Chúng tôi lên Thượng Nung khi Chủ tịch UBND xã Lương Thị Mỹ Chải đang chủ trì một cuộc họp với các trưởng xóm, bí thư chi bộ để bàn về việc duy tu, sửa chữa các công trình giao thông. Là xã vùng cao, địa hình núi đá, đường giao thông có nhiều khúc quanh, cua “tay áo”, mép đường xói mòi, cỏ cây lâu không phát dọn nên mọc um tùm gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Sau khi nghe cán bộ các xóm ý kiến, chị Chải kết luận: Việc này chúng ta phải hoàn thành trước Tết Nguyên đán, vì vậy các xóm phải đoàn kết, phân công nhau vệ sinh đường, tu sửa lại những đoạn nguy hiểm. Mình tự làm được việc gì phải làm hết khả năng, không nên ỷ lại, gắng hết sức mà không thể mới đề xuất lên cấp trên.
Nói đi đôi với làm, ngay sau cuộc họp, chị cùng đại diện các xóm đến khảo sát thực tế từng đoạn đường nguy hiểm, rồi phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Lần đầu tiên gặp song tôi rất ấn tượng với cách làm việc của người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu này.
Trong trí nhớ của tôi, khoảng 7-8 năm trước, đường lên Thượng Nung, đặc biệt là các xóm Lũng Luông, Lũng Cà rất khó khăn, cheo leo với những dốc đá gập ghềnh. Ruộng vườn của bà con cằn cỗi, lơ thơ cây bụi khi thiếu sự chăm bẵm của con người cộng với khí hậu khắc nghiệt. Xã có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều đồi núi, sông, suối. Nhiều khu vực chưa có điện lưới quốc gia... Còn hôm nay, đường vào toàn bộ các xóm, dù ở những nơi sâu xa, nhiều dốc dựng đứng cũng đã được đổ bê tông. Những con đường uốn lượn men theo sườn núi. Hưởng ứng phong trào xây dựng nhà văn hoá xóm theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, người dân đã nhiệt tình tham gia đối ứng. Đến nay, nhà văn hoá của 7/7 xóm đã được xây dựng khang trang, sạch đẹp theo chuẩn nông thôn mới. Trên mỗi khu vườn, cánh đồng, sườn núi đã xuất hiện những mô hình kinh tế mới cho hiệu quả cao. Thượng Nung cũng là xã đầu tiên trong khu vực 6 xã phía Bắc của huyện Võ Nhai triển khai mô hình “Camera giám sát an ninh.
Có rất nhiều chuyện mới, chuyện vui được người dân hồ hởi kể ra với một tình cảm ấm áp, gần gũi. Và họ không quên nhắc đến những người có công đổi thay vùng đất này, đó là những cán bộ trẻ, năng động của xã, đặc biệt là Chủ tịch UBND xã Lương Thị Mỹ Chải.
Chị Chải sinh năm 1984. Trước khi làm Chủ tịch UBND xã, chị là Chi hội trưởng Nông dân, Chi hội phó Phụ nữ, cô nuôi, Chủ tịch Hội LHPN xã, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã. Là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở xứ núi này, lại trưởng thành từ xóm nên chị hiểu rõ những khó khăn, vất vả người dân nơi đây. Chị bảo: Tôi học được cách lắng nghe, chia sẻ, kỹ năng xử lý công việc khi trải qua nhiều vị trí công tác.
Khi được bầu vào cương vị Chủ tịch UBND xã, đối diện với “hàng núi” khó khăn, chị xác định trước nhất phải đổi mới tư duy, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt; xây dựng quy chế làm việc để phát huy hết tinh thần trách nhiệm của từng người, giữ mối đoàn kết trong cơ quan, nội bộ, tạo lòng tin cho nhân dân.
