Người phụ nữ nhỏ bé và hành trình chinh phục ước mơ
.

Người phụ nữ nhỏ bé và hành trình chinh phục ước mơ

TNĐT 17:25, 26/07/2023
 

Từ nhỏ đã mong muốn lớn lên trở thành cô giáo, nhưng con đường chinh phục ước mơ của chị Nguyễn Thị Duyên lại không "thuận buồm, xuôi gió". Cuộc sống vất vả với nhiều biến cố ập đến bất ngờ khiến bao lần hành trình thực hiện ước mơ của chị phải gác lại. Nhưng với ý chí và nghị lực phi thường, người phụ nữ ấy đã mạnh mẽ vượt qua những gian truân, trở thành “cô giáo làng” - truyền cảm hứng học ngoại ngữ cho thế hệ trẻ ở miền quê Đào Xá (Phú Bình).

 
 
 

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp chị Duyên là người phụ nữ giản dị, mộc mạc, có vóc người nhỏ bé nhưng giọng nói to, linh hoạt, đôi mắt sáng luôn ánh lên nghị lực và sự rắn rỏi. Trò chuyện với chúng tôi, mắt chị dõi xa xăm, nhớ lại quãng thời gian đầy cơ cực: Sinh năm 1981, là con thứ 4 trong gia đình có 6 anh chị em ở xóm Chám, xã Đào Xá. Khi còn là học sinh, cô bé Duyên được bạn bè trìu mến gọi là “Duyên còi”. Có lẽ cũng bởi Duyên có dáng người nhỏ bé, nhưng thông minh, tác phong nhanh nhẹn, quyết đoán và đặc biệt là nghị lực trong học tập của Duyên không tỷ lệ thuận với vóc dáng. Dù hoàn cảnh khó khăn, cô bé vẫn luôn đạt thành tích cao trong học tập, thuộc tốp đầu của trường, của lớp, được thầy cô yêu mến...

Tuổi thơ của Duyên cứ ngỡ sẽ êm đềm trôi cùng lũ bạn chăn trâu, cắt cỏ, nhưng không may biến cố ập đến gia đình, Duyên mất đi người anh trai vốn là chỗ dựa về kinh tế giúp các em được đến trường học tập. Thế là cô bé phải lỡ dở chuyện học hành, bỏ lại ước mơ được trở thành cô giáo khi vừa học hết cấp 3 để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình, nuôi các em ăn học.

 

Khi làm công nhân tại Công ty may Việt Hàn ở Hưng Yên, thời gian làm việc khắt khe không cho phép chị tiếp tục việc học để theo đuổi ước mơ làm cô giáo. Sau 5 năm làm ở đây, chị suy nghĩ cần về quê hương lập nghiệp để vừa chủ động công việc, vừa có thể sắp xếp thời gian học tập tiếp. Học nghề may xong, chị mở một cửa hàng nho nhỏ tại nhà, sau đó xây dựng gia đình, sinh con.

Ngỡ cuộc sống ổn định hơn nhưng nào ngờ khi con trai mới 4 tháng tuổi, vợ chồng chị ly hôn vì những bất hòa. Vậy là chị một mình vừa làm mẹ, vừa làm cha bươn chải, làm lụng vất vả nuôi dạy con. "Vòng quay" cơm, áo, gạo, tiền cứ thế cuốn chị rời xa ước mơ được tiếp tục học tập để trở thành cô giáo.   

 
 

Phải mất 15 năm, khi con trai đã lớn, kinh tế gia đình dần ổn định, chị Duyên mới có thể quay trở lại học tập. Việc đầu tiên là chị lên TP. Thái Nguyên ghi tên vào một trung tâm Anh ngữ để theo đuổi môn tiếng Anh. Chị suy nghĩ, trong thời đại hội nhập, tiếng Anh vô cùng quan trọng và mở ra nhiều cơ hội việc làm tốt. Biết mình thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa vì học tập gián đoạn nên chị rất chăm chỉ. Ngoài thời gian học ở trung tâm, về nhà hễ rảnh rỗi là chị lại tự mày mò học qua sách, mạng internet, rồi theo dõi các chương trình tiếng nước ngoài trên tivi.

