Thăm Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Kim Bảng
.

Thăm Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Kim Bảng

TNĐT 07:51, 02/06/2023
 

Đúng dịp kỷ niệm 69 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2023), chúng tôi được đến thăm Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở đảo Kim Bảng, hồ Núi Cốc (xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên). Đây là nơi khi nghỉ hưu, Đại tướng thường dừng chân, nghỉ ngơi trong các cuộc hành trình về với đồng bào Việt Bắc. Hiện, địa điểm này chưa mở cửa đón khách tham quan nên ít người biết tới.

 
 

Trong tiết trời tháng 5 xanh ngắt với nắng vàng rực rỡ, chúng tôi di chuyển bằng thuyền máy trên hồ Núi Cốc và chỉ chưa đầy 15 phút đã có mặt ở hòn đảo Kim Bảng nhỏ xinh. Trên đảo là ngôi nhà giản dị, nhìn thẳng ra phía Nam hồ Núi Cốc, được bao quanh bởi hồ nước trong xanh và rất nhiều cây bóng mát.

 

 

Khi đặt chân lên đảo nhỏ, chúng tôi nhìn thấy cây đa tỏa bóng xanh mát ngay lối đi dẫn lên Nhà lưu niệm. Cây đa này được Đại tướng cho người mang lên trồng năm 1998. Nhìn cây đa tỏa bóng mát giữa đảo, tôi liên tưởng đến dáng dấp cây đa hiên ngang ở rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng), nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Trung ương Đảng đọc Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày 22/12/1944 và trực tiếp chỉ huy. Cũng dưới gốc đa sững sững ở Tân Trào, Tuyên Quang, chiều 16/8/1945 lịch sử, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, chỉ huy các đơn vị cùng nhân dân cả nước làm cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền…

 

Đang miên man với dòng suy nghĩ, tôi bừng tỉnh khi ông Nguyễn Quý Nghĩa, người thân gia đình Đại tướng được giao trông nom ngôi nhà này hơn 10 năm qua, chia sẻ: Sau khi Nhà lưu niệm hoàn thành năm 1999, Đại tướng và gia đình đã từng dọn về đây ở một thời gian. Khi Đại tướng mất, năm 2014, gia đình đã di chuyển chân nhang từ Hà Nội về để thắp hương Đại tướng tại khu nhà này. Năm 2020, nhân dịp kỷ niệm 109 năm Ngày sinh của Đại tướng, bức tượng Đại tướng bằng đồng cũng được đưa về thờ.

 

Trong lòng nhiều người dân Thái Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là vị tướng văn võ song toàn, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là con người nghĩa tình, thủy chung, giản dị. Thăm Nhà lưu niệm Đại tướng trên đảo Kim Bảng, chúng tôi phần nào hình dung được điều đó. Theo nguyện vọng của Đại tướng, muốn một nơi yên tĩnh, thoáng mát để ở lúc nghỉ hưu, năm 1996, được sự nhất trí của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bắc Thái, gia đình đã chọn và xây dựng ngôi nhà hai tầng mái ngói làm nơi ở của Đại tướng trên đảo Kim Bảng. Ngôi nhà có lối kiến trúc hiện đại song vẫn mang dáng dấp nhà sàn của đồng bào Tày, Nùng Việt Bắc với nhiều cột và bậc cầu thang hai bên như ý tưởng của Đại tướng.

 

Có mặt trong Nhà lưu niệm hôm ấy, chúng tôi gặp Đoàn cán bộ cựu giáo chức Trường Nguyễn Đình Chiểu, TP. Hà Nội. Họ là những đồng nghiệp từng công tác với ông Nguyễn Quý Nghĩa. Có người đến lần đầu tiên nhưng có người đã nhiều lần đến thăm và thắp hương cho Đại tướng tại đây.

Bà Phạm Thị Hoa, cựu giáo viên Trường Nguyễn Đình Chiểu, hiện ở quận Long Biên, Hà Nội, cho biết: Khi đến Thái Nguyên, thăm nơi ở, làm việc của Đại tướng, tôi càng trân trọng hơn vị Đại tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngắm nhìn những bức ảnh khi ông đang công tác cho đến lúc nghỉ hưu thấy một vị tướng tài giỏi song cũng rất gần gũi, đời thường.

 

Đến thăm Nhà lưu niệm Đại tướng, mỗi người đều cảm nhận được những kỷ vật in hình bóng của Đại tướng. Trong phòng khách của Ngôi nhà, chúng tôi chú ý tới bức ảnh Đại tướng với Bác Hồ năm 1950 ở Thái Nguyên trước giờ xuất phát đi Chiến dịch biên giới được treo trang trọng. Trong ảnh, Bác nằm nghỉ trên tấm bạt bên gốc đa chợ Đu (Phú Lương), ngồi bên cạnh là Đại tướng. Phòng khách cũng được treo nhiều bức ảnh do các phóng viên, nhà báo từng được gặp gỡ, phỏng vấn Đại tướng trao tặng cho gia đình.

