Người “thắp lửa” Then ở Phú Cường
.

Người “thắp lửa” Then ở Phú Cường

TNĐT 14:43, 14/03/2025
 

Đã từ lâu, hát Then, đàn Tính là loại hình nghệ thuật tiêu biểu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Tày ở miền núi phía Bắc. Với mong muốn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình, hàng chục năm qua, ông Đinh Đại Dương (sinh năm 1962, ở xóm Thanh Mị, xã Phú Cường, huyện Đại Từ) đã không tiếc thời gian, công sức, miệt mài giới thiệu, hướng dẫn hát Then, đàn Tính cho những người yêu thích loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

 

“Lửa Then có từ trong máu” - đó là câu trả lời của ông Đinh Đại Dương khi được chúng tôi hỏi về cơ duyên đến với hát Then, đàn Tính. Ông Dương lý giải: Tôi sinh ra trong một gia đình có 5 đời làm thầy Then. Từ nhỏ, tôi đã theo cha đi làm Then tại nhiều nhà trong và ngoài xóm để cầu bình yên, cầu phúc cho các gia đình. Dần dần, những bài Then như mạch nước ngầm ngấm dần, thấm dần vào tâm hồn và con người tôi từ lúc nào không hay. Như một lẽ tự nhiên, tôi yêu thích, bắt chước, học thuộc và hát ở bất kỳ lúc nào, ở đâu có thể, có khi hát ngay trong nhà mình, trong lúc chăn trâu trên đồng ruộng, nương rẫy... Lớn lên, sinh hoạt đoàn thanh niên, tôi mạnh dạn tham gia các tiết mục văn nghệ ở xóm, xã.

 
 

Năm 1982, ông Dương viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Trong thời gian đóng quân, nhìn thấy cây đàn Tính của đội tuyên truyền văn nghệ xung kích của đơn vị, ông Dương lấy làm thích thú và thi thoảng lại tìm đến hỏi mượn để đánh cho đồng đội cùng nghe vào những giờ giải lao.

Không lâu sau đó, ông Dương được thủ trưởng chuyển hẳn sang làm nhiệm vụ ở đội tuyên truyền văn nghệ xung kích. Cứ như vậy, làn điệu Then cùng ông trên mỗi bước đường hành quân.

Đến khi phục viên về địa phương, ông Dương được bầu làm Bí thư Đoàn, kiêm thêm công tác văn hóa ở xã. Trong thời gian này, ông vừa tự trau dồi, phát huy niềm đam mê hát Then, vừa thường xuyên xây dựng các tiết mục văn nghệ có hát Then, đàn Tính để đoàn viên, thanh niên tập luyện và biểu diễn.

 

Sau khi nghỉ công tác vào năm 2009, ông Đinh Đại Dương được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ xóm Thanh Mị. Ngoài những khi tham gia công tác xã hội, ông dành phần lớn thời gian cho niềm đam mê Then. Để hiểu và nâng cao kiến thức, kỹ năng biểu diễn Then, ông đã tìm đến nhiều bản làng người Tày còn lưu giữ nguyên bản văn hóa truyền thống như ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang…

 

Càng miệt mài tìm hiểu, học tập, nghiên cứu, ông Dương càng thêm yêu và gắn bó với những làn điệu Then của dân tộc. Hiện nay, ngoài các bài Then mới, ông vẫn lưu giữ những cuốn sách cổ ông cha để lại với những bài Then độc đáo.

 

Ngoài đam mê hát Then, ông Dương còn được nhiều người gần xa biết đến qua việc làm đàn Tính. Người mua đàn của ông rất nhiều, không chỉ trong tỉnh mà còn ở các tỉnh khác như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn…

Theo ông Dương, đàn Tính có ba bộ phận chính là: Bầu đàn, cần đàn và dây đàn. Ngoài ra, đàn còn có các bộ phận nhỏ như ngựa đàn, kẹp cố định dây và chốt lên dây. Để làm được cây đàn Tính phải trải qua rất nhiều công đoạn và đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ từ người làm đàn. Bầu đàn được làm từ quả bầu, cần đàn làm từ cây thừng mực, dây đàn làm từ sợi cước.

Cũng theo ông, làm đàn khó nhất là khâu chọn bầu. Quả bầu làm đàn phải là bầu già, hình dáng đẹp, chu vi từ 68-70cm. Mặt đàn thường được làm từ cây gỗ mềm và nhẹ để tạo ra tiếng vang. Gỗ đem về giáp thật kỹ sao cho độ dày phù hợp nhất, rồi gắn lên miệng bầu. Công đoạn làm cần đàn cũng đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ không kém, từ cách chọn cây cho đến các hoa văn được khắc ở đỉnh đàn.

