“Bộ đội Cụ Hồ”, “Công an nhân dân” là danh hiệu cao quý, không ai có quyền bôi nhọ. Bởi vậy, những phần tử xuyên tạc Quân đội, Công an nhân dân Việt Nam, nhất là việc thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) cần phải bị xử lý nghiêm minh. Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng ngăn chặn các thông tin sai trái, mỗi người cần hết sức tỉnh táo, không để bị tác động tiêu cực bởi các thông tin xấu, độc. Đồng thời, các công dân trong độ tuổi cần chấp hành tốt Luật NVQS, vừa thể hiện tinh thần yêu nước, vừa là thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ với dân tộc.
Để đấu tranh với những phần tử xấu và các loại “tin tặc” bôi nhọ, xuyên tạc và hạ uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhất là trên không gian mạng, lực lượng chức năng của tỉnh đã có nhiều giải pháp cụ thể. Điển hình như, thực hiện Chỉ thị số 47 của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam về tổ chức lượng lượng đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội trên không gian mạng trong Quân đội (gọi tắt là lực lượng 47), Đảng ủy Quân sự tỉnh và đảng ủy quân sự các huyện, thành phố trên địa bàn đã chỉ đạo lực lượng 47 triển khai hiệu quả những nội dung của Chỉ thị.
Các cán bộ, chiến sĩ tham gia trong lực lượng này đều được coi là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, kiên định lập trường vững vàng và có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao.
Với phương châm hoạt động “tập trung thống nhất, chủ động kịp thời, sâu rộng sắc sảo, lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, thời gian qua, lực lượng 47 của tỉnh đã chủ động bám sát cơ sở; kiên quyết phản bác, kết hợp đấu tranh kỹ thuật nhằm vô hiệu hóa, kịp thời phát hiện, gỡ bỏ những bài viết có nội dung xuyên tạc, bịa đặt của các đối tượng phản động, cơ hội chính trị trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, lực lượng 47 còn tăng cường tuyên truyền những vấn đề mang tình thời sự, lan tỏa những thông tin tích cực, chia sẻ các bài viết về tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến để định hướng dư luận... trên các trang, nhóm Facebook chính thống như: Tuổi trẻ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên; ATK Thủ đô gió ngàn; Phổ Yên ngày mới...
Ở các trang nhóm nêu trên, mỗi năm có hàng nghìn bài viết với nội dung tích cực, phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch được chia sẻ công khai. Đặc biệt, trước những thông tin, vụ việc mang tính chất nhạy cảm thì việc đẩy mạnh chia sẻ những bài viết có thông tin chính thống, mang tính định hướng dư luận trên các trang, nhóm mạng xã hội càng được lực lượng 47 của tỉnh quan tâm.
Điển hình như vụ việc quân nhân Trần Đức Đô bị tử vong trong quá trình tham gia huấn luyện, nhóm Facebook ATK Thủ đô gió ngàn đã chia sẻ nhiều bài viết có liên quan như: Cần tỉnh táo, nhận thức đúng trong vụ việc quân nhân Trần Đức Đô; nên suy nghĩ và hành động theo lý trí; đừng quay lưng với Quân đội nhân dân...
Tất cả những bài viết đều có thông tin chính xác về nội dung vụ việc; phân tích tỉ mỉ, cặn kẽ những chiêu trò của các thế lực thù địch; cảnh báo mọi người đề cao cảnh giác trước những thông tin sai sự thật của các phần tử xấu nhằm làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Quân đội.
Tại Thái Nguyên, cơ quan chức năng chưa phát hiện trường hợp nào hành vi tung tin sai sự thật nhằm chống phá Quân đội nhân dân Việt Nam và việc thực hiện Luật NVQS. Nhưng ở một số tỉnh có nhiều trường hợp tung tin xấu độc, có tính chất quy chụp về các vụ việc, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của bộ đội đã bị xử lý nghiêm minh.
Điển hình như trường hợp của N.L.T.T., ở tỉnh Đồng Nai. Sau khi T. đăng tải một bài viết sai sự thật về nội dung “nữ sinh trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học (TP. Hồ Chí Minh) đang học giáo dục quốc phòng - an ninh tại Trường Quân sự Quân khu 7 nhảy lầu tự tử do bị xâm hại”. T. đã bị Tòa án quân sự Quân khu 7 tuyên phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Đưa trái phép thông tin mạng máy tính”.
Hay như trường hợp của L.M.Đ. ở Hưng Yên bị xử phạt 7,5 triệu đồng do đăng tải thông tin sai sự thật về vụ việc quân nhân Trần Đức Đô bị tử vong...
Không chỉ riêng lực lượng Quân đội của tỉnh có những giải pháp đấu tranh hiệu quả với những thông tin bôi nhọ, bóp méo hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ mà Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ triển khai đồng bộ các biện pháp nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện hoạt động phức tạp liên quan đến an ninh trật tự của một số hội, nhóm trên không gian mạng, có phương án đấu tranh phù hợp, hiệu quả.
Các hành vi đăng tải những thông tin xấu độc lên mạng xã hội nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và Quân đội, Công an nhân dân Việt Nam… cũng đều bị xử lý nghiêm để răn đe.
Theo thông tin từ lực lượng chức năng của tỉnh, các tin tức, hình ảnh xuyên tạc, chống phá của các đối tượng xấu đều là những hình ảnh được cắt ghép, dàn dựng thành những thông tin thất thiệt, nhằm phủ định những giá trị lịch sử của dân tộc, chà đạp lên sự yêu quý, ngưỡng mộ và niềm tin của nhân dân đối với Quân đội, Công an nhân dân Việt Nam.
