Nếp vải - hương trời, vị đất của Ôn Lương
.

Nếp vải - hương trời, vị đất của Ôn Lương

TNĐT 18:29, 04/11/2022
 

Được thiên nhiên ban tặng khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, tại huyện Phú Lương, từ lâu giống lúa nếp vải đã được người dân gieo cấy. Điều đặc biệt khiến gạo nếp vải ngon nức tiếng là khi nấu lên hạt dẻo, thơm, ăn lại không bị ngán. Mỗi năm, bà con ở Ôn Lương chỉ gieo cấy một vụ vào tháng 6 và thu hoạch vào tháng 10 Âm lịch.

 
 
 

Năm 2020, HTX Nông sản nếp vải Ôn Lương ra đời. Ngoài hoạt động sản xuất, HTX còn là cầu nối đứng ra thu mua và tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Không chỉ dừng ở việc cung cấp các sản phẩm gạo nếp vải ra thị trường, từ đòng lúa đến khi được thu hoạch, người dân nơi đây đã chế biến thành nhiều món ẩm thực độc đáo như: Rượu ngâm đòng nếp non; cốm nếp vải; rượu nếp; gạo nếp; bánh chưng, bánh dày ngũ sắc, cơm cháy, đặc biệt là món cốm được nhiều người ưa chuộng.

Để đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, HTX Nông sản nếp vải Ôn Lương đã tham gia nhiều hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, đồng thời tạo các kênh quảng bá trên Zalo, fanpage... HTX đã đầu tư nhiều trang thiết bị, máy móc phục vụ chế biến các sản phẩm từ gạo nếp vải như máy hút chân không, máy làm cốm. Các sản phẩm đều có tem truy xuất nguồn gốc tạo sự yên tâm cho khách hàng, với mẫu mã, bao bì đẹp theo nhu cầu của khách.

 
 

Theo quy trình thì rượu đòng nếp vải ngâm từ 2 - 3 tháng là có thể sử dụng. Nhưng ngâm càng lâu thì hương vị của rượu càng thơm ngon, êm dịu và có vị ngọt thanh.

 
 
 
 

Trong các sản phẩm chế biến từ giống lúa nếp vải Ôn Lương, cốm là một thức ăn được nhiều người ưa chuộng. Cốm có màu sắc tự nhiên, vị ngọt, thơm, dẻo rất riêng. Vụ cốm non bắt đầu vào đầu tháng 10 Âm lịch và kéo dài trong 30 ngày.

Hai năm trở lại đây, HTX đã đầu tư giàn máy làm cốm để đảm bảo chất lượng cũng như số lượng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

 

Xưa các cụ vẫn nói ngày nông nhàn cả làng làm cốm ăn chơi, để nhắc đến truyền thống văn hoá ẩm thực tạo nên nét đẹp của mỗi làng quê Việt. Và cốm nếp vải Ôn Lương - thức quà từ lúa non, bao năm được lưu truyền nay đã trở thành sản vật được quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.

Những hạt cốm non có màu xanh mỏng manh và vị thơm dịu. Mỗi hạt là sự kết tinh hương của đất, vị của trời, của bao nắng gió, đem đến cho thực khách một cảm giác ngọt ngào rất dễ chịu trong tiết trời se lạnh.

 

Quy trình làm cốm phải qua nhiều công đoạn. Khi cây lúa mới bắt đầu hoe hoe vàng, vừa giai đoạn vào sữa, bấm mềm tay cũng là lúc người dân chọn ngắt từng bông dài, hạt mẩy về chế biến.

 
 
 
 
 
 
 
 

Cốm có thể ăn trực tiếp hoặc ăn kèm với chuối tiêu hay chế biến thành các món như chả cốm, nấu chè hoặc làm xôi cũng rất ngon. Người Ôn Lương còn sáng tạo trộn cốm và bánh đậu xanh Hải Dương để cốm non có một vị ngọt thơm rất riêng.

Đã được thử cốm ở nhiều nơi xong khi thưởng thức cốm nếp vải Ôn Lương, tôi vẫn vô cùng thích thú. Dư vị ngọt mát của hương lúa nếp non, ngọt, thơm mãi nơi đầu lưỡi.

 
 
 

Thời gian qua, người dân xã Ôn Lương đã được Nhà nước hỗ trợ thông qua nhiều chính sách khuyến nông. Ngoài các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật kết hợp tham quan, trải nghiệm mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh, mỗi năm các hộ dân và thành viên HTX Nông sản nếp vải Ôn Lương còn được hỗ trợ hàng trăm triệu đồng tiền bao bì sản phẩm; hỗ trợ giống, phân bón, kinh phí làm đường bê tông nội đồng, cải tạo hệ thống tưới tiêu.

Nhận thấy lợi thế của địa phương, xã Ôn Lương đã xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp, trong đó chú trọng đến du lịch nông nghiệp, sinh thái kết hợp tâm linh. Ông Đào Quốc Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Ôn Lương, chia sẻ: Xã đang xây dựng phương án dồn điền, đổi thửa khoảng 18ha lúa nếp vải trong giai đoạn 2022-2025; quy hoạch và tiếp tục phát triển, nhân rộng diện tích cấy lúa nếp vải theo hướng VietGAP. Đồng thời chú trọng quảng bá, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP của địa phương, điểm nhấn là nếp vải Ôn Lương, với những sản phẩm định hướng du lịch: Bánh chưng, bánh dày, bánh gio, cốm, rượu cốm, rượu đòng nếp, cơm cháy, cơm lam…

Mong rằng, những sản phẩm từ lúa nếp vải của người Tày ở Ôn Lương sẽ ngày càng “bay xa”, được nhiều người biết đến và yêu thích. Ngoài phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp này còn thúc đẩy kinh tế địa phương, mang lại thu nhập cao, ổn định cho người dân nơi đây.

 
 

Từ khóa:

Nếp vải - hương trời

vị đất

Ôn Lương

Cốm


Xem thêm bình luận