Nhiều giải pháp để hiện thực hóa các mục tiêu

​​​​​​​Thu Hằng 17:12, 24/04/2024

Năm 2024 là năm “tăng tốc” thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 (gọi tắt là Nghị quyết), cũng là năm phải “gồng gánh” một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng đã đạt thấp trước đó. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra đối với tỉnh khá nặng nề. Để hiểu rõ hơn về việc thực hiện các chỉ tiêu này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí (Đ/c) Trần Quang, Cục trưởng Cục Thống kê.

Để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch về giá trị sản xuất công nghiệp cả năm là 1,055 triệu tỷ đồng, 9 tháng còn lại, sẽ phải đạt khoảng 853 nghìn tỷ đồng.
Để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch về giá trị sản xuất công nghiệp cả năm là 1,055 triệu tỷ đồng, 9 tháng còn lại, sẽ phải đạt khoảng 853 nghìn tỷ đồng.

P.V: Trước tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến một số chỉ tiêu KT-XH quan trọng của tỉnh qua 3 năm thực hiện Nghị quyết không đảm bảo theo kế hoạch. Thực trạng này đã dồn áp lực lên năm 2024 như thế nào, thưa đồng chí?

Đ/c Trần Quang: Một số mục tiêu quan trọng được Nghị quyết xác định đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt từ 8%/năm trở lên; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân từ 9% trở lên… Tuy nhiên, bình quân 3 năm qua, GRDP chỉ đạt khoảng 6,7%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp cũng không đạt như kỳ vọng... Do đó, năm 2024 và 2025, GRDP cần phải đạt trên 10% và tăng mạnh về giá trị sản xuất công nghiệp.

Trước thực tế này, trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ, tỉnh sẽ phải dốc toàn lực để thực hiện các mục tiêu. Trước mắt, năm nay, phải phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế, trong bối cảnh khả năng phục hồi của một số khu vực chưa rõ ràng; động lực tăng trưởng mới của tỉnh còn hạn chế, nhất là khu vực công nghiệp. Quý I/2024, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ tăng khoảng 6% (mục tiêu cả năm là 8,5%, tương đương 1,055 triệu tỷ đồng). Vì thế, 9 tháng còn lại, khu vực công nghiệp phải đạt khoảng 853 nghìn tỷ đồng, tương đương mỗi quý tăng trên 9% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 40% so với quý I. Đây không chỉ là áp lực đối với khu vực công nghiệp, mà còn tác động trực tiếp đến việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2024. Ngoài ra, ở khu vực dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ những tháng đầu năm nay cũng chưa có dấu hiệu phục hồi, cũng sẽ tác động đến GRDP của tỉnh.

P.V: Qua kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm quý I, đồng chí có thể cho biết đâu là những điểm sáng trong bức tranh KT-XH của tỉnh và dự báo khả năng thực hiện trong năm nay, nhất là đối với một số chỉ tiêu quan trọng?

Đ/c Trần Quang: Trong quý I, mặc dù GRDP của tỉnh chỉ đạt 5,15%, trong khi mục tiêu cả năm là 7%, song trong điều kiện sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; động lực tăng trưởng mới của tỉnh chưa rõ ràng, thì đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế dương là thành công bước đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Có được kết quả này phải kể đến một số khu vực kinh tế của tỉnh đã có tín hiệu khởi sắc như công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất khẩu… Đây sẽ là động lực tiếp đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo. Cụ thể là: Trong tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I, khu vực công nghiệp tăng 5,45%, đóng góp 2,8 điểm % trong mức tăng trưởng chung; so với bình quân chung của năm 2023 (3,8%), quý I/2024 tăng cao hơn gần 1,7 điểm %, còn so với cùng quý năm 2023 (5,36%) tăng hơn gần 0,1 điểm %. Chủ lực trong ngành công nghiệp của tỉnh vẫn là công nghiệp chế biến chế tạo, với tốc độ tăng 5,76%, đóng góp 2,63 điểm % trong tốc độ tăng trưởng chung.

Ngoài sự đóng góp của khu vực công nghiệp, lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh tiếp tục đạt kết quả tốt, với tốc độ tăng thêm trong quý I khoảng 3,93%, đóng góp 0,4 điểm % trong tốc độ tăng trưởng chung. So với cùng quý trong 2 năm trở lại đây, quý I năm nay có tốc độ tăng cao hơn (năm 2022 tăng 3,76%, năm 2023 tăng 3,82%).

P.V: Trước bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, Cục đã và sẽ tham mưu cho UBND tỉnh như thế nào để các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh năm nay đạt kết quả cao nhất?

Đ/c Trần Quang: Ngoài việc “vẽ bức tranh kinh tế” hàng tháng, quý, năm thể hiện qua các chỉ tiêu thống kê, Cục Thống kê tỉnh còn dự báo, tham mưu, đề xuất một số giải pháp với tỉnh để thực hiện tốt các chỉ tiêu như: Dự thảo những kịch bản tăng trưởng kinh tế theo từng quý, 6 tháng, 9 tháng; dự báo những khó khăn của khu vực doanh nghiệp FDI tác động đến tăng trưởng của tỉnh; đề xuất cho lãnh đạo tỉnh một số giải pháp trong điều hành phát triển kinh tế. Đơn cử như với khu vực nông nghiệp, xác định cây trồng vật nuôi trọng điểm để chỉ đạo, khuyến khích các địa phương chú trọng đầu tư sản xuất; tiếp tục chú trọng đầu tư công để lấy động lực cho tăng trưởng kinh tế (ưu tiên các dự án sắp hoàn thành; sớm đưa vào sử dụng, các dự án có quy mô lớn, có tiềm năng mở rộng quy mô sản xuất); tiếp tục có chính sách thu hút vốn FDI; chỉ đạo các sở, ngành tham mưu giải pháp kích cầu tiêu dùng, vì lĩnh vực thương mại, dịch vụ luôn được xác định là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tốt nhất, có sức lan tỏa đến các ngành kinh tế khác...

Năm 2024 là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm giai đoạn 2021-2025. Do đó, tỉnh phải dốc toàn lực cho chặng đường về đích này. Đây có thể là những thuận lợi mang tính chủ quan, nhưng cũng là áp lực lớn cho hoạt động kinh tế của tỉnh.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!