Chị Vi Thị Phương, dân tộc Nùng, ở xóm La Giang xã Quang Sơn (Đồng Hỷ), là một nông dân thuần tuý làm nghề chè như bao người khác trên mảnh đất xứ chè. Với lương tâm, lòng kiên trì, khát khao thay đổi và với sự hướng dẫn tận tình của các chuyên gia, chị đã biến sản phẩm chè bình thường thành chè an toàn hướng hữu cơ, có giá trị kinh tế cao và đang được quảng bá tại nhiều nước.
Câu chuyện làm chè của chị Phương là một ví dụ điển hình về người nông dân phát huy tài nguyên bản địa, nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích, gợi mở các vấn đề về phát triển cây chè theo hướng canh tác bền vững, cân bằng hệ sinh thái tự nhiên để chè thực sự trở thành “vàng xanh” trên đất Thái Nguyên.
Về xóm La Giang, chúng tôi ấn tượng khi thăm đồi chè xanh mướt nằm ven đường của gia đình chị Vi Thị Phương. Ngay ở đầu vào, chị làm một chiếc cổng bằng tre, gỗ, có ghi nội dung cam kết chè Vi Phương “7 không”: Không hương liệu, không chất tạo màu, không chất bảo quản, không kích thích tăng trưởng, không phun trừ cỏ, không phun hoá học, không phân bón hóa học...
Hai bên cổng là bãi chè xanh tốt, chuối tiêu được trồng bao quanh, xen với đó là cây xả, ớt tạo hàng rào đẹp mắt. Các gốc chè, gốc chuối được chị đặt bao tải phân đã hoai mục từ cỏ dại. Chị Phương vui vẻ nói: Đây là kết quả từ những bài học tôi đã học từ “cô giáo” và đang áp dụng để sản xuất chè hữu cơ.
Cũng theo chị Phương: Đây là mô hình tạo phân bón tại chỗ. Trồng chuối giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, cung cấp kali tự nhiên, thân chuối sau khi thu hoạch sẽ được ấp vào gốc cây vừa bổ sung khoáng chất cho chè, vừa giúp ngăn ngừa cỏ mọc. Còn các loại cây xả, ớt để làm nguyên liệu thuốc trừ sâu thảo mộc...
Có mẹ làm công nhân Nông trường chè Sông Cầu nên từ nhỏ chị Phương đã gắn bó mật thiết với cây chè. Sau khi lập gia đình, chè cũng là cây trồng nuôi sống cả nhà chị. Nhưng như bao người làm chè quanh vùng, nhiều năm làm nghề, chị quanh quẩn với việc bón phân hóa học, phun thuốc, thu hái, sao sấy và mang ra chợ bán.
Chị bảo, chè là cây lâu năm, vì thế nên nguồn sâu bệnh luôn tồn tại và tích luỹ nhiều trên nương chè, kể cả trên thân, tán cây. Thời kỳ cây chè sinh trưởng mạnh từ tháng 3-10 cũng là thời gian thu hái búp, áp lực từ sâu bệnh thời kỳ này rất lớn.
Để đảm bảo năng suất chè, chị cũng thường xuyên phun thuốc trừ sâu. Nếu chia trung bình, cứ một tháng phun 1 lần. Mỗi lần phun dù tuân thủ đúng thời gian cách ly theo khuyến, song chị cảm thấy không hết được lượng tồn dư hóa học trên cây chè, nên không thể "nhẫn tâm" bán những sản phẩm đó cho khách hàng.
Chưa kể, phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, làm cho cỏ chết đồng nghĩa với hệ vi sinh vật dưới lòng đất cũng chết, bản thân mình và gia đình cũng bị ảnh hưởng sức khoẻ... Với suy nghĩ đó, chị quyết định dừng phương pháp canh tác cũ, hướng đến làm chè an toàn, chè hữu cơ.
