Nguyễn Thị Kim Oanh - "chiến binh" ngồi xe lăn truyền cảm hứng
.

Nguyễn Thị Kim Oanh - "chiến binh" ngồi xe lăn truyền cảm hứng

TNĐT 14:22, 19/08/2024

Với những người không may mắn khi cơ thể có khiếm khuyết, sự kiên trì, nỗ lực của họ phải gấp nhiều lần so với người bình thường. Chị Nguyễn Thị Kim Oanh (sinh năm 1975, tổ 7, phường Hương Sơn, TP. Thái Nguyên) là một người như vậy. Trải qua những giây phút tuyệt vọng, chị đã kiên trì, nỗ lực vượt qua tất cả khó khăn để tự lo cho bản thân, gia đình, trở thành một vận động viên thể thao người khuyết tật (NKT) có thành tích cao, truyền cảm hứng cho nhiều người về ý chí và nghị lực sống.

Đã hẹn từ trước nên nghe thấy tiếng xe, chị Oanh liền ra cổng, niềm nở, tay bắt mặt mừng đón chúng tôi. Trong căn nhà khang trang, hiện đại, được xây dựng từ biết bao nỗ lực của chị Oanh, những chiếc huy chương, bằng khen được bày trí trang trọng. Chị Oanh là một vận động viên NKT. 

Trong Giải vô địch Quốc gia NKT năm 2024 tổ chức tháng 4 vừa qua, sau những màn thi đấu gay cấn, chị đã giành được thành tích "kép", với Huy chương Bạc môn Quần vợt xe lăn cá nhân và Huy chương Vàng Quần vợt xe lăn đôi nữ. Chị cũng vừa tham gia thi đấu giao lưu tại Giải Para Pickleball 2024 tranh cúp Tấm lòng Việt VTV vừa được tổ chức đầu tháng này.

Sinh ra ở mảnh đất Gang thép, ban đầu chị Oanh khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Chị kể: Ngày mẹ sinh em gái cũng là ngày tôi phải nằm trên giường bệnh, quằn quại chịu những cơn đau, trận sốt lên tới 40 độ C. Cơn sốt của căn bệnh bại liệt đã khiến tôi từ một đứa trẻ hiếu động thành một đứa trẻ chỉ có thể lê la khóc trong sân nhà. Cuộc sống gia đình bị xáo trộn. Bố tôi phải nghỉ phép không lương để đưa tôi đi các tỉnh tìm thầy thuốc giỏi. Và cứ thế bao nhiêu năm trời chạy chữa, gia đình rơi vào cảnh túng thiếu, bần hàn.

Ngày đó, bố mẹ chị Oanh làm công nhân nên rất bận, không thể đưa chị tới trường, vì thế chị chỉ có thể học tại nhà. Khi em gái đến tuổi đi học, mỗi lần dạy em, mẹ cũng kéo chị vào bàn và dạy cách đánh vần, viết chữ. Đến năm 10 tuổi, chị đã đọc giỏi, chữ đẹp và tính toán thành thạo. Chị Oanh nhớ lại: Từ những gương ham học hỏi, vượt khó trong sách báo, tôi đã thầm nghĩ, tại sao mình phải dựa vào bố mẹ nhiều như vậy? Thế là tôi quyết tâm tập di chuyển bằng đôi chân của mình. Tôi cố gắng bấu víu vào những nơi có thể và cố gắng đứng lên. Mỗi lần bị ngã, tôi lại tự tìm cách đứng dậy. Thương con, mẹ chạy theo để đỡ tôi.

Khi đã có thể tự mình chống nạng và đi được, thấy mấy bạn đạp xe ngang qua nhà, chị lại tự nhủ: Hay mình cũng thử đạp xe. Ngày hôm sau, lúc mọi người đi vắng, chị liều mình trèo lên chiếc xe, cho xe chạy tự do, đang đi háo hức thì bỗng rầm, chị cùng chiếc xe ngã nhào trên đường. Càng khó chị lại càng quyết tâm, cố gắng, nỗ lực và cuối cùng chị cũng có thể đi xe đạp như các bạn cùng trang lứa.

Bỏ qua khiếm khuyết về đôi chân, chị tận dụng khả năng khéo léo của hai bàn tay, 18 tuổi, chị Oanh xin bố mẹ đi học may. Sau hơn một tháng, chị bàn với bố mẹ mở một tiệm may nhỏ. Chị có tay nghề giỏi và khả năng chỉ cần nhìn vóc dáng là có thể tính ra số đo mà không cần thước. Vì thế mà tiệm của chị rất đông khách.

Chị Oanh nói: Mọi người biết đến tôi nhiều hơn, nhiều NKT cũng đã đến xin được học may. Và tôi đã dạy được nhiều người khuyết tật thành thạo nghề may. Sự giúp đỡ đó đã phần nào tiếp sức cho những NKT vượt qua được sự tự ti, suy nghĩ an phận, buông xuôi.

Chị kể: Mất thêm gần 3 năm, tôi mới có thể đi lại được bằng đôi nạng gỗ và quyết định vực lại nghề may. Cùng lúc này, tôi phát hiện mình bị bệnh á sừng. Bàn tay lở loét nặng khi tôi cầm đến kim khâu. Tôi phải bán hết toàn bộ máy khâu và vải vóc với giá rất rẻ. Cửa hàng may đóng cửa.

Số phận lấy của chị Oanh nhiều thứ, nhưng lại bù lại cho chị một thứ đáng giá hơn tất cả, đó là niềm tin. Năm 2001, chị quyết vực dậy mở cửa hàng lưu niệm diện tích 16m2 với 4,8 triệu đồng (số tiền bán máy may trước đó).

