Những bác sĩ mũ nồi xanh người Thái Nguyên: “Chúng tôi tự hào khi được thực hiện nhiệm vụ quốc tế”
.

Những bác sĩ mũ nồi xanh người Thái Nguyên: “Chúng tôi tự hào khi được thực hiện nhiệm vụ quốc tế”

TNĐT 15:06, 27/02/2024
 

Nhắc đến các y, bác sĩ, ai cũng nghĩ về những “chiến sĩ" mặc áo blouse trắng, hết mình vì sức khỏe nhân dân. Nhưng, cũng có lúc, những “chiến sĩ áo trắng” ấy khoác lên mình bộ trang phục với chiếc mũ nồi xanh của Liên hợp quốc để làm việc tại mảnh đất nắng lửa, nghèo đói, chìm đắm trong nội chiến thuộc châu Phi xa xôi. Thái Nguyên có hai bác sĩ như vậy. Đó là Thiếu tá, bác sĩ chuyên khoa I (CKI) Lê Ánh Tuyết và Thiếu tá, bác sĩ CKI Cao Ngọc Hùng (Bệnh viện Quân y 91, Cục Hậu cần, Quân khu 1, đứng chân tại TP. Phổ Yên).

 

Thời điểm này, Thiếu tá, bác sĩ CKI Lê Ánh Tuyết đang thực hiện nhiệm vụ tại Đội công binh số 2, Phái bộ An ninh lâm thời Liên hợp quốc tại Abyei (UNISFA) thuộc châu Phi. Khi đang công tác tại Khoa Ngoại chung (Bệnh viện Quân y 91), tháng 11-2022, chị được lựa chọn cử đi tập huấn tại Học viện Quân y và Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam ở Hà Nội. Sau gần 10 tháng tập huấn, ngày 8/8/2023, bác sĩ Tuyết cùng các cán bộ, chiến sĩ Đội Công binh số 2 lên đường sang Abyei và thực hiện nhiệm vụ tại châu Phi từ đó đến nay.

 
Cán bộ, chiến sĩ Đội công binh số 2, Phái bộ An ninh lâm thời Liên hợp quốc, thực hiện nhiệm vụ tại Abyei (châu Phi).
Cán bộ, chiến sĩ Đội công binh số 2, Phái bộ An ninh lâm thời Liên hợp quốc, thực hiện nhiệm vụ tại Abyei (châu Phi).

Tôi liên lạc với bác sĩ Lê Ánh Tuyết lúc 23h đêm (giờ Việt Nam), tức khoảng 18h ở Abyei. Hội thoại liên tục bị đứt đoạn vì mất sóng. Chị nói: Bên này bất ổn chính trị, hạ tầng viễn thông rất kém nên rất khó liên lạc. Xin nhà báo thông cảm.

 

Đường truyền kém, nói chuyện, trao đổi câu được, câu chăng nên chúng tôi chuyển sang liên lạc bằng tin nhắn. Bác sĩ Lê Ánh Tuyết đang giữ cương vị Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 1 thuộc Đội Công binh số 2, công việc bộn bề nhưng chị vẫn nhiệt tình viết những dòng cảm xúc của mình gửi về Việt Nam.

 

Theo bác sĩ Tuyết, mảnh đất chị đang làm việc tại châu Phi quá khắc nghiệt. “Khi tham gia các chương trình huấn luyện trong nước, chúng tôi đã được trang bị kỹ lưỡng kiến thức về địa lý, hoàn cảnh sống, phong tục tập quán của vùng đất chúng tôi sẽ đến. Nhưng khi đến đây, mảnh đất Abyei nằm ngoài sự tưởng tượng của chúng tôi. Nơi đây mùa mưa thì đất lún sa lầy, mùa khô thì nắng nóng khắc nghiệt, người dân sống trong điều kiện hết sức thiếu thốn, không có điện, không có nước, chỉ có xung đột và nghèo đói.” – Những dòng thư của bác sĩ Lê Ánh Tuyết gửi về khiến tôi hiểu phần nào nỗi vất vả của chị và những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại Abyei.

Đội công binh số 2 hỗ trợ người dân Abyei hạ thuyền, xây dựng trạm bán xăng, dầu.

Bác sĩ Tuyết chia sẻ: Bên này hiện có dịch sốt rét. Các y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến một mặt phải chăm sóc cho một số người bị sốt rét, mặc khác phải thực hiện công tác y tế dự phòng, bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh cho mọi người.

 

Nhiệm vụ chính của chị Tuyết và các y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 1 là đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ Đội Công binh. Bên cạnh nhiệm vụ này, chị Tuyết và các đồng nghiệp cũng thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện để khám, chữa bệnh cho người dân địa phương.

