Thái Nguyên vững đà phục hồi tăng trưởng
.

Thái Nguyên vững đà phục hồi tăng trưởng

TNĐT 06:59, 03/01/2023
 

Những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 dần bị đẩy lùi, Thái Nguyên – một trung tâm công nghiệp quan trọng của vùng Thủ đô và khu vực trung du, miền núi phía Bắc, nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng. 3 năm trở lại đây (giai đoạn có dịch COVID-19), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên luôn cao hơn trung bình cả nước; tỉnh vẫn giữ vững vị thế về giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Năm 2022, tất cả các chỉ tiêu quan trọng về kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Năm 2022, kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt cao, nổi bật là chỉ tiêu tăng trưởng.

Đó là những thông tin rất đáng mừng với Thái Nguyên từ ngành Thống kê, trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới có nhiều diễn biến bất lợi với Việt Nam nói chung và với tỉnh nói riêng, nhất là hoạt động xuất – nhập khẩu; áp lực lạm phát trong nước và giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao... Trước những tác động ngoại cảnh bất lợi đó, Thái Nguyên tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ tập thể, phát huy nội lực và nền tảng sẵn có; cấp ủy, chính quyền chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các giải pháp; sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng lòng của người dân để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, nổi bật là chỉ tiêu tăng trưởng.

 
 

Nhìn lại năm 2020, tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên đạt 4,24%, trong khi cả nước đạt 2,9%; năm 2021, Thái Nguyên đạt tăng trưởng 6,51%, cả nước đạt 2,58%; năm nay, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt gần 9% (kế hoạch là 8%), trong khi cả nước đạt khoảng 8%. Điều đó cho thấy đà phục hồi rõ nét và bền vững của kinh tế Thái Nguyên, đồng thời mức tăng trưởng của tỉnh luôn cao hơn trung bình cả nước.

Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt trên 932 nghìn tỷ đồng (tăng 10,8% so với năm 2021).
Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt trên 932 nghìn tỷ đồng (tăng 10,8% so với năm 2021).

Nhiều năm trở lại đây, thế mạnh của Thái Nguyên là sản xuất công nghiệp và xuất khẩu liên tục được phát huy, tỉnh luôn đứng thứ 4 cả nước về 2 chỉ số quan trọng này. Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt trên 932 nghìn tỷ đồng (tăng 10,8% so với năm 2021); giá trị xuất khẩu đạt trên 32 tỷ USD, tăng 10,4% so với năm trước. Khu vực công nghiệp và xây dựng nhanh chóng phục hồi và đạt tăng trưởng cao là yếu tố rất quan trọng, đóng vai trò “đầu tầu” kéo tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Theo tính toán, khu vực kinh tế này đóng góp khoảng 6 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của tỉnh (chiếm gần 60% cơ cấu kinh tế).

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục duy trì tăng trưởng khá.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục duy trì tăng trưởng khá.

Sát cánh với “đầu tầu” công nghiệp, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục duy trì tăng trưởng khá, tăng 4,14% so với năm 2021 (kế hoạch là tăng 3,5%) và đang từng bước chuyển đổi mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy mô trang trại lớn.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và có nhiều khởi sắc. Lũy kế đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 119/137 xã đạt chuẩn nông thôn mới, với 8 xã nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

 
 

Xác định việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển là nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nhiều hình thức đầu tư; triển khai nhiều công trình, dự án trọng điểm, các dự án đầu tư công. Trong đó, ngân sách nhà nước chỉ bỏ ra một phần để giải quyết khâu then chốt, mang tính chất kích cầu, tạo động lực. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả năm 2022 của tỉnh đạt 59,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2021.

Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc - Dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.
Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc - Dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.
Các đơn vị đang tập trung thi công với quyết tâm hoàn thành, đưa công trình cầu Huống Thượng vào sử dụng trước tháng 6-2023.
Các đơn vị đang tập trung thi công với quyết tâm đưa công trình cầu Huống Thượng vào sử dụng trước tháng 6/2023.
Nhiều công trình giao thông trọng điểm làm thay đổi diện mạo TP. Thái Nguyên.
Nhiều công trình giao thông quan trọng làm thay đổi diện mạo TP. Thái Nguyên.

Điểm nhấn trong đầu tư phát triển của tỉnh năm 2022 là việc hoàn thành và khởi công mới nhiều dự án quan trọng, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, như: Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang và Vĩnh Phúc; Dự án Cụm công nghiệp Tân Phú 1, Tân Phú 2 và Lương Sơn; khánh thành nút giao khác cốt đường Thống Nhất và đường Việt Bắc, ĐT 266...

UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mở rộng Dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Khu công nghiệp (KCN) Yên Bình, cho Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (Công ty SEMV).
UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mở rộng Dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Khu công nghiệp (KCN) Yên Bình.
Lễ khởi công Cụm công nghiệp (CCN) Tân Phú 1, CCN Tân Phú 2 và động thổ CCN Lương Sơn.
Lễ khởi công Cụm công nghiệp (CCN) Tân Phú 1, Tân Phú 2 và động thổ CCN Lương Sơn.
Lễ khởi động Dự án Cụm công nghiệp Tân Dương - Cụm công nghiệp đầu tiên tại huyện Định Hóa.
Lễ khởi động Dự án CCN Tân Dương - CCN đầu tiên tại huyện Định Hóa.

Tỉnh cũng thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư mới, đầu tư mở rộng vào các khu công nghiệp của tỉnh, như: Dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (SEMV) của Tập đoàn Samsung (đầu tư số vốn tăng thêm 1,187 tỷ USD); Dự án Trina Solar Wafer (đầu tư mới 275 triệu USD); Dự án Dowooinsys Vina (đầu tư mới 30 triệu USD)… Những kết quả đó góp phần tiếp tục khẳng định Thái Nguyên là một điểm sáng về thu hút đầu tư FDI của cả nước.

 
 

Công tác cải cách hành chính được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 của Thái Nguyên đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố (tăng 6 bậc so với năm 2020); Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2021 đạt 89,41%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 13 bậc so với năm 2020).

Công tác chuyển đổi số của Thái Nguyên đạt nhiều kết quả.
Công tác chuyển đổi số của Thái Nguyên đạt nhiều kết quả.

Chương trình chuyển đổi số được triển khai với lộ trình rõ ràng, cụ thể và phù hợp với thực tiễn. Năm 2022, Thái Nguyên tích cực thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ; tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện đúng lộ trình khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy không còn giá trị sử dụng từ ngày 01/01/2023, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao.

 

Cùng với đó, công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm; các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, tạo việc làm cho người lao động có bước phát triển rõ rệt, có sự tham gia đóng góp tích cực của các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) toàn tỉnh giảm từ 6,14% xuống còn 4,49%, giảm 1,65% so với năm 2021…

Công tác an sinh xã hội tiếp tục được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Công tác an sinh xã hội tiếp tục được tỉnh đặc biệt quan tâm.

2022 là năm dấu mốc giữa nhiệm kỳ 2020-2025, những kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như trên có ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề để Thái Nguyên hoàn thành thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra, trước mắt là tự cân đối thu chi ngân sách, có điều tiết về Trung ương từ năm 2023. Những chỉ dấu của nền kinh tế cho thấy, Thái Nguyên đã lấy lại đà tăng trưởng trên những nền tảng vững chắc, dù rằng khó khăn, thách thức vẫn luôn tồn tại.

 

 


Từ khóa:

Tăng trưởng kinh tế Thái Nguyên

công nghiệp

thu hút FDI


Xem thêm bình luận