Vốn thông minh, cộng với sự chăm chỉ, say mê môn tiếng Anh, chẳng mấy chốc chị đã có nền tảng kiến thức vững vàng để truyền niềm đam mê học tiếng Anh cho con và các em nhỏ ở quê.

 

Chị hiểu, ở miền quê này, các trẻ em vốn không có điều kiện tốt để học ngoại ngữ như ở thành phố, bởi không có nhiều các trung tâm Anh ngữ, càng không có cơ hội học với giáo viên nước ngoài...

 

Vậy là chị sẵn sàng hướng dẫn, truyền cảm hứng học môn tiếng Anh cho học sinh các lứa tuổi từ lớp 2 đến lớp 12 ở địa phương. Chị cũng chân thành chia sẻ với các phụ huynh về sự quan trọng của ngoại ngữ này và cơ hội công việc rộng mở cho các em khi học tốt tiếng Anh. Nhiều phụ huynh từ yêu mến, kính trọng chị đã đưa con đến gửi nhờ chị dạy dỗ. Vậy là chị Duyên trở thành cô giáo làng “gõ đầu trẻ”. Dù chưa thể đạt được ước mơ trở thành cô giáo đứng lớp ở các ngôi trường có tiếng, song được các em gọi cô giáo Duyên, chị thấy thật hạnh phúc.

 
 
 

Căn nhà hai mẹ con chị Duyên sinh sống hiện nay là tài sản lớn nhất sau bao năm lao động vất vả của chị. Ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa vườn cây xanh tốt với đủ loại cây trái theo mùa. Đến đây, chúng tôi chú ý phía trước nhà là bãi sim bạt ngàn đang thì chín rộ.

Dẫn chúng tôi ra vườn sim do chính tay mình trồng, chăm sóc, chị Duyên chia sẻ: Ban đầu, thấy tôi mang sim từ rừng về nhà trồng, nhiều người bảo tôi hâm. Nhưng tôi yêu sim, bởi nó gắn bó với tuổi thơ tôi.

 

Người phụ nữ nhỏ bé và hành trình nuôi dưỡng ước mơ

Chị Duyên mơ màng nhớ lại thời thơ ấu của mình, khi đó, lũ trẻ ở quê không có điện thoại, cũng chẳng ti vi, mà chỉ là những ngày chăn trâu, cắt cỏ cùng chúng bạn, với bạt ngàn sim tím. Sau một thời gian đi làm xa quê, trở về nhà, những đồi sim đã không còn, khắc khoải nhớ về những ngày thơ ấu, chị thèm được ngắm nhìn những vạt hoa sim tím thơ mộng ngày nào, được nếm lại vị chan chát, ngọt ngào của những quả sim chín mọng. Từ đó, ý tưởng mang sim rừng về trồng tại vườn nhà nhen nhóm trong chị.

 

Để trồng được vườn sim như hiện nay, chị Duyên phải mất một quá trình khá dài. Bãi sim này trước đây là ao sâu nên chị phải lấy đất từ 2 quả đồi để san lấp ao, rồi nhờ người tìm đánh những cây sim trên núi về trồng. Cây sim mới được mang về trơ rễ, sau khi trồng được một năm, cây ra mầm xanh non và năm sau thì bắt đầu cho những quả đầu tiên. Sang năm thứ 3 thì cây rộ quả.

Quá trình trồng sim, chị Duyên tự mày mò kỹ thuật chăm sóc, rút kinh nghiệm dần. Cây sim vốn mọc tự nhiên, hợp sống ở vùng đồi núi dốc, nên không ưa nước. Vì vậy, khi trồng tại nơi đất bằng phẳng trong vườn nhà, chị phải đánh luống cao để mỗi lần tưới nước không ứ đọng ở gốc. Đến nay, diện tích sim của chị đã đến độ trưởng thành, mỗi mùa hoa, được ngắm một dải hoa tím làm đẹp cả vùng quê, chị thấy thật hạnh phúc.

