“Thay áo mới” cho vùng lõi đô thị Thái Nguyên
.

“Thay áo mới” cho vùng lõi đô thị Thái Nguyên

Hoài Anh - Lăng Khoa 14:04, 21/02/2023
 

Ngày 26/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1989/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên đến năm 2035. Trong đó có nội dung mở rộng quảng trường lớn trung tâm, không gian công cộng, thương mại, văn hoá - nghệ thuật, cơ quan, phố đi bộ, cây xanh; tạo thành trục cảnh quan kết nối Quảng trường Võ Nguyên Giáp với sông Cầu, đáp ứng sự mong mỏi của người dân cũng như tạo điểm nhấn cho đô thị văn minh, hiện đại...

 

Cùng với TP. Nam Định (tỉnh Nam Định), TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), Thái Nguyên là một trong những thành phố công nghiệp ra đời sớm ở miền Bắc vào năm 1962. Trải qua hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, thành phố Thái Nguyên đã từng bước khẳng định được vai trò, vị thế của một đô thị trung tâm, phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.

 

Mặc dù vậy, trong xu thế hội nhập và phát triển, “chiếc áo cũ” ở vùng lõi đô thị đã trở nên chật hẹp. Không gian, chức năng đô thị cũng vì thế ngày càng bộc lộ những bất cập, hạn chế, nhất là những không gian sinh hoạt cộng đồng như quảng trường, công viên, sân vận động và hệ thống đường giao thông nội thị. Thực tế này đang đặt ra những vấn đề cấp bách cho địa phương.

Nguyên nhân được các cơ quan chức năng và chuyên gia quy hoạch chỉ ra là: Sân vận động TP. Thái Nguyên đã xuống cấp, diện tích quy hoạch chưa đáp ứng tiêu chí để tổ chức các giải thể thao tầm cỡ khu vực, quốc gia và quốc tế; các cơ quan hành chính được quy hoạch thiếu tập trung, phân tán, thiếu công năng và chưa đóng góp nhiều cho mỹ quan đô thị; không gian phía trước Quảng trưởng Võ Nguyên Giáp hẹp; không gian đi bộ, phát triển thương mại, dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ, thương mại về đêm chưa được hình thành. Vì vậy, trung tâm TP. Thái Nguyên ban ngày sôi động nhưng kinh tế đêm chưa phát triển…

Để giải “bài toán” này, những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp như “kéo” không gian đô thị sang phía đông sông Cầu, phát triển thành phố về phía Tây; quy hoạch, chỉnh trang đô thị khu vực nội thị hiện hữu.

Nhìn nhận về hướng phát triển không gian nội thị, các nhà quy hoạch cho rằng để khai thác hết tiềm năng của vùng lõi đô thị trước hết cần chú trọng thiết kế đô thị, tạo được cảnh quan để người dân thưởng ngoạn; xây dựng không gian công cộng, thương mại, dịch vụ, du lịch, phố đi bộ nhằm phát triển và nâng tầm đô thị TP. Thái Nguyên theo hướng văn minh, hiện đại.

Theo đó, phương án được đưa ra là điều chỉnh quy hoạch chung để xây dựng mới Sân vận động Thái Nguyên tại khu vực phía Tây thành phố với quy mô 22 nghìn chỗ ngồi, trên diện tích 15,47ha tại xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên). Phương án này đã được HĐND tỉnh Thái Nguyên thông qua. Dự kiến Dự án hoàn thành vào năm 2025.

Trong quá trình tái thiết khu vực Sân vận động Thái Nguyên và đầu tư xây dựng sân vận động tại Khu liên hợp thể dục thể thao (tại xã Phúc Trìu và Quyết Thắng), các hoạt động thể dục thể thao của tỉnh và TP. Thái Nguyên được bố trí tại Sân vận động Gang thép (diện tích 3,3ha, sức chứa khoảng 20.000 người).

Cùng với đó, tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chức năng đất thể dục thể thao hiện hữu tại phường Trưng Vương sang chức năng đất hỗn hợp nhằm mở rộng quảng trường lớn trung tâm, tạo trục cảnh quan và không gian công cộng, kết hợp thương mại, văn hoá - nghệ thuật, phố đi bộ, cây xanh; xây dựng tuyến phố đi bộ rộng trên 80m, tổng diện tích khoảng 5ha và xây dựng Trụ sở làm việc Khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên.

