Tại Hội nghị đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); công bố kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Thái Nguyên năm 2022, tổ chức chiều nay (12-6), đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, có bài phát biểu khai mạc trong đó nhấn mạnh “Người lãnh đạo phải là tấm gương về giải quyết công vụ cho cấp dưới noi theo”. Đồng chí chỉ đạo các cấp, ngành liên quan cần có những giải pháp cụ thể để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ 2 chỉ số quan trọng này, trong đó vai trò của người đứng đầu phải được đề cao.
Theo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2022 vừa qua, cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, người dân và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh đã chung sức, đồng lòng thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Những kết quả ấn tượng trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm qua của tỉnh đã minh chứng cho những nỗ lực, quyết tâm đó.
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,59%, cao hơn mức bình quân chung cả nước là 8,02%, thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao trong điều kiện còn nhiều khó khăn; GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 107 triệu đồng/người/năm, tăng 12,5% so với năm 2021; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10,83% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu đạt 31 tỷ USD, duy trì trong tốp 4 địa phương có giá trị xuất khẩu cao nhất cả nước; thu ngân sách đạt 19.116 tỷ đồng, vượt 31% dự toán Bộ Tài chính giao.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế được quan tâm chỉ đạo, công tác quốc phòng, quân sự địa phương được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân tiếp tục được nâng cao.
Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS) của tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 (PAR INDEX) xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố.
Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của VCCI và các bộ, ngành Trung ương, sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp, doanh nhân, Chỉ số PCI của tỉnh Thái Nguyên năm 2022 đạt thứ hạng 25/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 3 bậc so với năm 2021.
Kết quả khảo sát PCI năm 2022 đã ghi nhận những cải thiện tích cực của một số chỉ số thành phần như: Gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; Tính minh bạch; Chi phí không chính thức; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; thể hiện sự quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hiệu quả của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ số thành phần có kết quả đạt thấp như: Chi phí thời gian; đào tạo lao động... Vì vậy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành liên quan cần có những giải pháp cụ thể để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Đối với kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Thái Nguyên năm 2022 được công bố ngày hôm nay: Đây là năm thứ hai tỉnh triển khai khảo sát, đánh giá sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp đối với 32 đơn vị (gồm 9 huyện, thành phố và 23 sở, ban, ngành); được coi là một trong những giải pháp có tác động mạnh mẽ để các sở, ngành, địa phương nâng cao chất lượng quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và biểu dương các đơn vị đạt kết quả cao trong Bảng xếp hạng DDCI tỉnh Thái Nguyên năm 2022. Đồng thời đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính để đạt được kết quả tích cực hơn nữa trong thời gian tới.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, muốn PCI và DDCI của Thái Nguyên ngày càng được cải thiện, nâng cao thì không thể “nỗ lực suông”, hội nghị hình thức mà phải sớm thay đổi tư duy, hành động cụ thể, thiết thực để góp phần nâng cao hai chỉ số quan trọng này.
Đồng chí nhấn mạnh, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải có tinh thần quyết liệt, sáng suốt, nắm chắc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị mình để lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt từ trên xuống dưới (như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “…trên dưới một lòng, dọc ngang thông suốt”), có như thế thì công việc mới không bị ách tắc, cản trở.
Người lãnh đạo phải là tấm gương về giải quyết công vụ cho cấp dưới noi theo; các đồng chí là trưởng, phó phòng chuyên môn tại các sở, ngành, địa phương phải là những người có chuyên môn sâu nhất ở các đơn vị, để từ đó tham mưu cho cấp trên, triển khai công việc cho cấp dưới, giải quyết công việc được nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định của pháp luật.
Cán bộ chuyên môn ở các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở phải luôn luôn học hỏi, nghiên cứu sâu những vấn đề mới, khó để tham mưu, đề xuất những giải pháp hay, phù hợp, kịp thời, việc gì chưa biết, chưa hiểu rõ thì phải tham khảo, phối hợp thảo luận nhóm với các ngành liên quan để tìm ra căn cứ đúng mà tham mưu thực hiện.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cán bộ một cửa ở các cấp, ngành là những người thường xuyên tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp cần phải rèn luyện tác phong, lề lối làm việc nghiêm túc, khoa học, có kỹ năng giao tiếp tốt, thái độ hòa nhã, tận tình, biết tôn trọng để người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch có ấn tượng tốt nhất về các cơ quan hành chính nhà nước.
Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, người dân, doanh nghiệp, doanh nhân cũng cần phải tự nâng cao hiểu biết pháp luật để việc phối hợp trong thực thi công vụ được thống nhất cách hiểu, thống nhất thực hiện một cách nhanh chóng, thuận lợi hơn; các cơ quan truyền thông cần có kỹ năng tuyên truyền phong phú, phù hợp, dễ hiểu để người đọc tiếp nhận được một cách tinh tế, sâu sắc nhất…
Nhằm cải thiện Chỉ số PCI và DDCI của Thái Nguyên, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, các địa phương tiếp tục làm tốt hơn nữa một số nhiệm vụ sau:
- Chủ động trong triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức đối thoại, gặp mặt nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
- Thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ kết quả đánh giá Chỉ số PCI năm 2022, đặc biệt là các chỉ số thành phần có điểm số thấp, giảm điểm so với các năm trước để nghiêm túc đánh giá, chỉ ra những hạn chế, từ đó xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; đồng thời chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo PCI của tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2023 và những năm tiếp theo.
- Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải quán triệt, triển khai ngay tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh về trách nhiệm công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm túc việc điều động, luân chuyển, thay đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức trong lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
- Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp của các cấp chính quyền.
- Các hiệp hội, hội doanh nghiệp tỉnh và hội doanh nghiệp các huyện, thành phố tiếp tục tuyên truyền, lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp về việc đánh giá Chỉ số PCI, DDCI một cách khách quan, trung thực, chính xác; đồng thời tiếp tục tăng cường kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền các cấp để tỉnh Thái Nguyên tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, tin tưởng và đóng góp nhiều hơn nữa của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.