"Thuyền trưởng" của vùng chè Khe Lim
.

"Thuyền trưởng" của vùng chè Khe Lim

TNĐT 10:27, 10/01/2024
 

Không chỉ cho ra đời sản phẩm chè ngon, sạch nổi tiếng, những năm gần đây, HTX trà Cao Sơn ở xóm Khe Lim, xã Bình Sơn (TP. Sông Công), đã xây dựng vùng chè Khe Lim trở thành điểm trải nghiệm hấp dẫn, thu hút nhiều khách du lịch. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của “thuyền trưởng” Phạm Văn Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX trà Cao Sơn.

 
 

Gia đình anh Phạm Văn Tiến đã có mấy đời làm chè, tuổi thơ của anh vì thế cũng gắn chặt với cây chè trung du truyền thống. Tuy nhiên, thời trai trẻ nhiều hoài bão, anh lại ước mơ được như cánh chim bay đi khắp các phương trời chứ không cam chịu cả đời lầm lũi nơi góc vườn như cha, ông. Thế là học chưa hết cấp 2, anh khăn gói rời quê vào Nam. Để kiếm tiền, anh phải làm nhiều nghề, từ thợ hồ, cơ khí, xây dựng, đến bán hàng... Thời gian bôn ba đủ để anh hiểu những gian truân khi phải tự mình bươn trải nơi đất khách. Và rồi, duyên nợ với cây chè chưa dứt, năm 2008 anh quay về quê cùng gia đình chăm sóc nương chè xanh.

 
 

Hằng ngày chăm sóc, thu hái, chế biến, rồi nhâm nhi chén trà thơm nồng, đượm vị quê, tình yêu với cây chè trong anh Tiến ngày càng lớn. Anh quyết định gây dựng sự nghiệp của mình từ cây chè. Năm 2019, anh mạnh dạn đứng ra thành lập HTX trà Cao Sơn gồm 12 thành viên, với diện tích vùng nguyên liệu 50ha. Và mảnh đất Khe Lim được thiên nhiên ưu ái ban tặng chất đất tơi, mầu mỡ, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, rất phù hợp cho cây chè tích tụ hương thơm, vị đượm, ngọt đặc trưng, đã không phụ công anh.

 

Rót chén trà nóng hổi mời khách, anh Tiến chia sẻ: Điều tôi trăn trở nhất khi thành lập HTX là phải xây dựng được sản phẩm bảo đảm an toàn, tốt cho sức khỏe, người tiêu dùng ngày càng kỹ tính. Có như vậy, thương hiệu chè mới phát triển lâu bền trên thị trường. Bởi thế, từ khi thành lập HTX, tôi đã kiên trì vận động các thành viên chuyển từ sản xuất chè truyền thống sang hướng hữu cơ và là một trong những đơn vị tiên phong ở địa phương đi theo hướng này.

 

Tìm hiểu ở HTX trà Cao Sơn, chúng tôi thấy các thành viên đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ hóa học, chỉ dùng đạm, lân hữu cơ, phân chuồng ủ mục và các loại thuốc thảo mộc để diệt sâu, bọ, côn trùng. Nguồn nước tưới chè cũng được lựa chọn đảm bảo sạch sẽ, chè thường xuyên được kiểm soát chất lượng qua từng khâu sản xuất.

 

“Vạn sự khởi đầu nan, lúc đầu do chưa quen với phương thức sản xuất mới kỳ công hơn, mà năng suất chè lại bị giảm, không ít thành viên nản lòng. Nhưng sau một thời gian, nhìn thấy thành quả của gia đình anh Tiến, mọi người đã tin tưởng, kiên trì làm theo. Như trường hợp gia đình bà Lê Thị Quang, có hơn 1ha chè trước khi tham gia HTX vẫn sản xuất theo phương thức cũ, năng suất đạt khoảng 10kg chè khô/sào/lứa, sau khi chuyển sang sản xuất hữu cơ, năng suất sụt giảm 30%. Kiên nhẫn một thời gian, thuần thục phương thức chăm sóc mới, bà nhận “trái ngọt” khi năng suất chè dần tăng lại, hiện đạt từ 13-15kg búp khô/sào/lứa, giá bán cao gấp rưỡi, gấp hai lần so với trước.

 
 

Từ việc thay đổi phương thức sản xuất: Lựa chọn giống chè tốt, áp dụng quy trình sản xuất khoa học, thân thiện môi trường, những năm gần đây, hoạt động sản xuất của các thành viên HTX trà Cao Sơn có nhiều chuyển biến tích cực, sản phẩm trà Cao Sơn dần khẳng định “chỗ đứng” trên thị trường. Điều quan trọng nhất là mỗi người làm chè được sống trong môi trường trong lành, an toàn cho sức khoẻ.

 
 

Hiện nay, HTX có 20ha chè được công nhận VietGAP. Các sản phẩm của HTX đã đăng ký nhãn hiệu bảo hộ, có mã vạch để truy xuất nguồn gốc. Toàn bộ sản phẩm của HTX đều được thường xuyên kiểm tra, giám sát, quản lý vùng nguyên liệu, đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Thị trường tiêu thụ của HTX cũng ngày càng rộng, không chỉ trong tỉnh như trước, mà mở rộng ở các tỉnh, thành như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh... Một số sản phẩm còn được xuất khẩu.

