Hoàng Thiện Thực - Nghệ sĩ đam mê truyền dạy múa dân gian
.

Hoàng Thiện Thực - Nghệ sĩ đam mê truyền dạy múa dân gian

TNĐT 19:21, 28/06/2024
 

Tháng 3-2024, thầy giáo Hoàng Thiện Thực, giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, vinh dự là một trong 7 nghệ sĩ của tỉnh Thái Nguyên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT). So với lớp nghệ sĩ cùng thời, anh ít có cơ hội biểu diễn dưới ánh đèn sân khấu, bởi chọn công việc thầm lặng cống hiến sau cánh gà: Biên đạo múa và đào tạo nhiều diễn viên, nghệ sĩ múa dân gian.

 
 

Gặp NSƯT Hoàng Thiện Thực, chúng tôi ấn tượng ngay với con người giản dị, cách nói chuyện có duyên và vô cùng hài hước. Anh Thực kể về duyên đến với nghề: Sinh ra và lớn lên trong một gia đình bố, mẹ đều làm công nhân ở vùng mỏ Trại Cau (Đồng Hỷ), nhưng yêu thích hát từ nhỏ, nên ở nhà tôi thường hát theo và thuộc làu các bài quan họ, chèo, cải lương nghe được trên radio.

 

Cũng vì thích hát, hồi đó, anh Thực thường xuyên tham gia các chương trình văn nghệ của trường và địa phương. Rồi một ngày, có người bạn đến chơi nhà, nghe được giọng hát của cậu bé Thực, bảo: Em hát hay vậy không đi theo nghệ thuật thì phí lắm. “Chính câu nói này đã thắp lên trong tôi ước mơ làm ca sĩ. Và anh bạn đã hướng dẫn tôi đăng ký, thi tuyển vào Trường Trung cấp Nghệ thuật Việt Bắc. Sau khi nghe hát thử, cô giáo thấy tôi bắt bài nhanh, hát hay, giọng ca lại khá ở chất liệu dân gian, chèo, quan họ, cải lương, tuồng, nên động viên tôi theo học” - anh Thực nhớ lại.

 

Thế nhưng, Trường chỉ tuyển học sinh học hết cấp 3 mà anh còn 3 năm nữa mới hoàn thành chương trình THPT, nên cô giáo Nguyễn Thị Đông đã định hướng cho anh theo học múa, chờ đủ tuổi sẽ chuyển sang học hát. Vậy là anh gật đầu đồng ý thi và đỗ vào Khoa Múa. Cái duyên nghề múa đến với anh tình cờ như thế.

 

Người ta thường nói: “Không chịu được khổ, đừng đi học múa”, anh Thực cảm nhận quả đúng như vậy. Quá trình tập luyện bộ môn này rất vất vả, chịu nhiều đau đớn, với nam giới lại càng gian nan hơn. Giai đoạn tập môn múa cổ điển châu Âu đòi hỏi rất khắt khe, anh chứng kiến nhiều người không vượt qua được thử thách, phải bỏ cuộc giữa chừng. Song vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, nhờ sự động viên của thầy cô giáo, đặc biệt là từ mẹ, anh Thực đã dấn thân tập luyện, quyết theo đuổi nghiệp múa.

 

Dần dần, tình yêu với múa được bồi đắp và anh yêu múa từ bao giờ không hay. Có những giờ học, khi các bạn nghỉ, anh vẫn tự tập luyện một cách say mê. Vượt qua năm đầu đầy thử thách, từ năm thứ hai trở đi, anh Thực đều là học sinh nổi trội nhất của lớp múa, được tín nhiệm bầu làm Lớp trưởng. Mấy năm học ở Trường, anh đều “ẵm” các suất học bổng, có thể tự lo mọi chi phí sinh hoạt, học tập.

Nhờ kết quả học tập xuất sắc, năm 1994, sau khi tốt nghiệp, anh Thực được giữ lại trường làm giảng viên ở Khoa Múa. Từ năm 2008 đến nay, anh là Phó Trưởng Khoa, rồi Trưởng Khoa Múa và Sân khấu của Trường.

 
 
 

Ngay từ khi còn là học sinh, anh Thực đã có “máu" biên đạo. Chính vì thế mà sau khi tốt nghiệp, trong lúc bạn bè theo nghiệp diễn, tỏa sáng trên các sân khấu trong và ngoài tỉnh, thì anh Thực quyết định ở lại Trường làm giảng viên, với mong muốn dìu dắt, đào tạo ra nhiều lớp diễn viên múa dân gian đúng nghĩa.

 

Chia sẻ với chúng tôi, anh bảo: Nghề múa vốn áp lực, vất vả nên không phải ai cũng có thể theo được. Đây cũng là lý do khiến hầu hết các khóa học múa, số học sinh cứ dần “rơi rụng”, chỉ còn lại 50-60%. Tôi luôn nghĩ, thầy cô không chỉ là người chỉ dạy tỉ mỉ về kỹ thuật, kỹ năng múa, mà còn đóng vai trò là người “truyền lửa”, dìu dắt, giúp các em rèn tính kiên trì, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách.

 

Trong Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, học sinh theo học múa tuổi còn nhỏ, nên anh Thực vừa là thầy, vừa như người cha dạy bảo các em từ lời ăn tiếng nói, kỹ năng sống, rồi sinh hoạt sao cho nền nếp, để đảm bảo sức khỏe học tập. Anh cũng là người hướng các em không sa ngã vào những cám dỗ vật chất, tệ nạn xã hội...

