Một thời “nắm thắt lưng địch mà đánh”

Mai An 08:31, 20/04/2024

25 năm phục vụ trong Quân đội, được tặng thưởng 10 huân chương các loại, được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ Quyết thắng… Từng ấy thành tích được điểm lại là minh chứng rõ nét nhất cho những đóng góp của ông Nguyễn Hữu Vượng (ở tổ dân phố 1, phường Chùa Hang, TP. Thái Nguyên) trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù chiến tranh đã trôi qua mấy mươi năm, nhưng khi trò chuyện với ông Vượng, chúng tôi như được chứng kiến câu chuyện của một thời “lửa đạn”…

Ông Nguyễn Hữu Vượng (bên trái) gặp mặt đồng đội tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Hữu Vượng (bên trái) gặp mặt đồng đội tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ra đi giữ trọn lời thề

Trong căn nhà đơn sơ ở phường Chùa Hang, giọng ông vang lên sang sảng: Tôi sinh năm 1945, ở huyện Mê Linh, nay thuộc TP. Hà Nội. Đến năm 11 tuổi, tôi theo bố mẹ đến Thái Nguyên sinh sống. Năm 18 tuổi, tôi viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ.

Ông Vượng nhớ lại: Thời đó, lớp thanh niên cùng tuổi với tôi đều bừng bừng khí thế lên đường nhập ngũ. Tôi cũng xung phong vào bộ đội, không phải vì theo phong trào mà là khát khao đánh đuổi đế quốc, giải phóng miền Nam. Cánh chúng tôi bấy giờ ai ai cũng sẵn sàng ra trận với một ý chí mãnh liệt “Ra đi giữ trọn lời thề/Đánh xong giặc Mỹ mới về quê hương!”…

Nhập ngũ tháng 7-1963, chàng thanh niên Nguyễn Hữu Vượng được phân công vào Trung đội 9, Trung đoàn 209, thuộc Sư đoàn 312. Tới năm 1966, Trung đoàn 209 được lệnh hành quân vào Nam, ông Vượng cùng đơn vị chiến đấu ở nhiều mặt trận khác nhau như: Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Kon Tum, Nam Lào… và đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. 

Với gương mặt rạng rỡ, đôi mắt sáng ngời của người lính từng xông pha trận mạc, ông Vượng kể: Trong khoảng 10 năm ở chiến trường miền Nam, tôi cùng đơn vị tham gia hàng chục trận đánh lớn, nhỏ, tiêu diệt nhiều sinh lực địch...

Trong đó, trận chiến ông nhớ nhất là vào giữa tháng 8-1968. Khi đó, ông Vượng là Trung đội trưởng Trung đội Pháo binh, cùng đồng đội bố trí pháo ở Hòa Vang (nay thuộc TP. Đà Nẵng). Ông nhớ lại: Vì pháo không thể sử dụng khi đánh giáp lá cà với địch nên thông thường, các trung đội pháo binh sẽ có bộ binh bảo vệ ở vòng ngoài. Tuy nhiên, đêm hôm đó, bộ binh bị điều đi bất ngờ. Khi lính Mỹ - Ngụy ập vào sát chân đồi nơi Trung đội đóng quân, chúng tôi bị bất ngờ. Tuy nhiên, tôi đã nhanh chóng ổn định anh em, bố trí chiến sĩ sử dụng súng và lợi dụng địa hình để ẩn nấp, bắn trả quân địch. Những tiếng súng đầu tiên vang lên, một tên lính Mỹ gục xuống ngay trước mặt tôi, đó cũng là lần đầu tiên tôi đối mặt với lính Mỹ ở khoảng cách gần như vậy.

Theo lời kể của ông Vượng, chỉ trong ngày hôm đó, quân Mỹ đã 8 lần đánh vào quả đồi nơi Trung đội đang án ngữ. Sau gần 2 ngày giằng co, quân ta tổn thất 2 người, bên địch có hơn 20 tên lính Mỹ - Ngụy bị tiêu diệt. Sau trận đánh này, ông Vượng và đồng đội được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ…

“Thống nhất rồi anh em ơi!”

Sau khi tham gia chiến đấu ở nhiều mặt trận khác nhau, tháng 10-1974, ông Vượng được điều động về Sư đoàn 2, thuộc Quân khu 5. Tháng 3-1975, ông cùng đơn vị được phân công tham gia giữ chốt ở Đệ Đức, Bồng Sơn, Thiết Đính (tỉnh Bình Định). Cũng trong tháng 3, quân ta đồng loạt nổ súng tiến công hàng loạt chốt điểm của địch, mở màn chiến dịch Xuân năm 1975 ở Bình Định và trên khắp chiến trường Khu V.

