Mỗi dịp đầu năm, khi các địa phương thực hiện công tác tuyển quân, cũng là lúc trên các mạng xã hội xuất hiện những thông tin xấu, bôi nhọ hoạt động tuyển quân và môi trường quân ngũ. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh Quân đội, Công an nhân dân Việt Nam, làm cho một số người dao động, lung lay niềm tin, dẫn đến những hành động tiêu cực…
Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa quên vụ việc quân nhân Trần Đức Đô, sinh năm 2000, học viên Trường Quân sự Quân khu 1, tử vong cách đây ba năm. Ngay sau khi sự việc xảy ra, có 4 đơn vị tham gia điều tra gồm: Phòng Điều tra hình sự Quân khu 1; Cục Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng; Cục Bảo vệ an ninh, Bộ Quốc phòng và Công an tỉnh Thái Nguyên, với kết luận thống nhất: Không thấy có dấu hiệu bị xúi giục, bức ép, làm nhục, không có mâu thuẫn trong đơn vị, gia đình, quan hệ tình cảm nam nữ, không cờ bạc, vay nợ. Đặc biệt là không có việc anh Trần Đức Đô bị đánh đập, hành hung.
Tuy nhiên, bất chấp kết luận điều tra của các cơ quan chức năng, nhiều trang mạng xã hội đã đăng tải những thông tin sai sự thật về vụ việc. Các bài đăng xuất hiện với mật độ dày đặc, trên khắp các group, page, diễn đàn, các trang Facebook như: Việt Tân, Nhật ký yêu nước, Chân trời mới media… Các group, page, trang Facebook còn liên tục phát video trực tiếp hình ảnh đám tang của quân nhân Trần Đức Đô, đưa hình ảnh khám nghiệm tử thi, thương tích trên cơ thể nạn nhân… với ngữ điệu kích động, bức xúc, cho rằng cái chết của nạn nhân là bất thường, yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ.
Cũng với cách thức như vậy, năm 2023, vụ việc chiến sĩ nghĩa vụ Lưu Thiện M., 19 tuổi, quê Thái Nguyên, tử vong chỉ sau 10 ngày nhập ngũ vào Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 3, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Bắc, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, đóng quân tại tỉnh Yên Bái, là cơ hội để nhiều phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, bóp méo sự thật.
Từ kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm pháp y, cùng với cuốn nhật ký của chiến sĩ M., cơ quan chức năng xác định không có dấu hiệu của việc đánh đập, hành hung hay bị sát hại. Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định M. mắc chứng hoang tưởng từ nhiều năm trước và tự trèo lên cột ăng-ten, sau đó nhảy xuống và tử vong.
Vậy nhưng, thời điểm xảy ra vụ việc, trên mạng lan truyền nhiều thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận. Không ít gia đình, thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS) có chút lo lắng, dao động, không muốn đi NVQS.
Nhất là hằng năm, trước thời điểm khám tuyển NVQS thường xuất hiện nhiều thông tin “xấu”, “độc” liên quan đến việc thực hiện NVQS, nhằm chống phá, công kích, bôi nhọ hình ảnh lực lượng vũ trang Việt Nam. Trong khi các địa phương đang tích cực chuẩn bị tổ chức lễ giao nhận quân, cũng là lúc những đối tượng phản động ráo riết hoạt động, chúng liên tục tung ra những chiêu trò chống phá, những luận điệu công kích.
Ông Hoàng Ngọc Hoa, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, cho biết: Trên các mạng xã hội, những hình ảnh, video được dàn dựng, cắt ghép, kèm những lời lẽ bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ... được đưa lên rất nhiều. Hầu hết các tài khoản ở nước ngoài, chúng giả danh để tung lên những đòn thao túng tâm lý làm giảm sút lý tưởng cách mạng và tinh thần tham gia bảo vệ Tổ quốc của thanh niên.