Phố đi bộ được thiết lập ngoài việc tập trung du khách đến thư giãn, giao lưu còn là nơi giới thiệu, quảng bá văn hóa, ẩm thực, các sản phẩm đặc trưng của vùng miền… Một mặt tạo doanh thu cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời là một trong những kênh quảng bá có hiệu quả về du lịch. Việc ra đời tuyến phố đi bộ đầu tiên chính là để kết nối nhiều không gian công cộng của một khu vực cũng như xâu chuỗi nhiều loại hình văn hóa cộng đồng với nhau. Đặc biệt, việc tổ chức thêm không gian đi bộ vào buổi tối đem lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần hiện thực hóa chủ trương phát triển du lịch.

Phương án điều chỉnh này đã được lãnh đạo Bộ Xây dựng lên khảo sát trực tiếp, có sự tham gia ý kiến của 5 bộ: Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư; Quốc phòng.

Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các bộ, kết quả khảo sát và thẩm định, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung TP. Thái Nguyên đến năm 2035, trong đó điều chỉnh cục bộ khu vực phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên. Ngày 26/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1989/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh theo phương án đề xuất của tỉnh Thái Nguyên và Bộ Xây dựng.

 

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cục bộ, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức triển khai các bước tiếp theo, thực hiện mời tham gia thi tuyển ý tưởng quy hoạch khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm TP. Thái Nguyên và phương án kiến trúc Trụ sở làm việc Khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên. Thái Nguyên đặt mục tiêu Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng trước năm 2025, góp phần nâng tầm đô thị Thái Nguyên với vai trò, vị trí là đô thị trung tâm vùng.

 
 

Hiện nay, cùng với việc bảo đảm quy trình, thủ tục theo quy định, công tác giải phóng mặt bằng đang được tập trung thực hiện. Theo quy hoạch, Dự án Khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm TP. Thái Nguyên có tổng diện tích gần 77.000m2. Trong đó, diện tích thu hồi bồi thường, hỗ trợ là trên 3.700m2, bao gồm đất của 12 hộ dân, 1 tổ chức và 22 cơ quan, đơn vị (hiện, một số cơ quan đã di chuyển, số còn lại đang hoàn thiện các thủ tục bàn giao theo quy định). Còn Dự án Trụ sở làm việc Khối các cơ quan tỉnh có tổng diện tích quy hoạch trên 13.700m2, trong đó, diện tích phải bồi thường là hơn 3.000m2, có 19 hộ dân bị ảnh hưởng.

Dù diện tích cần GPMB không quá lớn nhưng đều nằm trong khu vực trung tâm của thành phố. Công tác tuyên truyền, vận động, minh bạch thông tin, cơ chế hỗ trợ, bồi thường và bố trí tái định cư đã được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm. Đến nay, TP. Thái Nguyên đã thống kê, kiểm đếm đất đai, tài sản, vật kiến trúc của 12/12 hộ tại thực địa; chi trả tiền bồi thường cho 10 hộ dân với tổng kinh phí trên 43 tỷ đồng. Hiện, cơ quan chuyên môn đang hoàn thiện hồ sơ trình phương án bồi thường của 2 hộ còn lại, dự kiến xong trong tháng 2 này; tuyên truyền, vận động 1 tổ chức nhận tiền bồi thường…

 
 
 

Dự án Khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm và Dự án Trụ sở làm việc Khối các cơ quan tỉnh hoàn thành với những nét đặc trưng riêng có của Thái Nguyên sẽ làm thay đổi diện mạo, cảnh quan đô thị TP. Thái Nguyên, trở thành không gian đáng sống, đem lại lợi ích cho cộng đồng cả về giá trị văn hóa lẫn kinh tế, góp phần tăng nguồn thu ngân sách địa phương và người dân Thái Nguyên sẽ trực tiếp, hàng ngày được thụ hưởng những thành quả này. Bởi vậy, để Dự án được triển khai đúng kế hoạch cần sự quyết liệt của các cấp, ngành liên quan và hơn hết là sự đồng thuận cao của nhân dân.

Để các tuyến phố đi bộ phát huy hiệu quả, Thái Nguyên sẽ đẩy mạnh loại hình biểu diễn nghệ thuật đường phố, tổ chức hoạt động trình diễn văn hóa dân tộc, các phiên chợ hàng hóa thủ công mỹ nghệ, lưu niệm đặc trưng; phát triển các trung tâm thương mại, khu vực mua sắm với những sản phẩm từ cao cấp đến hàng lưu niệm truyền thống…

 

 

 



Xem thêm bình luận