Về xã Ôn Lương, chúng tôi hỏi đến anh Tống Văn Viện, xóm Khau Lai bà con địa phương ai cũng biết. Người dân Khau Lai luôn dành cho anh tình cảm đặc biệt. Với họ anh không những là một người trẻ lễ phép, nhiệt tình, hiểu biết rộng, mà còn có công giúp bà con mở hướng phát triển kinh tế để xóa nghèo, làm giàu từ nông nghiệp.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về chàng Giám đốc HTX nông sản Phú Lương là cách nói chuyện gần gũi, thân thiện. Có lẽ sự trải nghiệm cuộc sống ở nhiều lĩnh vực đã tạo cho anh chững chạc hơn so với tuổi 37.
Kể lý do về quê lập nghiệp, anh Viện nhắc nhiều đến hai chữ quê hương, ánh mắt ánh lên tình yêu thương trìu mến. Chúng tôi cảm nhận được, tình cảm đặc biệt mà anh dành cho vùng đất Ôn Lương. Nhớ lại thời thơ ấu, anh nói: Gia đình tôi nhiều đời làm chè, nên từ nhỏ tôi đã gắn bó, ít nhiều nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc chè theo phương pháp thủ công, truyền thống cha ông. Do thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, nên trước đây năng suất, chất lượng chè của người dân địa phương không cao. Bởi thế mà sản phẩm chè bán cho thương lái nhỏ lẻ, chẳng được giá, khiến đời sống đồng bào còn khó khăn đủ bề, đói nghèo cứ đeo bám mãi.
Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Viện đăng ký thi, vào học Trường Cao đẳng Thống kê ở Bắc Ninh. Hồi ấy, các bạn và hầu hết thầy cô ở Trường ai cũng biết và gọi anh với biệt danh “Viện chè”. Bởi lẽ mỗi lần về quê, anh đều mang lỉnh kỉnh các thùng hàng, túi xách đựng chè xuống, để quảng bá, bán chè đặc sản quê hương. Cũng chính quá trình bán hàng trực tiếp này, anh học hỏi bạn bè, tham khảo những kiến thức trên mạng Internet và nhanh chóng sáng tạo, thiết lập kênh bán hàng trực tuyến.
Ra trường, anh đi làm ở một công ty liên doanh nước ngoài. Đồng thời đi học thêm khoá học về nông nghiệp đa dạng, tích luỹ thêm kinh nghiệm kinh doanh và kỹ năng quảng bá các sản phẩm, tạo đà mở rộng mạng lưới bán hàng của mình. Năm 2013, sau khi đặt nền móng sự nghiệp bằng một kênh phân phối chè riêng của mình, anh trở về quê, mang theo tư duy của chàng thanh niên thời đại 4.0. Với những gì nắm bắt được ở trường học và “trường đời”, anh tự tin thực hiện dự định của mình, trở thành một trong những người đi đầu, mở đường phát triển kinh tế từ công nghệ số ở Ôn Lương.
|
||
Với suy nghĩ, muốn có sản phẩm tốt, thì quan trọng hơn hết là cần nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng và đẩy mạnh công nghệ số. Vì thế, sau khi về quê, việc đầu tiên anh bắt tay làm là cải tạo lại diện tích chè của gia đình. Áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật hiện đại vào thâm canh, anh đã xây dựng thành công vùng nguyên liệu chè sạch. Để mở rộng quy mô sản xuất, anh hợp tác với những người nông dân gần nhà, vận động họ cùng thay đổi việc canh tác chè, sản xuất chè VietGAP. Sau khi ổn định vùng nguyên liệu, đáp ứng chất lượng mong muốn, anh tiếp tục liên kết với các hộ dân quanh vùng, dần dần mở rộng vùng nguyên liệu lên hàng chục héc-ta.
Chia sẻ về việc thay đổi tư duy sản xuất chè của người dân quê hương, anh Viện tâm sự: Lúc đầu, hướng bà con làm chè VietGAP cũng gian nan lắm, bởi cách thức làm chè truyền thống đã hằn sâu vào suy nghĩ của người dân. Quá trình sản xuất, tôi luôn bám nương, bám vườn, sát cánh cùng bà con, vừa động viên, vừa tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn. Dần dần, những cây chè VietGAP trổ búp non xanh, năng suất dần tăng, giá bán cao hơn nên bà con đã vững tin làm chè theo phương thức mới.
Vận dụng kiến thức học hỏi được từ nhiều vùng chè nổi tiếng, anh Viện đã liên kết thành lập HTX sản xuất và chế biến chè an toàn. Với quy mô nhà xưởng gần 1.000m2, HTX có hàng chục máy sao sấy, vò chè, giá hong chè, hệ thống tưới tiết kiệm. Nhờ đó, chất lượng và giá trị sản phẩm chè của HTX ngày càng được nâng cao. Trung bình mỗi tháng, HTX xuất bán được 1 tấn chè búp khô, giá bán từ 300-500 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, HTX còn gia công thêm các loại nông sản 3 miền như: Macca, nho, hạt điều, miến, măng, mộc nhĩ, nấm hương… Đồng thời, liên kết với một số HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Phú Lương để giới thiệu, tiêu thụ nhiều mặt hàng địa phương như mỳ, chè, gạo.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại để duy trì, mở rộng thị trường trong thời đại công nghệ số, anh Viện đã tích hợp các thông tin thuận tiện cho người tiêu dùng. Chỉ với vài thao tác trên chiếc điện thoại thông minh, mọi người có thể biết rõ được các thông tin sản phẩm như: Thời gian sản xuất, địa chỉ, thành phần, tiêu chuẩn chất lượng và giá cả. Anh cũng chú trọng đa dạng hóa các hình thức đóng gói, thường xuyên thay đổi mẫu mã bao bì, nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc.
