Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh Thái Nguyên thành lập từ năm 2016, đến nay có gần 300 hội viên. Khi đất nước có chiến tranh, họ không quản hiểm nguy, sẵn sàng xung phong lên đường ra trận. Chiến tranh khép lại, rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường, với bản lĩnh, ý chí, phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, những doanh nhân CCB đã nỗ lực vượt qua khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, trở thành những tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương.
Toàn Hiệp hội không có doanh nghiệp nợ đọng thuế, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), nợ lương người lao động, sản xuất, kinh doanh ổn định với doanh thu trên 10.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Các hội viên trong Hiệp hội đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 7.000 người lao động với mức thu nhập bình quân từ 8-15 triệu đồng/người/tháng, không có doanh nghiệp vi phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB huyện Phú Bình, là một trong những tấm gương như thế. Năm 1990, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông cùng vợ làm nhiều công việc như mở cửa hàng, chăn nuôi, buôn bán lợn giống. Tích cóp được lưng vốn, năm 2013, ông Cường dừng việc buôn bán con giống để đầu tư mở xưởng gỗ bóc tại địa phương.
Với số tiền tích cóp được và vay thêm ngân hàng, ông đầu tư hàng tỷ đồng mua máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng bóc gỗ. Từ đó, nhà xưởng hoạt động hiệu quả, quy mô diện tích 7.000m2, sản xuất ván ép xuất khẩu theo quy trình khép kín, máy móc hiện đại; tạo việc làm cho 76 lao động với mức thu nhập từ 7-18 triệu đồng, trừ chi phí mỗi năm thu về 600 triệu đồng.
Ngoài ra, ông Cường cũng tích cực tham gia công tác xã hội, có nhiều năm làm Trưởng xóm và hiện là Bí thư Chi bộ xóm Phố Chợ Đồn. Với những thành tích trong phát triển kinh tế và công tác xã hội, ông được huyện Phú Bình, Hội CCB tỉnh, Hội Doanh nhân CCB Việt Nam nhiều lần khen thưởng.
Đặc biệt hơn là trong số 300 hội viên, có nhiều người tuổi cao, là thương binh, nạn nhân chất độc da cam, mang trong mình nhiều nỗi đau, tổn thất về cơ thể, tinh thần song vẫn làm việc hết mình, dấn thân vào thương trường, như ông Nguyễn Đức Điểm, thương binh hạng ¼, trú tại phường Phú Xá (TP. Thái Nguyên). Ông cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh ác liệt trên mặt trận Đường 9 - Khe Sanh. Chiến tranh đã lấy đi cánh tay phải, để lại nhiều thương tích trên cơ thể ông.
Với tinh thần “tàn nhưng không phế”, ông Nguyễn Đức Điểm đã vượt lên khó khăn, xây dựng HTX Vận tải ô tô Tân Phú, hoạt động ở lĩnh vực vận tải, kinh doanh vật liệu xây dựng, gia công cơ khí, khai thác, chế biến khoáng sản, lắp ráp kết cấu công trình, cho thuê kho bãi, dịch vụ khách sạn.
Ngoài ra có thể kể đến những doanh nhân CCB tiêu biểu như: ông Lôi Đình Quốc, 72 tuổi, nạn nhân chất độc da cam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng nhân dân Phú Lương; ông Nguyễn Hải Âu, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Hải Âu, xã Cổ Lũng (Phú Lương)...
Mới đây, trong chương trình gặp mặt truyền thống kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 49 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, có 59 doanh nhân CCB được Trung ương Hội Doanh nhân CCB Việt Nam và Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh khen thưởng, vì có nhiều kết quả trong phong trào “CCB sản xuất, kinh doanh giỏi” năm 2024.
Có thể kể thêm những tấm gương doanh nhân CCB tiêu biểu như: ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Nhung, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ); ông Dương Hồng Chuyên, Giám đốc HTX nông sản sạch La Hiên (Võ Nhai); ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Nhà máy chè (Định Hóa)...
Với phương châm hoạt động: “Đoàn kết, hợp tác, nghĩa tình cùng phát triển”, những năm qua, các hội viên thể hiện rõ nghĩa tình đồng đội, thăm hỏi, động viên, giúp nhau phát triển kinh tế… Các doanh nghiệp do hội viên CCB làm chủ ở nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh, hoạt động hiệu quả, không chỉ đóng góp cho ngân sách nhà nước mà còn giúp đỡ hội viên nghèo vươn lên, tạo việc làm cho con em CCB và lao động địa phương.
Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai ở lại phía sau”, Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh Thái Nguyên trao tặng bình quân từ 800 đến 1.000 suất quà Tết/năm cho người nghèo với tổng trị giá từ 200-300 triệu đồng; quyên góp từ 400-600 triệu đồng ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, ủng hộ các hoạt động phòng chống thiên tai, dịch bệnh...; trao hàng trăm suất quà tặng các thương binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ hằng năm; mỗi năm xây dựng hàng chục ngôi nhà tình nghĩa tặng CCB và hộ nghèo.
Giai đoạn 2019- 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng Hiệp hội vẫn vận động ủng hộ các đơn vị phòng, chống dịch hơn 2 tỷ đồng. Giữa năm 2020, trận lũ lụt lịch sử xảy ra ở các tỉnh miền Trung, Hiệp hội phát động ủng hộ đồng bào hơn 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả… Trung bình mỗi năm, Hiệp hội Doanh nhân CCB vận động khoảng 1 tỷ đồng thực hiện công tác từ thiện, nhân đạo.
Với những kết quả đạt được, nhiều năm liền Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước; 6 lần được Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc...