Dưới chân dãy Pú Huốt

Hữu Minh (TP. Thái Nguyên) 10:43, 25/04/2024

Khi trò chuyện với chị phụ nữ dân tộc Thái có cái tên rất đẹp: Lò Thị Tiên về dãy núi Pú Huốt mà xã Mường Phăng tựa lưng, uống nguồn nước mát; Sở Chỉ huy của tướng Giáp được dãy núi che chở thì trong tôi có so sánh và khẳng định: Dù ở căn cứ hay ngoài chiến trường, tư tưởng Hồ Chí Minh đều được vận dụng sáng tạo. Bên Định Hóa, cơ quan của Chính phủ kháng chiến đều đóng dưới chân dãy Núi Hồng, với tiêu chí của Bác: “Trên có núi, dưới có sông/Có đất ta trồng, có bãi ta chơi/Tiện đường sang Bộ Tổng… /Gần dân, không gần đường… Còn tại Điện Biên, Chỉ huy tối cao đặt ở Mường Phăng, được dãy Pú Huốt che chở, thật tuyệt hảo…

Ảnh: Nguyên Ngọc
Rừng núi Pú Huốt, xã Mường Phăng (TP. Điện Biên). Ảnh: Nguyên Ngọc
Không thể không nhắc đến Mường Phăng khi nói về Điện Biên, cũng không thể bỏ qua dẫy Pú Huốt sừng sững,trên đỉnh đặt Trạm quan sát - vì đây là nơi đặt Sở Chỉ huy - cơ quan đầu não của Chiến dịch Điện Biên Phủ trong 105 ngày (từ 31/1-15/5/1954). Trước đó, địa điểm thứ nhất của Sở Chỉ huy đặt tại hang Thẩm Púa (xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo) cách đó dăm chục cây số trong 32 ngày và địa điểm thứ 2 đặt tại bản Huổi He (xã Nà Tấu) với thời gian 13 ngày.

Những ngày tháng Tư, cùng dòng người đông đúc, chúng tôi - những người làm báo đã đến rừng Mường Phăng, còn có tên gọi khác là “Rừng Đại tướng”. Vẫn chị Lò Thị Tiên chia sẻ với đoàn: Nhà báo cố một lần leo lên đỉnh Pú Huốt, trên ấy có “Trạm quan sát”, lên ấy rồi thì cách đồng Mường Thanh chỉ gọn như trong lòng một chiếc chảo… Quả vậy, từ đỉnh núi thời ấy là trạm quan sát đưa thông tin truyền xuống… Mọi hoạt động của địch ở lòng chảo Điện Biên rõ như ban ngày. Dưới chân dẫy Pú Huốt là khu rừng già, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng với Bộ Chỉ huy chiến dịch đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định đến thắng lợi của từng trận đánh mà đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận vào ngày 7/5/1954. Quân ta đã bắt sống và tiêu diệt 16.200 tên địch buộc giặc đầu hàng, giải phóng.

Tác giả bên căn lán ngủ của điện báo viên Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tác giả bên căn lán ngủ của điện báo viên Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

70 năm rồi, bây giờ Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được bố trí dọc theo con suối nhỏ chạy quanh chân núi Pú Huốt, trên diện tích rừng tự nhiên khoảng 90 cây số vuông với hệ thống chỉ huy và phòng thủ dã chiến, gồm các hầm hào, lán trại liên hoàn được làm bằng những vật liệu đơn sơ như cây tre, luồng, lá móc, lá gồi... có sẵn tại khu rừng Pú Huốt, giúp tái hiện điều kiện tác chiến và bảo đảm bí mật, an toàn cho Bộ Chỉ huy chiến dịch. Nằm ở trung tâm Sở Chỉ huy chiến dịch tại Mường Phăng là hệ thống lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt thời gian 105 ngày. Trong hồi ký :“Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng viết: Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, với tư cách là Tổng Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch, tôi đã phải đưa ra một quyết định lịch sử. Đó là quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Sau này Đại tướng đã chia sẻ đó là “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời tôi”…

Chủ tịch UBND xã Mường Phăng (TP. Điện Biên) Lò Văn Hợp dịp này rất bận. Tuy vậy, anh và các cộng sự của chính quyền Mường Phăng luôn tạo điều kiện để báo chí, truyền hình, các đoàn làm phim được tiếp cận cái mới, cái thay đổi của quê hương. Ông chia sẻ: Cán bộ và bà con các dân tộc xã Mường Phăng luôn gìn giữ, bảo vệ rừng núi Pú Huốt và xem đây là khu rừng thiêng. Ngoài giá trị lịch sử trường tồn còn là một trong những khu bảo tồn tự nhiên đa dạng với nhiều loài động thực vật quý hiếm… Chị Lò Thị Tiên thì kể: Không ít người dân Mường Phăng ngoài cấy cày ruộng nước cũng tranh thủ nông nhàn vào rừng tìm củ mài, cây mú từn, các cây thuốc quý, hiếm bán cho du khách kiếm thêm thu nhập. Nhưng, tuyệt nhiên không phá rừng, đó là lời nguyền của bản mường với rừng thiêng...

Mường Phăng mấy năm gần đây đã thay đổi rất nhiêu. Hơn năm nghìn người của 20 bản cư trú trên địa bàn rộng tới 35 cây số vuông quả thật khá thưa vắng. Nhà nước đầu tư cho Khu di tích Mường Phăng khá chu đáo, tiệm cận dần cho việc lưu giữ một phần lịch sử. Giao thông đã khá tốt và có xu hướng hiện đại dần bên cạnh truyền thống đồng bào Thái được bảo vệ và lưu giữ tốt. Phát triển du lịch lịch sử và du lịch sinh thái đã khá hài hòa. Hồ Pá Khoang trong xanh, hiền hòa, giữa lòng hồ, đảo Hoa anh đào khoe sắc thắm luôn thu hút khách thăm. Hồ thủy lợi Loọng Luông được xây dựng để lấy nước cho người dân sản xuất phát huy tốt tác dụng. Người dân nơi đây luôn khắc ghi lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn khi về thăm Mường Phăng lần cuối cách đây 20 năm, đó là “Phải tập trung xóa đói, giảm nghèo, phải cho con em mình học hành đến nơi đến chốn và giữ gìn đoàn kết các dân tộc!” Ngay cạnh Khu di tích là các bản văn hóa truyền thống người Thái với những nếp nhà sàn đơn sơ, độc đáo, đậm nét và văn hóa bản mường đặc sắc.

Xây dựng nông thôn mới ở Mường Phăng có yếu tố hiện đại và khéo léo gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Giao thông đồng bộ, các trục đường liên xã được mở rộng, trải nhựa. 100% tuyến đường nội bản, liên bản được bê tông hóa kiên cố. Các công trình thủy lợi liên tiếp được đầu tư. Hệ thống trường học 3 cấp được đầu tư khang trang với đầy đủ trang thiết bị dạy và học; 100% bản được sử dụng điện lưới Quốc gia. Nếu như tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 chiếm hơn 42% thì đến nay toàn xã chỉ còn 4 hộ nghèo, hết năm nay xã sẽ không còn hộ nghèo.

Dẫy Pú Huốt xưa rừng già rậm rạp che chở bộ đội, vây ráp giặc xâm lăng. Pú Huốt nay vẫn vẹn nguyên và ngày đêm cung cấp nguồn nước mát, môi trường sinh thái trong lành cho cánh đồng Mường Thanh, cho Mường Phăng, cho cả Điện Biên. Và tôi rời Mường Phăng lần này với một phát hiện mới về Pú Huốt.