"Ngọn đuốc" sáng trong đồng bào Mông
.

"Ngọn đuốc" sáng trong đồng bào Mông

Thành Nam 07:34, 05/10/2023
 
 
 

Sau một hồi hỏi đường, chúng tôi cũng tìm được đến nhà ông Hoàng Văn Mùi. Ngôi nhà của gia đình ông nằm ngay trung tâm xóm và nổi bật bởi mái ngói đỏ tươi. Năm nay đã bước sang tuổi 70, ông Mùi vẫn đang thoăn thoắt bê từng bao cỏ vừa cắt ngoài đồng mang ra cho trâu ăn. Thấy khách, ông nhanh nhẹn ra bắt tay và mời chúng tôi vào nhà. Pha xong ấm trà, ông kể cho chúng tôi nghe về “cái duyên” gắn bó với mảnh đất Văn Lăng.

Đầu năm 1982, khi anh em và bà con đồng bào Mông ở bản Tà Lủng (nay là xóm Lũng Ngần), xã Hồng Sỹ, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, đã di cư gần hết về xóm Khe Cạn (năm 2019, xóm Khe Cạn sáp nhập với xóm Mong thành xóm Khe Mong) thì ông Mùi cũng quyết định đưa gia đình về đây sinh sống, lập nghiệp.

Về vùng đất mới định cư, nhận thấy nơi đây có khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ hơn nhiều so với quê cũ, gia đình ông tích cực khai khẩn đất hoang. Vừa khai hoang vừa mua lại của bà con về đây trước, nên chỉ trong một thời gian ngắn gia đình ông Mùi đã có gần 4.000m2 đất. Có đất, ông đầu tư cấy lúa nước, trồng lúa nương, sắn, ngô, chăn nuôi trâu. 

Ông khoe với chúng tôi về chuyện canh tác trước đây của gia đình: Khi còn ở trên Tà Lủng, chúng tôi chỉ biết trồng duy nhất cây ngô thì về Khe Cạn gia đình biết sản xuất cả lúa nước lẫn lúa nương nên vui lắm, bởi không còn phải ăn mèn mén thay cơm nữa.

Sau hơn 1 năm về với vùng đất mới, nhờ tư duy nhạy bén, lại cần cù, chị khó lao động, gia đình ông Mùi đã thoát khỏi cái đói. Khi đã “no cái bụng, ấm cái mình”, ông tích cực vận động bà con dân bản cùng làm theo. Nhờ uy tín hồi còn làm Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Tà Lủng nên khi ông tuyên truyền, vận động, người dân cũng dần thay đổi tư duy, tích cực khai khẩn đất hoang, biến những khu đất trống, đồi trọc thành ruộng lúa, đồi ngô, đồi sắn, đồi lúa xanh mướt. Qua đó góp phần giúp bà con dân bản vượt qua những ngày đầu đói khổ.

Chưa đầy 2 năm về với vùng đất mới, ông Mùi được bà con tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng xóm Khe Cạn. Sinh ra và lớn lên với bà con nơi núi thẳm, rừng sâu, hơn ai hết, ông thấu hiểu nỗi vất vả, khó khăn và nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu vẫn tồn tại. Với vai trò là người “đứng mũi chịu sào”, ngoài việc đưa những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, ông còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ những hủ tục. “Những hủ tục được ví như màn đêm đen tối, kéo dài qua nhiều thế hệ, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần, trải qua bao nhiêu mùa lúa, mùa ngô mà trả nợ vẫn không hết”, ông Mùi chia sẻ.

 

Để đồng bào mình tin và làm theo, ông Mùi chủ động thực hiện trước. Khi có người thân qua đời, ông không để trong nhà nhiều ngày, không cho người đã chết "ăn cơm" hằng ngày, không giết mổ nhiều gia súc, gia cầm, cúng bái linh đình; trong nhà có ai ốm đau, ông đều đưa đến cơ sở y tế để thăm khám, điều trị chứ không mời thầy về cúng; con cháu đều được đến trường, đến lớp học cái chữ...

