Thầy giáo - thi sĩ Doãn Long và ước vọng lan tỏa, giữ gìn văn hóa
.

Thầy giáo - thi sĩ Doãn Long và ước vọng lan tỏa, giữ gìn văn hóa

TNĐT 17:13, 30/05/2024
 

Nhà thơ Nguyễn Doãn Long (bút danh Doãn Long) sinh năm 1976, ở xã Sơn Phú (Định Hóa), đang là giáo viên Mỹ thuật của Trường THCS Hoàng Ngân, xã Điềm Mặc. Không qua các trường lớp viết văn bài bản, anh đến với văn chương một cách hồn nhiên và đầy say mê. Hơn thế, anh đã và đang miệt mài truyền dạy tình yêu văn chương, hội họa và cả ước vọng lan tỏa, giữ gìn những nét đẹp văn hóa đậm bản sắc của mảnh đất ATK Định Hóa cho nhiều thế hệ học sinh.

 

Hơn 10 năm cầm bút, nhà thơ Doãn Long có nhiều tác phẩm thơ, văn đăng trên các sách, báo của Trung ương và địa phương (chủ yếu là thơ). Ngoài các tập thơ in chung, anh còn có 4 tập in riêng gồm: Thương về quê mẹ (NXB Văn hóa dân tộc năm 2011); Nơi mọc lên câu thơ (NXB Đại học Thái Nguyên năm 2018); Dìu anh lên ngựa (NXB Đại học Thái Nguyên năm 2020); Uống rượu nhà sàn (NXB Hà Nội năm 2022).

 

 

 
 

Các tập thơ của anh gây ấn tượng với người đọc ở sự giản dị, câu từ chân thành, mộc mạc chất chứa tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa gắn với cuộc sống, con người vùng dân tộc thiểu số. Phong cách văn hóa miền núi trong thơ anh được thể hiện bằng phương pháp nghệ thuật riêng, đó là không chỉ tả cảnh, người, tình người miền núi, mà tác giả còn gửi gắm những triết lý nhân sinh sâu sắc.

 
 
 

Quan tâm đề tài dân tộc miền núi, nhà thơ Doãn Long đã viết để thử sức, để thấu hiểu, mong được hòa mình vào sắc màu dân tộc. Chia sẻ với chúng tôi, anh nói: Tôi luôn mong muốn những sáng tác mình viết về đề tài dân tộc miền núi sẽ lan tỏa nhiều hơn tới bạn đọc, góp phần lưu giữ nét văn hóa đặc trưng vùng miền, tạo nên cái “phông” văn hóa riêng biệt.

Nhà thơ Doãn Long cho rằng, đây cũng là trách nghiệm của người con quê hương Định Hóa, đưa văn hóa quê hương mình vào các tác phẩm, vừa là nuôi dưỡng đam mê mảng đề tài miền núi, vừa là gìn giữ, giới thiệu, quảng bá bản sắc của đất và người ATK Định Hóa đến nhiều người hơn nữa.

 
 


Đến Trường THCS Hoàng Ngân, nơi nhà thơ, thầy giáo Doãn Long công tác, chúng tôi được biết, Nhà trường đang tổ chức nhiều câu lạc bộ (CLB) thu hút các em học sinh tham gia, trong đó có CLB Nghệ thuật (văn học và mỹ thuật) do thầy Doãn Long phụ trách. CLB này có 65 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 tham gia (mảng văn học có 35 em học sinh; mảng mỹ thuật có 30 học sinh).

 
 

Với vai trò Chủ nhiệm CLB Nghệ thuật, thầy Doãn Long đã truyền cảm hứng và hướng dẫn các em cách cảm thụ các tác phẩm văn học trong Nhà trường, chia sẻ những khó khăn khi viết một cốt truyện, xây dựng tính cách nhân vật trong truyện. Các em cũng được thầy chia sẻ nhiều về việc văn học thiếu nhi đóng góp như thế nào cho sự phát triển nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn học sinh, và ý nghĩa của việc đọc sách giúp mỗi người tiếp thêm niềm đam mê viết.

Với sự linh hoạt trong cách tổ chức cùng với nội dung sinh hoạt bổ ích và phong phú do thầy Doãn Long khởi xướng, các em đã thực sự bị lôi cuốn, yêu thích môn Ngữ văn, Mỹ thuật.

