Thiêng liêng mảnh đất anh hùng
.

Thiêng liêng mảnh đất anh hùng

TNĐT 18:50, 28/04/2024
 

Những ngày tháng 4 lịch sử, hòa vào dòng người khắp mọi miền Tổ quốc, chúng tôi cùng Đoàn cán bộ Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Nguyên có chuyến hành trình về với mảnh đất Điện Biên anh hùng. Nơi đây, tròn 70 năm trước, cuộc chiến giữa Quân đội nhân dân Việt Nam ta và quân viễn chinh Pháp diễn ra vô cùng ác liệt. Máu xương của các bác, các cô đã hòa vào lòng đất mẹ thiêng liêng, để đất nước "nở hoa" độc lập, "kết trái" tự do...

 

Điên Biên những ngày chúng tôi đến thời tiết có phần mát mẻ hơn ngày thường bởi thỉnh thoảng có mưa. Cung đường từ Sơn La lên Điện Biên dài gần 150km ngoằn nghèo, quanh co như dài lụa uốn lượn giữa núi cao, vực sâu. Cảnh sắc núi rừng Tây Bắc thơ mộng hiện ra trước mắt với núi non điệp trùng, mây mù bao phủ, rừng cây xanh thẳm, nhất là đến khu vực đèo Pha Đin. Nằm ở độ cao hơn 1.600m so với mực nước biển, dài 32km, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đây là một trong những “tọa độ” giao thông trọng yếu nhất mà không quân Pháp liên tục bắn phá, nhằm ngăn chặn nguồn tiếp viện sức người, sức của của ta cho mặt trận Điện Biên Phủ.

Ông Nguyễn Văn Thuật, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên), bồi hồi khi ngắm nhìn quanh đèo: Trên đường đèo thơ mộng, bình yên này, cách đây 70 năm đã có biết bao chàng trai, cô gái gánh trên vai, cõng trên lưng và bằng những phương tiện thô sơ để cùng nhau vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược; bao người đã ngã xuống, máu của họ đã thẫm vào từng ngọn núi, thung sâu.

 

Từ đèo Pha Đin, qua ngã ba Tuần Giáo, Đoàn chúng tôi rẽ vào Mường Phăng thăm Di tích Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ nằm giữa khu rừng xanh mát. Theo lời giới thiệu, đây là địa điểm dừng chân thứ 3 và cũng là điểm dừng chân cuối cùng của Bộ Chỉ huy Chiến dịch từ ngày 31/1/1954-15/5/1954. Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định đến thắng lợi của từng trận đánh, mà đỉnh cao là Lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận vào lúc 15 giờ ngày 7/5/1954, góp phần làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu”.

Một cảm giác bình yên khi tôi ngắm nhìn bên trên là rừng nguyên sinh xanh tốt, bên dưới là khe nước róc rách chảy. Gió trườn từ đỉnh núi, nắng chan hòa, len lỏi qua từng cành cây cổ thụ. Chim hót líu lo như miệt mài góp sức, sánh bước cùng từng dòng người khắp nơi về thăm Di tích dù đã ở thời điểm quá trưa.

Được biết, kể từ khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, từng nhành cây, ngọn cỏ trong khu vực này được giữ gìn tuyệt đối, bất khả xâm phạm. Cây nối tiếp đời cây vươn mình tỏa bóng, cành lá gãy dụng qua bao gió mưa lại trở về với đất tạo nên một không gian linh thiêng...

 
 

Trong không gian thiêng liêng ấy, trong hàng trăm đoàn, hàng nghìn người từ khắp mọi miền Tổ quốc, như có một nhân duyên đặc biệt mà Đoàn công tác của Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Nguyên được gặp các con, cháu, chắt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là TS. Võ Hạnh Phúc, người con gái thứ 3 và ông Võ Điện Biên - người con thứ 4 và là con trai trưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Đại tướng có 3 con gái và 2 con trai, trong đó người con gái cả là GS.TSKH Võ Hồng Anh đã mất năm 2009).

Cùng em trai, con gái và các cháu trong nhà lên mảnh đất Điện Biên, thăm những nơi từng ghi dấu chân của ba, bà Võ Hạnh Phúc xúc động kể cho các cháu nghe từng chi tiết về trận đánh Điện Biên Phủ mà ngày xưa bà được ba mình kể lại, cũng như qua hồi ký của ông và các sách nghiên cứu, cuốn hồi ức.

 

Bà bảo: Khi xưa, dù bận rộn nhưng ba tôi vẫn cố gắng dành thời gian cho chúng tôi, kể chuyện, trao đổi như một cách dạy con. Những câu chuyện của ông về lịch sử, đất nước, lịch sử cách mạng gắn với những chuyến công tác thực tế của ông. Mỗi lần đến chiến trường xưa, ông đều viếng các nghĩa trang liệt sĩ.

