Khoảng bốn, năm chục năm trước, một số người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ lên mảnh đất Phú Lương làm kinh tế đã không quên mang theo làn điệu chèo cho thỏa nỗi nhớ quê. Qua tháng năm, khúc hát chèo luôn được họ nâng niu, gìn giữ, để rồi từng ngày được “ươm mầm”, “bén rễ” vào từng nhà, vào hội làng và các hoạt động văn hóa ở khu dân cư.
Hôm ấy chớm Xuân, trời trong gió nhẹ, thời tiết rất đẹp chứ không phải một ngày mưa Xuân phơi phới bay như trong thơ cụ Nguyễn Bính xưa, chúng tôi được tham dự buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Bảo tồn nghệ thuật Chèo huyện Phú Lương chào Xuân mới tại tư gia của Chủ nhiệm Câu lạc bộ, ông Bùi Quốc Vương, ở thị trấn Đu (Phú Lương).
Mở đầu buổi sinh hoạt, chúng tôi được nghe tổ khúc chèo cổ “Lới lơ đào liễu đò đưa” với sự biểu diễn của các thành viên Câu lạc bộ (CLB). Ngoài một số “nghệ sĩ” hát, chúng tôi thấy các cô, các bà, các ông hòa mình trong những điệu múa phụ họa trên “sân khấu” rất chuyên nghiệp. Giọng nam, nữ đối đáp có duyên, hòa quện, vút vang, tạo thành không khí sôi nổi: “Ta đi chợ dốc tề tề ngồi gốc i í gốc gốc cây đa… Thấy cô bán rượu mặc áo nâu cô lại thắt dây lưng xanh”.
Sau tiết mục hát múa chèo cổ là trích đoạn hai làn điệu chèo cổ trong vở Lưu Bình Dương Lễ, Tình thư hạ vị và một số làn điệu chèo mới ca ngợi quê hương, đất nước, vùng chè Phú Lương và Di tích lịch sử đền Đuổm. Tôi khá ngạc nhiên và háo hức xem “bữa tiệc” tổng hòa các yếu tố dân ca, dân vũ, dân nhạc, diễn xướng, tuồng… cảm nhận từng câu hát liền hơi, liền giọng, nhấn, ngắt, nảy được các “diễn viên” sử dụng rất chuyên nghiệp.
Các thành viên Câu lạc bộ Bảo tồn nghệ thuật chèo huyện Phú Lương chuẩn bị cho một buổi hát chèo. |
Mỗi tiết mục như vẽ ra bức tranh khung cảnh làng quê Việt Nam xưa với bến nước, con đò, có chàng trai hiếu học đối đáp tài tình với người phụ nữ hiền thục mà không kém phần sắc sảo. Mỗi vở chèo là bài học về đối nhân xử thế, về tình bạn, nghĩa vợ chồng và khát vọng vươn lên của người xưa, cũng là tình yêu và mong ước góp sức dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ngồi dưới “sân khấu” cùng chúng tôi là bà Nguyễn Thị Son, ở tổ dân phố Lân 2, thị trấn Đu. Bà không rời mắt, say mê xem các “diễn viên” biểu diễn, người đong đưa theo điệu nhạc còn miệng thì lẩm nhẩm hát theo. Năm nay đã 85 tuổi, nhưng chưa buổi sinh hoạt nào của CLB mà bà không có mặt. Bà Son quê gốc Thái Bình, vốn là người có giọng chèo hay có tiếng. Sau này, cùng gia đình di cư lên Phú Lương lập nghiệp, bà vẫn ngày ngày hướng về quê hương qua những làn điệu chèo.
Ngắm nhìn cành đào phơn phớt hồng đang bung nở trong vườn, ông Vương quay sang chúng tôi bảo: Mỗi độ Xuân về, “gánh chèo” thôn quê của chúng tôi lại “đắt sô”, được mời đi giao lưu, biểu diễn phục vụ các hội nghị, lễ hội và sự kiện chính trị của địa phương như: Lễ hội đền Đuổm, đền Khuân, đền Quan, đền Trình và nhiều chùa trong và ngoài huyện. Cái hay của chèo là lời hát trong chèo hầu hết diễn tả cuộc sống hằng ngày của người dân một cách chân thực, bình dị, thể hiện khát vọng về cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nông dân.
