Thời hội nhập kinh tế thế giới, công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất coi là nhiệm vụ quan trọng để tạo dựng uy tín, thương hiệu, đồng thời giúp người lao động (NLĐ) yên tâm gắn bó với vị trí việc làm. Đây cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp tránh được phiền phức và không bị tốn kém do mất ATLĐ.
Tháng hành động ATVSLĐ năm 2024 được phát động từ ngày 1-5 đến hết ngày 31-5, với chủ đề: "Tăng cường bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng". Đây là dịp để các cấp, ngành, địa phương có thái độ tích cực hơn với công tác ATLĐ; chăm lo đến đời sống NLĐ; coi an toàn trong sản xuất, kinh doanh là hạnh phúc của mọi nhà.
Để nâng cao ý thức cho người sử dụng lao động và NLĐ, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh thường xuyên duy trì hoạt động kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về ATVSLĐ tại doanh nghiệp. Qua đó kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp chấp hành đúng; chỉ ra vi phạm, thiếu sót trong công tác ATVSLĐ. Giúp doanh nghiệp rà soát, bổ sung, hoàn thiện các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn trong sản xuất, kinh doanh.
Nếu như trước đây, nhiều doanh nghiệp tiết kiệm kinh phí, hạn chế đầu tư cho ATVSLĐ, thì những năm gần đây các doanh nghiệp đã có sự đổi mới tư duy, đặt ATVSLĐ lên hàng đầu. Bởi nếu TNLĐ xảy ra, doanh nghiệp phải gánh chịu hậu quả khôn lường. Không chỉ thiệt hại về người, tài sản, mà còn mất uy tín thương hiệu của doanh nghiệp. Đặc biệt là các đối tác có thể quay lưng, không hợp tác lâu dài vì những sản phẩm có liên quan đến nguy cơ mất ATLĐ.
Trong 3 năm trở lại đây, cả khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 409 vụ TNLĐ, làm 316 người bị thương, 58 người chết. Hơn 7.300 ngày nghỉ liên quan đến mất ATLĐ; gần 752 tỷ đồng cho khắc phục hậu quả, chi phí y tế; chi trả lương cho NLĐ trong thời gian điều trị và bồi thường, trợ cấp cho nạn nhân.
Riêng năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 152 vụ TNLĐ, làm gần 100 người bị thương, 10 người chết. TNLĐ gây thiệt hại cho doanh nghiệp 747 tỷ đồng với các khoản chi về y tế, bồi thường cho nạn nhân và mất 2.756 ngày nghỉ liên quan đến các vụ việc TNLĐ.
Từ nhận thức rõ hậu quả khó lường do mất ATLĐ, nên đại đa số doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức cho NLĐ tham gia các lớp huấn luyện về ATLĐ.
Theo báo cáo của 114 đơn vị với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan thường trực Hội đồng ATVSLĐ tỉnh): 4 doanh nghiệp Nhà nước, 27 công ty TNHH, 39 công ty cổ phần, 6 doanh nghiệp tư nhân, 38 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng số hơn 112.500 NLĐ, trong đó có hơn 10.000 NLĐ làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Hiện trong các doanh nghiệp có 1.044 người làm công tác ATLĐ và 345 người làm công tác y tế. Tại các đơn vị báo cáo, đã có hơn 108.000 NLĐ được huấn luyện về công tác ATLĐ, trong đó hơn 107.500 NLĐ do doanh nghiệp phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức huấn luyện, còn lại do doanh nghiệp tự tổ chức huấn luyện.
Trong năm 2023 vừa qua, các cơ quan chức năng được Nhà nước cho phép đã thực hiện kiểm định 7.690/7.819 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ; 7.288 máy, thiết bị đã được khai báo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định. Các doanh nghiệp cũng đã chủ động hơn trong việc quản lý môi trường lao động; kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc.
ATLĐ là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà và cả xã hội. NLĐ luôn mong muốn được làm việc trong môi trường an toàn, cũng như được doanh nghiệp quan tâm chăm sóc sức khỏe, tinh thần theo quy định của pháp luật… Trên hết là tính mạng NLĐ, các địa phương, doanh nghiệp cần quan tâm thật sự đến công tác ATLĐ.
Ngoài trang bị đầy đủ bảo hộ, trang thiết bị ATLĐ, NLĐ cần thường xuyên được tập huấn nâng cao kỹ năng sử dụng các thiết bị ATLĐ. Nhất là thời 4.0, công nghệ sản xuất liên tục được nâng cấp, NLĐ càng cần được huấn luyện về kỹ năng nhận biết các nguy cơ mất ATLĐ để chủ động phòng tránh. Người sử dụng lao động cần có thái độ cương quyết hơn đối với các trường hợp không chấp hành nội quy, quy định về ATLĐ tại nơi làm việc. Cùng với đó, Nhà nước cũng cần có chế tài đủ mạnh để dăn đe đối với doanh nghiệp chỉ xem trọng lợi ích mà không quan tâm đầu tư cho công tác ATLĐ.