 
 
 

Ngoài các bức ảnh, gia đình còn gìn giữ, bảo quản nguyên vẹn những kỷ vật đã từng gắn bó với Đại tướng như: Chiếc giường ngủ bằng gỗ đơn sơ; một bộ bàn ghế làm việc bằng gỗ thông; bộ bàn ghế mây ngồi uống nước; bộ bàn ăn trước đây gia đình Đại tướng ngồi quây quần dùng bữa…

 

Trong phòng khách, chúng tôi chú ý đến tấm trướng của Chiến sĩ Việt Bắc trân trọng mừng "anh Văn" thượng thọ tuổi 90 (tháng 8-2000) in dòng chữ to: “Nhân nghĩa kiên trung” với biết bao tình cảm và sự trân trọng dành cho người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bên dưới là chiếc lò sưởi, một kỷ vật mang đậm dấu ấn của người Việt Bắc.

 

 “Mình về mình có nhớ ta/Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”. Có lẽ câu thơ trong bài thơ “Việt Bắc" của nhà thơ Tố Hữu đã nói đúng tấm lòng của Đại tướng, luôn ghi nhớ, khắc ghi tình cảm quân dân Thủ đô gió ngàn dành cho mình suốt những năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp. Bởi thế, trong căn nhà, các kỷ vật này đều được đặt ở vị trí trang trọng của phòng khách.

 

Thể hiện lòng biết ơn, tri ân với Đại tướng, Quảng trường mang tên Võ Nguyên Giáp đã được tỉnh Thái Nguyên xây dựng, hoàn thiện với điểm nhấn là 2 bức phù điêu bốn mặt có chủ đề: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên”. Tại An toàn khu Định Hoá, nhiều địa danh lịch sử ghi dấu những ngày vị Tổng Tư lệnh cùng với Bác Hồ và Trung ương Đảng làm việc trong những năm tháng kháng chiến trường kỳ gian khổ cũng được xây dựng, đón nhiều đoàn du khách trong và ngoài tỉnh tới thăm.

 

Tại TP. Thái Nguyên, chùa Đán, nơi Đại tướng từng chọn làm “đại bản doanh”, tập kết quân dân khi ngày 16/8/1945 Đại tướng đưa quân chủ lực từ Tân Trào, Tuyên Quang, sang giải phóng TX. Thái Nguyên, “trụ sở” chỉ huy tiến đánh Nhật, nay cũng trở thành điểm di tích lịch sử văn hoá. Đến thăm các di tích này, chúng ta đều thể hiện lòng biết ơn những cống hiến của Đại tướng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta.

 

Còn Nhà lưu niệm Đại tướng trên đảo Kim Bảng lại cho mọi người cảm nhận một góc khác trong con người Đại tướng. Đó là cuộc sống thường nhật, rất đỗi giản dị của người từng chỉ huy chiến dịch “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, với biết bao kỷ niệm của Đại tướng khi ở đây lúc nghỉ hưu. Cũng trong ngôi nhà ấy, mọi người khi tới thăm đều hình dung, cảm nhận được tình cảm chân thành, sâu sắc mà Đại tướng dành cho quân dân Việt Bắc nói chung và Thái Nguyên nói riêng.

 
 

Tuy nhiên, hiện nay Nhà lưu niệm vẫn là tài sản riêng của gia đình Đại tướng, chưa được công bố rộng rãi và mở cửa đón du khách tới thăm. Cơ bản, các đoàn khách đến đều qua sự liên hệ và nhất trí của người nhà Đại tướng. Hàng năm, vào các ngày lễ, cấp uỷ, chính quyền xã Phúc Trìu đều tổ chức đoàn tới thăm, thắp hương Đại tướng. Tới đây, khi có sự phối hợp giữa gia đình và cấp uỷ, chính quyền địa phương, Nhà lưu niệm được công bố sẽ là điểm tham quan thu hút nhiều du khách.

 

Còn chúng tôi khi trở về mang theo suy nghĩ, Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Kim Bảng nếu trở thành điểm tham quan và được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa sẽ là “địa chỉ đỏ” để gìn giữ và giáo dục truyền thống cho muôn đời sau thì ý nghĩa biết bao...

 
 

 


Từ khóa:

Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

đảo Kim Bảng

Đại tướng với Thái Nguyên

Thủ đô gió ngàn

hồ Núi Cốc


Xem thêm bình luận