Xây dựng doanh nghiệp số đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường, anh Viện còn đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, phát triển bán hàng online dựa trên các nền tảng mạng, như: zalo, facebook, tiktok. Nhờ công nghệ số, sản phẩm của HTX kết nối khắp các vùng miền, góp phần tăng lượng sản phẩm tiêu thụ.
Sau hơn 3 năm thành lập, HTX Nông sản Phú Lương dần có “chỗ đứng” trên thị trường, tạo việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động, đảm bảo thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương. Và hơn hết là anh Viện đã “thổi" một luồng gió mới làm thay đổi tư duy, cách làm kinh tế của người dân Ôn Lương. Thành công bước đầu khi có 3 sản phẩm chè đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh, thời gian tới, HTX phấn đấu nâng cao chất lượng, thương hiệu, giá trị chè để đạt sản phẩm OCOP 5 sao và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Xã Ôn Lương nằm ở phía Tây của huyện Phú Lương, phía Tây Bắc có dãy núi cao, rồi thấp dần về phía Đông Nam, với những đồi bát úp xếp gối nhau, đan xen những cánh đồng bằng phẳng ấp ôm các xóm, bản. Người Tày ở Ôn Lương còn lưu giữ, bảo tồn nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng mang những nét đẹp riêng. Tiêu biểu là việc bà con chủ yếu ở nhà sàn, trong đó nhiều ngôi nhà cổ vẫn còn nguyên bản, đa số người dân biết nói tiếng Tày. Nhiều phong tục tập quán truyền thống cũng được bà con lưu giữ theo bản sắc truyền thống và thực hành trong đời sống thường ngày như: Lễ cưới hỏi, vào nhà mới, mừng sinh nhật, đầy tháng con nhỏ, phong tục đón Tết cổ truyền, Tết thanh minh, rằm tháng bảy, hội đình làng…
Anh Viện từ lâu luôn ấp ủ ý tưởng sẽ xây dựng hệ thống chuỗi liên kết từ sản xuất, tiêu thụ đến phát triển du lịch tại quê nhà, để “khoe” với bạn bè bốn phương những nét đẹp văn hoá nói trên của quê mình. Đặc biệt, anh khao khát xây dựng một khu du lịch trải nghiệm gắn với quảng bá sản phẩm nông sản. Qua đó, góp phần cùng người dân tô đẹp thêm cảnh sắc nông thôn, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho bà con, giữ chân nhiều thanh niên không ly nông, ly hương. Vì thế, ngoài sản xuất, chế biến các sản phẩm nông sản, HTX Nông sản Phú Lương đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch cộng đồng, gắn với quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Tày huyện Phú Lương.
Thời gian vừa qua, các thành viên HTX tạo cảnh quan đẹp thu hút khách du lịch đến vùng núi non tươi đẹp Ôn Lương và thưởng thức các đặc sản địa phương. Để khách du lịch được trải nghiệm đầy đủ văn hóa của đồng bào dân tộc ở đây, HTX còn phục dựng lại ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, thành lập Câu lạc bộ hát then Bản Cọ.
Dẫn chúng tôi đến căn nhà sàn mới dựng, anh Viện cho biết: Đây là nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày ở Ôn Lương, địa điểm dựng nhà sàn đã được tôi lựa chọn kỹ để khách du lịch có thể ở lại. Nhà sàn nằm ngay chân núi, hướng ra cánh đồng rộng lớn, xung quanh là các dãy núi xếp chồng bao quanh. Khí hậu nơi đây quanh năm mát mẻ, trong lành, cảnh quan tươi đẹp, vừa hùng vĩ, vừa bình yên, nên thơ.
Đứng trên nhà sàn mùa này, chúng tôi cảm nhận được không khí trong lành, những làn mây, sương trôi sóng sánh giữa màu xanh thẳm của rừng, của lúa, tạo thêm nét đẹp thuần khiết của nông thôn miền núi. Vào mùa lúa chín, toàn bộ cánh đồng phủ một thảm lúa màu vàng óng rực rỡ bao quanh những đồi chè xanh ngắt; gặt lúa xong, HTX trồng sen, tạo một thung lũng sen nở rộ, như bức hoạ màu sắc thời gian trong các tác phẩm thi ca dân gian.
Một tin vui là cuối năm 2023, xã Ôn Lương được lựa chọn để triển khai thực hiện dự án đầu tư công trình Bảo tồn làng truyền thống dân tộc Tày xóm Bản Đông, do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư; tổng mức đầu tư dự kiến 9 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2023-2025. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc gắn liền với phát triển du lịch và kinh tế cho người dân địa phương. Vậy là, con đường hiện thực hóa ước mơ xây dựng vùng quê phát triển kinh tế, du lịch, đậm đà bản sắc dân tộc của chàng trai Tày 8X Tống Văn Viện sắp tới sẽ càng có thêm cơ hội phát triển.