Khơi dậy những mạch nguồn trong trẻo
.

Khơi dậy những mạch nguồn trong trẻo

TNĐT 08:39, 24/07/2023
 

Màn đêm buông xuống. Giữa không gian thanh tịnh, chúng tôi đứng ngoài chánh điện của nhà chùa, nhìn thấy các con chăm chú nghe, rồi khóc rất nhiều. Tôi nhận ra, chúng khóc không phải vì nhớ bố mẹ mà vì đã cảm nhận được điều gì đó thẳm sâu từ lời thầy giảng! Một thứ cảm xúc yêu thương, thuần khiết từ các con khiến tôi vỡ oà trong niềm hạnh phúc...

Chị Đỗ Thị Hương ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) nói với chúng tôi như thế khi được hỏi về cảm nhận những ngày con trai của mình là Phạm Minh Phúc, 12 tuổi, trải nghiệm Khoá tu “Mùa hè yêu thương” lần 2 tại chùa Bình Định, xã Hoàng Nông (Đại Từ).

 

Qua Facebook, chị Hương biết và đăng ký cho con mình tham gia khoá tu. Lúc đầu chị cũng ít nhiều lo lắng, vì con chưa đi xa nhà bao giờ, tính cách con có phần hiếu động, ương bướng. Khoá tu dài 6 ngày, có trên 200 em lớn nhỏ, gái trai từ nhiều nơi khác nhau. Những ngày đầu đến, các con cũng lạ lẫm khi làm quen với môi trường mới, nếp sinh hoạt mới. Ở đó, ai cũng phải học cách sống tự giác, tự lập, kỷ luật, yêu thương giúp đỡ nhau.

 

Chị Hương kể: Tôi rất vui vì con mình đã hoà nhập được với môi trường mới. Tối ngày thứ 4, khi được nhà chùa mời đến tham dự Lễ dâng trà - Báo hiếu, tất cả phụ huynh chúng tôi và các con mới cảm nhận nhiều điều. Qua ô cửa, tôi thấy các con ngồi nghiêm túc, chăm chú nghe thầy giảng về lòng biết ơn đấng sinh thành, ai nấy đều khóc. Khi thầy mời cha mẹ lên ngồi phía trước, để các con quỳ gối dâng trà, tôi đã không kìm được nước mắt, mẹ con tôi ôm nhau khóc. Khoá học kết thúc, đón con về nhà, con líu ríu kể đủ thứ chuyện mình được trải nghiệm rất hay ở chùa. Sau đó, vợ chồng tôi cảm nhận được sự thay đổi của con từ những việc rất nhỏ. Con luôn vui vẻ, tự giác hơn trong học tập, sinh hoạt, chủ động giúp bố mẹ việc nhà, ngăn nắp và có ý thức tiết kiệm, hay nói chuyện với ông bà, bố mẹ.

 

Đến tìm hiểu thực tế tại các chùa, chúng tôi cảm nhận rất rõ cảm xúc của các em khi tu tập tại đây. Đó là vui vẻ, hăng hái khi tham gia trò chơi, tĩnh lặng trong thời thiền, tự giác làm mọi việc từ rửa bát, dọn dẹp vệ sinh, giặt quần áo, những giọt nước mắt xúc động khi nghe thầy giảng, nhớ đến công ơn cha mẹ trong đêm thắp nến tri ân, lễ dâng trà báo hiếu...

 

Em Dương Minh Tuấn, 14 tuổi, xã Nga My (Phú Bình), dí dỏm kể: Không được sử dụng điện thoại như ở nhà nhưng em thấy vui vì được trải nghiệm nhiều điều mới lạ như: Ăn chay, đọc kinh, ngồi thiền; được tham gia các chương trình văn nghệ, vẽ tranh, trình diễn thời trang. Đặc biệt là các thầy rất quan tâm, hết ngày thứ 3 em bị nổi mề đay (ở nhà Tuấn vẫn hay bị như vậy - PV), các thầy đã ân cần hỏi thăm, đưa em ra viện khám không lấy tiền, rồi gọi mẹ lên đón em về, em thấy tiếc vì không được theo hết khoá như các bạn.

 
 

Tại khoá tu “Gieo hạt từ tâm” ở chùa Yên Cư, xã Yên Lãng (Đại Từ), chúng tôi gặp mẹ con chị Phạm Thị Nga, xóm Cây Bòng, xã La Hiên (Võ Nhai). Chị Nga bảo: Tôi rất tin tưởng khi gửi gắm con mình về đây, hi vọng con sẽ có những trải nghiệm bổ ích trong thời gian tu học. Tôi chẳng cần con mình cao siêu, chỉ mong con hiểu về phật pháp, biết được lẽ sống ở đời, thấu hiểu sẻ chia với người khác, biết tự mình đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã... là những người làm cha mẹ chúng tôi đã thấy hạnh phúc lắm rồi. Ở đây, mỗi ngày các con đều dậy sớm, tham gia sinh hoạt tập thể, tự mình làm mọi việc từ rửa bát, giặt đồ, dọn dẹp vệ sinh... Tất cả các hoạt động trên đều được quý thầy, các tăng ni, phật tử, nhà chùa và đội ngũ tình nguyện viên, thanh niên phật tử trợ giúp, hướng dẫn chỉ bảo tận tình như trong một gia đình.

