Những "thành trì" nơi tuyến cuối
.

Những "thành trì" nơi tuyến cuối

15:44, 27/02/2022

Một đêm cuối tháng 2, khi mọi người đang say giấc, không khí làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 vẫn rất hối hả. Các y, bác sĩ liên tục di chuyển qua các phòng, theo dõi sát sao tình trạng lâm sàng, từng chỉ số của bệnh nhân.

Những ngày qua, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên diễn biến phức tạp với hàng nghìn ca mỗi ngày, nên lượng bệnh nhân trở nặng, nguy kịch chuyển tới Trung tâm ngày càng tăng. Có thời điểm, Trung tâm tiếp đón, điều trị cho cùng lúc gần 200 người bệnh, trong đó, nhiều bệnh nhân ở giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Áp lực lên các y, bác sĩ là rất lớn. Các anh, các chị không hề có thời gian ngơi nghỉ mà tranh thủ từng phút, từng giây giành giật lại sự sống cho người bệnh.

Nơi phòng trực của Trung tâm, tiếng chuông liên tục đổ dồn trên chiếc điện thoại của bác sĩ Đào Thanh Xuyên, phụ trách ca trực. Chị bắt máy, tất bật báo cáo tình hình người bệnh, hội chẩn nhanh các biện pháp xử trí với bệnh nhân diễn tiến nặng, giải quyết các vấn đề phát sinh về vật tư y tế.

Thoáng chốc, điện thoại chị lại reo vang. “Con sốt ạ. Vâng. Em bận. Anh chăm con nhé!” - Chị Xuyên nói vài câu rồi cúp máy, mắt hơi đượm buồn. Con lớn của chị Xuyên đang học lớp 10, bị lây COVID-19 khi đi học, sau đó lây cho người em đang học lớp 6. Hiện cả hai con chị đều là F0. Cháu nhỏ đang sốt cao nên muốn gọi điện cho mẹ.

Khác với chị Xuyên, người thân thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Lan (đang làm nhiệm vụ tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19) chưa có ai là F0, nhưng hoàn cảnh chị Lan cũng đặc biệt. Chồng chị là bác sĩ quân y, đang học tập, làm việc tại Hà Nội để chuẩn bị đi thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 4 của Liên hợp quốc đặt tại Nam Sudan vào tháng 4 sắp tới. Hai con nhỏ, một 7 tuổi, một 5 tuổi, gửi lại cho bà nội trông, chị “khăn gói” đi thực hiện nhiệm vụ chăm sóc người bệnh COVID-19. Sau thời gian làm việc, chị và các y, bác sĩ phải về khu cách ly riêng nên mỗi ngày chỉ có thể gọi điện, nhìn con qua điện thoại. Thời điểm này, con lớn của chị Lan đang học trực tuyến, bà nội lại không biết sử dụng điện thoại thông minh nên cứ hết giờ làm, chị Lan lại giúp con học qua điện thoại.

Trực tiếp vào Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19, chúng tôi còn được gặp những y, bác sĩ là F0. Các anh, các chị đã dốc sức chữa trị cho người bệnh và bị phơi nhiễm. Nhưng sau vài trận sốt nhẹ, người bớt mệt, họ lại “viết đơn” tình nguyện đi chữa trị cho người bệnh COVID-19 và tiếp tục là những “chiến binh”, lao mình vào nơi nồng độ vi rút đậm đặc nhất cứu chữa cho người bệnh. Ngay đêm chúng tôi tác nghiệp, có 4 y, bác sĩ của Trung tâm là F0 “trực chiến” ngay tại khu sát phòng điều trị của người bệnh COVID-19.

Với các y, bác sĩ, niềm hạnh phúc lớn nhất luôn là chứng kiến người bệnh khỏe mạnh, xuất hiện. Niềm hạnh phúc đó lại càng lớn hơn khi những “chiến sĩ áo trắng” giành giật sự sống cho người bệnh COVID-19 trước “lưỡi hái tử thần”.

Có mặt trong Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19, chúng tôi được chứng kiến sự hồi phục thần kỳ của cụ N.T.Đ, 112 tuổi, ở xã Thuận Thành (T.X Phổ Yên). Khi nhập viện (ngày 18-2), cụ đau ngực, mệt mỏi, ho có đờm, khó thở và có nhiều bệnh lý nền của người cao tuổi. Bằng kinh nghiệm nhiều tháng cứu chữa người bệnh COVID-19 tại miền Nam, các y, bác sĩ đã nỗ lực chăm sóc, điều trị cho cụ. Và điều kỳ diệu đã xảy ra, mỗi ngày cụ Đ. lại khỏe dần lên. Đến ngày thứ 7 kể từ khi nhập viện, tình trạng khó thở, đau tức ngực, ho có đờm hết hẳn, cụ không phải thở oxy, vận động, ăn uống tốt. Dự kiến đến ngày 28-2, cụ được ra viện.

Một bệnh nhân khác là bà V.T.L, 64 tuổi, xã Phục Linh (Đại Từ). Bà L. vào Trung tâm ngày 23-2 trong tình trạng hôn mê sâu, khó thở, thở khò khè, yếu tứ chi. Sau khi được các y, bác sĩ tích cực điều trị, đến ngày 26-2, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, không sốt, ho, khó thở, rút được ống nội khí quản, ăn uống tốt hơn.

Cụ Đ. và bà L. chỉ là 2 trong số hàng trăm người bệnh được điều trị, phục hồi, khỏe dần, âm tính với COVID-19 và xuất viện. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Mai Huyền, Phó Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới cho biết: Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm tiếp nhận hơn 300 bệnh nhân, trong đó có nhiều ca bệnh rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Qua đợt điều trị tích cực, bệnh nhân hồi phục, âm tính với COVID-19. Đến nay, Trung tâm đã cho ra viện hơn 200 bệnh nhân, hiện còn điều trị hơn 100 bệnh nhân. Người bệnh ngày một khoẻ lên, được xuất viện là động lực để chúng tôi thêm cố gắng, khắc phục khó khăn, cứu chữa cho người bệnh trong thời gian tới.

Tôn vinh những y, bác sĩ, nhân viên y tế nơi tuyến đầu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nói: Những người thuộc ngành y trực tiếp tham gia chống dịch là những bông hoa đẹp, truyền cảm hứng về đức hy sinh, về trách nhiệm với đồng bào, đồng chí, truyền niềm tin để vượt lên nghịch cảnh, truyền năng lượng tích cực để đi qua những ngày khó khăn của dịch bệnh…

Trong những ngày này, khi mỗi ngày Thái Nguyên có hàng nghìn ca F0, các y, bác sĩ Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tiếp tục truyền cảm hứng về đức hy sinh, về niềm tin để vượt qua nghịch cảnh, qua thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh. Hàng triệu trái tim của người dân Thái Nguyên vẫn hướng về các anh, các chị, thầm cảm ơn và đặt niềm tin cao nhất vào những “thành trì” vững chắc, ngày đêm bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho nhân dân.