Không chỉ xuyên tạc những nội dung liên quan đến môi trường Quân đội, các thế lực thù địch còn lợi dụng đặc điểm về tình hình dân tộc, tôn giáo ở các địa phương để lôi kéo người dân không tham gia NVQS.
Xác định rõ những chiêu trò của các thế lực xấu và những khó khăn, thử thách của tỉnh trong công tác tuyển quân, hằng năm, công tác tuyển quân luôn được Hội đồng NVQS tỉnh coi là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Căn cứ vào tình hình, đặc điểm của mỗi địa phương, nhất là đối với những địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số; đồng bào có đạo; các khu công nghiệp có đông công nhân làm việc... cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp trong tỉnh đã có sự chỉ đạo, triển khai linh hoạt, phù hợp.
Ví dụ như trong công tác tuyên truyền, đối với địa bàn thành phố, lực lượng thanh niên chủ yếu là những người đang có môi trường học tập, làm việc tốt thì nội dung tuyên truyền được tập trung vào việc phổ biến các quy định bắt buộc của Luật NVQS, để mỗi công dân nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.
Còn đối với những vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo, trình độ dân trí chưa cao thì công tác tuyên truyền đòi hỏi sự khéo léo hơn. Cùng với việc phổ biến Luật NVQS, công tác tuyên truyền còn cần phải khơi dậy được lòng yêu nước, niềm tự hào khi được trở thành người chiến sĩ; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thanh niên để có hướng động viên, khích lệ họ yên tâm lên đường nhập ngũ.
Đồng chí Nông Khắc Huy, Bí thư Huyện đoàn Đồng Hỷ, cho biết: Mặc dù có tỷ lệ thanh niên là đồng bào dân tộc thiểu số khá đông nhưng năm nào huyện Đồng Hỷ cũng hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân. Riêng năm 2024, huyện có 172 công dân lên đường thực hiện NVQS thì có tới 109 công dân là người dân tộc thiểu số, trong đó có 88 công dân viết đơn tình nguyện nhập ngũ.
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể các địa phương trong tỉnh cũng luôn quan tâm, động viên, khích lệ thế trẻ qua nhiều hoạt động ý nghĩa như: Gặp mặt, tặng quà tân binh trước ngày nhập ngũ, tặng Giấy khen cho các thanh niên tình nguyện viết đơn nhập ngũ (Huyện đoàn Đồng Hỷ, Thành đoàn Thái Nguyên); bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng cho thanh niên thực hiện NVQS; thăm hỏi, tiễn đưa các tân binh lên đường nhập ngũ; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội...
Ngoài ra, ở các địa phương vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Võ Nhai, Đồng Hỷ; Định Hóa... các hoạt động nêu trên càng được quan tâm, chú trọng. Ví dụ như ở huyện Võ Nhai, thực hiện chính sách hậu phương quân đội có thể kể đến trường hợp của Binh nhất La Ngọc Huy, chiến sĩ Sư đoàn 3, Quân khu 1. Trước khi tham gia nhập ngũ trong năm nay, điều Huy lo lắng nhất là mình không thường xuyên có mặt ở nhà giúp đỡ bố mẹ, bởi em đang là lao động chính trong gia đình.
Trước những băn khoăn, lo lắng của Huy, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Võ Nhai đã phối hợp hỗ trợ gia đình gần 30 triệu đồng để tu sửa nhà ở và mua giống vật nuôi, cây trồng phát triển kinh tế, giúp Huy yên tâm rèn luyện và thực hiện nghĩa vụ trong quân ngũ.
Cũng tại huyện vùng cao Võ Nhai, nhiều người biết đến trường hợp chị Triệu Thị Bình, ở xóm Na Bả, xã Phương Giao. Ban đầu, chị đưa ra mọi lý do để con mình không phải nhập ngũ, nhưng khi được các chiến sĩ dân quân địa phương phân tích cặn kẽ, phản ánh ngược lại luận điệu tuyên truyền của “địch” trên không gian mạng, chị đã nhận thức rõ việc tham gia NVQS là trách nhiệm nhưng cũng là niềm tự hào của tuổi trẻ. Sau đó, chị động viên con trai mình là người đầu tiên trong xã Phương Giao viết đơn tình nguyện nhập ngũ năm 2023.
Trung tá Đặng Đình Thượng, Phó Chỉ huy trưởng động viên, Ban Chỉ huy Quân sự TP. Thái Nguyên, cho biết: Không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền trong các mùa tuyển quân, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng của thành phố còn thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo để mỗi người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết, không hoang mang, dao động trước những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Biết chọn lọc, đánh giá những thông tin xấu độc, sai sự thật về việc thực hiện NVQS và tích cực tố giác khi phát hiện những thông tin sai để cùng với cơ quan chức năng đấu tranh với những phần tử xấu chuyên bôi nhọ hình ảnh của Bộ đội Cụ Hồ.
Có thể khẳng định, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ đội Cụ Hồ vẫn mãi là niềm tự hào, là hình tượng cao đẹp, giá trị nhân văn của dân tộc Việt. Phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc, mỗi mùa tuyển quân, trên khắp mọi miền của Tổ quốc nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng, có hàng vạn thanh niên ưu tú sẵn sàng lên đường tòng quân với quyết tâm viết tiếp những trang sử vàng của dân tộc.
Tỉnh Thái Nguyên chưa có trường hợp nào không chấp hành Luật NVQS bị xử lý kỷ luật; tỷ lệ thanh niên viết đơn lên đường nhập ngũ và thanh niên có sức khỏe tốt, trình độ học vấn cao năm sau luôn tăng so với năm trước…