“Làng mới Saemaul”: Dấu ấn quan hệ hữu nghị Việt - Hàn
.

“Làng mới Saemaul”: Dấu ấn quan hệ hữu nghị Việt - Hàn

TNĐT 19:18, 30/06/2023
 

Thúc đẩy phát triển quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc là chủ trương nhất quán, quyết tâm chính trị của các lãnh đạo cấp cao và nhận được sự ủng hộ rất lớn từ nhân dân hai nước. Trên cơ sở nền tảng quan hệ hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc, hợp tác cấp địa phương giữa tỉnh Thái Nguyên với các địa phương địa phương của Hàn Quốc cũng sớm được triển khai và đạt nhiều thành tựu. Một trong những hoạt động tạo dấu ấn đặc biệt là Chương trình xây dựng làng mới theo phong trào Saemaul Undong (Hàn Quốc). Triển khai thí điểm đầu tiên ở Việt Nam tại xóm Rừng Vần, xã La Bằng, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) từ năm 2005, đến nay mô hình đã được nhân rộng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

 

Chúng tôi đến thăm Nhà văn hóa xóm Rừng Vần đúng lúc cán bộ, đại diện đoàn thể của xóm tổ chức dọn dẹp để chuẩn bị tổ chức hoạt động hè cho các cháu thiếu nhi. Với khuôn viên rộng chừng 10.000m2, khu sinh hoạt cộng đồng Rừng Vần rộng rãi và đẹp nhất trong các xóm ở xã La Bằng. Ở đó có sân bóng đá, khu trồng cây xanh tạo cảnh quan và điểm nhấn nổi bật là công trình nhà văn hóa. Nhờ được thiết kế bài bản, quản lý và sử dụng khoa học nên dù đã đưa vào hoạt động gần 20 năm nhưng công trình vẫn đảm bảo chất lượng, là nơi tổ chức hội họp và sinh hoạt văn hóa thường xuyên của người dân địa phương.

 
 

Ông Trần Văn Thắng, Trưởng xóm Rừng Vần, chỉ vào tấm bia công trình giới thiệu: Đúng với tinh thần hữu nghị giữa tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Gyeongsangbuk-do, thời điểm triển khai thực hiện công trình là những ngày rất vui và ý nghĩa. Các tình nguyện viên Hàn Quốc trực tiếp sang cùng làm việc và sinh hoạt, bà con trong xóm lo hậu cần cơm nước, có hoa quả hay đồ gì ngon cũng mang tới tặng. Nhà văn hóa có diện tích xây dựng 330m2, gồm: Phòng họp, văn phòng, phòng trưng bày, phòng phát thanh, phòng thay đồ, nhà vệ sinh, kho. Ngoài ra, xóm Rừng Vần còn được tỉnh bạn tài trợ cải tạo 4km đường điện; xây 0,5km kênh mương nội đồng. Chương trình cũng hỗ trợ xã La Bằng xây dựng nhà lớp học, trạm y tế và nhiều tuyến đường giao thông.

 

Trên cơ sở biên bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Thái Nguyên và Quỹ Toàn cầu hoá nông thôn mới Hàn Quốc (SGF), phong trào làng mới Saemaul đã được nhân rộng tại các xóm: Tổ, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa (giai đoạn 2014-2018); xóm Phú Nam 1, xã Phú Đô, huyện Phú Lương (giai đoạn 2016-2020); xóm Phú Ninh, xã Phú Đình, huyện Định Hóa và xóm Tiền Tiến, xã Bình Sơn, TP. Sông Công (giai đoạn 2019-2024).

Cùng với hỗ trợ kinh phí, hàng trăm tình nguyện viên đến từ tỉnh Gyeongsangbuk-do đã đến phối hợp với địa phương thi công các tuyến đường liên thôn, kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhà văn hóa, hệ thống điện chiếu sáng ở khu dân cư, xây dựng nhà văn hóa, lắp đặt công trình thể thao ngoài trời…

Ông Hoàng Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Phượng Tiến (Định Hóa), nhấn mạnh: Các công trình của Dự án triển khai ở địa phương đều phát huy hiệu quả về kinh tế, phục vụ thiết thực đời sống người dân và góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Trong quá trình thực hiện các hạng mục, người dân địa phương và tình nguyện viên đến từ Hàn Quốc có cơ hội tiếp xúc, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu để hiểu biết rõ hơn về văn hóa, phong tục tập quán và thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước.

 
 
 
 
 

Không chỉ dừng lại ở việc đầu tư hạ tầng, các mô hình làng mới Saemaul còn tập trung hỗ trợ máy móc thiết bị, hệ thống tưới nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, cây con giống; dịch vụ của hợp tác xã (HTX) và thực hiện các mô hình nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Tại xóm Phú Nam 1, nay sáp nhập với xóm Mới thành Phú Nam Mới, xã Phú Đô, thay đổi lớn nhất từ khi triển khai mô hình làng mới chính là nhận thức, thói quen và cách thức sản xuất nông nghiệp của người dân. Bà Nguyễn Thị Như Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đô, chia sẻ: Phú Đô là một trong những địa phương có diện tích trồng chè lớn của huyện Phú Lương. Trước đây, bà con trồng nhiều giống, mỗi gia đình lại bón phân, phun thuốc và chăm sóc một cách khác nhau, việc tiêu thụ cũng qua nhiều khâu trung gian nên không được giá. Chương trình đã tạo điều kiện để lãnh đạo xã, bí thư chi bộ và trưởng xóm đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại Hàn Quốc trong thời gian 2 tháng. Trực tiếp chứng kiến cách làm và sự phát triển của nông thôn nước bạn, những cán bộ nòng cốt ở cơ sở đã có sự thay đổi về nhận thức và tư duy sản xuất.

