Đêm 26-11, các cuộc gọi liên tiếp đổ dồn vào điện thoại của bác sĩ Hoàng Thị Thủy Thảo. Vừa rảo bước nhanh đến các khu điều trị, chị vừa trả lời điện thoại, tiếng vang cả một khu trong đêm Đông lạnh giá.
Sau cuộc điện thoại, các chuyến xe cứu thương liên tục đưa bệnh nhân đến. 21h30: 1 bệnh nhân; 22h50: 5 bệnh nhân; 23h03: 6 bệnh nhân; 00h44 27-11: 6 bệnh nhân. Những ngày sau, bệnh nhân liên tiếp được chuyển đến. Các y, bác sĩ Bệnh viện Điều trị COVID-19 nhiều đêm thức trắng tiếp đón người bệnh.
Mỗi đợt bệnh nhân đến, bác sĩ Thảo cùng bác sĩ Nguyễn Mỹ Linh và các điều dưỡng lập tức khai thác tiền sử dịch tễ, đo nồng độ oxy máu SpO2, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, nghe tim phổi... Đây là những chỉ số ban đầu tối quan trọng để quyết định phác đồ điều trị, hướng xử trí. Sau đó, các bệnh nhân được bố trí giường, phòng bệnh theo ngày nhập viện, độ tuổi, giới tính và mức độ triệu chứng.
Các bệnh nhân được theo dõi sức khỏe ít nhất 2 lần/ngày, chăm lo ăn đủ chất, uống nhiều nước và các thuốc bổ, thuốc kháng vi rút. Bệnh nhân đặc biệt như mang bầu, có bệnh nền và triệu chứng nặng được đặc biệt quan tâm, theo dõi sức khỏe hàng giờ.
Riêng đêm 26 và rạng sáng 27-11, khi chúng tôi tác nghiệp tại đây, Bệnh viện tiếp nhận 3 ca bệnh đặc biệt là phụ nữ mang thai, trong đó có 1 trường hợp bị sốt. Với kinh nghiệm làm việc tại một bệnh viện điều trị COVID-19 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bác sĩ Thảo tiên lượng bệnh nhân sẽ có những chuyển biến khó lường.
Không khí làm việc trong đêm hối hả là vậy nhưng trong thoáng chút tĩnh lặng của thời gian chờ đợt loạt bệnh nhân mới, một câu hát nhẹ nhàng vang lên. Tiếng hát nhỏ đủ để không ảnh hưởng giấc ngủ của bệnh nhân, nhưng lại đủ lớn để những người đang thức xốn xang. Cứ thế, tiếng cười nói ríu rít như những chú chim ri động viên nhau sau cả ngày miệt mài sải cánh.
Có mặt tại nơi ấy, bác sĩ Nguyễn Việt Hà, Trưởng một kíp điều trị tại Bệnh viện cũng góp cho câu chuyện thêm rôm rả. Bác sĩ Hà đã trải qua nhiều tháng chữa trị cho các F0 tại T.P Hồ Chí Minh, khi trở về, anh là một trong những “nòng cốt” đầu tiên của Bệnh viện Điều trị COVID-19 số 1.
Những lời động viên của các y, bác sĩ đã truyền động lực đến bệnh nhân, giúp họ thêm vững tin. “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Nhiều khi liệu pháp tinh thần lại là “liều thuốc" quyết định giúp bệnh nhân khỏi bệnh.
Trời tối, dưới ánh đèn cao áp, dù ở khoảng cách khá xa nhưng chúng tôi vẫn thấy nụ cười của các bệnh nhân đang được điều trị tại đây, trong đó có chị Đ.T.Q. Chị Q. công tác tại Trạm Y tế xã Thuận Thành (T.X Phổ Yên), từng chống dịch tại nhiều điểm nóng tại địa phương. Trong một lần trực trạm, chị bị lây bệnh. Chị Q. bảo: Tôi thấu hiểu nỗi vất vả và cảm phục tinh thần, sự lạc quan của các y, bác sĩ trong Bệnh viện. Nhiều khi gặp các anh, các chị là mình thấy vui, thấy khỏe rồi.
