Thái Nguyên nâng tầm sản phẩm công nghiệp nông thôn
.

Thái Nguyên nâng tầm sản phẩm công nghiệp nông thôn

TNĐT 10:24, 05/10/2024
 

Mở rộng cơ hội phát triển, nâng cao giá trị thương hiệu, tạo chỗ đứng trên thị trường... là những giá trị các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) được nhận lại khi có sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Với ý nghĩa này, Chương bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngày càng thu hút nhiều HTX, DN tham gia, từ đó góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm của địa phương.

 

Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động khuyến công quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công. Theo đó, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai xuyên suốt từ cấp huyện, thành phố đến bình chọn cấp tỉnh, khu vực.

Sau nhiều năm triển khai, công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ngày càng thu hút đông đảo doanh nghiệp, HTX tham gia. Từ đó, nhiều sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nông thôn có chất lượng, giá trị sử dụng cao, tiềm năng phát triển sản xuất và mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước...

Hằng năm, Sở Công Thương đều tham mưu cho Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh xây dựng các tiêu chí và thang khung điểm chi tiết đánh giá, bình chọn các nhóm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên thang điểm 100, chia thành 4 tiêu chí (tiêu chí về đáp ứng thị trường và khả năng phát triển sản xuất, tiêu chí về kinh tế - kỹ thuật - xã hội và môi trường, tiêu chí về văn hóa, thẩm mỹ và tiêu chí khác).

Bên cạnh đó, Sở cũng hướng dẫn, hỗ trợ các huyện, thành phố tổ chức bình chọn ở địa phương, tuyên truyền, vận động các chủ thể đăng ký tham gia.

 

Ngoài việc chấm điểm bình chọn trên hồ sơ đăng ký, Hội đồng, Ban Giám khảo bình chọn còn tổ chức các đoàn công tác đi đánh giá thực tế sản xuất tại cơ sở công nghiệp nông thôn. Qua đó trực tiếp quan sát quy trình sản xuất, đóng gói, bảo quản sản phẩm, vệ sinh môi trường; xem xét, đối chiếu các thông tin tại hồ sơ đăng ký tham gia bình chọn với thông tin thực tế tại cơ sở, như: Giấy phép sản xuất, công bố hợp chuẩn, hợp quy; chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; các thông tin thực tế về số lượng sản xuất, doanh thu, số lượng lao động thường xuyên, việc sử dụng nguyên liệu trong sản xuất, các biện pháp bảo vệ môi trường...

 
 
 

HTX chè Hảo Đạt là một trong những đơn vị đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh và đã gặt hái được nhiều kết quả nổi bật trong sản xuất - kinh doanh. Ngay từ khi thành lập đi vào hoạt động (năm 2016), HTX đã chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, chè móc câu của đơn vị đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu vào năm 2020.

 

Từ khi đạt chứng nhận này, sản lượng tiêu thụ chè móc câu của HTX trên thị trường tăng gấp 2, 3 lần. Ngoài ra, HTX chế biến và cung cấp ra thị trường từ 250-350 tấn chè búp khô/năm với giá bán dao động từ 250.000 đồng/kg đến 2.500.000 đồng/kg; tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng và khoảng 30 lao động thời vụ.

 

Hay như HTX Tuyết Hương là một trong những cơ sở sản xuất, chế biến chè lớn nhất huyện Đồng Hỷ với vùng nguyên liệu gần 50ha tại các khu vực trồng chè nổi tiếng như Sông Cầu, Trại Cài…, trong đó có 5ha đã được cấp mã số vùng trồng hữu cơ, 15ha chè VietGAP.

 
 

Cùng với chú trọng sản xuất chè theo hướng an toàn, HTX chú trọng cải tiến mẫu mã bao bì. Nhờ đó, sản phẩm Tuyết Hương Trà của đơn vị đã 2 lần đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia, 3 lần đạt giải cấp khu vực và 4 lần đạt giải cấp tỉnh. Hiện, HTX xuất bán ra thị trường gần 3 tấn chè búp khô/tháng. Đặc biệt, năm 2017, sản phẩm chè của HTX vinh dự được Văn phòng Chính phủ lựa chọn làm quà tặng tại Hội nghị APEC.

 

Anh Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX miến Việt Cường (Đồng Hỷ), cho biết: Trải qua 15 năm hoạt động, nhờ mạnh dạn đổi mới phương thức sản xuất, áp dụng quy trình khoa học và đặc biệt là sau khi “miến tỏi đen” của chúng tôi đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, khách hàng biết đến sản phẩm miến Việt Cường nhiều hơn. Đến nay, bình quân mỗi năm, HTX cung cấp khoảng 400 tấn miến ra thị trường với doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 8 tỷ đồng/năm.

 
 
 

Theo đánh giá của ngành chức năng, việc phát hiện, tôn vinh những sản phẩm chất lượng đã góp phần khuyến khích, động viên kịp thời các HTX, doanh nghiệp tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại chỗ. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả thì việc triển khai chương trình cũng còn gặp không ít khó khăn, hạn chế.

Ông Ôn Nhật Mai Sơn, Phó Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp - Năng lượng (Sở Công Thương), cho hay: Phần lớn cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn hiện nay mới chỉ tập trung vào khâu sản xuất nhằm tận dụng nguồn lao động rẻ, nông nhàn, mà chưa chú trọng đến các khâu có thể đem lại giá trị gia tăng cao (nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, thiết kế mẫu mã, xây dựng thương hiệu); nhiều cơ sở chưa nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nên chưa nhiệt tình tham gia. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, sử dụng phần mềm trong công tác bình chọn sản phẩm còn hạn chế, nên việc tổng hợp kết quả, truy xuất thông tin về sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các cấp còn gặp khó khăn...

 

Nhằm khuyến khích, phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn, Sở Công Thương sẽ tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ, mở rộng sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu. Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng khảo sát, xây dựng đề án khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu phù hợp với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương; tạo nhiều việc làm cho người lao động, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm...

 

Đặc biệt là hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ khuyến công, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác bám sát cơ sở, địa bàn; nắm bắt nhu cầu hỗ trợ để xây dựng kế hoạch khuyến công phù hợp, sát với thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.

 

Từ khóa:

Thái Nguyên

nâng tầm

sản phẩm

công nghiệp

nông thôn


Xem thêm bình luận