Cứ đi sẽ thấy, cứ gõ cửa sẽ mở. Câu đó đúng với chị. Trong khi đang trăn trở tìm hướng đi mới, tháng 5-2022, chị may mắn được tham gia lớp tập huấn về khởi sự kinh doanh, ứng dụng công nghệ vi sinh trong trồng trọt do Trung tâm Hoa kỳ (Đại sứ quán Hoa Kỳ), Liên minh Hợp tác xã tỉnh và Hội Nông dân huyện phối hợp tổ chức.
Tại đây, chị được tiếp cận phương pháp thực hành sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, bền vững, phát huy tài nguyên bản địa. Từ những kiến thức đã học, chị là một trong những thành viên ít ỏi của lớp kiên trì từng bước áp dụng trên diện tích chè của gia đình.
Dẫn chúng tôi tới góc nhà kho chứa vật tư sản xuất, chị Phương vừa chỉ tay vào các thùng nhựa lớn, bé, có ghi tên rõ ràng, vừa nói rành rọt từng loại. Thùng chứa vi sinh gốc, thùng chứa phân bón hữu cơ tổng hợp, thùng chứa thuốc trừ sâu... Chị chia sẻ: Làm các chế phẩm này đơn giản lắm, chỉ cần mình kiên trì, quyết tâm là được.
Ví như để có các chế phẩm vi sinh, phân bón hữu cơ, đầu tiên phải làm vi sinh gốc (IMO) bao gồm: Nước sạch, sữa chua, đường, men tiêu hoá, men rượu, cám gạo. Tất cả cho vào thùng nhựa ngâm ủ, dùng que tre gỗ khuấy đều mỗi ngày, trong vòng 7-10 ngày. Để làm phân bón hữu cơ tổng hợp thì lấy vi sinh gốc ngâm ủ với hỗn hợp đỗ tương rang, ốc bươu vàng, phế phẩm như thức ăn thừa, xương động vật, rau củ quả.... Toàn bộ bã của phần nguyên liệu sau khi ngâm ủ sẽ được mang đi trộn với tro bếp, phân gà ủ bón cho cây trồng.
Thuốc trừ sâu thảo mộc thì lấy vi sinh gốc ngâm với tỏi, ớt, cây xuyến chi, măng tre, riềng, lá mật gấu ngâm từ 7-15 ngày. Với kích mầm chè, dùng vi sinh gốc ngâm với trứng gà, giá đỗ, hành tây, vỏ quả chuối và viên B1, còn kali chuối tạo độ ngọt, đặm cho chè thì ngâm riêng...
Chị Phương bảo: Nhờ áp dụng triệt để những gì được học, hơn 1 năm nay tôi không mất tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu như trước nữa, chỉ phải mua các nguyên liệu để làm chế phẩm, nhưng kinh phí không đáng kể. Tính ra, mỗi năm tôi tiết kiệm được trên 30 triệu đồng chi phí đầu vào cho gần 4.000m2 chè.
Quan trọng hơn là sau 3 tháng áp dụng phương pháp canh tác này, chị thấy chất lượng chè thay đổi rõ rệt. Lá chè xanh, dày hơn, nước chè có vị ngọt, thơm, đậm, năng suất tăng lên 2kg-5kg/sào (tùy từng lứa). Dù không sành chè, nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận khi uống chè của chị có vị ngọt hậu rất riêng, và mỗi lần pha có thể được 5-6 nước uống vẫn đậm đà.
Với 1 mẫu chè, một mình chị làm, trung bình mỗi tháng xuất bán được khoảng 40kg chè khô. Thay vì mang ra chợ bán như trước, giờ chị hoàn toàn bán theo đơn đặt hàng, làm đến đâu có người mua đến đó, có khi phải khất khách vì không đủ bán. Giá chè cũng tăng lên từ 100 nghìn đồng/kg lên 500 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, sản phẩm chè của chị đã được mang giới thiệu, xuất bán số lượng nhỏ tại một số nước như: Thuỵ Sỹ, Hà Lan, Lào, Thái Lan...
Là Tổ trưởng Tổ nghề nghiệp sản xuất chè an toàn La Giang, chị Phương đang tích cực chia sẻ cách làm của mình và được nhiều thành viên áp dụng. Để làm chè hữu cơ, tính trung thực và kiên trì trong việc tuân thủ các bước cần được đặt lên hàng đầu. Chị bảo, khách nước ngoài khi ghé vườn chè của tôi, thẩm chè của tôi họ phát hiện ra ngay nếu như mình không tuân thủ đúng. Tới đây tôi sẽ thành lập hợp tác xã phát triển chè gắn với du lịch cộng đồng.
