Cây chè - “Vàng xanh” trên đất Đại Từ
.

Cây chè - “Vàng xanh” trên đất Đại Từ

TNĐT 18:12, 22/06/2023
 

Nằm ở phía Tây Bắc Thái Nguyên, Đại Từ là vựa chè lớn nhất tỉnh với diện tích trên 6.600ha (chiếm trên 30% tổng diện tích chè toàn tỉnh). Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cùng sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, cây chè đã phủ khắp đồi, bãi của huyện Đại Từ, trở thành cây trồng mũi nhọn, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Khẳng định thương hiệu, tiếp tục đưa sản phẩm chè Đại Từ đến nhiều thị trường hơn nữa là mục tiêu phấn đấu, là ước vọng của những người làm chè và chính quyền địa phương nơi đây.

 

Đại Từ được thiên nhiên ưu ái ban tặng cảnh quan độc đáo với những dãy núi hùng vĩ, nhiều thác nước, khe suối hoang sơ, đẹp say đắm lòng người. Khí hậu ôn hòa vùng sườn đông Tam Đảo, dòng nước mát lành của công trình đại thủy nông hồ Núi Cốc tạo nên hệ thực vật phong phú, rất phù hợp cho cây chè phát triển. Huyện có nhiều vùng chè nổi tiếng đã được hình thành từ lâu như: Hoàng Nông, La Bằng, Phú Xuyên…

 

Cùng với giống chè trung du, những năm qua, người dân trên địa bàn đã tích cực đưa các giống chè lai có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, như: LDP1, TRI777, Long Vân, Bát Tiên… Hiện, diện tích chè giống mới đạt khoảng 5.300ha, chiếm hơn 80% tổng diện tích chè toàn huyện. Năm 2022, tổng sản lượng chè búp tươi ước đạt gần 80.000 tấn; giá trị sản xuất sản phẩm chè đạt gần 2.000 tỷ đồng; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng chè đạt 308,8 triệu đồng.

 

Hướng tới mục tiêu hình thành các vùng nguyên liệu chè có chất lượng, tập trung, quy mô lớn, huyện đã, đang thực hiện quy hoạch một số vùng chè ở các xã có thế mạnh nhằm tạo thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu hút đầu tư và hình thành chuỗi liên kết bền vững.

Ông Triệu Hồ Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ, thông tin: Huyện đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng sản xuất chè tập trung gắn với phát triển du lịch xã La Bằng - Phú Xuyên, quy hoạch vùng chè tập trung ở xã Hoàng Nông - Tiên Hội. Chúng tôi đang phối hợp với xã Tân Linh hoàn thiện quy hoạch vùng chè tập trung tại xã này. Các quy hoạch có quy mô từ 70-80ha. Cùng với diện tích sản xuất chè, các khu vực còn được quy hoạch đất bố trí công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất như: Giao thông, thủy lợi, hệ thống cấp điện, thoát nước…

 
 
 

Từ nhiều nguồn hỗ trợ của tỉnh, từ năm 2016 đến nay, huyện Đại Từ đã triển khai hàng loạt các đề án hướng tới phát triển các sản phẩm chè thông qua hỗ trợ máy móc, thiết bị chế biến. Đồng thời triển khai lồng ghép nhiều chương trình, đề án để hỗ trợ người dân từng bước đưa máy móc vào sản xuất.

Trong giai đoạn này, 30 hệ thống máy sao chè bằng gas đã được hỗ trợ cho các HTX và hộ sản xuất chè tại các xã: Hoàng Nông, La Bằng, Quân Chu, Minh Tiến… với kinh phí trên 20 tỷ đồng. Các chương trình hỗ trợ phát triển vùng chè đang dần phát huy giá trị, mang lại hiệu quả thiết thực cho các đơn vị thụ hưởng. Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện hỗ trợ hệ thống tưới chè tiết kiệm trên tổng diện tích hơn 530ha cho trên 2.200 hộ dân thuộc 30 xã, thị trấn. Tổng kinh phí đầu tư, lắp đặt hệ thống tưới là trên 11,6 tỷ đồng. Hiện nay, các hộ dân đang sử dụng hệ thống tưới vào sản xuất, thâm canh cây chè, đặc biệt là diện tích chè thâm canh vụ đông. Từ đó góp phần giảm nhân công lao động, hạn chế diện tích chè bị chết do thiếu nước vụ đông.