Thiếu tá, bác sĩ CKI Lê Ánh Tuyết khám, chữa bệnh cho người dân châu Phi.
Thiếu tá, bác sĩ CKI Lê Ánh Tuyết khám, chữa bệnh cho người dân châu Phi.
“Ở đây có những người dân lần đầu được tiếp cận với y tế. Bởi vậy, dù khó khăn vất vả nhưng chúng tôi luôn mang trong mình niềm tự hào dân tộc, ngọn lửa nhiệt huyết và khao khát được góp công sức nhỏ bé của mình xây dựng vùng đất Abyei trở nên tốt đẹp hơn, góp phần tạo nên hình ảnh đẹp về người lính Cụ Hồ của Quân đội nhân dân Việt Nam và về tấm lòng lương y như từ mẫu”. – Bác sĩ Tuyết chia sẻ.
 
<br>
 

Bác sĩ Lê Ánh Tuyết sinh năm 1986, có hộ khẩu thường trú tại phường Ba Hàng (TP. Phổ Yên). Sau khi tốt nghiệp Học viện Quân y, năm 2011, chị về công tác tại Bệnh viện Quân y 91. Trước khi sang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Phái bộ UNISFA, chị Tuyết là bác sĩ có nhiệm vụ thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân mắc các bệnh lý ngoại khoa về tiêu hóa, gan, mật, tiết niệu, sản phụ khoa… Đồng thời tham mưu cho Chỉ huy Khoa về công tác điều trị và phát triển các kỹ thuật mới trong điều trị. Trong công tác chuyên môn, chị luôn tích cực, tự giác nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.

 

Chị Tuyết cũng giữ cương vị Chủ tịch Hội Phụ nữ Bệnh viện. Là người đứng đầu Hội Phụ nữ Bệnh viện, chị đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, tạo khí thế thi đua sôi nổi, môi trường văn hóa trong đơn vị, thu hút, lôi cuốn đông đảo cán bộ, hội viên tham gia, làm chuyển biến khâu yếu, mặt yếu của đơn vị, góp phần xây dựng tổ chức hội vững mạnh xuất sắc.

Bác sĩ Lê Ánh Tuyết luôn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, vì động đồng.
 

Bác sĩ Lê Ánh Tuyết có 2 người con. Cháu thứ nhất sinh năm 2016, cháu thứ hai sinh năm 2018. Hai cháu, một mới học lớp 2, một mới đang mẫu giáo lớn, rất cần bàn tay chăm sóc của mẹ. Nhưng cũng như nhiều nữ quân nhân đi thực hiện nhiệm vụ quốc tế, chị phải gác lại gia đình, toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình cao cả.

Bác sĩ Tuyết và gia đình, trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ.

Thiếu tá, bác sĩ CKI Hoàng Anh Dũng, Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng (Bệnh viện Quân y 91), chồng chị Tuyết, tâm sự: Do khó liên lạc và công việc quá bận, chênh múi giờ đến 5 tiếng nên vợ tôi và các con ít khi gọi được video. Vợ tôi thi thoảng gửi ảnh về, còn tôi động viên con vẽ tranh gửi tặng mẹ. Vợ vắng nhà tôi mới thấm thía thời gian vợ một mình chăm sóc con khi tôi đi công tác, càng thấm thía nỗi vất vả của vợ và yêu thương người bạn đời của mình hơn. Các cháu ở nhà cũng rất nhớ mẹ nhưng luôn nhắn động viên mẹ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sớm về với các con.

Gác lại niềm riêng, bác sĩ Lê Ánh Tuyết luôn cống hiến hết mình cho công việc. Trong lời nhắn tới chúng tôi, chị viết: “Dù khó khăn, vất vả, nhưng tôi và các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ quốc tế đều mong muốn được cống hiến nhiều hơn nữa vì một thế giới hòa bình, ổn định”.

Các y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 1 thực hiện chương trình thiện nguyện, khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân châu Phi.
Các y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 1 thực hiện chương trình thiện nguyện, khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân châu Phi.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) này, bác sĩ Lê Ánh Tuyết và các y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 1 tiếp tục thực hiện chương trình thiện nguyện. Do an ninh bất ổn, không thể khám, chữa bệnh cho người dân, Bệnh viện tổ chức tặng thuốc cho các bệnh viện địa phương gần địa điểm đóng quân nhân ngày 27-2.