Những lời nói và việc làm của ông Mùi dần dần thấm vào người dân, để rồi đến nay những hủ tục, tập quán lạc hậu không còn hiện hữu trong đời sống của đồng bào Mông nơi đây. Khi có người chết, các gia đình tổ chức tang lễ không quá 48 giờ; con em đến tuổi đi học đều được cắp sách tới trường, có nhiều người đã học hết cao đẳng, đại học và làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp; chuồng trại chăn nuôi đều được xây dựng cách xa nhà ở...

Với những đóng góp của mình, năm 1990 ông Mùi được kết nạp Đảng. Với ông thì được đứng trong hàng ngũ của Đảng là niềm vui, niềm tự hào lớn. Ông nhớ lại: Được đứng trong hàng ngũ của Đảng là ước mơ cháy bỏng của tôi khi còn ở Tà Lủng. Ước mơ đó như một động lực lớn lao để tôi luôn nỗ lực phấn đấu.

 

Ngay sau khi vào Đảng, ông Mùi được chính quyền địa phương động viên, tạo điều kiện để tham gia công tác tại xã, là cán bộ văn hóa xã. Ông Trương Công Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng, cho biết: Thời điểm đó, đồng bào Mông ở tỉnh Cao Bằng về định canh, đinh cư tại xã khá nhiều và sinh sống chủ yếu ở 5 xóm. Trong 10 năm làm cán bộ văn hóa xã, ông Mùi đã có những đóng góp không nhỏ vào việc tuyên truyền, vận động bà con đồng bào Mông ổn định chỗ ở, không di cư tự do; xóa bỏ các hủ tục; tập trung phát triển kinh tế gia đình...

Năm 2006, sau khi nghỉ công tác tại xã, ông Mùi được bầu giữ chức Bí thư Chi bộ xóm Khe Cạn; nhân dân tín nhiệm bầu làm người có uy tín của xóm. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn nỗ lực, cống hiến, hăng say, trách nhiệm với cộng đồng và bà con dân bản.

 

Hình ảnh đầu tiên chúng tôi thấy khi bước vào ngôi nhà của gia đình ông Hoàng Văn Mùi là bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt ngay ngắn trên chiếc tủ ở gian giữa, đây là vị trí trang trọng nhất đối với đồng bào dân tộc Mông.

Ông Mùi bảo: “Tôi không treo ảnh Bác Hồ lên như những Bằng khen, Giấy khen khác, bởi tôi muốn con, cháu trong gia đình dễ nhìn, dễ thấy, nhằm răn dạy chúng luôn nỗ lực, cố gắng phấn đấu, học tập và làm theo gương Bác”.

 

Chính từ những lời răn dạy đó mà con cháu ông Mùi, dù là nông dân hay làm cán bộ trong các cơ quan nhà nước, đều luôn nỗ lực phấn đấu công tác, lao động sản xuất và luôn tự rèn luyện, tu dưỡng về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.

Hiện nay, ông Mùi có 4/8 người con đẻ là đảng viên, người con trai út đang chuẩn bị được kết nạp Đảng. Ngoài ra còn có 4 đảng viên khác là con dâu, con rể, cháu ngoại, cháu nội và 2 người cháu vừa học xong lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng.

Đặc biệt, trong số những đảng viên đó, hiện 2 người đang là “đầu tàu” của hai xóm có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đó là anh Hoàng Văn Nhính, Trưởng xóm Na Sàng, xã Phú Đô (Phú Lương) và anh Hoàng Văn Sỉnh, Trưởng xóm Khe Mong, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ).

Noi gương bố mình, anh Nhính và anh Sỉnh luôn nỗ lực phấn đấu trong mọi công việc, từ phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy các con cho đến những việc của xóm, của xã. Đặc biệt, hai anh đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong xóm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; chuyển những diện tích đất canh tác ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng cây keo, cây chè; đầu tư trồng cỏ để chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, sinh sản; thanh niên trong độ tuổi lao động mạnh dạn rời bản để đi làm việc ở các khu công nghiệp...