 

Ngoài những kiến thức trong sách vở mà hằng ngày các em được học tập, tham gia CLB Nghệ thuật, ở mảng văn học, các em được biết hơn nhiều kỹ năng cơ bản, giúp các em vững vàng trong việc tiếp cận, làm quen với các tác phẩm văn học. CLB Văn học cũng từng ngày bồi đắp và nuôi dưỡng tâm hồn, giúp các em trở thành những con người sống có trách nhiệm với cộng đồng hơn.

 

Đặc biệt, nhìn thấy năng khiếu của từng học sinh, thầy Doãn Long cũng động viên, hướng dẫn các em thỏa sức sáng tạo, viết, đọc, chia sẻ những sáng tác mới của mình cho các bạn cùng nghe và góp ý. Ngoài ra, thầy Doãn Long cũng là người kết nối, hỗ trợ để các em tham dự Trại sáng tác Văn học thanh thiếu nhi hằng năm do Hội VHNT tỉnh tổ chức. Riêng 2 năm 2022-2023, CLB Nghệ thuật Trường THCS Hoàng Ngân có trên 20 em xét đủ tiêu chuẩn tham dự Trại sáng tác Văn học của tỉnh. Thật vui là nhiều học sinh trong CLB như em Ma Diệu Linh, Đào Thị Phương Thanh, Trần Gia Linh, Phạm Ánh Mai... nhờ sự dìu dắt của thầy đã có tác phẩm truyện ngắn, thơ được đăng tải trên báo, tạp chí, kênh phát sóng trong và ngoài tỉnh.

 
 

Trong CLB nghệ thuật còn có mảng mỹ thuật với sự tham gia của học sinh nhiều khối lớp. Với chuyên môn và kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, thầy Doãn Long đã truyền cảm hứng để các em yêu thích hội họa có cơ hội cầm cọ vẽ các bức tranh theo ý thích của mình. Ngoài tranh được đăng báo, tạp chí, em Ma Diệu Linh, trong CLB đã đoạt giải Nhì Cuộc thi sáng tác tranh và triển lãm Mĩ thuật thiếu nhi tỉnh Thái Nguyên lần thứ VII, năm 2019; nhiều em có tranh được CLB lựa chọn gửi đăng trên báo và tạp chí, được trưng bày tại triển lãm mỹ thuật thiếu nhi tỉnh Thái Nguyên năm 2023, tiêu biểu như các em Đào Thị Phương Thanh, La Thị Uyên Nhi, Nguyễn Thị Hoài An, Ma Thị Huyền Trang,...

Đây là cơ sở để các em mạnh dạn tham gia các cuộc thi, triển lãm và nuôi dưỡng ước mơ của mình trong tương lai. Trong phòng truyền thống của Trường, thầy Doãn Long cũng đề xuất và được Ban Giám hiệu đồng ý trưng bày các tác phẩm hội họa, sáng tác văn học của học sinh, từ đó khích lệ, động viên các em nỗ lực trong học tập và sáng tạo văn học, nghệ thuật.

 
 

Trong nhiều thế hệ học trò, nhà thơ, thầy giáo Doãn Long cười vui “khoe” con gái út Nguyễn Minh Thư đang học lớp 11 Trường THPT Bình Yên chính là học trò đặc biệt nhất của mình, ở cả môn Văn học và Mỹ thuật. Thật vui khi con ngoài học tập giỏi, còn vẽ tranh đẹp và viết truyện ngắn rất có khiếu. Anh tiết lộ: Hai trong số bốn tập thơ đã xuất bản của tôi là do con gái vẽ bìa và tranh minh họa.

 

Trước khi chia tay, nhà thơ Doãn Long “khoe” với chúng tôi: Quý 4 năm nay, anh dự định xuất bản tập thơ mang tên “Lợp lại nhà”, gồm 50 bài thơ. Tập thơ đang ở giai đoạn hoàn thiện bản thảo và con gái sẽ tiếp tục được cha nhờ vẽ minh họa cho tập thơ trong dịp nghỉ hè. Với CLB Nghệ thuật của Trường THCS Hoàng Ngân, anh cũng lên nhiều ý tưởng duy trì sinh hoạt, để CLB thực sự là sân chơi sáng tạo, cơ hội cho các học sinh sáng tác văn học, mỹ thuật…

 

Từ khóa:

giữ gìn văn hóa

ATK Định Hóa

thầy giáo

thi sĩ Doãn Long

ước vọng lan tỏa


Xem thêm bình luận