Ông dành trọn tuổi thanh xuân tình nguyện lên đường nhập ngũ vào chiến trường Quảng Nam để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc, rồi lại tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Sau đó, ông tiếp tục cống hiến tài sức trong ngành Công an. Trải qua nhiều công việc vì nước vì dân, nhưng điều khiến ông tâm đắc nhất là góp phần giữ gìn, trao truyền hồn cốt văn hóa dân tộc Sán Dìu. Người chúng tôi nói đến là Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Trọng Quý, ở xóm Đèo Nứa, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên).
Sinh ra trong một gia đình người Sán Dìu có tới 7 đời làm thầy cúng, ngay từ khi còn nhỏ, Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Trọng Quý đã được cha hướng dẫn học chữ Nho và thường cho theo trong các dịp ông đi cúng lễ để học nghề. Vào năm 40 tuổi, ông Quý trải qua các nghi lễ để trở thành thầy cúng và đến nay, ở tuổi 81, ông ở cương vị Đại phan sư chủ.
Riêng gia đình ông Quý đang có 4 người làm thầy cúng (gồm vợ chồng ông và hai người con trai), ngoài ra còn có 1 người cháu đang theo học để trở thành thầy cúng.
Trên chiếc sập gụ kê ở gian chính giữa, Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Trọng Quý tự hào giới thiệu với chúng tôi những quyển sách quý, có tuổi đời mấy trăm năm và các vật dụng ông sử dụng trong việc cúng lễ, như: ấn, lệnh, tù và, la bạt, linh đao… Hiện tại, gia đình ông lưu giữ gần 100 cuốn sách quý có niên đại 300-400 năm, bao gồm hàng trăm bài cúng, tế, những nghi lễ quan trọng của người Sán Dìu đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nhờ những cuốn sách cổ này, ông đã truyền dạy ngôn ngữ cổ, các nghi lễ, phong tục truyền thống cho nhiều người khác trong cộng đồng người Sán Dìu.
Nhìn những cuốn sách quý, chúng tôi như ngược về miền hoài niệm, thấy khâm phục và trân trọng biết bao các thế hệ người dân tộc Sán Dìu đã nâng niu, gìn giữ những cuốn sách như báu vật, như mạng sống để thế hệ đi sau có cơ hội nhìn ngắm.
Ngoài lưu giữ những nét văn hóa trong việc cúng bái, ông Quý cũng tích cực tham gia "giữ lửa và tiếp lửa" cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương. Trong đó nổi bật là làn điệu Soọng cô của người Sán Dìu.
Xúng xính trong bộ trang phục truyền thống, các bà Lăng Thị Man, Trương Thị Sinh, Trần Thị Nguyên cùng cất lên câu hát Soọng cô với chất giọng mộc mạc, trầm ấm. Tuy không hiểu ngôn ngữ Sán Dìu nhưng qua điệu hát, chúng tôi vẫn cảm nhận được sự thiết tha, trìu mến, tình cảm chân thành của các bà gửi gắm trong từng lời ca.
Cùng với các thành viên CLB Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu xã Phúc Thuận, nhiều năm qua, ông Quý đã nỗ lực lưu giữ các điệu hát, phổ biến lối hát Soọng cô trong cộng đồng người Sán Dìu. Mong muốn lớn nhất cả ông là giúp nhiều người hiểu được tâm tư, ước vọng, truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mình; để thế hệ trẻ hiểu những giá trị văn hóa lớn lao của người Sán Dìu nói riêng và cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung.
Ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Hoàng Trọng Quý vẫn tự mình đi xe máy, hát vang bài Soọng cô, phong thái điềm tĩnh, nói năng minh mẫn. Trong ngôi nhà khang trang, thoáng rộng, ông say sưa kể cho chúng tôi nghe về “nghề”, về những giá trị văn hóa của người Sán Dìu – những điều mà ông cùng với 77 thành viên CLB Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu xã Phúc Thuận đang cố gắng giữ gìn, khôi phục, lưu truyền cho thế hệ trẻ, như: chữ viết, tiếng nói, trang phục, điệu hát Soọng cô…
Sau khi giới thiệu với chúng tôi những nét đẹp văn hóa của người dân tộc Sán Dìu, Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Trọng Quý bảo các con bày tiệc trà nhỏ để cùng các thành viên trong CLB ngồi thảnh thơi thưởng trà, ăn bánh kẹo và hát Soọng cô.