Độc lạ đồ handmade của "nàng Bân" thời hiện đại
.

Độc lạ đồ handmade của "nàng Bân" thời hiện đại

TNĐT 07:59, 11/08/2023
 

Từ bé, chị Vương Thị Kim Thoa, ở tổ 6, phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên), đã đam mê kỹ thuật đan móc các loại đồ bằng len. Ngoài công việc ở Thư viện tỉnh Thái Nguyên, thời gian gần đây, chị đã mày mò tìm hiểu và khéo léo sáng tạo nhiều sản phẩm thủ công bằng len, sợi dù. Không chỉ thoả mãn đam mê, nghề "tay trái" này còn giúp chị có thêm thu nhập ổn định, mang lại niềm vui cho nhiều khách hàng từ những sản phẩm độc đáo, gợi nhớ về một thời đã qua.

 
 

Không gian trong căn phòng nhỏ giản dị ở tầng 2 của gia đình, chị Thoa dành để sáng tạo, thoả sức đam mê với đồ đan móc của mình. Tại đây, sau những giờ làm việc ở Thư viện tỉnh, lo toan “nữ công gia chánh”, chị lại cần mẫn làm những sản phẩm handmade cầu kỳ, đẹp mắt. Qua đôi bàn tay khéo léo của chị, các nguyên liệu chủ yếu là len, sợi dù, một số đồ tái chế đã được mang trong mình diện mạo mới như giày, dép, túi xách, hoa, móc khoá con thú, áo tắm...

 

 Vừa nhanh tay móc chiếc giày khách hàng đặt để kịp hoàn thiện giao vào cuối tuần, chị Thoa kể: Tôi “học mót” các bà, các mẹ và yêu thích đan len từ bé. Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, phụ nữ hầu như ai cũng biết đan len. Những năm 2000, tôi công tác ở thư viện trên tỉnh Bắc Kạn, thời tiết vùng núi khá lạnh, các sản phẩm chống rét không đa dạng như bây giờ nên tôi thường tranh thủ ngoài giờ mua len để đan mũ, áo, khăn, tất tay… cho con và gia đình. Một số hàng xóm, trong đó có một chị bán hàng ngoài chợ thấy sản phẩm tôi làm ra đẹp, giá lại rẻ nên đã ngỏ ý giúp bán các mặt hàng tôi đan. Nghề đan len thời đó đã giúp gia đình tôi có thêm nguồn thu nho nhỏ để vượt qua những tháng ngày kinh tế eo hẹp mà tôi không bao giờ quên.

 

 

Sau này, khi chuyển về công tác ở TP. Thái Nguyên, nhịp sống hối hả, việc xuất hiện các sản phẩm len công nghiệp sẵn có khá phổ biến cộng với sự bận rộn công việc, chăm sóc con cái nên việc đan len của chị Thoa bị gián đoạn một thời gian.

Gần đây, nhất là khi có dịch COVID-19, nhiều thời gian rảnh rỗi, lên mạng tìm hiểu, chị thấy xu hướng mọi người yêu thích sản phẩm thủ công từ len ngày một tăng. Vậy là niềm đam mê đan móc trong chị lại trỗi dậy. Chị tham gia vào nhóm “Yêu giày móc và đồ len handmade”, kết giao với bạn bè khắp cả nước. Rồi chị mua len, sợi dù về đan một số sản phẩm cho mình và gia đình như: Len đế lót cốc nước, túi xách, làm con thú, hoa len trang trí, nhất là mày mò móc giày, dép bằng len và sợi dù.

 
 

Hạnh phúc giản dị với chị Thoa mỗi ngày hiện nay là được làm việc mình thích, dùng sản phẩm do chính tay mình tạo ra. Hơn cả, việc đan móc thủ công nhắc nhớ chị về quãng thời gian đầy gian khó khi làm việc nơi đất khách quê người, cuộc sống đỡ vất vả là nhờ bán đồ đan len. Khi thấy chị “diện” những đồ handmade độc lạ, bắt mắt, bạn bè, đồng nghiệp nhờ chị làm.

 
 

Công việc bận rộn nên chị Thoa chủ yếu đan, móc tranh thủ vào ngày nghỉ hay buổi tối khi việc nhà xong xuôi. Vì niềm tin yêu của mọi người và cũng để thoả mãn đam mê của bản thân, nên chị không ngừng học hỏi, sáng tạo ngày càng nhiều mẫu mới.

Đồ handmade của chị làm ra đều độc đáo, mới lạ. Mỗi sản phẩm là một quy trình sáng tạo riêng biệt, mang “sợi ý tưởng” khác nhau, được đan, móc một cách khéo léo, thuần thục. Có đồ chỉ làm trong vài giờ, nhưng cũng có sản phẩm chị phải mất cả tuần lễ mới hoàn thành.