 

Thông qua hỗ trợ, người dân được tiếp cận với thiết bị hiện đại, thấy rõ hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Từ đây, không ít HTX, cơ sở sản xuất chủ động đầu tư thêm máy móc, tự hoàn thiện cơ sở sản xuất của mình.

 

Việc ứng dụng hiệu quả công nghệ và chuyển đổi phương thức sản xuất phù hợp giúp sản phẩm chè có chỗ đứng ổn định, từng bước nâng cao giá trị. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu sao, vò chè đạt 100%; trong khâu bảo quản đạt 60%...  Toàn huyện Đại Từ hiện có gần 19.000 tôn sao chè có động cơ, hơn 150 tôn sao chè bằng gas, điện; trên 18.000 máy vò chè; hơn 4.000 máy đốn chè; gần 300 máy hút chân không…

 

Bên cạnh đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất, chế biến chè, việc thay đổi phương thức canh tác, áp dụng các quy trình trồng, chăm sóc chè an toàn được người làm chè Đại Từ chú trọng nhằm đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của thị trường, bảo vệ môi trường sinh thái cũng như sức khỏe của người sản xuất, người tiêu dùng.

Tổng diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP toàn huyện hiện đạt 1.636ha. Đến thời điểm này, huyện có 15ha chè tại xã Phú Xuyên và La Bằng được công nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam TCVN 1104-2:2017, TCVN 1104-6:2018.

Ông Đỗ Minh Tuân, Tổ trưởng THT sản xuất chè hữu cơ Tân Sơn, ở xã La Bằng, chia sẻ: THT có 10ha chè hữu cơ được công nhận với sự tham gia của 50 thành viên. Dù ban đầu sản lượng chè bị sụt giảm đáng kể, thậm chí có diện tích không cho thu hoạch, nhưng đến nay năng suất, sản lượng chè đã ổn định và đang có dấu hiệu tiến triển. Vậy là những nỗ lực của bà con đã thu về “trái ngọt”. Chúng tôi tin rằng với ý thức canh tác nghiêm túc, quy trình nghiêm ngặt, sản phẩm chè của THT sẽ được thị trường đón nhận.

 

Toàn huyện Đại Từ hiện có 24 sản phẩm chè được công nhận sản phẩm OCOP. Trong đó, 10 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 14 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Sản phẩm chè của Đại Từ đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

 
 

Ngoài không ngừng nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến chè, hiện nay, một số hộ dân, HTX ở Đại Từ còn kết hợp sản xuất với phát triển du lịch. Các hộ dân, HTX, tổ hợp tác đã quan tâm đến việc chỉnh trang đồi chè, tạo dựng không gian thưởng trà, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, phát triển đa dạng các sản phẩm chè làm quà biếu để phục vụ du khách.

Du khách đến đây được chính bà con nông dân giới thiệu về cây chè, các công đoạn chế biến, thưởng trà, chụp ảnh cùng những nương chè xanh mướt. Cây chè đã mang lại “lợi ích kép” cho bà con nông dân khi vừa là sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, vừa có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch gắn với văn hóa trà. Từ đây, các sản phẩm chè theo chân du khách đến mọi miền Tổ quốc.

 
 
 

Từ cuối năm 2021, huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn, với tổng kinh phí đầu tư dự kiến gần 300 tỷ đồng. Theo đó, huyện tập trung phát triển các sản phẩm du lịch theo từng giai đoạn (gồm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với văn hóa trà, du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng); tăng cường đào tạo nguồn nhân lực và quảng bá để thu hút du khách, hình thành các tour, tuyến du lịch…

Tháng 7-2022, huyện tiếp tục ban hành Đề án phát triển Khu du lịch sinh thái La Bằng, Hoàng Nông giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, với tổng kinh phí thực hiện gần 270 tỷ đồng. Trong đó, cây chè là sản phẩm du lịch trọng tâm, thể hiện rõ nét đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Đại Từ.

 
 
 

 


Từ khóa:

Vùng chè Đại Từ

sản phầm trà

du lịch vùng chè

sườn Đông Tam Đảo


Xem thêm bình luận