Bà Trần Thị Giàng, thành viên CLB Bảo tồn nghệ thuật chèo huyện Phú Lương, tâm sự: Là dân quê gốc Thái Bình, năm 1972, hai vợ chồng tôi lên Thái Nguyên khai hoang, sinh sống tại tổ dân phố Lân 2, thị trấn Đu. Thời gian đầu chưa quen, để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết, hai vợ chồng lại mở chiếc radio nghe và hát theo những làn điệu chèo trong chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Cũng là người sống xa quê, ông Trần Thanh Bình, thành viên CLB, chia sẻ: Tôi mê chèo từ khi còn bé, nghe ông bà ngân nga những bài hát chèo, tôi thường bắt chước, hát theo và thuộc làu các bài hát chèo xưa. Theo gia đình lên Thái Nguyên sinh sống, tôi luôn hằng mong được xem chèo, nghe chèo và tham gia hát chèo.
CLB Hát chèo xã Phấn Mễ (tiền thân của CLB Bảo tồn nghệ thuật chèo Phú Lương) được thành lập năm 2014, với 28 thành viên cũng bắt nguồn từ những khao khát của ông Bình, bà Giàng và những người dân gốc Hà Nam, Thái Bình, Nam Định… rời xa quê hương lên sinh sống trên mảnh đất Phú Lương.
Họ có chung niềm đam mê với chèo, cùng tựu lại để được thỏa đam mê của bản thân, đồng thời bảo tồn và gìn giữ những làn điệu chèo của dân tộc. CLB mỗi tuần sinh hoạt 1 lần, cùng nhau sưu tầm, hát những làn điệu chèo có sẵn bằng tất cả sự đam mê.
Sau 10 năm duy trì hoạt động, đến tháng 7-2024, CLB đại hội, đổi tên thành CLB Bảo tồn nghệ thuật chèo huyện Phú Lương, trực thuộc Hội Văn học Nghệ thuật huyện. Ngoài các thành viên trong huyện, CLB cũng thu hút được một số người ở các địa phương trong tỉnh.
Trong CLB, người trẻ nhất hơn 40, nhiều tuổi nhất hơn 80 tuổi, trong đó có hai cặp vợ chồng cùng tham gia sinh hoạt. Say mê với làn điệu chèo và tập hợp ở CLB, những “diễn viên” chân lấm tay bùn nay đa phần tuổi đã cao, nhưng nhiệt huyết vẫn luôn cháy bỏng.
Không kể ngày nắng, ngày mưa, cứ khi việc đồng áng xong xuôi, họ lại cùng nhau cháy hết mình với niềm đam mê hát chèo. Bằng tình yêu với nghệ thuật chèo truyền thống, họ đã xua tan nỗi nhọc nhằn của cuộc sống đời thường, che đi vết chai sạn trên đôi bàn tay, giấu đi những nếp nhăn của thời gian trên gương mặt, hóa trang vào các vai diễn, cống hiến cho khán giả những lời ca, nhịp phách, điệu múa đặc sắc.
Ông Nguyễn Chiến Lũy, một trong những người sáng lập CLB Hát chèo xã Phấn Mễ, cho biết: Những ngày đầu thành lập CLB chúng tôi gặp không ít khó khăn do thiếu kinh phí mua sắm trang phục, nhạc cụ biểu diễn. Khó khăn nữa là các thành viên đa phần tự phát chứ chưa từng học qua một lớp đào tạo nào về chèo nên khả năng ca hát, biểu diễn chưa chuyên nghiệp.
Để nuôi dưỡng đam mê, các thành viên đã tự nguyện đóng góp kinh phí hoạt động mua sắm loa đài, đạo cụ, nhạc cụ. Còn ông Bùi Quốc Vương sẵn sàng lấy nhà mình làm “chiếu chèo” cho các thành viên lui tới. Ngoài đóng góp của các thành viên, vợ chồng ông còn tự bỏ tiền làm bục, sắm thêm đèn, điện, biến nhà mình thành “sân khấu” để các thành viên CLB có nơi giao lưu, tập luyện.
