“Bác đến… Bác đến…” tiếng ai đó vang lên trong hội trường. Bác đến thật rồi! Giống Bác quá! Chúng tôi thấy đôi mắt nhiều người rưng rưng lệ! Tất cả hội trường sau vài giây im lặng bỗng vang dội tiếng vỗ tay chào đón Bác - Đó chính là thành công mà Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Nguyễn Văn Tân tại một buổi biểu diễn mới đây. Từ năm 2010, ông được xác lập kỷ lục Việt Nam “Người thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu và điện ảnh phục vụ nhân dân nhiều nhất”.
Chúng tôi may mắn được gặp NSƯT Nguyễn Văn Tân trong buổi gặp mặt của các cựu chiến binh Trung đoàn 54 và nhân dân xã Bản Ngoại (Đại Từ) tháng 8 vừa qua. Nếu không có lời giới thiệu từ trước, chúng tôi không thể nghĩ người đàn ông với phong thái điềm đạm, ăn mặc giản dị ngồi trước mặt mình nay đã bước qua tuổi 80 và có tới 50 năm, với gần 2.000 buổi biểu diễn hóa thân trong hình tượng Bác Hồ.
Con đường dẫn đến thành công chưa bao giờ là dễ dàng với bất kỳ ai, huống hồ đối với một người nghệ sĩ mong muốn đóng vai Bác Hồ như Văn Tân. Bởi hình ảnh Bác Hồ là biểu tượng cao cả đã khắc ghi trong tiềm thức và trí nhớ của triệu triệu trái tim Việt Nam, chỉ cần một cử chỉ không đúng coi như thất bại, chứ chưa nói đến phải diễn thế nào cho đúng cái “thần” của Bác.
Đó là bước đầu trên con đường dẫn đến thành công. Sau đó, ông tiếp tục tôi luyện, rèn rũa thêm 4 năm tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh và 3 năm thực tế tại Phủ Chủ tịch. Đến năm 1981, NSƯT Văn Tân mới chính thức được Bộ Văn hóa cấp phép biểu diễn rộng rãi.
NSƯT Văn Tân luôn trân trọng và mang theo bên mình những hình ảnh, bài báo về ông trong vai Bác Hồ mỗi lần đi biểu diễn xa. |
Vai diễn Hồ Chủ tịch đã đưa ông đến khắp mọi miền của Tổ quốc, trong đó có gần 10 lần biểu diễn ở Thái Nguyên. Mỗi lần có suất diễn, NSƯT Văn Tân đều được công chúng đón nhận nồng nhiệt.
Trong hơn 50 năm hoạt động nghệ thuật, NSƯT Nguyễn Văn Tân vinh dự được thể hiện hình tượng Bác Hồ với gần 2.000 buổi diễn.
NSƯT Nguyễn Văn Tân đúc rút: Cái khó khi thể hiện hình ảnh lãnh tụ là cái “thần”. Hóa trang có thể rất giống Bác nhưng diễn mà không ra cái thần thái, cốt cách của Bác thì vẫn chưa được gọi là thành công. Chính vì vậy khi diễn, bao giờ tôi cũng có hai cái tôi, một là tôi, một là Bác, nên tôi phải làm chủ được mình. Lúc diễn xong, nhiều người tặng hoa nhưng tôi chưa thể thoát vai. Tôi vẫn phải thể hiện hình ảnh và hành động của Bác, chứ không thể tùy tiện nói cười. Sau khi xóa bỏ lớp hóa trang, tôi mới cho phép bản thân trở về chính mình.
Học Bác, làm theo bác, hóa thân vào hình tượng của Người khiến NSƯT Văn Tân thấy lòng mình trong sáng hơn, sống chân thành và sâu sắc hơn để tận hiến cho đời những phân cảnh về Người, để lớp lớp cháu con cảm nhận đầy đủ hơn, sâu sắc, sống động hơn về hy sinh và đóng góp to lớn của Bác Hồ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, mang lại độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.
Khán giả hào hứng theo dõi phần diễn của NSƯT Văn Tân. |
Trong nửa thế kỷ hóa thân trong hình tượng Bác Hồ, NSƯT Văn Tân đã đi diễn nhiều nơi, trong nhiều chương trình, phục vụ nhiều đối tượng, ở đâu ông cũng được khán giả hoan nghênh, cổ vũ nồng nhiệt, nhiều người xúc động trào nước mắt. Đó là niềm vui cũng là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ.
Ông kể, có lần đi diễn ở Pác Bó, Hà Quảng (Cao Bằng), khi người nghệ sĩ thể hiện hình ảnh của Bác bước lên sân khấu thì nhiều người òa lên khóc và chen nhau đến gần hơn để được thấy Bác. Có nhiều cựu chiến binh xưa từng phục vụ Bác ở hang Pác Bó, giờ gặp lại Người trên sân khấu, họ run run dâng tặng hoa và thốt lên: “Bác ơi, gần 70 năm trôi qua giờ chúng con mới được gặp lại Bác” khiến tôi cảm động lắm.
NSƯT Nguyễn Văn Tân cho biết: Ngay từ năm 1974, khi mới bắt đầu thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu, cha mẹ tôi đã động viên: “Con phải làm sao giữ được hình ảnh Bác, giữ gìn truyền thống gia đình, sống khiêm tốn và hòa đồng với mọi người”. Trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật, ông đã luôn ghi nhớ lời dạy này.
NSƯT Văn Tân chia sẻ về những kỷ niệm đi diễn. |
NSƯT Văn Tân tâm niệm: Đi diễn là góp phần khắc sâu hình ảnh của lãnh tụ với đồng bào, để từng ngày sống và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại, để thấy mình trong sáng hơn, đẹp đẽ hơn.
Cho đến nay, đã hơn hai chục năm nghỉ hưu nhưng NSƯT Nguyễn Văn Tân chưa bao giờ ngơi nghỉ, ông vẫn miệt mài diễn về hình tượng vị Cha già dân tộc. Ngoài ra ông còn là người chủ trì sáng lập Hội Văn hóa quan họ tỉnh Bắc Giang với hơn hai chục câu lạc bộ dân ca quan họ trực thuộc.
Ông tự hào khi kể chuyện về gia đình, nơi đó có người vợ hiền hậu, đảm đang, tảo tần với những đứa con, đứa cháu hiếu thuận, ngoan ngoãn, học giỏi, thành đạt, là nguồn động lực to lớn để ông tiếp tục đứng vững trên sân khấu dù đã ở tuổi 81.
NSƯT Nguyễn Văn Tân bộc bạch: “Trời phú cho tôi trí nhớ lại thêm công luyện học của mình, tôi thuộc và nắm bắt sâu sắc nhiều bài phát biểu, nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc và những lời căn dặn của Bác. Khi chuẩn bị, tôi nghiền ngẫm các kịch bản đã được duyệt, vận dụng các lời chào cán bộ, đồng bào, chiến sĩ cho phù hợp hoàn cảnh từng địa phương, mỗi ngành và đối tượng phục vụ, nhưng tất cả phải nhuần nhuyễn kĩ lưỡng. Tuy ở tuổi 81, sức khỏe, trí nhớ giảm sút nhưng từng lời của Bác như thấm vào máu tôi rồi, không thể quên được...”.
Sau mỗi buổi biểu diễn, NSƯT Nguyễn Văn Tân trở lại cuộc sống với những điều giản dị. Chúng tôi thầm nghĩ, trong nụ cười, ánh mắt và tinh thần lạc quan của ông, có ánh sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh soi đường.