Đặc biệt, khi các em mắc lỗi, anh bao dung, uốn nắn các em đi vào “quỹ đạo”. Thậm chí, khi học sinh trong lớp mình chủ nhiệm vi phạm kỷ luật, anh đứng ra bảo lãnh, cam kết với Nhà trường sẽ dạy dỗ tiến bộ, tạo cơ hội cho các em có thể tiếp tục theo học.

Quan tâm, thấu hiểu tính cách của từng học sinh, anh Thực còn giống như người bạn, thường xuyên trò chuyện, chia sẻ với học trò từ những câu chuyện thường ngày đến những tâm tư thầm kín.

 
 

Tiếp xúc bên ngoài trường học, thấy anh gần gũi, cởi mở bao nhiêu thì khi trên lớp, chúng tôi lại thấy anh là người thầy nghiêm khắc bấy nhiêu. Chứng kiến giờ dạy của anh, chúng tôi thấy anh tỉ mỉ chỉnh cho học sinh từng động tác, dáng đứng, ngón tay và cả sự tuân thủ nghiêm ngặt về giờ giấc, trang phục.

Anh Thực tâm sự: Đối với múa dân gian dân tộc, ngoài đòi hỏi người học hội đủ những tiêu chuẩn khắt khe về hình thể, còn cần có khả năng cảm thụ âm nhạc, diễn xuất đúng chất dân gian dân tộc. Động tác không chuẩn sẽ không thể truyền tải được thông điệp điệu múa muốn mang đến cho khán giả… Tôi luôn yêu cầu học sinh phải luyện đi luyện lại từng động tác, đến khi thật chuẩn mới thôi, nên không ít học sinh nói vui “thầy khó tính như mẹ chồng”.

 

 

Tôi nhớ lại buổi báo cáo tốt nghiệp của lớp múa tài năng K1 của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, gặp em Nguyễn Minh Hải (ở huyện Bắc Quang, Hà Giang) sau khi em vừa hoàn thành các phần thi. Mồ hôi khắp khuôn mặt, song mắt em ánh lên niềm vui. Nói về thầy Thực, Hải xúc động: Hồi đầu đi học, tập luyện nhiều cơ thể vô cùng đau đớn, em đã nản, có ý định từ bỏ nghiệp múa chuyển sang khoa khác. Nhưng nhờ sự động viên, dìu dắt của thầy Thực, em đã phát huy được khả năng của mình và được chọn vào lớp múa tài năng K1. Với em, thầy Thực vừa là người thầy, vừa như người cha thứ hai.

 
 
 

Với mỗi nghệ sĩ múa, được biểu diễn trên sân khấu là niềm hạnh phúc lớn nhất. Nhưng với anh Thực, dù là học sinh xuất sắc của khóa, có nhiều cơ hội tỏa sáng, nhưng anh chọn đứng phía sau hào quang rực rỡ của ánh đèn sân khấu để cống hiến một cách thầm lặng.

Ngoài đào tạo những lứa nghệ sĩ múa chuyên nghiệp, chất lượng cho các tỉnh miền núi phía Bắc, các đoàn nghệ thuật của Quân khu 1, 2, 3, anh còn tham gia sưu tầm, nghiên cứu chuyên sâu về nghệ thuật múa dân gian dân tộc. Quá trình tham gia nghiên cứu, anh Thực nhận thấy đây là mảng còn đang thiếu và yếu của nghệ thuật múa.

 
 
 

Anh Thực thể hiện quan điểm: Múa là một bộ môn nghệ thuật biểu diễn, sử dụng ngôn ngữ hình thể để phản ánh tình cảm, hiện tượng của cuộc sống. Múa dân gian dân tộc đòi hỏi điệu múa phải mang được cái hồn, cốt của mỗi dân tộc đến với khán giả. Vì thế, điều quan trọng trong biên đạo các điệu múa dân gian là sáng tạo, phát triển phải dựa trên cái gốc văn hóa dân tộc. Điệu múa dân gian dân tộc tốt là không cần phụ thuộc vào trang phục, vào phụ kiện, mà chỉ thông qua điệu múa, người xem vẫn nhận biết được đó là của dân tộc gì, làm sao để thoát khỏi lối mòn, nhưng vẫn giữ được “đúng chất” dân tộc đó.

 
 

Và công việc nghiên cứu đã phục vụ nhiều cho việc biên đạo các điệu múa dân gian dân tộc của anh. Đến nay, gia tài các điệu múa do anh biên đạo khá phong phú, đều được đánh giá cao, được nhiều diễn viên và khán giả yêu thích.

 
 

Gần đây nhất, năm 2024, anh kết hợp cùng Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam nghiên cứu về văn hóa dân tộc Lự. Từ những nghiên cứu đó, anh đang trong quá trình biên soạn giáo trình dạy múa dân gian dân tộc Lự để đưa vào giảng dạy trong Trường. Sau này, anh tiếp tục đặt mục tiêu nghiên cứu, xây dựng giáo trình dạy múa một số dân tộc khác, phục vụ việc giảng dạy và lưu giữ văn hóa, nghệ thuật múa dân gian dân tộc cho mai sau…

 
 
 

Từ khóa:

Hoàng Thiện Thực

nghệ sĩ

đam mê

truyền dạy

múa dân gian


Xem thêm bình luận