Trong cái nắng oi ả của dải đất miền Trung những ngày tháng 7, trong khói hương trầm mặc, Đoàn đại biểu tỉnh Thái Nguyên hòa vào dòng người đến với Trường Sơn – đất lửa linh thiêng. Trong suốt hành trình tri ân ấy, chúng tôi đến từng địa danh đã trở thành huyền thoại, ghi dấu trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc như: Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia đường 9, Nghĩa trang Quốc tế Việt - Lào …
“Hơn 30 năm công tác trong Ngành, tôi đã có 25 năm về với miền đất lửa Trường Sơn để tri ân các Anh hùng liệt sĩ. “Về” là bởi nơi đây quá đỗi thân thuộc trong cuộc đời công tác cũng như trong từng nỗi niềm thương nhớ của riêng tôi” - ông Vũ Văn Mão, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh & Xã hội Thái Nguyên, nói với tôi điều này khi những chiếc xe của Đoàn Thái Nguyên vừa dừng bánh trong khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn.
Đó hẳn cũng là tâm tư của hàng ngàn, hàng triệu cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ, của nhân dân trên khắp cả nước. Và, đó cũng chính là tâm tư của chúng tôi, những phóng viên được giao nhiệm vụ ghi lại những hoạt động tri ân của Đoàn đại biểu đại diện cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên dọc tuyến lửa Trường Sơn trong những ngày tháng 7 rưng rưng xúc động…
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên Phạm Hoàng Sơn thắp hương tri ân các liệt sĩ. |
Sau lễ dâng hoa, dâng hương, phút mặc niệm tại Đài tưởng niệm uy nghiêm, sừng sững bên cây Bồ đề huyền thoại gần 50 năm tuổi tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, các đại biểu tản ra những khu mộ để thắp nén tâm nhang, tri ân những người con ưu tú của dân dộc đã hy sinh trên “tuyến lửa” Trường Sơn huyền thoại.
Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận xã Vĩnh Tường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây không chỉ là nơi an nghỉ của hơn 10.000 phần mộ các Anh hùng liệt sĩ mà còn là biểu tượng của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Các anh đang đứng chung trong “đội hình trắng” thẳng tắp, nghiêm trang. Dù đất nước đã hòa bình gần 50 năm, nhưng vẫn còn đó bao nhiêu tấm bia im lìm với dòng chữ “Liệt sĩ chưa biết tên”.
Nằm ở Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, khu mộ của các liệt sĩ quê Thái Nguyên có 167 ngôi mộ, trong đó có nhiều ngôi chưa có tên tuổi liệt sĩ. Trong trưa nắng miền Trung, trong khói hương trầm mặc, từng dòng thông tin trên những tấm bia mộ như khắc cứa vào tâm tư người đến thăm nỗi xúc động, lưu luyến.
Bà Đoàn Thị Hồng, ở xã Linh Trường, huyện Gio Linh (Quảng Trị), bùi ngùi nói: Hơn 40 năm qua, bất kể nắng mưa, ngày nào tôi cũng lên đây để nhổ cỏ, quét lá, chăm sóc phần mộ các liệt sĩ. Giờ tuổi tôi đã ngoài 60 nhưng các anh, các chị vẫn mãi mãi tuổi 20. Được tận tâm chăm sóc các phần mộ nơi đây như chăm sóc chính những người thân trong gia đình, tôi thấy lòng mình thanh thản hơn, cuộc sống ý nghĩa hơn.
Điểm đến tiếp theo trong chuyến hành trình của Đoàn là Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia đường 9. Đường 9 là tuyến đường huyết mạch, nối liền vùng ven biển, đồng bằng và đô thị với vùng núi, biên giới của tỉnh Quảng Trị. Đường 9 vắt ngang qua dãy Trường Sơn, từ Đông sang Tây nối liền 2 nước Việt - Lào nên có vai trò rất quan trọng về mặt chiến lược.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường số 9 là con đường chiến lược của Mỹ - Ngụy, nối liền từ biên giới Việt Lào về tới Ðông Hà. Dọc trục đường số 9, Mỹ - Ngụy đã cho xây dựng các căn cứ quân sự, các cứ điểm và lô cốt nhằm cắt đứt sự chi viện của quân và dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Ðường 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bởi những chiến công hào hùng và oanh liệt; đồng thời đó cũng là nỗi ám ảnh, kinh hoàng cho binh lính Mỹ - Ngụy trong những năm 1965 - 1972.
Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 giờ là nơi yên nghỉ của hơn 9.500 Anh hùng liệt sĩ, với đầy đủ ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bộ đội chủ lực phần lớn là các sư đoàn 308, 304, 312, 968, 324, 320... Cũng tại đây, nhiều ngôi mộ tập thể và hàng ngàn mộ chiến sĩ chưa xác định được danh tính.
Người dân TP. Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Đường 9. |
Trong không khí trang nghiêm, đại diện Đoàn công tác tỉnh Thái Nguyên thỉnh 9 hồi chuông, kính cẩn dâng hoa, dâng hương, dành phút mặc niệm tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Sau lễ dâng hương, các thành viên trong Đoàn lặng lẽ đến từng phần mộ thắp những nén tâm nhang tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ. Nhìn những hàng mộ trắng thẳng đều tăm tắp, nổi bật giữa nền trời xanh thẳm, ai nấy đều không giấu được sự xúc động. Mỗi người đều nhẹ bước chân, có chuyện trò cũng chỉ khe khẽ. Tất cả đều muốn giữ yên "giấc ngủ" của các anh, các chị.
Cũng như mọi năm, khi Đoàn chúng tôi đến nơi đã có rất nhiều đoàn khách đến viếng Nghĩa trang. Đó là những thân nhân liệt sĩ, là những đồng đội năm xưa của các liệt sĩ, là những người dân Việt Nam về thắp nén hương trầm tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng liệt sĩ.
Trong đó, chúng tôi cũng gặp những người đồng hương Thái Nguyên. Anh Hoàng Văn Sửu ở phường Tân Hương (TP. Phổ Yên) nói với tôi: Dù không có thân nhân nằm lại nơi chiến trường xưa nhưng năm nay gia đình 3 thế hệ chúng tôi cùng đến đây dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ. Lần đầu đến với Quảng Trị, đứng lại nơi đây, nghe những câu chuyện trên tuyến đường Trường Sơn, tôi mới hiểu hết được sự tang thương của chiến tranh, sự hy sinh anh dũng của những người lính và thấy thêm yêu, thêm trân trọng những giá trị hòa bình. Tôi tin sau chuyến đi này, con, cháu chúng tôi sẽ trưởng thành hơn và biết hướng tâm đến những điều thiện, trở thành người có ích cho quê hương.
Thành cổ Quảng Trị nằm giữa thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị), đứng soi mình bên dòng sông Thạch Hãn hiền hòa. Trước khung cảnh yên bình hôm nay, ít ai có thể hình dung trong những năm tháng chiến tranh, nơi đây đã từng là “túi bom” hứng chịu không biết bao nhiêu vũ khí, đạn dược tối tân của kẻ thù. Đúng với tên gọi “cối xay thịt”, tổng khối lượng bom đạn mà Mỹ đã dội xuống hơn 3km² của Thành cổ Quảng Trị là khoảng 328.000 tấn. Trung bình mỗi chiến sĩ của ta tham gia trận đánh Thành cổ phải chịu 100 tấn bom, đạn của địch.
81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972) bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, có rất nhiều hy sinh, mất mát của các chiến sĩ quân giải phóng. Ngày cũng như đêm, trời và đất Quảng Trị đỏ rực một màu của máu và lửa, không một nhành cây, một cành hoa hay một ngọn cỏ nào có thể sống được.
Những kỷ vật, di vật của người lính bảo vệ Thành cổ được trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. |
Thành cổ Quảng Trị 51 năm qua vẫn luôn là bản tráng ca hào hùng của toàn thể nhân dân cả nước, là "bức tranh" đẫm máu và hoa cùng với bao trận đánh anh dũng khác làm nên kỳ tích, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, quét sạch giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi… Nơi đây, mỗi nhành cây, ngọn cỏ, mỗi tấc đất đã thấm đẫm máu của hàng ngàn chiến sĩ và đồng bào ta.
Thắp nén nhang trên Đài tưởng niệm, các thành viên trong Đoàn nguyện cầu cho linh hồn những người lính “mãi mãi tuổi hai mươi” được siêu thoát, trở thành bất tử, để chứng kiến sự hồi sinh của mảnh đất này, mảnh đất mà họ đã phải đổi bằng xương, bằng máu để gìn giữ vẹn nguyên cho thế hệ mai sau.
