Lặng lẽ... đón nắng mai
.

Lặng lẽ... đón nắng mai

TNĐT 09:54, 09/03/2023
 
 
 

Chúng tôi bất ngờ nhìn thấy một người phụ nữ thân hình nhỏ thó như đứa trẻ lên 5 tuổi, nặng khoảng 20kg, có khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt sáng nằm trong gian nhà chật hẹp ven đường trung tâm xã Hòa Bình. Xung quanh chị là lỉnh kỉnh đồ, hàng bán cho trẻ con. Gặp khách lạ, chị nở nụ cười thật tươi rồi miệng líu lo trò truyện như người thân lâu không gặp nhau.

 

Chị Lệ sinh năm 1966, trong một gia đình nghèo có 7 anh chị em, trong đó 3 người đã mất, giờ còn 4 chị em gái. Cuộc đời chị buồn như cái tên. Khi mới sinh ra, Nhật Lệ cũng là cô bé bình thường nhưng càng lớn cơ thể càng biến dạng, chân tay teo tóp khiến chị không thể ngồi hay đi lại được mà chỉ có thể nằm úp, ngửa. Muốn di chuyển, chị phải trườn đẩy ngược như em bé 6, 7 tháng.

Thế nhưng ở người phụ nữ này lại có một trí thông minh, niềm lạc quan và nghị lực hơn người. Chưa từng học qua trường lớp nhưng chị biết đọc, viết chữ đẹp, làm thơ, viết văn hay. Chị kể, ngày bé nhà nghèo, đông anh chị em, không đi lại được nên chuyện học với chị xa xỉ lắm. Bởi vậy chị luôn say mê con chữ và thèm khát được học nên phải mượn sách vở của các anh chị em họ hàng và bạn bè để tự học. Thấy các bạn đến trường còn mình không được đi nên mỗi ngày, chị tự viết một bài văn, làm một bài toán. Bạn của bố mẹ đến chơi, ai cho đồng nào chị đều để dành mua bút, sách vở.

 

Con chữ nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng, thiện lương, con chữ cho chị nhiều tư duy, năng lượng mới để chị có thể tự nuôi sống mình. Tôi nghĩ thế khi đọc những bài thơ, mẩu chuyện cười do chị viết, những vần thơ giản dị, mộc mạc mà chan chứa nỗi niềm. Chị tâm sự bằng thơ: “Kỷ niệm không là gì/, Khi người ta đã xóa/Nhưng với tôi tất cả/Muôn ngàn đời còn ghi”. Ngoài ra, chị sở hữu nhiều tài lẻ như đan lát, thiêu thùa, vẽ tranh, hát hay. Chị lưu giữ cho mình những cuốn sổ để ghi chép, làm thơ, vẽ tranh như một cách để yêu thương, kết nối với chính mình. Thấy chị viết chữ đẹp, vẽ tranh giỏi, cán bộ xã Hòa Bình thường đến nhờ chị viết các loại giấy khen, nhiều người trong làng cũng nhờ chị cắt vẽ tranh trang trí, phông cưới, rồi trả tiền công cho chị.

 

Thật khó có thể tin được một người với một cơ thể, hoàn cảnh như chị nhưng lại tự làm mọi việc từ nấu cơm, rửa bát, vệ sinh cá nhân. Khi chúng tôi đến, chị đang loay hoay với chiếc chảo có chứa vài mẩu bánh mì trên bếp ngay cạnh chỗ chị nằm.

Chị bảo: Buổi sáng tôi thức dậy từ 4-5 giờ để sắp xếp đồ đạc, làm mọi việc rồi mở cửa bán cho học sinh kịp mua trước khi vào lớp, xong đâu đấy mới ăn. Mà cũng có hôm ăn, hôm không. Đồ ăn có khi là mọi người cho, có khi tôi nhờ người mua hộ. Tôi có bà chị gái sống cùng xã, nhưng hoàn cảnh cũng khó khăn, lại đi chợ sớm hôm nên thi thoảng mới qua dọn dẹp lại gian nhà giúp.

Chị nói tiếp: Tự mình xoay sở thì cũng có bữa đói bữa no nhưng cái gì làm được tôi sẽ gắng hết sức để làm chứ không muốn phiền ai. Hồi còn nhỏ tôi đã giúp mẹ làm những công việc khi ngồi một chỗ như: Nhặt rau, gọt khoai, bóc lạc… Ở hoàn cảnh nào, mình phải vươn lên ở hoàn cảnh đó, số phận ông trời sắp đặt thế, buồn tủi làm gì.