 

Lần này đến Điện Biên, chúng tôi không khỏi vui mừng khi được đặt chân tới Điểm di tích hang Huổi He ở bản Nà Tấu, xã Nà Nhạn, TP. Điện Biên (điểm di tích còn hoang sơ, chưa được xây dựng), nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp thức trắng đêm để ra một quyết định khó khăn nhưng vĩ đại nhất trong sự nghiệp cầm quân của ông, đó là: Thay đổi kế hoạch tác chiến “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang chiến thuật “Đánh chắc, tiến chắc”. Để vào được địa điểm này, cả Đoàn phải vượt cung đường khó khăn, đi bộ, xe máy mất hơn 3 tiếng đồng hồ.

Ông Võ Điện Biên bày tỏ niềm xúc động, tự hào: Tôi sinh ra ở xóm Bảo Biên (xã Định Biên, huyện Định Hóa, Thái Nguyên) vào tháng 6-1954 sau khi Chiến dịch Điên Biên phủ toàn thắng, bởi thế ba đặt tên cho tôi là Điện Biên. Tôi coi Điện Biên, Thái Nguyên là quê hương của mình.

 

Vâng! ai cũng biết, với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Việt Bắc nói chung, Thái Nguyên nói riêng có những mối lương duyên đặc biệt. Nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng đã diễn ra trên mảnh đất Thái Nguyên. Trong đó, nổi bật là sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội đồng Chính phủ tổ chức Lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tại ATK Định Hóa vào năm 1948. Thời gian trôi qua, tên tuổi và hình ảnh Đại tướng vẫn gắn liền với nhiều di tích lịch sử cách mạng và mãi lắng đọng trong tâm trí của người dân Thái Nguyên.

 

Tại TP. Điện Biên, Đoàn thành kính dâng hoa, dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1; tham quan Bảo tàng Chiến dịch Điện Biên Phủ, hầm chỉ huy của tướng Đờ-Cát, cầu Mường Thanh, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trước chuyến đi, tôi đã đọc nhiều thông tin, tài liệu và nghe nhiều cựu binh là chiến sĩ Điện Biên kể về những ngày trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhưng có đến tận nơi, tôi mới cảm nhận, thấm thía về những giá trị tinh thần, ý chí quật cường của người lính, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

 

Hôm Đoàn đến thăm Di tích đồi A1 vào giữa trưa ngày 20-4, trên đỉnh đồi, hoa phượng đỏ rực một góc trời hòa với màu đỏ của hàng chữ “A1, bùn máu và hoa”. Nữ hướng dẫn viên Ngô Thị Lai (Ban Quản lý Di tích lịch sử Điện Biên) nghẹn ngào nói: Mồ hôi, xương máu của các anh đã thấm đẫm từng tấc đất, ngọn cỏ nơi đây. Hiện nay, trên mảnh đất này vẫn còn vô vàn hài cốt liệt sĩ vẫn chưa tìm thấy để quy tập về các nghĩa trang. Vì vậy, tỉnh Điện Biên đã xây dựng Đền thờ Liệt sĩ Điện Biên Phủ nằm trên đồi F, nằm sát với đồi A1, như một mái nhà chung để các anh được trở về với đồng đội, người thân.

 
 
 

Từ đồi A1 nhìn xuống Nghĩa trang Liệt sĩ A1, những ngôi mộ trắng bật lên giữa sắc xanh cây lá, không gian tĩnh lặng đến lạ kỳ. Từng ngôi mộ được đặt ngay hàng thẳng lối như đội hình tập hợp duyệt binh mừng ngày chiến thắng. Cả Đoàn thành kính dâng hương tại khu vực hành lễ rồi chia nhau thắp hương các phần mộ. Đây, mộ Anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can và còn rất nhiều mộ chưa xác định được thông tin.

Lặng ngắm làn khói hương trắng hòa vào ánh nắng chói chang, tôi có cảm giác nao lòng khó tả. Những người trẻ như tôi nhận ra phần nào sự khốc liệt của chiến tranh, tự vấn mình phải sống sao cho xứng đáng, khi được sống trong hòa bình, độc lập.

 

Ông Phan Bội Khánh, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Nguyên, chia sẻ: Đây là một trong những chuyến hành trình về nguồn để lại nhiều kỷ niệm và sự xúc động với chúng tôi.

Còn ông Phạm Tiến Đạt (Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên) nói chắc chắn: Sau chuyến đi này, tôi nhất định về kể chuyện cho các con, cháu nghe và tổ chức một chuyến cả gia đình lên Điện Biên.

 
 
 

Từ khóa:

thiêng liêng

mảnh đất anh hùng

Chiến thắng Điện Biên Phủ

cựu chiến binh Thái Nguyên

đồi A1


Xem thêm bình luận