Thời điểm này, các thành viên Tổ hợp tác nuôi ong mật xã Tân Linh (Đại Từ) đang hối hả thu hoạch, quay mật ong. Mùa thu mật là những ngày vui nhất của người nuôi ong dưới chân núi Chúa. Đây cũng là dịp để các thành viên gặp gỡ, sẻ chia kinh nghiệm nuôi ong, cùng hạnh phúc ngắm nhìn dòng mật ngọt, sánh vàng, thơm phức - thành quả lao động sau những tháng ngày vất vả chăm bẵm bầy ong.
Những ngày đầu tháng 6, các thành viên Tổ hợp tác nuôi ong mật xã Tân Linh hối hả với việc quay mật. Năm nay mưa thuận, gió hòa, các loại cây cối đều sai hoa, ong tha hồ hút mật, người nuôi ong cũng vừa ý với vụ thu mật đầu năm.
Vào vụ thu hoạch, luân phiên các ngày, thành viên Tổ hợp tác nuôi ong mật xã Tân Linh tập trung đến từng nhà quay mật. Từ sáng sớm, gia đình ông Nguyễn Văn Thường, xóm 6, Tổ trưởng Tổ hợp tác, đã rộn tiếng nói cười. Sau khi trải tấm bạt rộng ra sân, đặt dụng cụ quay mật lên, các thành viên của Tổ nhanh chóng ai vào việc nấy. Người ra vườn mở tổ ong, rút cầu mật, cho vào khay chuyên dụng, người khênh về đặt lên tấm bạt trải sẵn, người cắt nắp ống mật, người quay mật. Tất cả tạo nên một quy trình thu hoạch khép kín.
Anh Phạm Văn Dương và chị Vũ Thị Sinh là hai thành viên trong Tổ hợp tác được chọn lựa để thực hiện khâu quay mật. Vừa tất bật với công việc, anh Dương vừa chia sẻ với chúng tôi: Cắt mật cần sự chính xác cao độ để gạt lớp sáp mỏng ra khỏi cầu ong. Còn lúc quay cần dùng lực vừa đủ cho mật văng ra, nhưng không làm ấu trùng ong rơi lẫn vào. Sau khi cắt, các cầu mật được xếp vào thùng quay li tâm cho mật ra hết, rồi lại đưa cầu ong về vị trí cũ, để ong tiếp tục nhả mật.
Nhìn bàn tay thoăn thoắt của anh Dương và chị Sinh cắt mật, xếp từng cầu ong vào “cỗ máy” quay mật, đến khi những dòng mật ngọt thơm hương tuôn ra sóng sánh, chúng tôi như vui lây với người nuôi ong. Lần đầu tiên chứng kiến công đoạn quay mật, chúng tôi vô cùng thích thú và cảm nhận từng quy trình đều được các thành viên của Tổ hợp tác tiến hành cẩn thận, tỉ mỉ. Dường như họ đang nâng niu “giọt vàng” tinh hoa đất trời, trân trọng sự cần mẫn, chắt chiu của từng đàn ong. Tôi đọc được trong ánh mắt lấp lánh của những người nuôi ong niềm hạnh phúc và khát khao về một mùa mật lên hương.
Tận dụng lợi thế của địa phương, những năm qua, người dân dưới chân núi Chúa, xã Tân Linh, đã phát triển nghề nuôi ong mật, cho nguồn thu khá. Mỗi năm, thợ nuôi ong ở xã Tân Linh vui với 2 mùa thu hoạch mật chính. Mùa thu mật đầu tiên trong năm được bắt đầu từ tháng 3. Đó là thời điểm những cây nhãn, bưởi bung hoa trắng xóa trên từng vạt đồi thuôn thuôn hình rẻ quạt, cùng với nhiều loài hoa khác đua nhau nở rộ. Lúc đó, những chú ong thợ sải cánh đi tìm các vựa hoa để hút mật ngọt, rồi cần mẫn mang về tổ. Đây là mùa có nguồn hoa dồi dào nhất, nên cho lượng mật nhiều và chất lượng nhất. Trung bình, khoảng 7-10 ngày, ong cho quay mật một lần và kéo dài đến hết tháng 6. Mùa thứ hai bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc ở tháng 12.
Ở vùng đất này, ông Thường là một người có tiếng trong nghề nuôi ong. "Bén duyên" với đàn ong từ hơn 10 năm trước, ban đầu ông chỉ nuôi thử vài thùng, sau đó nhân đàn dần theo từng mùa hoa nhãn trong vườn. Đến nay, gia đình ông đã có gần 100 thùng, mỗi năm thu hơn một tấn mật.
Mùa quay mật cũng là mùa ong chia đàn, vì thế, cùng với quay mật, ông Thường còn chăm chút ong chúa để tách đàn, bán giống và tăng quy mô nuôi của gia đình. Hơn 10 năm trong nghề, ông Thường cười hài hước nói mình hiểu đàn ong còn hơn cả bà xã. Tường tận đường đi lối về của đám ong, mỗi năm ông tách được khoảng 50 đàn giống. Bán mật và ong giống, ông Thường có nguồn thu mỗi năm khoảng 200 triệu đồng.
Những thợ nuôi ong như ông Thường đều hiểu, nghề này không quá vất vả, nếu hiểu và say mê sẽ tìm được nhiều điều thú vị. Song nghề nuôi ong mật cũng lắm công phu và còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Thường các gia đình phải tìm được vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho ra nhiều hoa là nguồn lấy phấn, làm mật cho ong. Đặc biệt, hoa trên cây cũng phải sạch, không có thuốc trừ sâu để đảm bảo chất lượng đàn ong và mật.