Được biết, phương pháp canh tác chè của chị Phương nằm trong chương trình Phát triển nông nghiệp bền vững dựa vào tài nguyên bản địa do Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia phối hợp với Làng nông nghiệp thông minh Techfest quốc gia đang triển khai tại nhiều địa phương trong cả nước.
Nội dung cốt lõi của Chương trình này là kêu gọi nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển nông nghiệp dựa trên công nghệ xanh, công nghệ sinh học, với mục tiêu giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cho người nông dân, đảm bảo phát triển nông nghiệp xanh, bền vững. Để làm được điều này, người dân cần hiểu và biết cách tự ủ phân hữu cơ, làm thuốc bảo vệ thực vật sinh học, xử lý chất thải trong sản xuất, chăn nuôi…
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã kịp trao đổi với “cô giáo” của chị Phương là bà Nguyễn Thị Thu, chuyên gia phát triển sinh thái NSSC, Trưởng Làng nông nghiệp thông minh Techfest Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ), người sáng lập hệ sinh thái MEVI.
Bà Thu chia sẻ: Chị Phương là một nhân tố sáng trong phát triển kinh tế nông hộ dựa vào tài nguyên bản địa, chị áp dụng triệt để phương pháp học đi đôi với hành mà chúng tôi hướng dẫn, bởi vậy đã có những thành công. Mô hình của chị Phương là điển hình về nông nghiệp tuần hoàn, bảo vệ sức khoẻ, cân bằng hệ sinh thái tự nhiên, cần được nhân rộng, đây đang là xu hướng tất yếu.
Gợi mở thêm với Thái Nguyên, bà Thu nhấn mạnh: Để tạo lập được hướng đi này, Thái Nguyên cần đẩy mạnh chủ trương phát triển công nghệ sinh học và hướng sản xuất xanh, canh tác bền vững, lồng ghép kỹ thuật nuôi trồng làm phân bón tại chỗ dựa vào tài nguyên bản địa; tích cực áp dụng công nghệ chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Phải làm sao để du khách đến Thái Nguyên có thể trải nghiệm về mô hình du lịch, giáo dục xanh, tìm hiểu về lịch sử, canh tác, chế biến trà, thưởng thức trà và những món ăn được chế biến từ trà. Khi đó không đơn thuần là bán sản phẩm trà, mà chúng ta bán cả câu chuyện, văn hoá xứ trà.
Chị Phương đang được chúng tôi hướng dẫn làm chè muối chua, mình có thể làm bánh, đồ xôi, nấu nhiều món ăn khác từ chè... Tất nhiên, muốn làm được điều đó cần phải xây dựng vùng nguyên liệu canh tác bền vững và cuối cùng là gắn sản phẩm với hình ảnh, câu chuyện, văn hoá bản địa - bà Thu cho biết thêm.
Là vùng đất nổi tiếng về chè, Thái Nguyên hiện có diện tích chè trên 22.000 ha, lớn nhất cả nước, nhưng tổng doanh thu từ cây chè mới chỉ đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng, chưa tương xứng với tiềm năng. Tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023-2028, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải bày tỏ mong muốn: Cần nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng, mẫu mã, đưa văn hóa truyền thống, thổi hồi vào trà để tăng giá trị. Chúng ta phải làm sao với diện tích trồng chè như bây giờ, phấn đấu đến năm 2035 doanh thu từ cây chè của Thái Nguyên đạt 1 tỷ USD (khoảng 23 nghìn tỷ đồng)...
Điều này hoàn toàn trong tầm tay, nếu các sở, ngành, địa phương cùng người dân quyết tâm thay đổi tư duy, phương pháp sản xuất, kinh doanh từ những gợi mở của chuyên gia như trên, và từ câu chuyện làm chè "tử tế" của chị Vi Thị Phương.