"Nhà văn nông dân" là cách gọi thân mật mà người dân địa phương dành cho chị Cao Thị Đào (sinh năm 1971), ở xóm An Thịnh, xã Thành Công (TP. Phổ Yên). Bởi lẽ, dù quanh năm gắn bó với đồng ruộng, nhưng chị đã có nhiều cuốn truyện ngắn được xuất bản. Ấn tượng hơn là toàn bộ số tiền có được từ việc bán sách chị đã dùng để giúp đỡ, động viên hàng trăm lượt người có hoàn cảnh khó khăn trong suốt nhiều năm qua.
Vốn là người ham học, song do điều kiện khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THCS, chị Đào phải nghỉ để phụ giúp bố mẹ làm kinh tế. Sau khi lập gia đình, trong một lần đi buôn chè (năm 1998), chị bị thương lái lừa mất trắng một khoản tiền lớn, cuộc sống gia đình lâm vào khốn khó. Để có tiền trang trải cuộc sống, chị đã phải làm nhiều công việc khác nhau.
Đến năm 2000, chị xin làm giúp việc cho một gia đình ở huyện Sóc Sơn (TP. Hà Nội). Vì rất thích sách, nên tranh thủ thời gian nhàn rỗi, chị xin phép chủ nhà được đọc những cuốn sách mà gia đình họ có. Trong số này, chị rất ấn tượng với cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm và dành thời gian để đọc trong 2 ngày.
Chính vì lý do đó, năm 2004, chị Đào đã mạnh dạn đăng ký lớp học bổ túc THPT cách nhà chừng 10km. Để có kinh phí học tập, ban ngày chị đi gánh gạch thuê, tối đạp xe đi học. Cuộc sống khó khăn, vất vả, nhiều khi chị muốn bỏ cuộc nhưng với lòng quyết tâm cùng sự động viên từ người thân, chị đã vượt qua khó khăn, hoàn thành ước nguyện của mình.
Trong thời gian này, chị cũng đăng ký tham gia các lớp tập huấn kỹ năng viết sách, viết truyện do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức; đồng thời tự tìm hiểu, nghiên cứu thêm các tài liệu ở thư viện, sách, báo... Mỗi khi đọc được câu chuyện, bài báo hay, chị đều đánh dấu lại, câu từ nào chưa rõ, chưa hiểu chị lại mày mò cắt nghĩa hoặc tra cứu trên mạng Internet.
Với quan niệm học không bao giờ là thừa, năm 2017, chị Đào tiếp tục đăng ký học Khoa Luật, Trường Đại học Đông Đô (Hà Nội). Ở tuổi ngoài 40, việc theo học không hề dễ dàng, nhưng với quyết tâm cao chị đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Sau nhiều năm nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2018, chị Đào được Chi bộ xóm An Thịnh cử đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và đến năm 2020, chị được kết nạp Đảng trong niềm phấn khởi.
Trong căn nhà còn đơn sơ của gia đình, chị Đào dành riêng một góc nhỏ để ghi lại những câu chuyện trong cuộc sống thường nhật. Ở đó có rất nhiều bản thảo đang viết dở dang. Dù nét chữ viết còn vội sau những giờ lao động mệt nhọc của chị, song chúng tôi cảm nhận được tình yêu thương, chia sẻ chị muốn gửi gắm tới những mảnh đời bất hạnh.
Mỗi câu chuyện chị viết đều xoay quanh cuộc sống thường nhật, đó là những con người, sự việc có thật chị đã gặp và trải qua. Với một trái tim nhân hậu luôn hướng về những mảnh đời bất hạnh, chị viết những câu chuyện mộc mạc, chân thành, được người đọc đón nhận. Cùng với nguồn kinh phí của gia đình, số tiền sau mỗi lần bán sách chị đều dành để giúp đỡ những người già neo đơn, trẻ em mồ côi, người khuyết tật...
Với tấm lòng lương thiện của mình, từ năm 2004 đến nay, chị Đào đã trao tặng cho hơn 100 lượt người nghèo, kém may mắn ở trong và ngoài xã, với số tiền trên 150 triệu đồng. Lật giở cuốn sổ ghi chép những hoàn cảnh đã giúp đỡ, chị Đào phấn khởi nói: Niềm vui lớn nhất của tôi là khi thấy danh sách này ngày càng dài hơn. Điều này cho tôi thêm động lực vươn lên, giúp ngọn lửa thiện nguyện luôn rực cháy.
Với chị Đào, làm việc thiện đã trở thành công việc thường xuyên. Khi biết có người cần giúp đỡ, chị đều dành thời gian đến tận nơi nắm thông tin và tìm cách hỗ trợ họ. Ban đầu đối tượng chị quan tâm chỉ tập trung ở xã Thành Công, đến nay phạm vi đã mở rộng ra ngoài xã và một số huyện lân cận. Toàn bộ kinh phí làm từ thiện chị đều chủ động bằng nguồn cá nhân.
Những năm gần đây, khi biết và hiểu được việc làm ý nghĩa của chị, nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm đã chung tay cùng chị giúp đỡ những người kém may mắn để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Quá trình chị Đào làm từ thiện, có người cho rằng, trong khi gia đình mình vẫn còn khó khăn chị lại mải mê lo việc "bao đồng". Tuy nhiên với chị, trong suốt 20 năm qua, bao nhiêu hoàn cảnh được giúp đỡ là bấy nhiêu “tài sản” chị đã gây dựng và có được. Bởi, sau mỗi lần làm việc ý nghĩa, chị cảm thấy thanh thản và sống có ích hơn.
Với những nỗ lực và đóng góp của mình, nhiều năm qua, chị Cao Thị Đào đã được các cấp, ngành khen thưởng. Điển hình như: Đảng bộ TP. Phổ Yên khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021; Trại giam Phú Sơn 4 ghi nhận vì đã có những đóng góp trong xây dựng Thư viện cho phạm nhân…