Với biết bao nỗ lực, các “chiến sĩ áo trắng” của Bệnh viện Điều trị COVID-19 số 1 đã không chỉ ngăn F0 trở nặng, mà còn giúp F0 thành “0 F”, âm tính với vi rút SARS-CoV-2. Ngày 20-11, 7 bệnh nhân đầu tiên của Bệnh viện được xuất viện, đến 10h ngày 30-11 có tổng số 26 bệnh nhân được xuất viện. Đây đều là những bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, đã qua 9 ngày theo dõi, điều trị, nhận kết quả âm tính bằng phương pháp PCR. Chị Nguyễn Vân Anh, điều dưỡng tại Bệnh viện bảo: Khó tả hết niềm vui của bệnh nhân ngày xuất viện. Ai nằm viện cũng mong ngày về với gia đình và chắc chắn niềm mong mỏi ấy rất lớn ở tất cả bệnh nhân và chúng tôi.
Nhiều ngày tác nghiệp tại Bệnh viện, chúng tôi được chứng kiến và biết thêm không ít khó khăn của cơ sở y tế thu dung, điều trị F0 đầu tiên của tỉnh. Trong những ngày bệnh nhân vào nhiều, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên đã chuyển bớt các bệnh nhân lao sang viện khác, thay đổi công năng điều trị của phòng bệnh, kịp thời tiếp nhận bệnh nhân COVID-19.
Tuy nhiên, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên vẫn thiếu nơi ở cho các y, bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Trước thực tế này, Bệnh viện đã kịp thời chuyển các y, bác sĩ chưa tham gia điều trị COVID-19 tới làm việc tạm thời tại hội trường lớn, nhường khoa, phòng làm nơi ở tạm thời cho đồng nghiệp đang điều trị F0. Nhưng đây chưa thể là cách giải quyết lâu dài, bởi hoạt động khám, điều trị cho bệnh nhân lao phổi nặng và các nhiệm vụ khác vẫn phải được Bệnh viện duy trì. Kinh nghiệm tại các tỉnh phía Nam, khi phát sinh dịch, một số khách sạn, nhà nghỉ đã được trưng dụng làm nơi ở của các y, bác sĩ tuyến đầu, vừa giúp họ tái tạo sức lao động, vừa tăng hiệu quả cách ly, phòng, chống dịch.
Không chỉ có vậy, lượng bệnh nhân COVID-19 tăng đòi hỏi số lượng lớn thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị phòng hộ đi kèm (Bệnh viện đều đang thiếu). Thậm chí, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi còn thiếu cả máy giặt công nghiệp riêng nên phải giặt quần áo cho bệnh nhân COVID-19 bằng tay. Việc xử lý rác thải của bệnh nhân COVID-19 cũng đặt ra vấn đề lớn với Bệnh viện, khi chi phí đã ở mức 1,5 triệu đồng/ngày/hơn 20 bệnh nhân.
Trước đây, khi tỉnh xuất hiện các ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên, cả cộng đồng đã chung tay ủng hộ các địa phương, nhất là huyện Phú Bình, T.X Phổ Yên chống dịch. Thời điểm này, với những yêu cầu bức thiết đòi hỏi, chắc chắn Bệnh viện Điều trị COVID-19 số 1 và các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 khác sẽ rất cần sự quan tâm của cả cộng đồng.
Nơi tuyến đầu chống dịch, các y, bác sĩ Bệnh viện Điều trị COVID-19 số 1 đã nhiều đêm không ngủ, nhiều tuần chưa được về nhà, chưa được trực tiếp gặp gỡ những người thân yêu nhất, nhưng những “chiến sĩ áo trắng” ấy lúc nào cũng lạc quan, kiên cường. Những khó khăn, vất vả, áp lực không làm họ sờn lòng. Các anh, các chị đang là những “người hùng” tạo nên một phòng tuyến vững chắc, giúp cộng đồng vững tin hơn để cùng đẩy lùi đại dịch.