Sau các chiến thắng ở Bình Định, đơn vị của ông Vượng nhận lệnh hành quân gấp theo đường 19, cắt đèo An Khê nhằm truy đuổi tàn quân của Ngụy, chặn những tên lính “mở đường máu” tràn vào Quy Nhơn hòng thoát ra biển.

Đến đầu tháng 4-1975, đơn vị của ông nhận được tin quân ta sẽ mở Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định (sau này đổi tên thành Chiến dịch Hồ Chí Minh). Thời điểm đó, ông Vượng là Đại đội trưởng Đại đội Pháo binh của Sư đoàn 2. Ông nhớ lại: Đại đội có 4 khẩu pháo 105mm thu giữ của quân Ngụy, nhưng gần như không ai biết dùng. Tôi bèn nghĩ ra phương án lựa chọn những tù binh Ngụy là lính pháo binh, yêu cầu chúng hướng dẫn cách sử dụng pháo, các loại đạn pháo cho bộ đội ta. Sau 1 tuần huấn luyện, nhận được lệnh di chuyển và chỉ thị “Thần tốc, thần tốc hơn nữa”, chúng tôi cưỡng chế lính Ngụy lái xe tải chở pháo và cả đơn vị vào Nam, rồi phối hợp với các lực lượng đánh vào phía Đông Sài Gòn, giải phóng Bà Rịa rồi hỗ trợ đánh sang Vũng Tàu.

Lúc này, thế chiến thắng của quân ta như “chẻ tre”, chỉ trong 5 ngày quyết chiến chiến lược (từ 26 đến 30/4/1975), Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. 

49 năm đã trôi qua, nhưng ông Vượng vẫn nhớ như in cảm xúc sung sướng, hạnh phúc trong khoảnh khắc trưa ngày 30/4/1975, khi nhận được thông tin Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Ông bồi hồi: Lúc đó chúng tôi không ai bảo ai, tất cả ôm nhau khóc òa. Ai đó hô vang: “Thắng rồi anh em ơi”, “Thống nhất rồi anh em ơi”… Rồi như một khẩu hiệu, quân dân ào ào hô vang “Thắng rồi”, “Miền Nam giải phóng rồi”…

Ông Vượng tích cực tham gia các hoạt động của Ban liên lạc Chiến dịch Hồ Chí Minh tỉnh.
Ông Vượng tích cực tham gia các hoạt động của Ban liên lạc Chiến dịch Hồ Chí Minh tỉnh.

Vẹn tình đồng đội

Sau giải phóng, năm 1977, ông Vượng từ miền Nam ra Bắc, rồi tiếp tục tham gia Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Đến năm 1981, ông về công tác tại Lữ đoàn Pháo binh (Quân khu 1) và nghỉ hưu năm 1988. Tuy nhiên, với tinh thần “nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”, ông tiếp tục tham gia công tác tại địa phương với các cương vị bí thư chi bộ, đại biểu HĐND phường Chùa Hang... Ở vị trí nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được bà con nhân dân tin tưởng, quý mến.

Không chỉ vậy, ông Vượng còn làm Trưởng Ban liên lạc Chiến dịch Hồ Chí Minh tỉnh, với hơn 60 hội viên. Qua gần 20 năm hoạt động, Ban liên lạc đã duy trì hiệu quả các hoạt động thăm hỏi, giúp đỡ hội viên ốm đau, phát triển kinh tế... Đồng thời tích cực vận động hội viên gương mẫu tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các phong trào, cuộc vận động ở địa phương...

Ông Vượng chia sẻ: Chiến tranh đã lùi xa nhưng chúng tôi vẫn thường liên lạc với nhau. Khi thì gặp mặt, có lúc chỉ là cuộc điện thoại hỏi thăm. Với chúng tôi, mỗi lần gặp nhau là một niềm hạnh phúc, vì còn khỏe mạnh và còn có sức đóng góp xây dựng quê hương. Đồng thời cũng là nhắc nhau giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, để nhắc nhớ những lớp người sau rằng: Máu của những người đi trước, của đồng đội chúng tôi đã đổ xuống để có được nền độc lập, hòa bình như hôm nay…