 
 

Cũng bởi suy nghĩ thế, nên chị không chỉ tự mình chăm sóc bản thân, mà còn kiếm tiền nuôi sống mình. Hơn chục năm nay, quán nhỏ đặc biệt của cô Lệ đã trở nên quá thân thuộc, gần gũi với tụi học sinh. Không đi lại được nhưng vì sử dụng thành thạo điện thoại nên chị có thể kết nối để có được nguồn hàng. “Bạn” đồng hành để giúp chị bán hàng là cây gậy tre gắn móc.

Hàng thì cũng không có gì đáng giá lắm, thứ to tiền nhất là 10 nghìn, còn lại chủ yếu là từ 1-5 nghìn đồng. Mỗi ngày bán được khoảng 100 nghìn đồng tiền hàng thì chị lãi 10-20 nghìn. Mấy năm nay chị bị nặng tai và sức khỏe kém hơn nên học sinh, khách hàng đến mua trả tiền rồi tự lấy đồ họ cần mua. Bởi thế cũng có bạn đến mua rồi giúp chị việc này việc nọ, cũng có bạn lợi dụng chị không để ý lấy trộm đồ nhưng chị không buồn. Nhiều khi có bạn mua đồ không đủ tiền chị vẫn bán hoặc cho thêm.

Chị bảo, ngày ngày một mình với 4 bức tường, chỉ có thể ngắm nhìn bầu trời qua khung cửa, thế nên được nhìn thấy bóng dáng, nghe thấy tiếng nói của mọi người, nhất là các bạn nhỏ, tôi vui lắm. Chúng đến đây mua hàng, líu ríu kể chuyện gia đình, chuyện trường học với tôi như người ruột thịt...

 

Một ngày chị bán tập trung vào 3 thời điểm sáng, trưa, chiều khi học sinh vào học, tan học. Thời gian còn lại chị tập trung đan áo, thêu thùa. Chị hay đan áo váy, đồ chơi trẻ con hoặc đan móc tất cả những gì khách đặt. Những sản phẩm xinh xắn, đáng yêu được làm từ đôi bàn tay linh hoạt và khéo léo và đôi mắt tinh tế của chị khiến nhiều người ưa thích.

 

Trong câu chuyện với chúng tôi, chị bày tỏ biết ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước đến những hoàn cảnh như chị. Chị bảo, với người khuyết tật như chúng tôi, sự chia sẻ, giúp đỡ dù ít dù nhiều cũng rất đáng trân quý. Như căn nhà này, tôi được Trung ương MTTQ Việt Nam hỗ trợ tiền xây, được xã Hòa Bình bố trí quỹ đất. Hiện nay, mỗi tháng tôi được trợ cấp 720 nghìn đồng dành người cho người khuyết tật.

 
 

Dẫu nỗ lực vươn lên, dẫu đã được quan tâm, song chúng tôi thấy cuộc sống của chị Lệ hiện vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngôi nhà chị đang ở là nhà Đại đoàn kết được hỗ trợ xây dựng cách đây gần 20 năm đã xuống cấp, mấy năm trước, chị vay tiền để sửa lại... đến giờ còn mắc nợ. Thu nhập từ bán hàng và đan móc quần, áo, đồ chơi cho trẻ con không đáng là bao.

Một lần đến thăm chị Lệ, chị Bùi Kim Phượng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đồng Hỷ, bày tỏ: Dù bị khuyết tật, ốm yếu, nhưng trông chị lúc nào cũng tươi cười, tràn đầy nghị lực sống. Người tàn tật như chị, nếu gia đình có người chăm sóc cũng đã là khổ, vậy mà chị cứ một mình vật lộn mưu sinh, chủ động cố gắng để làm mọi việc không ỷ lại, trông chờ sự giúp đỡ của mọi người. Chúng tôi mong chị Lệ sẽ được nhiều “mạnh thường quân” biết đến để chia sẻ, trợ giúp, nhất là đặt mua những sản phẩm do chính tay chị làm, giúp cuộc sống của chị phần nào vơi bớt khó khăn.

 

Chia tay chị Lệ, tôi nhớ mãi những vần thơ: “Thân tôi như kiến nhỏ ti/ Chẳng ăn được mấy phải đi kiếm mồi/ Cha mẹ tôi mất lâu rồi/ Tôi nằm một chỗ không ngồi được lên. Tôi nghèo vật chất tình thương/Vật chất thì ít, tình thương cần nhiều”… Hy vọng sớm thôi, sẽ có nhiều người tìm đến, chia sẻ yêu thương, góp chút “nắng mai” cho cuộc đời chị.

Nội dung: Lưu Phượng - Đồ họa: Thanh Hạnh

 



Xem thêm bình luận