Trong “hành trình đỏ” này, Đoàn chúng tôi còn đến dâng hương tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; được hướng dẫn viên của Khu di tích thuyết minh về vùng đất Đồng Lộc, về các chiến sĩ, TNXP. Từ năm 1964 đến năm 1972, Ngã ba Đồng Lộc bị đánh phá liên tục và năm 1968 là năm ác liệt nhất.
Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi 1m2 đất phải gánh chịu trên 3 quả bom. Để mạch giao thông từ Bắc vào Nam được thông suốt, hàng ngàn chiến sĩ và Nhân dân đã ngã xuống. Trong đó, phải kể đến sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái TNXP thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55.
Những câu thơ của Nhà thơ, Nhà báo Đặng Kiên Cường được khắc trên tấm đá nhỏ trong khuôn viên Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc như nhắc nhở chúng tôi về sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong vào buổi chiều ngày 24/7/1968 (tức 26/6 năm Mậu Thân) khi mới tuổi mười tám, đôi mươi.
Chân dung liệt sĩ Võ Thị Hà được trí tuệ nhân tạo AI phục dựng trong bối cảnh đi lấp hố bom, vá đường tại Ngã ba huyết mạch Đồng Lộc. (Ảnh: Thái Anh) |
Trải qua 55 năm, từ một “tọa độ chết” trong chiến tranh, Ngã ba Đồng Lộc đã hồi sinh mạnh mẽ, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng. Ông Trần Đình Ước, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, cho biết: Năm nay tròn 55 năm ngày Chiến thắng Đồng Lộc, tưởng niệm 55 năm Ngày hy sinh của 10 nữ Anh hùng liệt sĩ TNXP và kỷ niệm 55 năm chiến tích Làng K130, từ ngày 20/7 - 27/7/2023 tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc diễn ra Tuần văn hóa “Linh thiêng Đồng Lộc” cùng nhiều hoạt động tri ân, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”. Để phục vụ tốt nhất cho các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương về với Ngã ba Đồng Lộc, từ đầu tháng 7/2023, Ban Quản lý Khu di tích đã huy động 100% nhân viên làm việc liên tục, không có ngày nghỉ để phục vụ các đoàn khách tham quan. Đồng thời chuẩn bị chu đáo các điều kiện để mọi hoạt động văn hóa, tri ân được đảm bảo tốt nhất.
Ông Hoàng Ngọc Hoa, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Nguyên, tâm tình: Đứng trước 10 nấm mồ trắng tinh có hình ảnh 10 cô gái với nụ cười rạng rỡ, tôi không khỏi xúc động, bùi ngùi. Tôi cứ đọc đi đọc lại những cái tên: Võ Thị Tần, 22 tuổi, Tiểu đội trưởng; Hồ Thị Cúc, 21 tuổi, Tiểu đội phó cùng 8 chiến sĩ: Võ Thị Hợi, 20 tuổi; Nguyễn Thị Xuân, 20 tuổi; Dương Thị Xuân, 19 tuổi; Trần Thị Rạng, 19 tuổi; Hà Thị Xanh, 18 tuổi; Nguyễn Thị Nhỏ, 19 tuổi; Võ Thị Hạ, 19 tuổi; Trần Thị Hường, 17 tuổi, như một lời tri ân với các chị - những nữ thanh niên xung phong anh hùng…
Chiều Đồng Lộc tháng 7 thoang thoảng khói hương, những đoàn người lặng lẽ, bịn rịn ra về. Trong tiếng chuông chiều vang vọng, Đồng Lộc thật tĩnh lặng, bình yên. Dưới những hố bom chi chít như hằn đầy thương tích nơi đất mẹ anh hùng, những chùm hoa nhỏ đã mọc lên. Sự yên bình của Ngã ba Đồng Lộc bây giờ lại càng nhắc nhở mọi người về một thời ầm ào tiếng bom, tiếng pháo, về những con người đã không tiếc máu xương cho cuộc chiến vĩ đại của dân tộc.
Với chúng tôi, chuyến đi này là chuyến công tác đặc biệt và có rất nhiều ý nghĩa. Đó là chuyến đi “Uống nước nhớ nguồn”, của đạo lý “Ăn quả nhớ người trồng cây”; để rồi nhớ mãi: Trường Sơn thật tĩnh lặng và thiêng liêng trong những ngày tháng 7. Trường Sơn không xa trong niềm thương, nỗi nhớ. Trường Sơn thật gần với bước chân trở về của những người từng chiến đấu anh dũng trên tuyến lửa năm nào. Và Trường Sơn thật thân thương trong thế giới của những người hiền đã ngã xuống vì đất nước...