Lặng nghe ông kể chuyện Điện Biên

Xuân Anh 15:50, 26/04/2024

Qua mấy lần hỏi đường, chúng tôi cũng tìm được nhà chiến sĩ Điện Biên Quản Văn Tại trong ngõ 865, đường Dương Tự Minh, phường Quang Vinh, TP. Thái Nguyên. 96 tuổi đời, 75 tuổi Đảng, nhưng ông Tại vẫn còn minh mẫn. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn nghe kể về chiến thắng Điện Biên Phủ, một thời hoa lửa trong ông đã tìm về dắt chúng tôi vào lịch sử…

Chiến sĩ Điện Biên Quản Văn Tại (người ngồi giữa áo trắng) kể chuyệ Điện Biên cho con, cháu nghe
Chiến sĩ Điện Biên Quản Văn Tại (người ngồi giữa áo trắng) kể chuyện Điện Biên cho con, cháu nghe

Lần đầu tiên trong đời hô pháo bắn

Khi chúng tôi bước chân vào căn nhà số 5 của ông Tại thì trên ti vi đang vang lên bài hát Chiến thắng Điện Biên với âm hưởng hào hùng. Anh Quản Văn Từ, con trai ông Tại vừa pha trà, vừa bảo: Ông thường xuyên kể chuyện Điện Biên cho con, cháu trong nhà nên chúng tôi gần như thuộc, rồi lát nữa ông sẽ kể cho các chị nghe.

Biết ông tham gia trận đánh đồi Him Lam nên khi ông hỏi muốn nghe chuyện nào, chúng tôi cùng đề nghị ông kể về trận đánh ấy. Nhắc đến trận đánh mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, mắt ông Tại bừng sáng, ông kể: Xế chiều ngày 13, trung đội pháo của ông (Trung đoàn 675, Đại đoàn công pháo 351) đã chiếm xong trận địa. Trong căn hầm dã chiến mọi người bình tĩnh lắp đặt pháo, cẩn trọng lấy phần tử xạ kích, chuẩn bị pháo, làm mọi công tác chuẩn bị chiến đấu. Lúc ấy, ông đứng cạnh máy điện thoại nghĩ về nhiệm vụ sắp tới làm sao để nhận lệnh cấp trên chuẩn xác, kiểm tra soát xét động tác của pháo thủ cho đúng và nhanh, làm sao để cho những viên đạn 120 ly như những quả bom này rơi đúng mục tiêu.

Khoảng 17 giờ trận đánh bắt đầu, pháo của ta đồng loạt nhả đạn. Bắn - lần đầu tiên trong đời ông được hô pháo bắn vào đồn giặc. Đạn của trung đội ông hòa với đạn pháo các cỡ tới tấp bay vào đồn địch. Các pháo thủ thao tác sầm sập, những tiếng nổ rung trời, lở đất. Đồi Him Lam ngút ngàn khói lửa. Cùng với tiếng nổ của pháo binh ta, pháo binh không quân của địch bắn phá, bỏ bom loạn xạ, khói lửa mịt mù. Nhiều điểm nổ vây quanh ông và đồng đội, nhưng tất cả vẫn tập trung tinh thần sức lực thao tác thật nhanh, chính xác. Mọi động tác khớp nhau, cốt sao bắn trúng hầm hào, lô cốt, ụ súng của địch. Một máy bay khu trục bổ nhào vào khu vực trận địa của ta, bị pháo cao xạ của ta bắn trực tiếp phải nhao lên cao trông bé tý. Sau khi bắn chi viện cho bộ binh chiến đấu trong chiến hào địch có hiệu quả, trung đội của ông được lệnh ngừng bắn và được thông báo: Pháo binh ta bắn rất chính xác, phá hủy nhiều hầm hào, ụ súng, điện đài của địch. Loạt đạn đầu tiên rơi đúng hầm chỉ huy, làm cho viên trung tá chỉ huy trưởng và 2 sĩ quan tham mưu tử trận.

Đến gần nửa đêm, quân ta làm chủ cả ba cứ điểm trên đồi Him Lam. Ông và đồng đội mừng vui khôn xiết trước thắng lợi nhưng cũng vô cùng xúc động khi nghe tin bộ binh chiến đấu. Đặc biệt là tấm gương dũng cảm của Tiểu đội trưởng Phan Đình Giót áp mình vào lỗ châu mai để đồng đội tiến vào đồn địch.