Đúng như nhận định của ông Hoa, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, những phần tử xấu đã lợi dụng triệt để mạng xã hội để bôi nhọ, công kích, thực hiện các thủ đoạn, mưu đồ xấu trên không gian mạng nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, bóp méo bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta. Nhiều trang mạng đăng tải nội dung như: “Trong thời bình, thanh niên không có nghĩa vụ đi NVQS”, “cách trốn đi NVQS”, “cái chết oan ức trong quân đội”, “lính anh, lính em”, “ma cũ bắt nạt ma mới”, “chuyện trong quân ngũ”, “ai dám đi bộ đội”…
Đặc biệt, khi có sự việc xảy ra như hai trường hợp chúng tôi nêu trên, các thế lực thù địch, phần tử xấu nhanh chóng chớp thời cơ, lợi dụng để thông tin sai sự thật, nhằm “bẻ lái” dư luận theo chiều hướng tiêu cực. Lời lẽ bọn chúng đăng tải, bình luận trên không gian mạng thường lập lờ, không có địa chỉ đơn vị quân đội cụ thể nào, với các lời lẽ vu khống, miệt thị, làm cho một bộ phận người dân nghi ngờ, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Nguy hiểm hơn, một số trang còn đăng các cảnh bạo lực trong quân đội nước ngoài, rồi bình luận xuyên tạc là chuyện ở trong quân ngũ Việt Nam. Nhiều hình ảnh, video được chúng cắt ghép, dàn dựng trắng trợn, không đúng sự thật. Trong các bài đăng, một mặt, chúng phủ nhận tầm quan trọng của việc thực hiện NVQS, mặt khác, chúng bôi nhọ rằng việc tuyển chọn tân binh nhập ngũ là không công bằng, phải chịu vất vả, bóc lột, đánh đập...
Đây thực chất tư tưởng của những người mang tư duy ấu trĩ, là “chiêu bài” tâm lý, thủ đoạn của các đối tượng xấu, có mưu đồ chống phá lực lượng vũ trang nói riêng, chống phá Đảng, Nhà nước nói chung. Chúng hòng bôi nhọ lịch sử mấy nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, cố tình tô xấu hình ảnh, bản chất và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Những thông tin giả, xuyên tạc, bịa đặt về việc thực hiện NVQS được tung ra, như những “liều thuốc độc” ảnh hưởng đến tư tưởng, tinh thần, ý chí của một số người. Để dễ đạt mục đích, chúng “đánh” mạnh vào bộ phận người nhẹ dạ cả tin, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các gia đình có con em đến tuổi thực hiện NVQS. Và chúng đã ít nhiều thành công khi không ít người dân tỏ ra hoang mang, lo lắng trước những thông tin đó.
Thực tế, đã có một số người vào các trang, nhóm để lại bình luận thể hiện sự dao động, thậm chí a dua, kích động. Biểu hiện tiêu cực nhất là một số thanh niên có tư tưởng sợ bị đánh, ngại khó khăn, gian khổ, buông lỏng về trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của bản thân với Tổ quốc, có những người đã tìm cách trốn tránh khi Tổ quốc gọi tên.
Điển hình như trong đợt tuyển chọn NVQS năm 2024, công dân V.V.T., sinh năm 2005, thường trú tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Sau khi qua khám tuyển đã đạt sức khỏe để thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, nhưng vì không muốn tham gia nghĩa vụ, nên T. đi xăm hình trên cánh tay trái với mục đích để bị loại tại đợt phúc tra sức khỏe lần sau.
Và đúng như tính toán, Hội đồng phúc tra sức khỏe Công an tỉnh Đắk Nông đã loại T. ra khỏi danh sách thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân vì không đạt tiêu chuẩn. Cũng trong mùa tuyển quân năm 2024, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, có 28 thanh niên vi phạm lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe NVQS.
Bên cạnh đó, thời gian qua, trên cả nước có không ít trường hợp lợi dụng chính sách của Nhà nước, “lách luật” để rời khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian gọi khám tuyển nghĩa vụ Quân đội, Công an. Một trong những thủ đoạn của họ là dù hộ khẩu thường trú ở một địa phương nhưng lại đăng ký tạm trú ở địa phương khác trong khoảng thời gian cơ quan chức năng gọi công dân nhập ngũ.
Cũng có những trường hợp cố tình làm sai lệch tình trạng sức khỏe của mình để trốn NVQS như: Sử dụng thuốc tăng huyết áp, tăng mạch, uống cà phê liên tục, thức trắng đêm, nhịn ăn... trước khi đi khám sức khỏe. Hay có người giả tình trạng mắt không nhìn rõ, cố tình đọc sai. Lại có trường hợp chuẩn bị sẵn nước đường để khi lấy nước tiểu thì đưa vào ống xét nghiệm nhằm làm sai lệch tỷ lệ đường trong nước tiểu...
Theo Đại tá Ma Công Học, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Tuy Thái Nguyên là tỉnh thực hiện tốt việc tuyển chọn, gọi công dân lên đường nhập ngũ hằng năm, nhưng không phải không có những trường hợp trốn tránh NVQS. Thực tế, vẫn tồn tại thông tin trái chiều, dù không công khai xung quanh việc thực hiện NVQS. Qua nắm tình hình, chúng tôi thấy vẫn có tình trạng, dù là số ít, thanh niên mang tư tưởng thời bình thì không cần đi NVQS, hay người trẻ nên tập trung làm kinh tế thay vì lãng phí thời gian tham gia NVQS của một số cá nhân, gia đình. Từ đó, họ tìm cách trốn NVQS...