 

Thay đổi đó được hiện thực ngay bằng việc chuyển hướng phát triển cây chè theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc HTX Nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Saemaul Phú Nam 1, cho biết: “Chúng tôi có 12 hộ tham gia HTX với 15ha chè sản xuất theo chuẩn VietGAP. Các thành viên đều tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu sinh học. Hiệu quả thu được thì thấy rõ, chất lượng và giá bán chè tăng lên đồng nghĩa với thu nhập của người làm chè được cải thiện. Sản phẩm chè búp khô phổ biến mà HTX đang kinh doanh có giá từ 300-500 nghìn đồng/kg, đặc biệt có sản phẩm lên tới 1 triệu đồng/kg. Việc áp dụng sản xuất chè hữu cơ cũng giúp nông dân đảm bảo sức khỏe khi không phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại. Dự án còn hỗ trợ địa phương xây dựng công trình nhà trưng bày 2 tầng, có thiết kế hiện đại và giao cho HTX quản lý. Đây là nơi giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, cũng như tổ chức giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất chè hữu cơ. Xóm Phú Nam Mới cũng trở thành một trong những địa phương đầu tiên của huyện Phú Lương có diện tích chè được cấp mã số vùng trồng.

 

Đối với xóm Phú Ninh, xã Phú Đình (Định Hóa), Dự án cũng hỗ trợ xây dựng các bể nước, giếng khoan, hệ thống tưới; chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận động bà con chuyển đổi toàn bộ 60ha chè trung du sang các giống chè cành, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất và giá trị cao hơn.

Ông Vũ Thanh Long, Trưởng xóm Phú Ninh, phấn khởi nói: “Thay đổi quy trình sản xuất, chất lượng chè ở Phú Ninh tăng lên rõ rệt và được đánh giá không thua kém là mấy so với các vùng trồng chè nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên. Đây là điều bà con mong mỏi trong suốt những năm qua”.

Còn tại xóm Tiền Tiến, xã Bình Sơn (TP. Sông Công), nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư làm du lịch cộng đồng và thu được hiệu quả ban đầu. Ông Phan Văn Chính, người dân trong xóm, cho biết: “Đây là điều trước đây chúng tôi chưa từng nghĩ tới, dù có lợi thế là sát hồ Ghềnh Chè với cảnh quan đẹp”.

Để khuyến khích tinh thần “cần cù - tự lực - hợp tác” của người dân, Dự án đã hỗ trợ xây dựng kè và lắp đặt cầu phao bến thuyền; thiết lập các điểm du lịch trải nghiệm bãi hoa, nương chè và trang bị thuyền phục vụ hoạt động thu hút du khách tham quan hồ.

 
 

Những hỗ trợ thiết thực, phù hợp từ mô hình làng mới Saemaul cùng sự nỗ lực, chủ động của cấp ủy, chính quyền cơ sở và đặc biệt là từ chính người dân đã giúp thay đổi diện mạo các vùng nông thôn. Trở lại với La Bằng, Chủ tịch UBND xã Dương Văn Vượng thông tin: Khi mô hình được triển khai, không chỉ diện mạo hạ tầng nông thôn có sự thay đổi mà nhận thức của người dân cũng có nhiều chuyển biến rõ nét. Người dân tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi về tư duy, nhận thức cả trong phát triển kinh tế gia đình và tinh thần tự lực, chung sức xây dựng quê hương. Đây là yếu tố quan trọng giúp La Bằng có bước phát triển nhanh chóng, trở thành một trong những địa phương đầu tiên của huyện Đại Từ đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và đang trong lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

 

Đến nay, tất cả các xóm thực hiện mô hình làng mới Saemaul trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều đã đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành kiểu mẫu về những vùng quê đáng sống. Tại đó, nhà văn hóa xóm được xây dựng khang trang với đầy đủ trang thiết bị, sân thể thao tiện nghi; đường giao thông được mở rộng đến từng nhóm hộ; ban đêm, hệ thống điện chiếu sáng các lối đi và khu vực công cộng. Các gia đình chủ động cải tạo khuôn viên theo tiêu chí nhà mẫu, vườn mẫu; xây dựng các công trình hợp vệ sinh và có ý thức thu gom, phân loại rác thải ngay tại nguồn, xây dựng đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp...

Đặc biệt, người dân trong các làng Saemaul luôn đoàn kết trong sinh hoạt và giúp đỡ nhau phát triển kinh tế nên cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao.

 
 

Có thể khẳng định, các mô hình làng mới Saemaul đã mang lại chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân, cộng đồng, đóng góp quan trọng vào phong trào xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Thái Nguyên. Đây chính là một trong những biểu hiện sinh động cho mối quan hệ hữu nghị, đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

 
 
 

 


Từ khóa:

quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc

phong trào Saemaul Undong

xây dựng nông thôn mới

Thái Nguyên


Xem thêm bình luận