23 giờ 30 phút, tư lệnh Lê Trọng Tấn báo cáo về Bộ Chỉ huy chiến dịch: Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ, tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, diệt 300 tên, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí trang bị. Trận mở màn kết thúc thắng lợi. Trời tờ mờ sáng, trung đội ông được lệnh hành quân. Bất chấp đường trơn, ông và đồng đội khiêng pháo cấp tốc lên đường đánh trận tiếp theo: Đồi Độc Lập cũng là một trung tâm đề kháng không thua kém gì Him Lam, thậm chí còn có điểm mạnh hơn, sau 1 ngày chiến đấu ác liệt, quân ta tiêu diệt được.

Văn vần kể về chiến thắng

Ông Tại kết thúc hồi ức về trận Him Lam cũng là lúc chị Quản Thị Hồng Vân, con gái ông bước vào nhà. Đã quen với việc kể chuyện của bố, chị Vân kéo ghế ngồi bên, rồi khoe: Ông còn kể chuyện Điện Biên bằng văn vần nữa đấy. Minh chứng cho lời em gái, anh Từ mang ra một cuốn sách mỏng: Nó đây. Cầm trên tay cuốn sách có tựa đề: “Chiến thắng Điện Biên chuyện kể bằng văn vần”, chúng tôi cùng lật giở. Với hơn 300 câu văn văn vần, ông Tại kể từ chiến dịch mở màn ngày 13-3 đến chiều hè lịch sử 7-5... Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với những câu ông Tại nhắc đến quyết định chuyển phương án tác chiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Hỏi xem có chắc thắng không/Chắc thắng thì đánh mà không thì ngừng/Quyết tâm đánh địch không dừng/Đánh là phải thắng chứ đừng phiêu lưu… Đây là quyết định khó khăn nên: Đại tướng ruột rối bời bời/Khó khăn bậc nhất cuộc đời chỉ huy/Đêm qua thức trắng nghĩ suy/Đánh nhanh thắng gấp hiểm nguy khôn lường…

Sau khi Đại tướng quyết định thay đổi phương án tác chiến, quân ta được lệnh kéo pháo ra, ông Tại mô tả: Giờ G. vun vút cận kề/Đại tướng ra lệnh một bề lui quân/Cán bộ và mọi quân nhân/Răm rắp chấp lệnh về căn cứ mình/Gian nan các cỗ pháo binh/Kéo vào anh Chức hy sinh thân mình/Kéo ra anh Diện hy sinh/Các anh đã lấy thân mình cứu nguy…

Những câu văn vần của ông Tại đưa người đọc vào Chiến dịch Điện Biên năm xưa với nhất nhiều trường đoạn, không chỉ là các trận chiến đấu của quân đội ta mà cả công tác chuẩn bị cho chiến dịch: Dân công mấy chục vạn người/Từ nơi hậu tuyến xa rời nhà riêng/Đi làm nhiệm vụ thiêng liêng/Tiếp sức quân đội Điện Biên kịp thời…

Lý giải về sự ra đời của “Chiến thắng Điện Biên chuyện kể bằng văn vần”, ông Tại bảo: Ông kể chiến thắng bằng văn vần với mong muốn các thế hệ sau dễ nhớ về lịch sử hào hùng của cha ông ta.

Rời căn nhà tràn ngập tiếng cười của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, chúng tôi được biết thêm thông tin vui: nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, gia đình ông Tại đã gửi “Chiến thắng Điện Biên chuyện kể bằng văn vần” dự Giải Báo chí Diên Hồng thứ II của Quốc hội. Theo Thể lệ của Giải, tác phẩm không đủ điều kiện tham gia, nhưng cho rằng đây là tài liệu lịch sử quý, nhóm Thư ký - Biên tập Ban Chỉ đạo và tổ chức giải đã gửi tác phẩm này đến Báo Quân đội Nhân dân, Truyền hình Nhân dân để phục vụ công tác tuyên truyền 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cán bộ tiền khởi nghĩa, Chiến sĩ Điện Biên Quản Văn Tại sinh năm 1928 ở Hà Nam. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ ông chuyển về Thái Nguyên. Ông nguyên là Trưởng phòng giáo dục TP. Thái Nguyên, nguyên Bí thư Đảng ủy Bệnh viện A Bắc Thái. Ông viết nhiều bài báo và xuất bản nhiều đầu sách văn học, như: Bến Đậu - Tiểu thuyết, NXB Văn học - 2012; Đường sáng - Tiểu thuyết, NXB Lao động - 2013; Chớ ngã tay chèo - NXB Hội Nhà văn - 2020…