 
 

Nói về những dự định, anh Phạm Văn Tiến cho biết: Để có được thành quả như hôm nay là nhờ vào chất lượng chè và sự nỗ lực chung tay của các thành viên HTX. Vì thế, thời gian tới chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện cho thành viên HTX tham gia các lớp tập huấn về sản xuất chè hữu cơ để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào tốt nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phát triển các địa điểm trưng bày tại TP. Sông Công, mở rộng quy mô khu chế biến tập trung. HTX cũng sẽ tích cực tham gia các kỳ hội chợ, hoạt động quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh, nhằm chinh phục nhiều thị trường tiêu thụ.

 
 
 

Khe Lim là vùng đất bám mặt hồ Ghềnh Chè nên có nhiều thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình. Đứng giữa vùng chè Khe Lim, mọi người phóng tầm mắt ra xa có thể ngắm mênh mông một mầu xanh ngọc bích của hồ Ghềnh Chè. Hồ rộng hơn 80ha, với 45 bán đảo lớn nhỏ, được bao quanh bởi những cánh rừng keo, mỡ, bạch đàn, thông xanh ngút ngàn nên có khí hậu trong lành, mát mẻ. Với vẻ đẹp tự nhiên, hồ Ghềnh Chè là điểm thu hút nhiều khách du lịch.

Tận dụng lợi thế đó, HTX trà Cao Sơn đã xây dựng mô hình trải nghiệm vùng chè dành cho khách du lịch. Đồng thời liên kết với HTX Du lịch cộng đồng Ghềnh Chè tổ chức cho du khách tham gia các hoạt động trải nghiệm. Đến đây, ngoài việc được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên đậm chất thơ, hít hà bầu không khí trong lành, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động thu hái và chế biến, thưởng thức các sản phẩm từ chè.

 
 
 
 

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Châm, tổ 15, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên), nói: Ngày thường luôn bận rộn với công việc, ở nơi phố xá đông đúc, cuối tuần, tôi thích tìm những điểm du lịch có cảnh quan tự nhiên hoang sơ, có thêm dịch vụ trải nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp. Đến Khe Lim, điểm du lịch gần, dễ đi trong ngày, tôi được hòa mình với đời sống, hoạt động thường nhật của người dân địa phương, tìm hiểu về văn hóa, đời sống của bà con.

 

Cũng như chị Châm, đến với Khe Lim, nhiều bạn trẻ được thỏa mãn mong muốn về một chuyến đi vừa lý thú, vừa bổ ích, được thả hồn vào "bức tranh" thiên nhiên lãng mạn, ngắm trời cao, nước xanh... Anh Đào Văn Hưng, quận Cầu Giấy (Hà Nội), hào hứng chia sẻ: Đến với vùng chè Khe Lim, tôi bị cảnh đẹp bình yên, trong lành nơi này “mê hoặc”. Chắc chắn, tôi sẽ còn trở lại nơi này cùng bạn bè để ngắm cảnh, trải nghiệm hái, sao, uống chè.

 

Nhằm xây dựng điểm đến hấp dẫn, thu hút ngày càng đông khách du lịch đến với vùng chè Khe Lim, các thành viên HTX trà Cao Sơn ngoài việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, còn tích cực chỉnh trang cảnh quan, tạo hình để các nương chè ngày càng đẹp mắt, trồng thêm nhiều loài hoa đẹp.

Cùng với đó, HTX cũng xây dựng khu sản xuất vừa phục vụ chế biến, vừa làm nơi để trải nghiệm cho du khách và có thêm những hoạt động trải nghiệm thú vị. Từ đó, mỗi du khách có thể tự mình tham gia vào quá trình sản xuất chè, rồi thưởng thức chén trà thơm lừng, đậm vị, kết tinh từ núi rừng, nhâm nhi cùng thanh kẹo lạc matcha do chính tay mình làm ra.

 

Chia tay chúng tôi, anh Phạm Văn Tiến bảo: Tôi hạnh phúc vì sự lựa chọn của mình, dù kết quả của HTX còn khiêm tốn so với nhiều đơn vị khác và cần cố gắng thêm nhiều nữa.

 

Song chúng tôi hiểu, những nỗ lực nhiều năm qua của anh và các thành viên HTX để xây dựng và phát triển thương hiệu trà hữu cơ Cao Sơn mới là điều đáng quý nhất. Chúc cho khát khao lan tỏa những sản phẩm hữu cơ của anh Tiến và HTX trà Cao Sơn thành công hơn nữa, nhân rộng ra nhiều địa phương để người nông dân được nâng cao thu nhập, với xuất nông nghiệp xanh, an toàn...

 
 

Từ khóa:

thuyền trưởng

chè Khe Lim

HTX trà Cao Sơn

Sông Công

Phạm Văn Tiến


Xem thêm bình luận