ít hết khoảng 50-60 số. Tính ra, dùng điện rẻ hơn dùng dầu hỏa rất nhiều. Anh Cường cũng cho biết thêm, từ ngày có điện, các gia đình ở đây có điều kiện để đầu tư chăn nuôi và trồng trọt. Trước đây, nhà nhiều nhất của xóm chỉ nuôi được 20 con lợn thì nay đã nuôi tới 50-60 con; trước cả xóm chỉ có 1-2 hộ mạnh dạn nuôi gà với số lượng lớn thì nay đã có trên 20 hộ nuôi trên 1 nghìn con/lứa trở lên, khoảng 20 hộ khác nuôi từ 200-300 con/lứa. Cũng nhờ có điện, mà 50ha đất trồng lúa vụ chiêm của xóm đã cơ bản được cấy hết diện tích thay vì chỉ cấy được 40% như trước kia do bà con đã có điều kiện sử dụng máy bơm để dẫn nước vào những chân ruộng cạn và năng suất cũng được tăng từ 1,3-1,4 tạ/sào lên 1,6 tạ/sào. Xóm đã lắp được 2 cụm loa truyền thanh. Mỗi lần triển khai họp xóm, trưởng xóm không còn phải quấn sách để gọi từng hộ nữa. Chỉ những hộ ở xa, loa không tới được, trưởng xóm mới phải đến tận nhà để thông báo. Các cuộc họp xóm nhờ đó đã được người dân nắm bắt được nhanh hơn, đi họp đầy đủ, đúng giờ hơn.
Anh Cường nói: Đường điện của Đèo Khê giờ khỏe nhất xã. Điện được kéo từ trạm điện của xã Tân Thành. Trừ những ngày cao điểm bị cắt luân phiên, còn bình thường, điện ở đây rất đảm bảo. Có điện, 4 hộ trong xóm đã mua máy xát về xát lúa thuê, 1 hộ mở nghề ấp trứng, 1 hộ mở xưởng mộc… Việc mua bán một số mặt hàng của người dân trong xóm trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn.
Ngay như nhà anh Cường, trước đây, cũng chỉ dám nuôi nhiều nhất 500 con gà/lứa và tối đa cũng chỉ nuôi được 2 lứa/năm. Nhưng kể từ ngày có điện, gia đình anh đã nuôi 1.500 - 2.000 con/lứa. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, anh đã xuất được 3 lứa gà thịt. Ngoài ra, anh còn nuôi 30-40 con lợn/lứa, 100 con vịt thịt, 100 con vịt đẻ. Nhờ đó, thu nhập của gia đình anh tăng lên rõ rệt, gấp nhiều lần so với trước. Hơn 1 năm qua, anh không còn phải đi úm gà nhờ, không phải xách từng xô nước để tắm rửa cho lợn…
Anh Lê Văn Thành, một trong hai chủ xưởng mộc của xóm cũng là người cảm nhận rõ rệt hiệu quả từ ngày xóm có điện. Trước kia, xưởng mộc của anh rất nhỏ, chuyên đóng những đồ gia dụng bình dân, thế nhưng mỗi ngày cũng tiêu tốn khoảng 70-100 nghìn đồng tiền dầu để chạy các loại máy. Nay, quy mô nhà xưởng của anh đã mở rộng gấp 3 lần, trong khi đó, mỗi ngày anh chỉ mất khoảng 20 nghìn tiền điện. Giá đầu vào giảm nên giá thành sản phẩm của anh cũng giảm theo. Thời gian làm việc trong ngày của thợ cũng được kéo dài hơn, chứ không phải chỉ đến 5 giờ như trước đây do thiếu ánh sáng. Còn với gia đình chị Chu Thị Quyên, nhờ có điện mà ý định mở lò ấp trứng bây lâu nay của gia đình chị mới thực hiện được. Nếu trước đây, thu nhập chính của anh chị là từ mấy sào ruộng thì nay mỗi tháng, tiền lãi từ 2 lò ấp trứng cũng cho anh chị mức thu trên 3 triệu đồng/tháng.
Có điện, các cháu cụm Trường Mầm non Đèo Khê cũng được chăm sóc tốt hơn. Không còn cảnh các cô giáo phải thay nhau xách từng thùng nước để nấu cơm, rửa mặt cho các cháu. Cảnh học sinh nằm ngoài hiên trong những ngày nắng nóng cũng đã được khắc phục…
Sự thay đổi trong 1 năm qua được nhiều người dân trong xóm ví bằng sự thay đổi cả chục năm trước cộng lại. Tỷ lệ hộ nghèo nhờ đó cũng đã giảm đáng kể. Anh Cường cho biết: Trong số 35 hộ nghèo hiện tại, có 12 có khả năng thoát được nghèo trong năm nay.
Tuy vậy, không phải đã hết những khó khăn mà người dân Đèo Khê hàng ngày phải trải qua. Con đường đất chưa nắng đã bụi, chớm mưa đã lầy vẫn đang là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây và với những ai có dịp qua đó, dẫu rằng, hàng năm, bà con đều góp công, góp của để cải tạo, sửa chữa. Vì đường khó đi mà giá bán nông sản của người dân cũng rẻ hơn từ 2-3 giá so với những xóm ở trung tâm xã. Có thời điểm mưa kéo dài, nhiều hộ chăn nuôi phải cho gia súc, gia cầm ăn cầm chừng vì ngay cả ô tô gầm cao cũng không thể vào được; học sinh phải nghỉ học trong những ngày mưa to…