Ban đầu, công việc kinh doanh rất bế tắc vì chị không thể chủ động đi chọn hàng được nên nguồn hàng kém phong phú và không phù hợp thị trường. Do đó, chị quyết định tập xe máy để tự chạy xuống chợ Đồng Xuân (Hà Nội) và chống đôi nạng gỗ đi hết mọi ngóc ngách để chọn hàng. Quãng đường cả đi cả về lúc đó khoảng 160km. Những mặt hàng chị nhập về bán là đồ lưu niệm, tạp hóa, đồ chơi cho trẻ mầm non…

Đồng thời, chị tự học sử dụng máy vi tính để cập nhật thông tin, mẫu mã mới, tìm thị hiếu người tiêu dùng. Cũng nhờ đó, chị Oanh tự học được cách làm hoa vải voan và rủ thêm một số người cùng làm.

Sau nhiều lần thất bại, chị cũng bày bán được những giỏ hoa độc đáo, nhiều màu sắc mà khách hàng rất thích. Trả được hết nợ, năm 2010, chị mua một miếng đất và nâng cấp cửa hàng thành siêu thị nhỏ tên Kim Oanh.

Chị Oanh chia sẻ: May mắn là khách hàng đều có thiện cảm với tôi nên việc kinh doanh khá tốt. Cửa hàng tấp nập khách, tôi còn phải thuê thêm nhân viên để hỗ trợ công việc cho mình. Nhìn mẹ hàng ngày giúp tôi chào mời khách với nụ cười trên môi, tôi như quên đi những ký ức nhọc nhằn.

Những chiếc huy chương, cúp vàng, bạc được đặt trang trọng trên tủ tại phòng khách là thành quả của những ngày tháng thi đấu, tập luyện “đổ mổ hôi, sôi nước mắt” của một vận động viên ngồi trên xe lăn, minh chứng cho sự nỗ lực phi thường của nữ chiến binh đất Thép.

Chị Oanh bắt đầu tham gia các hoạt động của câu lạc bộ NKT TP. Thái Nguyên từ năm 2005. Năm 2017, trong một lần xem người khuyết tật chơi quần vợt trên truyền hình, chị cảm thấy rất thích thú. Chị đã tự mày mò, nhờ người hướng dẫn tập luyện. Chị chia sẻ: Khó khăn đối với một người khuyết tật chơi quần vợt đó là việc di chuyển xe lăn điều khiển theo điểm nảy của bóng.

Năm 2019, chị bắt đầu tham gia các giải thi đấu. Đầu năm 2023, chị cùng các thành viên tham gia xây dựng CLB thể thao NKT TP. Thái Nguyên. CLB có 22 thành viên, hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, đoàn kết, thống nhất. CLB duy trì tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, tạo sân chơi bổ ích, giúp các thành viên có cơ hội giao lưu, học hỏi, rèn luyện sức khỏe, cùng nhau xóa bỏ mặc cảm, tự tin, vươn lên hòa nhập với cộng đồng.

Chị Oanh chia sẻ: Hiện nay, số người khuyết tật tham gia luyện tập thể thao còn ít, chưa thường xuyên và hoạt động mang tính đơn lẻ. Bởi vậy, việc thành lập CLB sẽ góp phần thúc đẩy phong trào thể thao NKT trên địa bàn, qua đó tác động tới việc cải thiện thiết chế thể thao, văn hóa dành cho họ.

Những buổi chiều hàng tuần, chị cùng các thành viên câu lạc bộ cùng nhau tập luyện trên sân. Một trong những khó khăn của một VĐV NKT là họ không có điều kiện sắm được xe lăn chuyên dụng như nước ngoài, họ chỉ có thể thay bằng lốp xe thể thao chuyên dụng cho sân tập với giá 1,5 triệu đồng/chiếc. Mà những chiếc lốp này trong quá trình thi đấu lại dễ bị sờn, rách. Vì vậy, chị cùng các thành viên thường xuyên phải chắp vá lại nhiều lần sau những trận thi đấu.

Không chỉ tham gia môn Quần vợt, với làn sóng của bộ môn Pickleball đang lan rộng, chị và bạn bè đã thành lập thêm CLB Para Pickleball Gang thép với 6 thành viên và chủ yếu đều mới làm quen với môn này. Ban đầu đa phần tự tập, tự chơi với nhau. Chị nói: Chúng tôi vừa học, vừa chơi thể thao rồi dần dần quen và đam mê. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa trong việc xây dựng và phát triển cộng đồng Pickleball.

Bằng niềm đam mê của bản thân cũng như tình yêu thương dành cho người những người khuyết tật như mình, chị Oanh đã vận động NKT tham gia vào CLB, giúp họ tự tin hơn. Chị chia sẻ: Đối với người bình thường tập thể thao đã rất mệt, các vận động viên người khuyết tật tập quần vợt hay Pickleball càng vất vả hơn nhiều.

"Chỉ cần cố gắng và có niềm tin, chúng ta sẽ làm được những việc có ích cho cuộc đời. Nghị lực sống sẽ giúp tiếp thêm sức mạnh, động viên bản thân vượt qua được thử thách, bồi đắp lên sự khiêm tốn, lòng dũng cảm, lòng kiên trì bền bỉ." Chị Oanh đã truyền cảm hứng cho mọi người như vậy. Hy vọng rằng “ngọn lửa” nhiệt huyết sẽ cháy mãi trong chị, tiếp tục lan tỏa động lực, nghị lực sống và niềm tin vào bản thân đến nhiều người.

 

Từ khóa:

chiến binh

ngồi xe lăn

 truyền cảm hứng

Nguyễn Thị Kim Oanh

Hương Sơn

T.P Thái Nguyên

vận động viên

thể thao

người khuyết tật


Xem thêm bình luận