Khoảng 10 nghìn tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng dịp Tết Nguyên đán 2023

Theo NDĐT 16:30, 29/01/2023

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, khoảng 10 nghìn tỷ đồng đã được dành để tặng quà cho các đối tượng. Kinh phí này huy động từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vận động xã hội.

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, lãnh đạo tỉnh Hà Nam tặng quà gia đình chính sách tại huyện Lý Nhân nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, lãnh đạo tỉnh Hà Nam tặng quà gia đình chính sách tại huyện Lý Nhân nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.

Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 1 năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho biết, theo thông tin của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong dịp Tết Nguyên đán, kinh phí tặng quà cho các đối tượng từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn vận động xã hội có tổng kinh phí khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Trong số này, ngân sách Trung ương dành khoảng 600 tỷ đồng, ngân sách địa phương dành hơn 3.200 tỷ đồng.

Công tác bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán Quý Mão cho người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn đã được thực hiện hiệu quả, vui tươi, đầm ấm, thiết thực.

Về công tác chăm lo Tết cho người có công với cách mạng, Chủ tịch nước tặng quà cho hơn 1,5 triệu đối tượng với tổng kinh phí hơn 460,6 tỷ đồng. Mức quà tặng của Chủ tịch nước tặng người có công với cách mạng có hai mức: 600 nghìn đồng và 300 nghìn đồng.

Chính quyền địa phương các cấp cũng tích cực, chủ động bố trí ngân sách hoặc vận động nguồn lực xã hội tặng hơn 3 triệu suất quà tết cho người có công với cách mạng, với tổng kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng,

Về công tác hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và giáp hạt năm 2023, tính đến ngày 25/1/2023, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Tài chính rà soát, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 6 quyết định hỗ trợ hơn 18 nghìn tấn gạo cứu đói cho gần 200 nghìn hộ với 1,2 triệu nhân khẩu dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và giáp hạt năm 2023 cho 17 tỉnh.

Các địa phương cũng chủ động bố trí ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ hơn 1.500 tấn gạo cho các hộ nghèo, cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn.

Về công tác hỗ trợ Tết cho các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và trẻ em, thực hiện hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các địa phương đã hỗ trợ, tặng quà tết cho 3,6 triệu đối tượng bảo trợ xã hội, 10 triệu người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và chúc thọ, mừng thọ hơn 1 triệu người cao tuổi. Ngoài nguồn lực từ ngân sách các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp cũng có nhiều hoạt động trợ giúp người nghèo ăn Tết.

Về công tác chăm lo Tết cho người lao động, theo số liệu chưa đầy đủ, tổng kinh phí chăm lo cho đoàn viên, người lao động, các cấp công đoàn tạm tính chi từ nguồn tài chính công đoàn khoảng 1.954 tỷ đồng. Nguồn kêu gọi xã hội hóa ủng hộ nguồn kinh phí chăm lo cho đoàn viên, người lao động hơn 2.627 tỷ đồng.

Tổng cục Thống kê cũng cho hay, khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư tháng 1 năm 2023 tiếp tục được cải thiện. Tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng không thay đổi và tăng lên so với tháng cùng kỳ năm trước là 92,9%; tỷ lệ hộ đánh gia đình có thu nhập giảm là 7,1%.

Các hộ đánh giá có thu nhập giảm cho rằng, những nguyên nhân chính làm cho thu nhập giảm là: 31,7% hộ gia đình có thành viên mất việc làm/tạm nghỉ việc; 31,7% hộ đánh giá do chi phí đầu vào cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ tăng và 26,5% hộ đánh giá do giá bán các sản phẩm từ các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ giảm.

Về tác động của các sự kiện tiêu cực đến đời sống trong tháng đầu năm 2023, các hộ gia đình đánh giá: 39,6% hộ đang phải chịu những ảnh hưởng do giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao; 13,9% hộ gia đình chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh đối với con người.

Trong tháng đầu năm 2023, có khoảng hơn 12% hộ gia đình được phỏng vấn nhận được sự trợ giúp từ các nguồn hỗ trợ khác nhau.

Cụ thể, tỷ lệ hộ nhận được trợ giúp từ các chương trình, chính sách chung của quốc gia là 4,1%; từ họ hàng, người thân là 7,6%; từ các chương trình, chính sách của địa phương là 4,1%; từ các hoạt động từ thiện của các tổ chức và cá nhân khác là 2,1% và từ các nguồn khác là gần 0,02%.