Chuyện nghề đan lát ở ATK
.

Chuyện nghề đan lát ở ATK

TNĐT 07:30, 24/05/2023
 

Định Hóa là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Thái Nguyên. Từ bao đời nay, nhề đan lát đã gắn bó với đồng bào các dân tộc nơi đây. Đan lát không chỉ là một nghề kiếm sống mà còn là niềm đam mê và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, được các thế hệ đi trước gìn giữ, truyền dạy cho thế hệ sau.

 

Bà Lường Thị Bi (xã Phú Đình, huyện Định Hóa) không biết nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình có từ bao giờ. Bà chỉ biết từ khi sinh ra và lớn lên đã thấy ông, bà, bố, mẹ của mình tự đan lát những vật dụng cho sinh hoạt thường ngày. Rồi nghề đan lát đến với bà cũng tự nhiên như thế, khi bà chỉ nhìn rồi bắt chước theo. Dần dần bà Bi biết tự đan những chiếc rổ, rá đơn giản rồi đến những dụng cụ phức tạp hơn sau này.

 
 
 
 
 
 

Đan lát từ cây tre, nứa, giang, cọ đã trở thành nghề truyền thống lâu đời của đồng bào vùng ATK. Công đoạn để làm ra sản phẩm cũng rất đa dạng. Có những sản phẩm phải làm đi làm lại nhiều lần mới có thể hoàn thành bởi kỹ thuật đan phức tạp. Thêm nữa, việc đan lát đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, sự khéo léo, kiên trì thì mới cho ra sản phẩm bền và đẹp.

 
 

Để làm ra những sản phẩm đan lát truyền thống, các nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ. Bắt đầu từ việc vào rừng chọn, lấy nguyên liệu gồm tre, mây, nứa…Những nguyên liệu để đan được lựa chọn bằng kinh nghiệm thực tế của người thợ, phải chọn những cây nứa, tre loại không già, không non quá, có đốt dài về đan. Đây là một trong những khâu quan trọng quyết định độ bền của vật dụng đan lát. Bởi, nếu chọn cây nguyên liệu quá già thì khi đan các nan dễ bị gãy, còn với những cây còn non, khi sản phẩm hoàn thiện thì nan đan thường bị co, tạo thành những kẽ hở ở sản phẩm... Đồng thời, cây phải thẳng đều và dài thì mới cho ra sợi nan suôn mượt, để khi đan không bị gãy, dễ lên vòng.

 

Sau khi đã chọn được cây đủ tiêu chuẩn, người đan sẽ bắt tay vào việc đốn ra rồi chẻ và đan. Nan tre đạt chuẩn phải đủ mềm, đủ mỏng để có thể đan lát dễ dàng, nếu lạt cứng quá thì dấp nước cho mềm hơn. Công đoạn này cũng mang yếu tố quyết định để hoàn thiện một sản phẩm đẹp, do đó người đan phải có kinh nghiệm.

 

“Khéo tay thì đan lóng mốt”- câu tục ngữ này có nghĩa dù lóng mốt là một nan cất lên, một nan đè xuống, tưởng như rất đơn giản, nhưng phải khéo tay mới có sản phẩm đẹp. Kỹ thuật đan thường thể hiện sự khác biệt ở phần đế, phần thân và cạp. Kỹ thuật gập nan cũng phải tính toán lượt ở trên, lượt ở dưới sao cho đều và giấu được mối dây thít vào bên trong, tạo cho vành cạp của sản phẩm tròn đều. Dù là công việc khó, nhưng nhiều em nhỏ ở đây đã sớm có niềm đam mê và đã quyết tâm học cách làm các vật dụng đan lát từ ông bà, cha mẹ.

 
 
 

Với mỗi sản phẩm khác nhau, các công đoạn hoàn thiện có thể kéo dài từ vài giờ cho đến vài ngày. Trong đó, sản phẩm cần sự cầu kỳ nhất có thể kể đến là chiếc nón Tày. Mỗi chiếc nón cần từ 3 – 5 ngày để hoàn thiện với nhiều công đoạn hơn. Các công đoạn như chọn lá, tạo khuôn, đan nón đều phải đúng tiêu chuẩn mới có được một chiếc nón đẹp. Lá cọ được chọn để làm nón phải là lá bánh tẻ. Lá càng trắng làm nón càng đẹp.

 
 
 

Mặc dù là một nghề phụ nhưng nghề đan lát đã thu hút mọi lứa tuổi trong gia đình, trong thôn xóm cùng tham gia. Người khỏe mạnh tìm mua, đốn tre và vận chuyển đưa về làng. Người già cưa tre, chẻ nan, vót lạt, trẻ em đan lát, phụ nữ gánh sản phẩm tỏa đi khắp các chợ ở làng quê, thành thị. Nghề đan lát yêu cầu người làm phải tỉ mỉ, cần mẫn và khéo léo. Phải thật sự yêu và đam mê mới có thể học nghề và gắn bó với nghề, tạo ra được sản phẩm đẹp. Phần đa sản phẩm bán chạy nhất, được đặt làm nhiều là gùi, nong, nia, rổ, rá. Lúc nông nhàn, nếu siêng năng, mỗi người đan được 1 sản phẩm/ngày, thu nhập hàng tháng cũng được từ 4 - 6 triệu đồng.

Xã hội ngày càng phát triển, song những mặt hàng thủ công mộc mạc vẫn thể hiện sự tinh tế, bởi cái hồn của dân tộc ẩn chứa trong từng sản phẩm. Cũng bởi vậy mà nhiều người dân ở miền đất lịch sử ATK hôm nay vẫn không ngừng cố gắng, sáng tạo để làm ra những sản phẩm đan lát chất lượng, phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc.

 
 
 
 

Ở Định Hóa hôm nay, không chỉ có những người già, người lớn tuổi biết đan lát, mà nhiều người trẻ cũng đang nỗ lực, bền bỉ giữ nghề truyền thống. Nhưng để kiên trì, sống được bằng nghề và hơn thế nữa để giúp đồng bào giữ nghề được lâu dài thì vẫn rất cần sự quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn từ các cấp, các ngành. Hy vọng trong tương lai không xa, các sản phẩm đan lát truyền thống của huyện ngày càng được nhiều khách hàng biết đến. Để sản phẩm mây tre đan của vùng ATK này trở thành món hàng lưu niệm không thể thiếu của mỗi du khách khi đến đây.

 

 


Từ khóa:

nghề đan lát ở ATK

Định Hoá

bảo tồn nghề đan lát

Thái Nguyên


Xem thêm bình luận