80 năm sắt son với Đảng
.

80 năm sắt son với Đảng

TNĐT 12:19, 08/02/2024
 

Đầu tháng 2-2024, chúng tôi tìm về ngôi nhà nhỏ của bà Nông Thị Cầm, ở tổ dân phố 7, phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên). Sinh năm 1930, năm nay bà Cầm bước sang tuổi 94, cột sống yếu, phải ngồi xe lăn. Tai bà cũng đã kém đi nhiều, nhưng khi nghe chúng tôi hỏi về thời kỳ hoạt động cách mạng, đôi mắt bà ánh lên niềm vui, những ký ức lại ùa về.

 

Bà Nông Thị Cầm có tên khai sinh là Nông Thị Vèn, sinh tại Làng Phật, xã Phú Thượng (Võ Nhai). Ngay từ khi Đội Thiếu niên nhi đồng cứu quốc Vong Hội được thành lập ở xã Phú Thượng (Võ Nhai) vào cuối năm 1941, cô bé Nông Thị Vèn đã cùng hai người khác tham gia Đội. Năm 1941, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ cùng một số cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ ở nhà ông Nông Văn Kính, bà Lý Thị Péo (chú ruột của Vèn). Được giới thiệu, lại thấy cô bé Vèn nhanh nhẹn, thông minh, các đồng chí đã bàn bạc và thống nhất giao cô nhiệm vụ tiếp tế lương thực cho cán bộ hoạt động bí mật, chuyển thư từ Làng Phật xuống Đình Cả, lên địa phận Ngả Hai, thuộc huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn).

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng tặng đảng viên Nông Thị Cầm.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng tặng đảng viên Nông Thị Cầm.

Từ năm 1942 đến tháng 9-1944, cô bé Nông Thị Vèn tham gia hoạt động cách mạng, là Tổ trưởng Nhi đồng cứu quốc Vong Hội, cán bộ bí mật và Cứu quốc quân, tuyên truyền viên, liên lạc viên của cán bộ Cứu quốc quân. Bà Cầm kể lại: Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in kỷ niệm năm 1944. Thực dân Pháp khủng bố gắt gao, nhân dân ở Phú Thượng theo sự chỉ đạo của Trung ương thực hiện kế hoạch “vườn không nhà trống”, chuyển toàn bộ đồ đạc và lương thực lên hang Phượng Hoàng.

“Cuối năm 1944, thực dân Pháp đánh vào hang. Do lực lượng của ta mỏng, vũ khí thô sơ nên đành phải rút quân. Khi địch lùng sục, tôi chui xuống một miệng hố sâu khoảng 1m trong hang, ngồi nín thở. Đợi mãi đến chiều tối hôm sau, tôi mới vượt qua trạm kiểm soát của địch, băng qua cánh đồng vào rừng tìm gặp các cán bộ. Được các cán bộ cách mạng khen mưu trí, dũng cảm, tôi vui lắm.” – Bà Cầm kể.

 

Đến tháng 10 năm 1944, cấp trên quyết định kết nạp Nông Thị Vèn vào Trung đội Cứu quốc quân II với tên gọi Nông Thị Sơn. Năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, cô bé Sơn tích cực tham gia rải truyền đơn, vận động nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Sau đó, Nông Thị Sơn cùng một số hội viên Trung đội Cứu quốc quân II được phân công xuống giải phóng châu La Hiên, rồi vận động nhân dân ở các xã Minh Lập, Hóa Thượng (Đồng Hỷ)... nổi dậy, thu vũ khí quân giặc về giải phóng thị xã Thái Nguyên.

Những năm qua, đảng viên Nông Thị Cầm luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của các cấp, ngành, tập thể, cá nhân.
Những năm qua, đảng viên Nông Thị Cầm luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của các cấp, ngành, tập thể, cá nhân.

Sau Cách mạng Tháng Tám, bà được giao nhiệm vụ là thành viên của Tỉnh bộ Việt Minh. Ngày 3/1/1946, bà vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), được công nhận là đảng viên chính thức ngày 3/5/1946, từ đây bà lấy tên là Nông Thị Cầm. Bà bảo: Nhớ lại ngày ấy vinh dự lắm, mình còn trẻ mà được kết nạp Đảng, được các đồng chí cán bộ cách mạng tin tưởng giao nhiệm vụ, cảm thấy tự hào lắm. Đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi luôn nguyện một lòng trung thành, hết lòng phụng sự Đảng, cách mạng và nhân dân.

 

Một năm sau khi được kết nạp Đảng, Tỉnh hội Liên hiệp Phụ nữ Cứu quốc thành lập, bà Cầm được bầu vào Thường vụ Hội, sau đó làm Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ huyện Phú Lương, Võ Nhai. Năm 1954, bà công tác ở Ban Dân tộc Khu tự trị Việt Bắc, sau đó là Hội Nông dân Cứu quốc của tỉnh, Ủy viên Ban Công tác nông thôn tỉnh; Thường vụ Huyện ủy Võ Nhai, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai.

 

Tháng 1-1967, bà Nông Thị Cầm làm Ủy viên UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Bắc Thái cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1982. Về địa phương, từ năm 1984 đến năm 1995, bà làm Phó Bí thư Chi bộ khối 7 phường Tân Thịnh.

 

Trong ngôi nhà giản dị tại xóm Phai Đá, xã Kim Phượng (Định Hóa), chúng tôi ngồi lắng nghe bà Sằm Thị Văn đọc rành rọt từng từ trong cuốn bản tin công tác hội phụ nữ tỉnh Thái Nguyên. Bà Văn sinh năm 1926. Năm nay bước sang tuổi 98 nhưng vẫn khỏe khoắn, đi lại được. Bà có thói quen đọc sách, báo hàng ngày.

 

Từ trước năm 1945, phong trào cách mạng lên cao trên địa bàn huyện Định Hóa. Cô gái Sằm Thị Văn thời đó đã tích cực tham gia cách mạng và đến tháng 2-1945 được bầu làm Bí thư Hội Phụ nữ cứu quốc xã Kim Sơn. Cùng với các hội phụ nữ trên địa bàn, cô gái Sằm Thị Văn đã lãnh đạo Hội Phụ nữ cứu quốc xã Kim Sơn phối hợp với các tổ chức, hội khác đứng ra vận động nhân dân ủng hộ gạo, thóc, trâu, bò, lợn, gà và đảm nhiệm hậu cần cho Quân giải phóng. Trong lửa đạn ác liệt, các cán bộ, chiến sĩ Quân giải phóng và tự vệ được nhận những nắm cơm nóng chứa chan tình nghĩa đồng bào, đồng chí và tinh thần dũng cảm của các mẹ, các chị.

Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đến nhà riêng trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng tặng đồng chí Sằm Thị Văn.
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đến nhà riêng trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng tặng đồng chí Sằm Thị Văn.

Ngày 2/1/1946, Bí thư Hội Phụ nữ Cứu quốc xã Kim Sơn Sằm Thị Văn được kết nạp Đảng (chính thức ngày 5/4/1946). Đứng trong hàng ngũ của Đảng, ngọn lửa cách mạng càng sục sôi trong lòng đảng viên Sằm Thị Văn. Bà tiếp tục lãnh đạo Hội Phụ nữ thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân đi theo cách mạng; bí mật nuôi giấu cán bộ để chiến đấu giành lại độc lập cho Tổ quốc. Cá nhân đảng viên Văn và các cán bộ, phụ nữ trên địa bàn huyện Định Hóa đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ cách mạng.

Bà bảo: Ngày đó vất vả lắm, cơm còn thiếu, phải độn ngô, độn sắn, đào củ mài ăn. Nhưng hội phụ nữ chúng tôi xác định, mình đã khởi nghĩa giành chính quyền thành công, độc lập tự do đã về tay mình thì phải giữ cho chắc. Chúng tôi vận động nhân dân tăng gia sản xuất, bí mật cung cấp lương thực cho bộ đội, quyết tâm đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi đất nước.

 

Trong suốt quá trình công tác, bà Sằm Thị Văn đã tham gia, giữ nhiều trọng trách ở hội phụ nữ các cấp. Bà đã giữ các chức vụ: Phó Bí thư Hội Phụ nữ huyện Định Hóa; Ủy viên Ban Chấp hành Chi bộ cơ quan dân vận tỉnh, Đại biểu HĐND Khu tự trị Việt Bắc khóa I; Phó Bí thư Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên, Bắc Thái. Năm 1975, bà giữ chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành Phụ nữ tỉnh Bắc Thái, nhưng do sức khỏe yếu nên về nghỉ hưu tại xóm Kim Tiến, xã Kim Sơn (Định Hóa). Về địa phương, bà tiếp tục làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kim Sơn. Đến tháng 10-1980, bà về nghỉ hưu tại xóm Kim Tiến, xã Kim Sơn (nay là xã Kim Phượng).

 

Gần cả cuộc đời, bà Sằm Thị Văn gắn bó với công tác phụ nữ. Chặng đường 21 năm (1954-1975), phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên, Bắc Thái đã hoàn thành hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Xuyên suốt thời gian đó, Hội Phụ nữ tỉnh không ngừng lớn mạnh. Các phong trào do Hội phát động đã khơi dậy tinh thần thi đua học tập, lao động sáng tạo, đoàn kết, nhân ái của phụ nữ trên địa bàn tỉnh.

 

Trong suốt những năm tháng tham gia công tác hội, chính quyền, 2 đảng viên Nông Thị Cầm và Sằm Thị Văn luôn tâm huyết với công việc, hoàn thành tốt, xuất sắc các nhiệm vụ. Với 80 năm tuổi Đảng, 2 đồng chí là tấm gương sáng ngời trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Gia đình, con, cháu 2 đồng chí cũng đều thành đạt, phần lớn làm trong cơ quan nhà nước. Mỗi gia đình có từ 10-20 đảng viên.

 

Trực tiếp đến nhà riêng trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng tặng đồng chí Sằm Thị Văn, đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, trân trọng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những đóng góp của đồng chí Văn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đồng thời bày tỏ mong muốn đồng chí Sằm Thị Văn tiếp tục tích cực động viên gia đình, con cháu, các thế hệ đi sau chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bồi dưỡng, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Đối với thế hệ trẻ như chúng tôi, điều cảm phục là tinh thần nhiệt thành cách mạng, một lòng sắt son, niềm tin thủy chung với Đảng chưa từng vơi cạn của 2 đảng viên lão thành. Tinh thần ấy như ngọn đuốc soi sáng cho các thế hệ sau.

 

Từ khóa:

Huy hiệu Đảng

sắt son với Đảng

Sằm Thị Văn

Nông Thị Cầm


Xem thêm bình luận