 

Hiện nay, xóm Na Sàng có trên 10ha chè; 20ha rừng sản xuất, còn xóm Khe Mong có trên 20ha chè và gần 100ha rừng sản xuất. Cùng với đó, người dân ở hai xóm còn tích cực chăn nuôi trâu, bò theo hướng sinh sản, vỗ béo, với tổng đàn dao động từ 50-100 con. Nhờ đó, đời sống của bà con được nâng lên đáng kể, số hộ nghèo giảm dần qua các năm. Đến đầu năm 2023, xóm Khe Mong còn 15/114 hộ nghèo, xóm Na Sàng còn 5/27 hộ nghèo...

<br>
 

Chia sẻ về gia đình ông Hoàng Văn Mùi, ông Hoàng Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy xã Văn Lăng, cho biết: Gia đình ông Mùi không chỉ là nơi ươm mầm những “hạt giống đỏ” trong công tác phát triển Đảng, mà còn góp phần không nhỏ cho sự phát triển của địa phương trong việc xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong đồng bào Mông. Nhờ đó, mọi chương trình, dự án khi được triển khai xuống các xóm đều thuận lợi và đạt kết quả cao.

 
 

Khi nói đến đồng bào Mông thì nhiều người thường nghĩ ngay đến những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu, những nếp nhà có mây vờn quanh và đặc biệt là cây khèn. Khèn là một nhạc cụ không thể thiếu và giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, thiếu tiếng khèn là thiếu đi “linh hồn” của người Mông. Con trai dân tộc Mông đều biết đến tiếng từ nhỏ và khi lớn lên biết thổi, diễn tấu với cây khèn.

Ông Hoàng Văn Mùi cũng vậy, biết thổi khèn thành thạo từ năm 12 tuổi, mỗi khi đi lễ, Tết, đi chơi chợ phiên ông đều mang theo cây khèn. Đến năm 2008, khi không còn tham gia công việc xã hội, có nhiều thời gian rảnh, ông tích cực đi biểu diễn khèn tại Ngày hội văn hóa dân tộc Mông trong và ngoài huyện mỗi dịp Tết đến, Xuân về...

Và trong những lần đi biểu diễn ấy, ông Mùi nhận thấy con em đồng bào Mông rất ít người biết thổi khèn, một số người biết thổi nhưng chỉ là thổi chơi cho vui, không đúng nhịp điệu, tiết tấu. Đau đáu về nỗi lo tiếng khèn của đồng bào mình sẽ bị mai một, ông Mùi quyết tâm truyền dạy lại nghệ thuật độc đáo này cho thế hệ trẻ. Ông nói: Lúc đầu tôi chỉ dạy cho con cháu trong gia đình, bởi con cháu mình có học, có đam mê, có thổi hay thì người khác mới tìm đến học. Rồi về sau cũng có nhiều thanh niên trong xóm đến nhà nhờ tôi dạy.

 

Anh Hoàng Văn Chầu, một người dân trong xóm Khe Mong, đã từng theo ông Mùi để học thổi khèn, cho biết: Thế hệ trẻ như chúng tôi lớn lên mải đi học rồi đi làm mà không biết thổi khèn. Vì vậy, khi được ông Mùi dạy về cách sử dụng, cách thổi khèn thì tôi rất háo hức và tích cực tập luyện. Mỗi khi thổi và biểu diễn được một bài nào đó tôi cảm thấy rất vui, tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình...

 

Năm 2022, ông Hoàng Văn Mùi vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Cuộc sống của đồng bào Mông ở Khe Mong vẫn còn những khó khăn và “ngọn đuốc” Hoàng Văn Mùi vẫn đang hằng ngày “soi sáng” để người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn. “Mặc dù tuổi đã cao nhưng tôi còn sức khỏe, tôi sẽ tiếp tục đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho cộng đồng, cho bà con dân bản”, ông Mùi cho biết.


Từ khóa:

Ngọn đuốc sáng

đồng bào Mông

Khe Mong

Hoàng Văn Mùi

Đồng Hỷ


Xem thêm bình luận