Ông Trần Văn Doan, thành viên Tổ hợp tác, chia sẻ: Tuy nuôi ong tốn ít thời gian và công chăm sóc, song đòi hỏi người nuôi phải khéo léo, tỉ mỉ và cần mẫn, nắm chắc kỹ thuật. Con ong thường mắc bệnh như thối ấu trùng, bại liệt và tiêu chảy, nếu không phát hiện kịp thời để điều trị sẽ dẫn đến lây lan, mất cả đàn ong. Đối với những người chưa nắm được kỹ thuật quản lý và chăm sóc đàn ong theo từng mùa, ong rất dễ bị bệnh, chết đói, chết rét, bỏ đàn làm người nuôi mất vốn ong giống, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mật.
Nghề nuôi ong dưới chân núi Chúa, xã Tân Linh tuy có từ rất lâu, nhưng chủ yếu là tự phát, nuôi theo kiểu truyền thống bởi người dân chưa được trang bị kỹ thuật bài bản nên năng suất, chất lượng chưa cao.
Hơn 3 năm trước, từ khi Tổ hợp tác nuôi ong mật xã Tân Linh được thành lập, nuôi ong mới thực sự được nhiều người ở địa phương quan tâm, đầu tư, coi đây là nghề chính. Là người khởi xướng thành lập Tổ hợp tác, ông Nguyễn Văn Thường luôn trăn trở làm sao để người dân có thể sống “khoẻ” với nghề. Vậy là sau khi Tổ hợp tác được thành lập, ông đã phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn của địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn khoa học kỹ thuật. Từ khâu lựa chọn địa điểm đặt ong, lựa chọn thùng nuôi, kỹ thuật chăm sóc đến cách thu hoạch mật bằng máy quay ly tâm, sơ chế và bảo quản sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm đều được chia sẻ với thành viên Tổ hợp tác.
Người nuôi ong cũng sẽ được hướng dẫn bài bản các quy trình, phương pháp tạo chúa, chia đàn, hỗ trợ về giống, vốn để phát triển đàn. Đồng thời được phổ biến cách lựa chọn, làm thùng ong, cầu ong để nâng cao năng suất và chất lượng mật phù hợp với điều kiện thời tiết của từng mùa.
Nhờ sự liên kết các khâu, các thành viên trong Tổ hợp tác đã có thể nhân đàn, cung cấp giống ong cho nhiều hộ dân khác trong xã. Trong đó, các thành viên trong Tổ đều được mua cầu ong giống với giá ưu đãi so với thị trường. Có kỹ thuật, việc nuôi ong nhàn hơn, chất lượng mật của người nuôi ong địa phương cũng từng bước được nâng lên, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Từ vài thành viên ngày đầu thành lập, đến nay, Tổ hợp tác nuôi ong mật xã Tân Linh đã thu hút 22 hộ ở 9 xóm trong xã tham gia. Nhờ áp dụng chặt chẽ quy trình kỹ thuật, nên đàn ong của Tổ hợp tác phát triển ổn định, ít bị bệnh, số lượng đàn không ngừng tăng lên.
Hiện Tổ hợp tác có gần 600 đàn ong đang cho khai thác mật (tăng 430 đàn so với khi mới thành lập), sản lượng mật thu được trên 13 tấn/năm. Cùng với sự chỉ đạo và hỗ trợ từ chính quyền địa phương và Công ty Núi Pháo, Tổ hợp tác từng bước xây dựng thương hiệu “Mật ong hoa rừng núi Chúa”, đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Thu phục khách hàng từ chất lượng, mật ong của Tổ hợp tác được tiêu thụ rộng rãi với giá bán dao động từ 140-200 nghìn đồng/lít (tuỳ từng mật loại hoa). Những năm gần đây, mật ong Tân Linh không chỉ được khách hàng ở Thái Nguyên lựa chọn mà còn xuất bán ra các tỉnh, thành như: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc... Sản phẩm cũng được lựa chọn để tham gia các hội chợ thương mại do Sở Công Thương tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Ông Triệu Hồ Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ, đánh giá: Nuôi ong lấy mật kết hợp với trồng các loại cây ăn quả, hoa màu đang là hướng hiệu quả, nhằm đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở Tân Linh.
Tuy nhiên, hiện nay người nuôi ong nói chung và các thành viên trong Tổ hợp tác nuôi ong mật xã Tân Linh vẫn còn những băn khoăn, trăn trở. Đó là đầu ra cho sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Với sản lượng mật ong hàng chục tấn/năm như hiện nay, người dân ở địa phương nói chung và Tổ hợp tác nói riêng chưa liên kết được nhiều điểm bán như siêu thị, đại lý mà chủ yếu qua mạng xã hội, kênh thương lái nhỏ lẻ và những hộ dân có nhu cầu sử dụng trong và ngoài xã.
Hơn nữa, sản phẩm mật chưa được phân khúc rõ nét, vẫn lấy tên chung là mật ong rừng. Đã có nhưng rất ít số hộ bóc tách mật hoa nhãn, mật hoa vải, mật hoa keo, hoa chè riêng, nên giá bán chưa được cao. Bởi vậy, cùng với nỗ lực tự thân, người nuôi ong ở xã Tân Linh rất mong các cấp chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ, đưa thương hiệu Mật ong hoa rừng núi Chúa ngày càng “bay xa”...