Cán bộ, công chức xã được phân công theo dõi, phụ trách các xóm, thường xuyên nắm bắt tình hình, lắng nghe nguyện vọng của người dân. Chị thực hiện cơ chế giao việc, tăng cường giám sát; tổ chức các cuộc đối thoại với người dân. Cùng với đó, chị mạnh dạn đề xuất huyện đầu tư, hỗ trợ hệ thống máy tính, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc, niêm yết công khai bộ thủ tục hành chính tại trụ sở UBND. Hiện nay, Thượng Nung là một trong những xã đi đầu huyện về cải cách thủ tục hành chính.
Về xây dựng nông thôn mới, xác định việc hoàn thành các tiêu chí “cứng” về giao thông, nhà văn hóa, thủy lợi... là vô cùng khó khăn, bởi xã ít dân, địa bàn rộng, địa hình núi đá. Thế nhưng với quan điểm phát huy tối đa nội lực từ bên trong và huy động nguồn lực từ bên ngoài, cộng với tinh thần đoàn kết thì không gì là không thể, trong vai trò “đầu tàu”, chị cùng với Ban Thường vụ Đảng ủy xã lãnh đạo, ban hành nghị quyết riêng về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; kiện toàn Ban quản lý Chương trình NTM của xã; chỉ đạo thành lập Ban phát triển xây dựng NTM tại 7 xóm...
Nhờ vậy, sau 5, năm xã huy động được trên 11,2 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân đóng góp gần 2 tỷ đồng (chưa tính ngày công, tài sản trên đất và giá trị đất hiến), để xây dựng hàng loạt công trình như: Xây mới và sửa chữa 3 trường học, 1 trạm y tế xã; 1 đập chứa nước và 1 trạm bơm, 2,5 km kênh mương, bê tông hóa được gần 11km đường giao thông nông thôn...
Tiếp đến, chị quyết tâm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân. Chị bảo, với người dân ở xứ núi này, trồng cỏ, chăn nuôi đại gia súc là hướng đi phù hợp. Bởi vậy, xã tranh thủ tận dụng các dự án hỗ trợ từ bên ngoài để vận động người dân chăn nuôi trâu, bò. Bản thân gia đình chị cũng nuôi từ 3-7 con bò. Thay vì lối chăn thả tự nhiên như trước, chị vận động bà con xây chuồng trại, trồng cỏ để chủ động nguồn thực ăn chăn nuôi, tham gia các khóa tập huấn, kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi.
Anh Ma Hành Du, Trưởng xóm Lũng Cà khoe với chúng tôi: Việc phát triển đại gia súc như trâu, bò, dê trước đây chỉ có lèo tèo vài hộ và theo tập quán chăn thả rông, thức ăn tự nhiên nên trâu, bò hay bị chết đói, chết rét vào mùa Đông. Mấy năm nay, việc nuôi trâu, bò đã phổ biến với người dân trong xã, đặc biệt là các xóm người Mông: Lũng Luông, Lũng Hoài, Lũng Cà.
Từ diện tích đất ven đường, bờ suối, dưới chân núi, từ nương ngô kém hiệu quả đều được bà con trồng cỏ voi nuôi trâu, bò vỗ béo. Đến nay, có hơn nửa hộ dân trong xã nuôi trâu, bò với tổng đàn hơn gần 800 con, tăng gấp 3 lần so với năm 2016 trở về trước.
Ở Thượng Nung, khoảng 3 năm nay, người dân cũng mạnh dạn phát triển các mô hình mới như nuôi ốc nhồi, nuôi cá chép giòn… Nhận thấy những mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả, xã luôn cổ, vũ động viên, mở các lớp tập huấn kỹ thuật, còn nông dân gia sức truyền nhau cách thực hiện cho mỗi vụ ốc đạt hiệu quả cao hơn. Đến nay, đã có hơn 50 hộ trong xã nuôi ốc nhồi.
Cùng chúng tôi đi trên tuyến đường bê tông cao vút lên xóm Lũng Luông, chị Chải tâm sự: Đời sống của nhiều hộ dân trong xã còn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới vẫn còn tới 26%. Đó là điều mà tôi và tập thể lãnh đạo xã luôn trăn trở và cần phải nỗ lực hơn nữa.