Hơn 50% cán bộ Kiểm lâm của Vườn Quốc gia Tam Đảo là người ở các địa phương nằm dưới chân rừng Tam Đảo nên nắm rõ phong tục, tập quán, điều kiện của người dân sinh sống nơi đây. Vì vậy, công tác phối hợp tuần tra, tuyên truyền bảo vệ rừng khá thuận lợi.
Tại các địa điểm du khách tham quan, vãn cảnh, lực lượng Kiểm lâm đều đặt thiết bị đựng rác, gắn biển cảnh báo cháy rừng. Đồng thời, lực lượng Kiểm lâm tăng cường tuyên truyền các quy định về bảo vệ rừng đến người dân. Vì vậy, gần 20 năm qua, Vườn Quốc gia Tam Đảo không xảy ra cháy rừng lớn.
Anh Đỗ Văn Công, cán bộ Trạm Kiểm lâm xã Hoàng Nông (Đại Từ) của Vườn Quốc gia Tam Đảo, cho biết: Nhận thức của người dân về bảo vệ rừng ở các xã ven Vườn Quốc gia Tam Đảo đã được nâng lên rõ rệt, tình trạng đốt, phá rừng không còn diễn ra.
Do khi hậu trong lành, mát mẻ nên cây chè người dân trồng dưới chân dãy núi Tam Đảo cho chất lượng sản lượng cao. Tại đây có nhiều vùng chè đặc sản nổi tiếng như: La Bằng, Hoàng Nông, Phú Xuyên…
Trước khi được quy hoạch thành Vườn Quốc gia, người dân các địa phương lân cận hay vào rừng lấy củi về đun nấu, xẻ gỗ làm nhà, săn bắn động vật hoang dã và đốt rừng làm nương rẫy nên rừng bị tàn phá khá nghiêm trọng. Vì vậy, vào mùa khô, nước tại các khe suối trong rừng cạn trơ đáy. Nhưng đến nay, nhờ độ che phủ rừng cao, khả năng trữ thủy tốt, nên kể cả vào mùa khô nguồn nước từ Vườn Quốc gia Tam Đảo vẫn dồi dào.
Nhờ có nguồn nước ổn định, chất lượng mà nhiều hộ dân sinh sống dưới chân dãy núi Tam Đảo đã phát triển chăn nuôi cá tầm đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Hiện có hàng chục hộ ở các xã, như: La Bằng, Hoàng Nông, Ký Phú… làm giàu từ nuôi cá tầm. Du khách đến với các điểm du lịch trải nghiệm dưới chân Vườn Quốc gia Tam Đảo không chỉ được khám phá cảnh đẹp hoang sơ của núi rừng mà còn được thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng của địa phương.
Vườn Quốc gia Tam Đảo là rừng đầu nguồn của hồ Núi Cốc, hầu hết các dòng suối bắt nguồn từ sườn Đông Tam Đảo đều đổ về đây. Những năm qua, nhờ khả năng trữ thủy tốt của Vườn Quốc gia Tam Đảo nên nguồn nước của hồ Núi Cốc khá ổn định.
Nguồn nước hồ Núi Cốc không chỉ cung cấp nước tưới cho hàng vạn héc ta đất nông nghiệp ở huyện Phú Bình, TP. Phổ Yên và TP. Sông Công mà còn dùng để sản xuất nước sinh hoạt cung cấp cho người dân ở TP. Thái Nguyên và các đô thị lớn phía Nam tỉnh. Hiện nay, Nhà máy nước Yên Bình (công suất 150.000m3/ngày, đêm) và Nhà máy nước Nam hồ Núi Cốc (công suất 50.000m3/ngày, đêm) đang sử dụng nguồn nước từ hồ Núi Cốc để sản xuất nước sinh hoạt.