Với tình yêu chèo và tinh thần đoàn kết, các thành viên trong CLB đã không ngừng cố gắng học hỏi để đến nay những câu hát, điệu múa rất mượt mà đằm thắm, biểu diễn nhiều nơi được bà con đón nhận nhiệt tình.
Hiện các thành viên CLB Bảo tồn nghệ thuật chèo Phú Lương có thể hát, biểu diễn được khoảng 200 làn điệu chèo mang âm hưởng truyền thống của dân ca, ca dao, thơ. Xưa kia, chiếu chèo thường được biểu diễn ở các sân đình, sân chùa, sân nhà các gia đình quyền quý. Ngày nay, chèo được dàn dựng để biểu diễn hầu hết ở những sân khấu lớn, có sự hỗ trợ của các thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại.
Xu hướng sân khấu hóa cũng kéo theo sự hình thành, phát triển của những vở chèo hiện đại có nội dung mang hơi thở của cuộc sống để dễ hướng tới người xem hơn. Bắt kịp xu hướng này, cùng với sưu tầm, hát các bài hát chèo lời cổ, các thành viên CLB cũng sáng tác lời mới, đạo diễn các tiết mục để đi biểu diễn nhiều địa phương, mong muốn đưa chèo vào từng nhà, vào hội làng, các hoạt động văn hóa ở khu dân cư trên vùng chè Phú Lương.
Một số thành viên đặt lời mới, làm phong phú cho làn điệu chèo như anh Trần Hữu Tân, Phó Chủ nhiệm CLB. Anh đã sáng tác hơn 30 bài chèo lời mới, trong đó có nhiều làn điệu chèo đã được sử dụng trong chương trình Dân ca và Nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Cùng với anh Tân, trong CLB có ông Bùi Quốc Vương đã sáng tác 10 lời chèo mới ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi mảnh đất Phú Lương, Thái Nguyên giàu đẹp, chứa nhiều huyền tích, truyền thống lịch sử và những người con nghĩa tình.
Những câu hát chèo, điệu múa mang lại những giây phút thư giãn vui tươi, sau những ngày làm việc căng thẳng, vất vả, cũng là nguồn cổ vũ, động viên nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương. Đồng thời góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đặc biệt, thời gian vừa qua, khi cơn bão Yagi gây ra nhiều hậu quả cho người dân Thái Nguyên nói riêng, miền Bắc nói chung, anh Tân đã gửi những tâm tư của những người chịu ảnh hưởng bởi bão lũ nhưng vẫn kiên cường, lạc quan vào chèo thông qua bài “Thương em vùng lũ”. Bài hát đăng tải trên Youtube đã nhận được nhiều lượt yêu thích của mọi người: “… vùng lũ nhà trôi, cha mẹ theo nước về trời còn đâu, hai anh em một nỗi đau, giờ đây nào biết tìm đâu nẻo về…”.
Tâm sự với các thành viên CLB Bảo tồn nghệ thuật chèo, chúng tôi còn được nghe họ chia sẻ băn khoăn: Hiện nay, một số loại hình nghệ thuật, như nhạc trẻ, phim ảnh, hài kịch… đang dần chiếm ưu thế, có lượng người xem đông đảo. Nhưng các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo lại mất dần đi người xem, nhất là người trẻ.
Chính bởi vậy mà các thành viên CLB muốn duy trì hoạt động với mong muốn “giữ lửa” loại hình nghệ thuật dân gian, cũng dần dần “ươm mầm” để “hạt giống” chèo bén rễ, đâm chồi trên mảnh đất chè Thái, tạo thêm sân chơi lành mạnh, phong phú cho người dân.
Xuân về, khi những cành đào bung nụ khoe sắc hồng phơn phớt trong gió, cũng là lúc các “nghệ sĩ” nông dân của CLB Bảo tồn nghệ thuật chèo Phú Lương lại say sưa tập luyện, biểu diễn, đưa làn điệu chèo mãi ngân vang dưới chân núi Đuổm.
Giữa tấp nập ồn ào của đời sống hiện đại, tiếng hát, lời ca chèo biểu diễn mừng Đảng, mừng Xuân, như mạch nguồn truyền thống dân tộc chảy mãi, là món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, Xuân về của những người yêu di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc…