Xây dựng đội ngũ trí thức góp phần phát triển tỉnh Thái Nguyên: Bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện
.

Xây dựng đội ngũ trí thức góp phần phát triển tỉnh Thái Nguyên: Bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện

TNĐT 20:15, 19/06/2023
 

Chất lượng của tăng trưởng lấy mục tiêu phát triển con người làm trọng tâm, cơ bản, do vậy phải đặt chỉ số HDI (chỉ số phát triển con người - Human Development Index) là chỉ tiêu so sánh, định lượng 3 tiêu chí: Sức khỏe (đo bằng tuổi thọ trung bình); tri thức (đo bằng tỉ lệ số người lớn biết chữ và tỉ lệ nhập học các cấp giáo dục) và thu nhập (mức sống đo bằng GDP bình quân đầu người).

 

HDI giúp tạo ra một cái nhìn tổng quát về sự phát triển của một quốc gia. Đây là cách tiếp cận nhân văn, là đích đến của mọi giải pháp chiến lược, chỉ rõ trình độ phát triển con người.

 

Nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức góp phần thực hiện mục tiêu trên đây chính là quá trình chuẩn bị con người có giáo dục, có văn hoá, con người sáng tạo với khát vọng cống hiến, nhân văn và đạo đức. Mục tiêu của giáo dục phải là phát triển những cá nhân biết cởi mở đối với sự thay đổi. Chỉ có những người như thế mới có thể đáp ứng một cách xây dựng những phức tạp của một thế giới trong đó các vấn đề được nảy sinh nhanh hơn các giải pháp. Trong thế giới tương lai, khả năng đối phó với cái mới một cách thích đáng quan trọng hơn khả năng biết và lặp lại cái cũ.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm khu trưng bày sản phẩm khoa học và công nghệ của Đại học Thái Nguyên, ngày 19/11/2018.

Trong thời đại số, chúng ta cần lưu ý 4 thành tố cấu thành khái niệm công nghệ, chỉ có 1 thành tố kĩ thuật (T), còn lại là nguồn lực người (H), nguồn lực thông tin (I), nguồn lực tổ chức (O). “Công nghệ-đó là quá trình mà trong đó khoa học và công nghệ được truyền bá thông qua hoạt động của con người” (H.Brooks).

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, tham quan mô hình giảng dạy của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên).

Với sự năng động, sáng tạo của tỉnh Thái Nguyên, việc đặt ra chủ đề Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị văn hoá Việt Nam với khát vọng xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện” chính là tiền đề quan trọng để các quyết sách của tỉnh đi vào cuộc sống.

 
 

Đội ngũ trí thức đã đóng góp lớn cho tỉnh về nhiều phương diện nguồn lực, sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) và các kết quả tư vấn, phản biện chính sách rất có giá trị. Hoạt động của Sở KHCN tỉnh - cơ quan tham mưu quản lí nhà nước về KHCN đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng KT-XH của địa phương… Đặc biệt là đã kết nối khá toàn diện các lĩnh vực quản lí KHCN trên địa bàn tỉnh với các địa phương khác, các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước.

 

Các cán bộ do ĐHTN đào tạo đã phát huy tốt kiến thức chuyên môn, năng lực thực tiễn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng và cả nước; có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực trong việc xây dựng những luận cứ khoa học góp phần hoạch định chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành các địa phương vùng; nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp Trung ương, cán bộ chủ chốt của Đảng, chính quyền nhiều địa phương, doanh nghiệp, các cán bộ cốt cán của nước bạn Lào và Cam-pu-chia.

 

Đối với tỉnh Thái nguyên, ĐHTN đã thực hiện 127 nhiệm vụ KHCN, trong đó chương trình chuyển giao là gần 200 tỷ đồng; nhiều kết quả nghiên cứu với quy trình công nghệ, giải pháp kĩ thuật, giống cây trồng, vật nuôi, chế phẩm sinh học… có giá trị đóng góp thiết thực vào phát triển KT-XH của tỉnh. Đồng thời đã triển khai gần 300 đề tài gắn với các địa phương trong khu vực trung du và miền núi Bắc bộ; tham gia tích cực vào công tác tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước về chiến lược vùng, vấn đề dân tộc… ĐHTN xác định là một bộ phận không thể tách rời trong chiến lược phát triển KT-XH của vùng, với các tỉnh trong khu vực.

 

Để phát triển kinh tế - xã hội bền vững thì phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học được coi là động lực cơ bản trong thời gian tới, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Để xây dựng đội ngũ trí thức sáng tạo, tâm huyết với sự nghiệp phát triển trong giai đoạn tới của tỉnh Thái Nguyên, cần tập trung vào 6 giải pháp đồng bộ: Về môi trường hoạt động, về đào tạo, sử dụng, quy hoạch và phát triển cộng đồng trí thức, về phát triển giáo dục đại học và về bản thân người trí thức.

 

Tiền đề lí luận của giải pháp này là: Khoa học giáo dục đã xác định yếu tố môi trường quyết định sự hình thành và phát triển nhân cách con người. Cùng với các yếu tố khác, môi trường hoạt động sáng tạo, đổi mới sẽ tạo điều kiện để xuất hiện những con người đổi mới sáng tạo và cao hơn nữa chính những con người ấy sẽ góp phần quyết định thay đổi chất lượng của môi trường ngày càng tốt đẹp hơn.

<br>
 

Thực tiễn đã chứng minh giá trị của KHCN, những đóng góp trí tuệ của văn hoá, văn học nghệ thuật sáng tạo đã và đang làm thay đổi chất lượng môi trường sống, đã có những đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội…

 

Do vậy, cần thực thi các biện pháp cụ thể với nhận thức mới trong kinh tế tri thức: Lấy tư duy khoa học làm căn cốt, định hướng đổi mới của Đảng và pháp luật là 3 trụ cột để các chính sách thành công. Nghị quyết 27 (năm 2008) của TW về nhiệm vụ xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức xác định: “Nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của Ðảng đối với đội ngũ trí thức - Trong quản lý và sử dụng trí thức, các cấp ủy đảng và chính quyền nghiên cứu, thực hiện các phương thức phù hợp, không áp dụng máy móc cách quản lý hành chính để phát huy cao nhất năng lực cống hiến của trí thức”.

 

Tiền đề lí luận của biện pháp này là từ quan điểm của Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP): “Phát triển nguồn nhân lực là phát triển khả năng, nhân tính của con người và sử dụng khả năng ấy”.

Như vậy, việc dùng đúng người sẽ quyết định việc đào tạo có chất lượng. Chất lượng của công cuộc cải cách hành chính công và các doanh nghiệp sẽ thúc đẩy chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Bộ máy quản lí, các cơ quan chuyên môn của tỉnh cần người có trình độ cao, chuyên môn giỏi sẽ là động lực quan trọng, trực tiếp đến các cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cùng Đoàn công tác thăm Trung tâm số thuộc Đại học Thái Nguyên.

Nhiều năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã gia tăng chất lượng nguồn lực có trình độ cao trong quản lí, chuyên môn và kinh doanh… tỉ lệ nhân lực qua đào tạo ngày càng tăng mạnh. Đội ngũ trí thức là cán bộ, công chức chiếm tỉ lệ ngày càng cao trong kinh tế tri thức, đặc biệt, tỉnh Thái Nguyên có tỉ lệ cán bộ quản lí lãnh đạo cấp tỉnh có trình độ học vấn rất cao. Tư duy khoa học cùng với trình độ quản lí cao và tư duy chính trị nhạy bén của tập thể lãnh đạo tỉnh đã và đang trở thành điều kiện then chốt của các chiến lược.

 

Trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ, đội ngũ trí thức của tỉnh chiếm phần lớn (gần 1.000 TS, gần 160 PGS, GS...). Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đội ngũ trí thức đã có đóng góp rất quan trọng trong chiến lược phát triển về văn hoá, nghệ thuật, lịch sử và giáo dục, góp phần tô thắm nét đặc sắc văn hoá vùng, nền tảng phát triển kinh tế xanh, văn hoá, du lịch, đậm đà bản sắc đất và người Thái Nguyên.

<br>
 

Đội ngũ trí thức trong lực lượng vũ trang (Công an, Quân đội) trên địa bàn tỉnh cũng tăng mạnh. Đặc biệt là đội ngũ trí thức hoạt động trong các hội (Liên hiệp các hội KHKT tỉnh với hàng chục nghìn hội viên có trình độ sau đại học). Với trí thức trẻ, nguồn lớn từ 9 trường ĐH và CĐ, riêng ĐHTN có hơn 6 vạn sinh viên, cao học và nghiên cứu sinh...) đã là nguồn lực dồi dào cho tỉnh.

<br>
 

Nhìn chung, các nhóm trí thức của tỉnh với cơ cấu, chất lượng tốt, tập trung vào 3 nhóm công việc chính là quản lí nhà nước – doanh nghiệp, ở các trường đại học, trong các hoạt động ứng dụng triển khai thực tiễn, với tỉ lệ trí thức người DTTS và nữ chiếm đáng kể.

 

Thực tiễn đã chứng minh giá trị gia tăng trong sản xuất, kinh doanh, trong quản lí, điều hành có sự đóng góp lớn của đội ngũ trí thức bằng trí tuệ, sáng kiến được áp dụng có hiệu quả, nhiều tư tưởng tiến bộ mới được tiếp thu như chuyển đối số, ứng dụng công nghệ trong điều hành quản lí hệ thống, làm tăng chất lượng các dịch vụ…

 

Do vậy, cùng với các biện pháp của tỉnh như có chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, cần có ưu đãi hơn các hoạt động KHCN (như thuế, khen thưởng, giải thi sáng tạo). Tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học có tầm chiến lược với bộ, ban, ngành TW để tổng kết, đánh giá các chiến lược, chuyên sâu về KH và CN, triển lãm khoa học, vinh danh khoa học, văn hoá, nghệ thuật, hoạt động giao lưu các vùng trong nước và quốc tế… thu hút nhiều nhà khoa học trong và ngoài tỉnh. Từ đó làm phong phú thêm môi trường sáng tạo cho các nhà khoa học, tạo giá trị mới: Thân thiện và tôn trọng trí thức, khơi gợi tiềm năng và khát vọng cống hiến của họ.

 

Bác Hồ nói: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển thêm nhiều”. Công tác cán bộ (nhất là cán bộ có trình độ cao) cần đồng bộ hoá các khâu: Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đánh giá, tôn vinh… Giải quyết đồng thời 2 khâu: Khâu thứ nhất, Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội cần tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức, trong đó bao gồm chính sách phát hiện, trọng dụng, đào tạo, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, chiêu hiền đãi sĩ, tôn sư trọng đạo, cầu hiền tài bởi “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.

Khâu thứ hai, đội ngũ trí thức ngày càng cần nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình hơn, cùng nhịp bước khẩn trương của thời đại. Tu dưỡng đạo đức công dân, đạo đức cán bộ, đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt là nâng cao năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, khả năng thực hành và ứng dụng cùng với sự tự tin, bản lĩnh, chịu trách nhiệm trước nhân dân và Tổ quốc.

 

Đồng thời đánh giá thông qua trải nghiệm, luân chuyển cán bộ, định lượng hiệu quả công tác trong thời gian cụ thể; chính sách sử dụng kiêm nhiệm các nhà khoa học và đội ngũ trí thức hết tuổi quản lí tránh sự lãng phí.

Do vậy, tỉnh cần xây dựng chiến lược cán bộ quản lí và cán bộ KHKT bằng cách đào tạo chuẩn từ mô hình quản trị hiện đại. Ví dụ, học tập Singapore về chương trình đào tạo quan chức hành chính, lãnh đạo khu vực công.

 
 

Nghị quyết của Đảng“Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” đã chỉ rõ một trong các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản là “hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”.

Quan điểm của UNESCO đã khẳng định 4 trụ cột: “Học để biết - Học để làm - Học để khẳng định mình và Học để cùng chung sống”. Môi trường, không gian sống của trí thức, là nơi thể hiện rõ nhất trách nhiệm cộng đồng của người có học và cũng là nơi ươm tạo, duy trì, phát triển các giá trị của cộng đồng.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu quan trọng, định hướng tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập, bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội, bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức...

Các chuyên gia nước ngoài thường xuyên phối hợp để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tại Thái Nguyên.
Từ khi thành lập tới nay, Khoa Quốc tế (Đại học Thái Nguyên) có hơn 300 sinh viên và thực tập sinh quốc tế theo học chương trình cử nhân và trao đổi sinh viên đến từ các nước: Mỹ, Đức, Phần Lan, Thụy Điển, Pháp, Hàn Quốc, Philippines, Myanmar...

Với đặc tính sáng tạo, khám phá ra tri thức mới, người trí thức phải là người biết quý trọng, giữ gìn, truyền bá và từ lĩnh vực chuyên môn của mình, luôn biết phát huy rộng rãi các giá trị văn hóa của dân tộc mình và của nhân loại, đóng góp vào sự phát triển.

 

Do vậy, đội ngũ trí thức dù làm việc với cương vị khác nhau đều có chung bổn phận là phục vụ cộng đồng và bằng hoạt động chuyên môn, thúc đẩy việc học, thông qua tấm gương nhân cách, trí tuệ và văn hoá trước gia đình, con cháu, dòng họ, lan toả tinh thần học tập đến cộng đồng xung quanh và xã hội. Như Nguyễn Trãi – một nhà tư tưởng lớn của Việt Nam đã viết trong Quốc âm thi tập, cách đây hơn 7 thế kỉ: “Nên thợ nên thầy vì có học, No ăn no mặc bởi hay làm”.

 

Đại hội XIII của Đảng đã chủ trương “Đẩy mạnh tự chủ đại học”. Sau khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi ra đời, vị thế của các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được củng cố và có thêm động lực phát triển, ảnh hưởng sâu rộng tới xã hội. Sức sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu, chuyển giao KHCN, công bố quốc tế, xếp hạng tăng mạnh… Môi trường giáo dục đại học được xây đắp bởi tính tự chủ, tự giác vượt bậc của chính đội ngũ và sinh viên nhà trường.

 

Có thể coi đây là cuộc chuyển đổi lớn, có ý nghĩa rất quan trọng để giáo dục đại học phát huy được sức mạnh thực hiện 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá đã xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đó là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Với 3 trụ cột của giáo dục đại học: Đào tạo nhân lực, nghiên cứu, chuyển giao KHCN và tư vấn chính sách, cần tập trung đầu tư để Đại học Thái Nguyên trở thành đại học trọng điểm của vùng. Chiến lược phát triển vùng phải gắn với chiến lược phát triển giáo dục đại học như Kết luận số 51 năm 2019 của Ban Bí thư.

 

Từ Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng trung du Bắc bộ, tỉnh Thái Nguyên cần nhấn mạnh hơn nữa giá trị của giáo dục đại học – nguồn lực chất lượng cao. Bởi sự vươn dậy của tỉnh, của vùng, của đất nước không từ tài nguyên khoáng sản mà chính bằng trí tuệ của con người, sự ngang bằng trí tuệ với thế giới trong tương lai để thực thi khát vọng 2045 của đất nước.

 

Trí thức là những người lao động trí óc, có hiểu biết sâu rộng về một hoặc một số lĩnh vực khoa học – công nghệ, văn hóa – nghệ thuật, quản lý kinh tế – xã hội, thường xuyên vận dụng những hiểu biết đó để phát hiện, giải quyết những vấn đề lý luận, thực tiễn nảy sinh trong lĩnh vực hoạt động của mình vì lợi ích chung của cộng đồng và nhu cầu nhận thức của bản thân.

Nhà xã hội học Nga Lavrov cho rằng, “tự thân không một bằng cấp nào có thể biến một người “có học” thành “trí thức” được”. Trình độ học vấn cao là cần thiết nhưng chưa đủ để một người được gọi là trí thức, khả năng sáng tạo là điều kiện không thể thiếu của người trí thức và quan trọng hơn là sự sáng tạo đó phải “hướng đến mục tiêu nhất định và người ấy phải tích cực hoạt động để đạt mục tiêu đó”.

Đồng thời cần tránh bệnh chủ quan, như lời Bác dạy:Nguyên nhân của bệnh chủ quan là: Kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông… Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính. Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”. Người trí thức phải “chính tâm và thân dân” như lời Bác Hồ.

 

Từ mục tiêu phát triển:“Bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện”, đội ngũ trí thức của tỉnh Thái Nguyên đã và đang đồng hành với nhân dân các dân tộc trong tỉnh và cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm thực hiện mục tiêu. Giá trị và ý nghĩa nhân văn của mục tiêu chiến lược phát triển chính là khát vọng hạnh phúc được diễn đạt rất giản dị, đã đi vào lòng người.

Bình yên là điều kiện để con người, xã hội hạnh phúc, bất cứ đâu có môi trường chính trị ổn định sẽ tăng sức hút đầu tư trong nước và quốc tế; sung túc còn có cả ý nghĩa đủ đầy về vật chất và tinh thần, là điều kiện cần thiết cho cuộc sống mỗi người; thân thiện là giá trị của môi trường sống, nơi đáng sống với mỗi người, là kết quả của văn hoá, văn minh hiện đại, thể hiện hiệu quả tương tác giữa người với người; giữa người Thái Nguyên với bạn bè trong nước và quốc tế…

 

Đội ngũ trí thức tỉnh Thái Nguyên là những con người đã và đang sống, làm việc trong môi trường cụ thể với các nhiệm vụ khác nhau, song đều chung mục tiêu từ các chỉ số hạnh phúc ấy, mục tiêu chứa đựng các giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh đã định hướng hợp lòng dân, khai thông quan hệ giữa con người và môi trường với 2 chiều tương tác: Điều kiện môi trường sống nhân văn và sáng tạo sẽ đánh thức tiềm năng mỗi con người và khi mỗi người cùng khát vọng cống hiến trong môi trường ấy thì sẽ nhân lên những sức mạnh gấp bội.

 

 


Từ khóa:

Xây dựng đội ngũ trí thức

phát triển tỉnh Thái Nguyên

Bình yên

hạnh phúc

sung túc và thân thiện

GS. TS Phạm Hồng Quang

Đại học Thái Nguyên


Xem thêm bình luận