 

Chúng tôi gặp Thiếu tá, bác sĩ CKI Cao Ngọc Hùng khi anh đang mải mê với công việc hàng ngày tại Bệnh viện Quân y 91. Anh hiện là Phó Chủ nhiệm Khoa Ngoại chuyên khoa.

Bác sĩ Hùng đã thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 ở Bentiu (Nam Sudan) từ tháng 4-2022 đến tháng 7-2023. Tính cả thời gian đi tập huấn tại Hà Nội và làm nhiệm vụ, bác sĩ Hùng đã dành gần 3 năm (từ tháng 1-2021 đến tháng 10-2023) để thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Bác sĩ Cao Ngọc Hùng thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan.

Trò chuyện với tôi, bác sĩ Hùng rất khiêm tốn, cho rằng nhiệm vụ mình thực hiện là công việc của người lính, không có gì phải “khoa trương” trên báo chí. Nghe chúng tôi thuyết phục về việc lan tỏa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, bác sĩ Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả, anh mới đồng ý chia sẻ. Bác sĩ Hùng bảo: Thời gian làm việc tại Nam Sudan dù chỉ hơn 1 năm, nhưng là quãng thời gian đáng nhớ nhất cuộc đời tôi.

 

Làm nhiệm vụ tại Nam Sudan, Thiếu tá, bác sĩ CKI Cao Ngọc Hùng phụ trách Phòng khám răng hàm mặt, Khoa Khám bệnh của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 Việt Nam. Ấn tượng đầu tiên và lớn nhất với bác sĩ Hùng là khí hậu rất khắc nghiệt so với Việt Nam. Thường những tháng mùa Hè, trong khoảng 6 tháng, từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau, trời không mưa và nhiệt độ ngoài trời ban ngày trên 40 độ C.

<br>
 

Một khó khăn nữa với bác sĩ Hùng và các y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 là rào cản ngôn ngữ, văn hóa của môi trường làm việc đa quốc gia. Do được huấn luyện rất chu đáo ở Việt Nam và kinh nghiệm khi làm việc ở các bệnh viện trước nên anh Hùng đã sớm hòa nhập, từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ ở đất nước Nam Sudan. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 Việt Nam luôn đảm bảo khám, chữa bệnh an toàn tuyệt đối, cứu chữa được nhiều ca bệnh nặng, khó, phức tạp, được Phái bộ, các đơn vị bạn đánh giá rất cao.

 

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan của bác sĩ Hùng là lần đi khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho một trường học ở bang Unity (Nam Sudan).

Bác sĩ Cao Ngọc Hùng tham gia hoạt động thiện nguyện tại trường học cùng trẻ em, người dân Nam Sudan.

Bác sĩ Hùng kể: Tận mắt chứng kiến sự thiếu thốn, vất vả của các em học sinh nơi đây, chúng tôi thật xót xa. Là một bác sĩ phụ trách chuyên khoa răng hàm mặt, tôi thấu hiểu những điều kiện thiếu thốn nơi đây chính là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh về răng miệng cho trẻ. Chúng tôi đã tổ chức khám sức khỏe cho từng em và tận tình tư vấn, điều trị. Điều chúng tôi không ngờ tới là số lượng các em mong muốn khám, điều trị quá đông. Các giáo viên và học sinh nơi đây đã khẩn khoản đề nghị chúng tôi kéo dài thời gian khám, chữa bệnh. Giữa cái nắng như thiêu đốt của châu Phi, toàn thể y bác sĩ của Bệnh viện dã chiến Việt Nam vẫn quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ, chia sẻ cùng các em học sinh.

Bác sĩ Cao Ngọc Hùng trong một hoạt động thiện nguyện.

Kết thúc chương trình khám sức khỏe cho học sinh, toàn thể nhà trường và các y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 đã cùng nhau chơi trò chơi dân gian của Việt Nam như kéo co, bịt mắt bắt dê. Các y, bác sĩ đã mang đến những phần quà cho các em, mặc dù rất đơn sơ nhưng đầy ắp tình cảm. Trước khi ra về, bác sĩ Hùng và các đồng nghiệp đã cùng nhau trồng hơn 200 cây bàng mang đến từ Bệnh viện Việt Nam. Đây là những mầm xanh hy vọng, mong các em sẽ trưởng thành, mạnh mẽ cùng với tương lai tươi sáng.