 

Năm nay, vườn sim của chị Duyên sai trĩu trái. Chị tâm sự: Mỗi lần ngắm nhìn sim chín, bao nhiêu ký ức tuổi thơ tôi lại ùa về. Đó là những buổi hoàng hôn, tôi cùng các bạn trong xóm í ới gọi nhau lên đồi sim chơi trò đuổi bắt, trốn tìm. Trốn trong những lùm sim, hít hà mùi của lá sim, hoa sim, quả sim... Chơi chán, chúng tôi lại nằm lăn ra thảm cỏ mật êm ru, nhìn ông mặt trời chầm chậm lặn dần sau những lùm sim. Vừa ngắm bầu trời, chúng tôi vừa hái sim ăn, khi ấy sim là một trong những loại quả ngon nhất mà chúng tôi được ăn.

 

Nghe chị Duyên chia sẻ, nhìn những vạt sim trĩu quả dưới nắng sớm, tôi bất giác nhớ lại tuổi thơ của mình theo mẹ lên đồi quét lá bạch đàn về đun và tung tăng hái những quả sim chín mọng, căng tròn, tím sẫm trên đồi để đầy vạt áo. Tuổi thơ xưa khốn khó, chính những chùm sim chín ngọt lành – món quà của rừng đã làm dịu mát chiếc dạ dày trống rỗng của chúng tôi. Còn nhớ, sau khi no kềnh một bụng sim, chúng tôi nhìn nhau đứa nào đứa nấy miệng nguệch ngoạc tím mà cười khúc khích. Trước khi ra về, lẽ trẻ chúng tôi chọn hái những quả sim to nhất, mọng nhất, chín nhất, rồi đựng vào vạt áo mang về cho cả nhà cùng ăn. Bởi thế mà manh áo nào của tụi trẻ thời đó cũng loang lổ những vệt thâm, tím của nhựa sim...

Nay tận mắt nhìn vườn sim, nếm vị chan chát dịu ngọt của sim, trong tôi dâng lên những cảm xúc bồi hồi thật khó tả.

 
 

Khi chị Duyên đăng những vạt hoa sim tím lên mạng xã hội Facebook, nhiều người, nhất là giới trẻ từ các địa phương khác vô cùng thích thú và tìm về check-in vào mùa hoa, mùa quả chín. Chị Duyên cười hạnh phúc: Những người đến đây chụp ảnh tôi không thu tiền. Tôi muốn nhiều người, nhất là các bạn trẻ, được trải nghiệm những phút giây tươi đẹp như tuổi thơ xưa của mình, vui vầy với thiên nhiên, không bị ảnh hưởng bởi Internet, phim ảnh, những khu du lịch “sang chảnh”. Mong các em có những khoảnh khắc tuổi thơ thật đẹp, thật mộc mạc với nhiều điều thú vị. Còn về kinh tế, với tôi chỉ là bước đầu, chắc chắn những năm sau thu nhập từ vườn sim sẽ khá hơn.

 
 

Chia tay chị Duyên, chúng tôi vừa yêu mến vừa thầm cảm phục người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn và mang trong mình nghị lực lớn. Như cây sim nhỏ bé kia, sống tốt ở đất đồi cằn cỗi, chịu được thời tiết khắc nghiệt, luôn hướng về phía ánh sáng và cho hoa đẹp, quả ngon, chị cũng đã nỗ lực vượt qua biết bao khó khăn trong cuộc đời. Mong rằng, những thành quả mà chị thu hái sau bao tháng năm vất vả sẽ càng trĩu ngọt như trái sim no nắng chín màu tím sẫm, không phụ công người trồng…

 
 
 

 


Từ khóa:

Người phụ nữ nhỏ bé

ước mơ lớn

trồng sim

Nguyễn Thị Duyên

Đào Xá

Phú Bình


Xem thêm bình luận