<br>
 

Tư tưởng xuyên suốt của đạo Phật là giáo dục, hướng con người quay trở về với giá trị nguyên sinh, bản năng tiềm tàng vốn có trong chính mỗi con người, giúp mỗi người nhận ra rằng sự có mặt của mình là một điều kỳ diệu.

Trên tinh thần đó, những khoá tu mùa Hè đã được tổ chức rộng rãi trong các chùa trên cả nước trong những năm gần đây, thu hút nhiều người tìm đến. Không chỉ các em thiếu nhi, thanh thiếu niên, nhiều người lớn cũng tham gia trải nghiệm các khoá tu.

Tại Thái Nguyên, hoạt động này diễn ra trong khoảng 2 năm nay, tập trung nhiều tại các chùa, thiền viện trên địa bàn huyện Đại Từ, nơi được mệnh danh là “Đất Phật” của xứ chè. Với nhiều chủ đề, tên gọi khác nhau như: “Mùa Hè yêu thương”, “Hiểu và Thương”, “Gieo hạt từ tâm”, “Gắn kết yêu thương”... các khoá tu tạo cho thanh thiếu niên môi trường bổ ích, lành mạnh, theo tinh thần từ bi-trí tuệ, có nhận thức đúng đắn trong cuộc sống, định hướng tương lai, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội.

 

Các khoá tu không thu bất kỳ khoản đóng góp nào, ai có điều kiện, tấm lòng thì tuỳ tâm ủng hộ. Độ tuổi tham gia khoá tu là từ 12-23 tuổi, thời gian mỗi khoá thường kéo dài từ 3-7 ngày, tuỳ vào điều kiện, khả năng của các chùa. Tham gia khoá tu, các em sẽ được trải nghiệm sống theo phong cách tự lập, nền nếp, chủ động theo quy định của nhà chùa; được hướng dẫn tụng niệm, thiền tập, nghe thầy giảng đạo làm người; học các kỹ năng sống, tham gia các trò chơi, giao lưu văn nghệ; sinh hoạt trong môi trường xa rời internet...

Ban tổ chức các khoá tu cũng phối hợp với cán bộ, bác sĩ, công an, hội chữ thập đỏ địa phương để hướng dẫn các kỹ năng sơ cấp cứu, tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy, an toàn giao thông, tổ chức các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng...

 

Lần đầu tiên được tổ chức nhưng khoá tu “Gieo hạt từ tâm” tại chùa Yên Cư, xã Yên Lãng (Đại Từ), đã thu hút trên 200 em tham gia. Ni sư Thích Thanh Nhàn, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, Trưởng Ban Tổ chức khoá tu “Gieo hạt từ tâm”, chia sẻ: Để Khoá tu diễn ra hiệu quả, an toàn, chùa Yên Cư đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều tháng trước, đảm bảo mọi khâu đều chặt chẽ, tạo điều kiện tốt nhất, hiệu quả nhất cho các em trong thời gian tu học, như: Đăng ký với UBND xã, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh về thủ tục, trình tự; điều kiện cơ sở vật chất, hậu cần, công tác tiếp đón, quản ly tu sinh, xác nhận của các phụ huynh khi gửi gắm con em tại chùa...

 
 

Qua những ngày trải nghiệm ngắn ngủi ở chùa, chúng tôi hi vọng sẽ thổi được “ngọn gió” yêu thương, năng lượng tích cực, đánh thức hạt giống thiện lành trong mỗi người, giúp các con trưởng thành hơn trong cuộc sống - Ni sư Thích Thanh Nhàn chia sẻ thêm.

Bản thân tác giả bài viết này cũng từng có những ngày trải nghiệm một khoá tu ngắn ngày tại Thiền viện Phước Sơn (Đồng Nai) nên cũng cảm nhận rõ những giá trị mà khoá tu mang lại. Song trước khi có ý định gửi gắm con em mình tu học, các phụ huynh cần tham khảo, tìm hiểu kỹ để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

Khi viết bài này, tôi nhớ mãi lời của một vị sư thầy trụ trì (xin phép không nhắc tên): Đời người một lần sinh ra để trải nghiệm, xem việc làm như khúc nhạc tấu lên cho hay rồi hết. Quý thầy chỉ biết làm tốt nhất công việc cho các em trong hiện tại, thấy tâm mình vui, an nhiên khi có nhiều người về sinh hoạt tại chùa chứ không mong cầu gì lớn lao. Vui hơn là sau mỗi khoá, lại có nhiều em trở về đăng ký phụng sự cùng nhà chùa tổ chức các khoá tu khác.

 
 

Xã hội ngày càng phát triển, xung quanh mỗi người có quá nhiều phương tiện, hình thức giải trí thì việc "mất kết nối" với chính bản thân mình, với gia đình, cộng đồng là khó tránh khỏi, nhất là giới trẻ. Bởi vậy, việc tham gia trải nghiệm tại các khoá tu là dịp để không chỉ các em mà mỗi người chúng ta “sống chậm”, nhìn nhận, định hướng lại suy nghĩ của mình, hiểu rõ đúng sai, thiện ác. Từ đó đánh thức, khơi dậy những nét đẹp vốn có, “mạch nguồn trong trẻo” trong mỗi người, để có những hành xử phù hợp, tốt đẹp hơn với gia đình, cộng đồng xã hội.

 

Từ khóa:

Khơi dậy những mạch nguồn trong trẻo

tu tập

khóa tu

Phật giáo


Xem thêm bình luận