Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Phú Lương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và thiết thực. Đáng chú ý là việc tập trung nguồn lực hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế để giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn chủ động vươn lên thoát nghèo; góp phần giảm dần khoảng cách chênh lệch giữa các khu vực, địa phương và các nhóm dân cư trên địa bàn.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thái, ở xóm Làng Muông, xã Yên Ninh, là một trong những hộ thoát nghèo trong năm 2023. Đây là cả một quá trình nỗ lực của gia đình và những chính sách hỗ trợ hiệu quả của chính quyền các cấp.
Là lao động chính trong nhà, nhưng một tai nạn cách đây gần chục năm đã khiến ông Thái bị gãy chân. Bị thương tật nên việc đi lại của ông không còn nhanh nhẹn, làm việc gì cũng khó. Kinh tế gia đình vì thế mà gặp nhiều khó khăn. Nhờ được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ giống, ông đã chủ động cải tạo vườn bãi, thâm canh tăng vụ sản xuất. Với 3 sào ruộng quanh nhà, vợ chồng ông cần mẫn trồng 3 vụ ngô lai mỗi năm, cho năng suất cao. Thân ngô để nuôi trâu, bắp thu hoạch để bán và một phần nuôi lợn, gà. “Diện tích vườn bãi không nhiều, nên tôi tận dụng tối đa để không cho đất nghỉ. Các cháu cũng học xong THPT, thông qua chương trình tư vấn giới thiệu việc làm của huyện tổ chức nên tìm được công việc ổn định. Đời sống của gia đình dần khấm khá” - ông Thái chia sẻ.
Căn nhà mới xây của gia đình ông Nguyễn Văn Thái. |
Tại xã Yên Lạc, gia đình anh Lường Văn Sáu, trú tại xóm Tân Thủy, cũng là một điển hình vươn lên thoát nghèo. Được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và vay vốn ưu đãi, gia đình anh đã đầu tư thêm máy móc chế biến chè. Ngoài chè tươi của nhà thu hái, anh Sáu còn mua thêm của các hộ trong xóm để sao sấy, bán thành phẩm. Nhờ vậy mà có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định. Gia đình đã cải tạo được căn nhà khang trang và mua sắm đầy đủ vật dụng sinh hoạt thiết yếu…
Một trong những yếu tố quan trọng trong công tác giảm nghèo chính là phải thay đổi tư duy, xóa nghèo từ tư tưởng để người dân tự lực vươn lên. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về giảm nghèo luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các hội, đoàn thể của huyện Phú Lương quan tâm triển khai. Nội dung tuyên truyền tập trung về các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, nhất là địa bàn còn nhiều khó khăn.
Xác định có việc làm chính là “chìa khóa” quan trọng để giảm nghèo hiệu quả, chính quyền các cấp và phòng chuyên môn của huyện Phú Lương đã linh hoạt thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ hộ nghèo như cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, dạy nghề…
Tết Nguyên đán này, gia đình chị Nguyễn Thị Thảo, xóm Yên Thủy 2, xã Yên Lạc, phấn khởi hơn những năm trước vì đã được ra khỏi diện hộ nghèo. Lứa chè vụ đông nhờ bón phân và tưới đủ nước nên phát triển tốt. Đặc biệt, con bò được Nhà nước hỗ trợ từ tháng 10-2023 giờ đã sắp đẻ. Chị Thảo kể: Chồng tôi đau yếu thường xuyên, 2 cháu lại đang tuổi đi học nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 2022, nhờ được vay 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi đầu tư cải tạo vườn bãi và nhận làm khoán thêm hơn 4 sào chè. Giờ mỗi lứa chúng tôi thu hái được khoảng 1 tạ chè búp khô, trừ các chi phí còn lãi khoảng 5-6 triệu đồng.
Đối với xã Yên Ninh, kết quả giảm nghèo trong năm 2023 cũng rất đáng ghi nhận với 41 hộ được ra khỏi diện nghèo và cận nghèo. Hiện, hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 3,33%. Ông Nông Văn Đoan, Phó Chủ tịch UBND xã, chia sẻ kinh nghiệm: Trên cơ sở các chương trình mục tiêu quốc gia, chúng tôi ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn trồng trọt, chăn nuôi, dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát… để tạo sinh kế cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn vươn lên. Ngoài ra, việc quan tâm đầu tư hạ tầng nông thôn, nhất là về giao thông, lưới điện và kênh mương thủy lợi cũng là tiền đề quan trọng cho người dân, trong đó có người nghèo thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập.
Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, các cấp, ngành chuyên môn của huyện Phú Lương đã quan tâm hỗ trợ, triển khai các cơ chế, chính sách với hộ nghèo và cận nghèo kịp thời, đầy đủ. Huyện tăng cường huy động nguồn lực thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Thi Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lạc, nêu quan điểm: Với các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn, chúng tôi không thực hiện một cách dàn trải mà tập trung hỗ trợ có trọng điểm. Hằng năm, xã tổ chức rà soát kỹ và xác định hoàn cảnh cụ thể từng hộ nghèo, cận nghèo để có hình thức hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh nguồn lực từ cấp trên, địa phương giao cho các tổ chức đoàn thể của xã và xóm thường xuyên động viên, giúp đỡ người nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Tính riêng trong năm 2023, huyện Phú Lương đã triển khai được 3 loại mô hình giảm nghèo, gồm: Chăn nuôi trâu tại các xã Hợp Thành, Phủ Lý, Ôn Lương, Yên Ninh; chăn nuôi bò lai sind tại Yên Trạch, Động Đạt, Yên Lạc và chăn nuôi dê tại Yên Đổ. Tổ chức hỗ trợ 123 hộ nghèo, hộ cận nghèo xây mới nhà ở (bằng 307,5% kế hoạch năm), với tổng số kinh phí gần 7,2 tỷ đồng. Tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng trăm lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
Cùng với đó, các dự án thành phần của Chương trình giảm nghèo bền vững như: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin… cũng được triển khai đầy đủ.
Nhờ đó, nhiều hộ nghèo đã cải tiến phương thức trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao; có khả năng tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần giảm nghèo bền vững.
Trên cơ sở kết quả đạt được, huyện Phú Lương xác định tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp và vận dụng nhiều nguồn lực để hỗ trợ, tạo động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo. Mục tiêu là chuyển từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng sang giảm nghèo theo chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, có chọn lọc; đổi mới công tác dạy nghề, tạo việc làm, sinh kế, giảm nghèo bền vững và khuyến khích làm giàu chính đáng.