Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, sinh viên đầu vào các ngành sư phạm tăng qua từng năm. Việc miễn học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục, được kỳ vọng thu hút người giỏi vào ngành sư phạm và giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.
Trong quá trình triển khai, các trường sư phạm trên địa bàn cũng có những thuận lợi, khó khăn nhất định, nhưng cơ bản đã thực hiện chi trả hỗ trợ, tạo động lực cho các em yên tâm học tập, rèn luyện trong môi trường sư phạm. Nghị định sẽ tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ khi các em thực sự hiểu rõ sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước đối với mình, từ đó phấn đấu trở thành những nhà giáo giỏi trong tương lai.
Đến thời điểm này vẫn còn tỉnh, thành có đào tạo ngành sư phạm “mòn mỏi” chờ đợi tiền hỗ trợ sinh viên sư phạm theo Nghị định 116, hoặc có nơi chi trả nhưng “nhỏ giọt”. Tại Thái Nguyên, trên 78% sinh viên sư phạm trong diện hỗ trợ tại Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã nhận được kinh phí với tổng số tiền chi trả đến thời điểm này là gần 70 tỷ đồng, từ nguồn của tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chính sách này đã giúp rất nhiều bạn trẻ hướng theo nghề giáo, lựa chọn và yên tâm học tập ngành sư phạm, được hỗ trợ phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng và miễn học phí theo mức quy định của cơ sở đào tạo đang theo học.
Nhờ có Nghị định 116, sinh viên sư phạm được hỗ trợ khoảng 140 triệu đồng trong 4 năm học, chưa kể tiền học phí hàng tháng. Đi kèm với quyền lợi, các em có nghĩa vụ và trách nhiệm cống hiến trong ngành Giáo dục sau 2 năm ra trường, nếu không sẽ phải bồi hoàn số tiền đã được hỗ trợ. Việc bồi hoàn cũng được quy định với sinh viên sư phạm chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học.
Theo ông Mai Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên: Hiện chưa có sinh viên nhận hỗ trợ ra trường, các trường hợp phải bồi hoàn hiện tại là những em xin thôi học. Nhà trường đã gửi văn bản tới UBND các tỉnh liên quan để thực hiện thu hồi kinh phí theo đúng quy định.
Một số sinh viên lựa chọn không nhận hỗ trợ do lo lắng sẽ không xin được việc làm sau khi ra trường và phải bồi hoàn khoản tiền đã nhận. Nhìn vào mặt tích cực, những sinh viên này đã ý thức được trách nhiệm của mình khi hưởng ưu đãi cho khối ngành sư phạm. Nhìn từ góc độ thị trường lao động, các chuyên gia cũng cho rằng đây là chính sách tốt để nhiều sinh viên, đặc biệt là sinh viên khó khăn có điều kiện theo học cao đẳng, đại học, nâng cao trình độ, gia tăng cơ hội việc làm cho các em khi ra trường. Khi đó, dù không làm việc trong ngành Giáo dục, các em cũng có thể tìm được công việc tốt để trả lại khoản “vay” này.
Những chính sách mới được triển khai thường không tránh khỏi những băn khoăn, thậm chí vướng mắc. Ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Trưởng Phòng Công tác học sinh, sinh viên, Trường Cao đẳng Thái Nguyên, cho rằng vẫn còn một số nội dung chưa rõ ràng, cần có hướng dẫn cụ thể để thực hiện cho đúng, giúp sinh viên yên tâm hưởng chính sách.
Hiện nay, các địa phương chủ yếu thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, còn cơ chế đặt hàng gần như chưa có. Điều này được các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục lý giải: Chưa có điều kiện rà soát, tính toán, xác định nhu cầu tuyển dụng và đào tạo giáo viên theo từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học nên chưa có dữ liệu chắc chắn để đặt hàng.
Mặt khác, việc thi tuyển vào các cơ sở giáo dục phải thực hiện theo quy định của Nghị định 115 và Thông tư 06 của Bộ Nội vụ mới đảm bảo sự công bằng, lựa chọn được người có trình độ, có năng lực chuyên môn đáp ứng. Vì vậy sẽ xảy ra trường hợp sinh viên không thể đáp ứng các yêu cầu của Nghị định 116 và phải bồi hoàn số tiền hỗ trợ. Nhưng quan trọng hơn, người học nên hiểu khoản hỗ trợ này nhằm mục đích gì để có trách nhiệm, ý thức học tập tốt, đáp lại sự “ưu ái” của Nhà nước, không phụ sự kỳ vọng của gia đình và xã hội.