 
 

“Đan len với tôi như một thú vui, càng vui hơn khi niềm đam mê đó giúp tôi có thêm một nguồn thu nhập dù nhỏ ngoài công việc chính”- Chị Thoa cười nói.

Mỗi tháng, chị Thoa làm 10-15 sản phẩm đan, móc bằng len, sợi dù. Giá chị bán cũng phù hợp vì lấy công làm lãi, như 300-500 nghìn đồng sản phẩm giày, dép, túi xách, hoặc có sản phẩm móc khoá, hoa len chỉ vài chục đến hơn 100 nghìn đồng. Sản phẩm tiện lợi, thân thiện với môi trường, bởi nguyên liệu là len, sợi dù nhẹ, bền màu, dễ giặt, nhanh khô và mang lại cảm giác dễ chịu cho người dùng nên đồ chị làm rất “hút" khách…

 
 

Không chỉ bó hẹp trong những chiếc áo len truyền thống, khăn, mũ, găng tay đơn giản như xưa, thế giới đan móc đồ len, sợi dù hiện nay mở rộng sang cả các loại túi xách, ba lô thời trang, nhiều loại hoa quả, con thú, giày dép, váy, bikini vô cùng bắt mắt, nhất là phong cách độc lạ, không “đụng hàng”.

Rất nhiều vật dụng phổ thông trong cuộc sống hiện đại cũng được sáng tạo từ len như quai xách cốc, giỏ treo chậu cây, túi đựng điện thoại. Ưng ý nên không chỉ mua để dùng, nhiều người còn đặt chị Thoa làm những sản phẩm thủ công để dành tặng người thân. Chỉ cần nhìn mẫu khách gửi là chị có thể lên ý tưởng và tạo ra tác phẩm riêng làm hài lòng khách hàng.

 
 

Nhìn những sản phẩm chị Thoa làm kỳ công từ len và sợi dù, tôi thầm nghĩ: Những tấm áo, đôi giày, dép, bó hoa hay nhiều sản phẩm thủ công có thể chưa đẹp hơn sản phẩm cùng loại được dệt từ dàn máy công nghiệp hiện đại, nhưng có lẽ chúng khiến người sở hữu cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc. Bởi khi dùng sản phẩm, họ cảm nhận được trái tim yêu thương, tình cảm chân thành từ người đan, móc, hay người gửi tặng. Phải chăng đó là lý do để khách hàng đến với chị Thoa nhiều hơn sau lần đầu trải nghiệm sản phẩm thủ công.

 

Hình ảnh chị Thoa cặm cụi bên từng đường kim, mũi đan, khiến tôi chợt nhớ lại ký ức thân thương về người bà của mình. Nhớ mãi dáng bà gầy gò, lưng còng gần như gập xuống nhưng vẫn cặm cụi cắt, khâu áo, đan những chiếc áo, mũ đủ sắc màu cho cháu nội những ngày vào Đông. Tôi cũng không quên đôi mắt bà dưới cặp kính dầy, dù không còn tinh anh nhưng luôn ánh lên niềm hạnh phúc rạng ngời. Có lẽ khi thực hiện từng mũi đan bà hạnh phúc nghĩ đến giây phút chị em tôi diện chiếc áo, mũ len mà bà dành trọn tình yêu thương trong đó, hãnh diện chạy tung tăng đi khoe với chúng bạn.

Tôi cũng không quên, năm học cấp hai có môn học công nghệ về nghề đan móc len. Về nhà, bàn tay gầy guộc, đen xạm của tôi vụng về đan theo hướng dẫn của bà và mẹ. Tiếc là khi tôi thành thạo kỹ thuật đan len, hoàn thành chiếc khăn đẹp, chưa kịp tặng bà để mùa Đông bớt lạnh thì bà đã về thế giới bên kia...

 

Trên một góc phố nhỏ giữa lòng TP. Thái Nguyên, chứng kiến người phụ nữ gần 50 tuổi vẫn hàng ngày cặm cụi, đam mê đan móc thủ công, chúng tôi thấy thời gian như trôi chậm lại. Có lẽ hình ảnh thi vị và thanh bình ấy không chỉ khiến tôi mà rất nhiều người nhớ về ngăn ký ức thuở xa xưa đầy gian khó, nơi chứa đựng kỷ niệm khi được người thân tặng những sản phẩm đan móc len đong đầy tình yêu thương…

 
 

 


Từ khóa:

Độc lạ

đồ handmade

"nàng Bân" thời hiện đại


Xem thêm bình luận