<br>
 

Thiếu tá, bác sĩ CKI Cao Ngọc Hùng sinh năm 1983, có hộ khẩu thường trú tại thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ). Năm 2008, anh tốt nghiệp Học viện Quân y, về công tác tại Bệnh xá thuộc Lữ đoàn Thông tin 601 (Quân khu 1). Anh đã trải qua các vị trí bác sĩ điều trị, Bệnh xá trưởng, Chủ nhiệm Quân y của Lữ đoàn Thông tin 601. Năm 2012, anh đi học bác sĩ chuyên khoa I, đến tháng 8-2014 về công tác tại Bệnh viện Quân y 91. Ba tháng sau, tháng 11-2014, anh được điều động về Phòng Quân y, Cục Hậu cần, Quân khu 1. Năm 2017, anh được bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Khoa Ngoại chuyên khoa của Bệnh viện Quân y 91.

Bác sĩ Cao Ngọc Hùng khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Quân y 91.

Trên cương vị Phó Chủ nhiệm Khoa Ngoại chuyên khoa, bác sĩ Hùng đã tham mưu giúp cấp ủy, Chủ nhiệm Khoa thực hiện công tác khám, chữa, điều trị các bệnh lý thuộc chuyên ngành răng hàm mặt, đồng thời tham gia tổ chức và điều hành, chỉ huy Khoa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bác sĩ Hùng thường xuyên nghiên cứu tài liệu, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình liên hợp quốc ở Nam Sudan, bác sĩ Hùng cảm thấy rất vinh dự, tự hào, vì đã được đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình cho sự nghiệp gìn giữ hòa bình của thế giới nói chung, góp phần mang lại hòa bình cho đất nước Nam Sudan nói riêng.

Bác sĩ Hùng tâm sự: Được sống và làm việc trong môi trường có rất nhiều bất ổn chính trị như Nam Sudan, sau khi về Việt Nam, chúng tôi càng cảm thấy ý nghĩa, trân quý hơn nền hòa bình, độc lập dân tộc mà bao thế hệ cha anh đã phải đổi cả xương máu để có được. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi càng có động lực để tiếp tục học tập, rèn luyện, phấn đấu và góp phần xây dựng đơn vị.

 

Quá trình thực hiện nhiệm vụ quốc tế của hai bác sĩ Cao Ngọc Hùng, Lê Ánh Tuyết đã để lại dấu ấn tốt đẹp về bác sĩ của Bệnh viện Quân y 91, Thái Nguyên. Để đạt được kết quả này, đầu tiên là nhờ sự lựa chọn kỹ càng của Bệnh viện Quân y 91. Thượng tá, bác sĩ CKII Nguyễn Như Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 91, cho biết: Khi được giao bảo đảm lực lượng bác sĩ quân y thực hiện nhiệm vụ quốc tế, Bệnh viện Quân y 91 xác định đây là nhiệm vụ hết sức cao cả, mang ý nghĩa rất lớn, tầm cỡ quốc tế. Do đó, Bệnh viện đã rà soát rất kỹ càng, chọn bác sĩ Cao Ngọc Hùng và Lê Ánh Tuyết. Bệnh viện tạo điều kiện để các đồng chí nâng cao trình độ chuyên môn, quan tâm đến gia đình, hậu phương để các đồng chí toàn tâm toàn ý hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế cao cả.

 

Nhận xét về hai bác sĩ, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 91 Nguyễn Như Bình cho biết thêm: Qua quá trình phản hồi và báo cáo các nhiệm vụ, chúng tôi nhận được thông tin đồng chí Lê Ánh Tuyết thực hiện rất tốt các nhiệm vụ của một bác sĩ quân y. Ngoài các nhiệm vụ đảm bảo quân y, đồng chí Tuyết còn thực hiện tốt việc chăm sóc, khám sức khỏe, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân địa phương và thực hiện tốt các nhiệm vụ khác của một quân nhân như: Tư vấn, hướng dẫn, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường, giáo dục, văn hóa, thể thao… Có thể nói, đồng chí Tuyết đã gây được tiếng vang, để lại nhiều dấu ấn trong lực lượng vũ trang Việt Nam.

Với bác sĩ Cao Ngọc Hùng, Bệnh viện nhận xét đây là một trong những bác sĩ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại đơn vị. Qua đánh giá của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4, bác sĩ Hùng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thể hiện được truyền thống bác sĩ quân y nói riêng, anh Bộ đội Cụ Hồ nói chung trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ quốc tế. Các đồng chí Hùng, Tuyết đã thực hiện đúng như lời thề của quân nhân cũng như lời răn dạy của Bác Hồ. Đó là phải đoàn kết quốc tế tốt, thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc tế cao cả.

 

Từ khóa:

bác sĩ mũ nồi xanh

Thái Nguyên

tự hào

nhiệm vụ quốc tế

Bệnh viện Quân y 91

châu Phi

Nam Sudan


Xem thêm bình luận