Thái Nguyên: Hiện thực hóa mục tiêu trung tâm công nghiệp vùng
.

Thái Nguyên: Hiện thực hóa mục tiêu trung tâm công nghiệp vùng

Nguyên Ngọc 09:52, 30/04/2023
 

Từ một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn, những năm gần đây, Thái Nguyên đã vươn lên nằm trong top đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp, thu hút vốn đầu tư FDI và kim ngạch xuất khẩu… Đây là tiền đề quan trọng để Thái Nguyên từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

 

Tại buổi làm việc với tỉnh Thái Nguyên ngày 10/1/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Thái Nguyên là một tỉnh có vị trí chiến lược rất quan trọng, là địa phương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc…”.

“Vị trí chiến lược” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến chính là trung tâm của vùng Việt Bắc; là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Thái Nguyên nằm tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và chỉ cách Sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 50km; cách cảng Hải Phòng khoảng 160km… Không chỉ có vị trí chiến lược, Thái Nguyên còn sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú; là cái nôi của nền công nghiệp nặng; quỹ đất phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn; nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao; hệ thống giao thông, kết nối hạ tầng đồng bộ, hiện đại; là một trong 3 trung tâm giáo dục - đào tạo lớn nhất cả nước… Theo các chuyên gia kinh tế, Thái Nguyên hội tụ đầy đủ các yếu tố để có thể trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

 
 
 

Xác định việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là giải pháp đột phá, động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai nhiều chính sách ưu đãi…

 

Để thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh, tỉnh đã ban hành Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Theo đó, bên cạnh những ưu đãi theo quy định của Chính phủ, Thái Nguyên còn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư về mặt bằng thực hiện dự án; miễn giảm thuế doanh nghiệp mới; giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất... Đặc biệt, tỉnh còn hỗ trợ kinh phí đào tạo, đào tạo lại cho người lao động khi các doanh nghiệp có nhu cầu. Đây là cơ chế đặc thù riêng có của Thái Nguyên.

Bên cạnh đó, nhằm tạo sức hút với các nhà đầu tư, Thái Nguyên còn tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đồng bộ, hiện đại. Tỉnh đã quy hoạch 12 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.245ha và 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067ha.

 

Ngoài ra, Thái Nguyên cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông liên kết, kết nối, như: Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc; tuyến đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội và hàng loạt dự án giao thông trọng điểm khác…

 

Với quan điểm chỉ đạo thống nhất và những giải pháp quyết liệt, Thái Nguyên đã có bước tiến ngoạn mục khi vượt lên trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư FDI. Nếu như cuối năm 2012, Thái Nguyên đứng ở vị trí 44/63 tỉnh, thành phố về thu hút vốn đầu tư FDI trong cả nước, thì đến nay tỉnh đã vươn lên tốp đầu về lĩnh vực này.

 
 

Hàng loạt các dự án FDI đi vào hoạt động đã đưa quy mô giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của Thái Nguyên tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây.

Trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh bình quân đạt 16,3%/năm; tỷ trọng tăng trưởng xuất khẩu luôn ở mức trên 10%/ năm.

 

Tính đến cuối năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt trên 932 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 27 lần so với năm 2013, đứng thứ 4 về quy mô giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tỷ trọng lớn nhất, chiếm 99% trong tổng giá trị sản xuất. Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao nên cơ cấu kinh tế của tỉnh đang chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản. Hiện nay, cơ cấu khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 58,9%; trong đó, riêng công nghiệp chiếm trên 52% trong GRDP của tỉnh.

Công nghiệp phát triển đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất, nhập khẩu. Giai đoạn từ năm 2013 đến nay, tốc độ tăng bình quân giá trị xuất khẩu của tỉnh đạt 13,1%/năm. Trong đó, xuất khẩu địa phương tăng bình quân 20%/năm; xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,9%/năm, chiếm 98,2% trong tổng giá trị xuất khẩu. Riêng trong năm 2022, giá trị xuất khẩu của tỉnh đạt trên 32 tỷ USD, tăng gấp 130 lần so với năm 2013 và đứng thứ 4 cả nước…

 

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, trong những năm tới, quy mô giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của Thái Nguyên nhiều khả năng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn, khi ngày càng có nhiều dự án đi vào hoạt động ổn định và tiếp tục tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất.

 

Trong đó, nổi bật nhất là Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD từ đầu năm 2022; Tập đoàn Trina Solar đầu tư dự án thứ 2 với tổng mức đầu tư 275 triệu USD, dự kiến hoàn thành tháng 6/2023; Công ty Sunny Opotech đề nghị tăng mức đầu tư thêm 350 triệu USD để mở rộng quy mô sản xuất…

 
 

Từ khóa:

Thái Nguyên

công nghiệp vùng

trung tâm

giá trị sản xuất

xuất khẩu


Xem thêm bình luận