 

Ông Dương cho hay: Một cây đàn hay phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước bầu, độ dày mặt đàn, lên dây chuẩn… Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là kinh nghiệm và sự cảm thụ âm nhạc của người làm đàn để điều chỉnh các bộ phận sao cho phù hợp, để khi đàn được lắp hoàn chỉnh sẽ cho âm thanh hay, tròn trịa…

 

Am hiểu hát Then, đàn Tính, ông Dương không giữ bí quyết cho riêng mình. Bất cứ ai muốn học hát, học đàn, thậm chí học làm đàn, ông đều sẵn sàng hướng dẫn, giới thiệu. Còn nhớ cách đây vài năm, khi chúng tôi có dịp tác nghiệp tại Trường THPT Nguyễn Huệ (Đại Từ) cũng là thời điểm ông Dương đang phối hợp với Nhà trường giới thiệu văn hóa dân tộc Tày, đặc biệt là hát Then, đàn Tính cho các em học sinh.

 
 

Cô giáo Hoàng Thị Hậu, giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ, cho biết: Chú Dương đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong việc triển khai một số đề tài nghiên cứu khoa học cho học sinh, gần đây nhất là Dự án duy trì, bảo tồn văn hóa đàn Tính trong sinh hoạt cộng đồng. Câu lạc hộ hát Then của Nhà trường thu hút trên 20 học sinh tham gia. Được cùng nhau tập hát, đánh đàn, tự tay làm đàn Tính theo hướng dẫn của chú Dương nên các em rất thích thú.

 
 
 

Đến nay, ông Dương cũng không nhớ nổi đã làm được bao nhiêu cây đàn và có bao nhiêu học trò, chỉ biết rằng nhiều học trò của ông đã trở thành những hạt nhân hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương, làm cho nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình ngày càng có sức sống trong cộng đồng. Một số người còn được mời tham gia biểu diễn hát Then, đàn Tính phục vụ các đoàn du lịch đến với địa phương.

Người “thắp lửa” Then ở Phú Cường
 

Ông Lý Ngọc Trai, xóm Đồng Tiến, xã Phúc Lương, cho biết: Ở xóm, trước kia có nhiều người biết hát Then và chơi đàn Tính nhưng sau này do ít sử dụng nên dần mai một. Được sự hướng dẫn tận tình của ông Dương, đến nay tôi đã chơi đàn thuần thục, biết cách lấy hơi, nhả chữ, luyến láy trong từng lời Then.

 

Ngoài thời gian đi biểu diễn, giới thiệu hát Then, đàn Tính ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, ông Dương còn tích cực tham gia hỗ trợ các câu lạc bộ Then khác trong huyện. Cũng nhờ đó mà đến nay, nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đại Từ đã thành lập câu lạc bộ hát Then với hàng trăm hội viên tham gia sinh hoạt, trong đó có nhiều người trẻ.

 
 

Suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, thi thoảng ông Dương lại ôm đàn Tính, hát vài lời Then, lúc thì vút vao, khi lại thủ thỉ tâm tình. Chợt ánh mắt ông Dương đượm buồn: Xã hội ngày càng phát triển, mọi người bây giờ tiếp xúc với nhiều thú vui, văn hóa từ nhiều nơi khác nhau nên những nét văn hóa truyền thống của dân tộc như hát Then đang dần bị mai một. Những người tâm huyết với làn điệu Then đều đã cao tuổi và lần lượt “khuất núi”. Tôi luôn xác định bảo tồn, truyền dạy văn hóa dân tộc là trách nhiệm của bản thân, do đó còn sức khỏe tôi còn truyền dạy cho mọi người, cho con cháu, miễn sao gìn giữ được bản sắc và vốn quý của cha ông để lại.

 
 

Chia tay ông Dương cùng tiếng đàn Tính, lời Then trong trẻo, chúng tôi cảm nhận dường như ẩn chứa bên trong dáng người mảnh khảnh kia chưa bao giờ nguôi đam mê, tâm huyết với văn hóa dân tộc mình. Nép mình dưới những vạt rừng keo xanh mướt, ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Đinh Đại Dương luôn vang lên những làn điệu Then thánh thót ca ngợi mùa Xuân, ca ngợi quê hương đổi mới…

 

Từ khóa:

hát then

đàn tính

người “thắp lửa” then

phú cường

Đinh Đại Dương


Xem thêm bình luận